CÁI DUYÊN VỚI MẸ QUAN ÂM CHÙA BẢO SÁI – YÊN TỬ
Chuyến Đại cộng hưởng đến Yên Tử tuần rồi là một trong những chuyến đi đẹp nhất của nhà MayQ, với thật nhiều duyên lành. Riêng với bản thân mình, chuyến đi vừa rồi đã bổ sung thêm một phần tuyệt đẹp nữa, một mảnh ghép đầy thiêng liêng, cũng đầy bất ngờ, làm đầy đặn cho một trải nghiệm khó có thể nói rằng tất cả chỉ là ngẫu nhiên. Điều này có liên quan đến một nơi chốn nhỏ bé, khiêm tốn nằm nép mình bên sườn núi đi lên đỉnh Yên Tử, mà nếu bạn là người thuộc team ‘đi cáp treo lên đỉnh núi’, bạn sẽ khó có cơ hội đến được nơi này. Đó là chùa Bảo Sái, ngôi chùa mang tên vị đệ tử thân tín nhất của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, lúc ngài còn sinh thời đã tu hành tại đây, lúc bấy giờ chỉ là một cái am trong động đá.
Nói nào ngay, mình vốn là đứa dốt lịch sử lẫn địa lý, lần đầu tiên duyên đưa đến Yên Tử dễ cũng phải hơn mười năm rồi. Thời đó còn làm ở Ban Ca nhạc Đài truyền hình TP.HCM, được đi ra Quảng Ninh dự Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc, và trong khuôn khổ của liên hoan, tỉnh Quảng Ninh chiêu đãi các đại biểu tham dự một chuyến tham quan Yên Tử. Thời điểm đó, mình vẫn là một ‘Cô Quỳnh Hương của truyền hình’, mỗi năm có theo mẹ đến chùa lễ lạy vài cái, có lòng thành, nhưng chưa có ý thức tu tập gì hết. Và vốn bởi không biết trước lịch trình này trước chuyến đi, nên ngày hôm đó, mình đã phải leo núi với… đôi giày có gót mấy phân. Và mặc dù vẫn có cáp treo, nhưng những con đường leo dốc lên dốc xuống giữa các tuyến vẫn làm cho mình vô cùng mệt mỏi. Và đặc biệt, đoạn dốc gần 100 mét vỏn vẹn đi lên gần tới đỉnh Chùa Đồng, vừa dốc vừa cheo leo, vừa nguy hiểm, khiến cho mình gần như phải bò ra mà lết lên từng bậc. Để rồi lên tới Chùa Đồng, nhìn rừng người đông ken nghẹt cứng xung quanh, mạnh ai nấy chen chúc ráng ra cho được một kiểu ảnh kỷ niệm, mình đã từng tự nhủ với lòng mình, thôi, nơi này, mình chỉ đến đúng một lần này thôi nha!
Vậy mà có những cái gọi là Duyên chăng… Và, phải chăng, nếu vùng đất đó quả thật ‘có duyên’ với ta, thì sớm hay muộn, ta cũng sẽ được ‘gọi’ về. Khi chúng mình đã chuyển sang nhánh du lịch truyền cảm hứng, hướng tâm linh, thì một ngày vào khoảng cuối năm 2020, phía đại diện ban quản lý khu Yên Tử tìm đến gặp chúng mình và ngỏ lời mời chúng mình ra thăm Yên Tử, xem có thể đưa đoàn về đó hành hương được chăng. Chúng mình mở một team nhỏ ra đi khảo sát, và lần này, chắc đã có cái nhìn khác hơn, đã có thể cảm được một tầng sâu hơn về mặt tâm linh và năng lượng, lại đi vào dịp cuối năm, đất trời rộng mở, nắng lại vàng ruộm và khí hanh hao lạnh, được đi từng nơi, đảnh lễ từng ngôi chùa, từng bảo tháp, cũng ngắm được hoàng hôn trải dài xuống bên rặng Yên Tử… Chúng mình chẳng nói hai lời, chốt liền: Sẽ mở một chuyến AN Yên Tử vào đầu năm sau, mang tên Về Miền Phúc Địa.
Chuyến đi của chúng mình mở ra chắc cũng đáp được tiếng lòng của nhiều bạn hữu duyên, nên lần đó, lượng người đăng ký tham gia rất đông, phải đến 350 người, chiếm trọn khu Làng Nương ở Yên Tử. Đoàn lớn như vậy, nên mặc dù đã đi khảo sát qua, nhưng gần đến ngày thật diễn ra chuyến đi, sẵn chúng mình trước đó một tuần lại có mở lớp Offline Căn bản Quản trị cuộc sống với Nhân số học tại Hạ Long, thế là xong lớp, mình cùng với ba cô nhỏ trong team MayQ đã không về lại Sài Gòn, mà đặt xe đi thẳng từ Hạ Long lên Yên Tử, coi như đi tiền trạm cho các khâu một lần nữa trước chuyến. Năm ngày lưu lại tại đó thật sự giống như những ngày tháng ‘thần tiên’ đối với bốn cô trò chúng mình: hít thở đến căng tràn không khí núi thiêng thanh lành, mắt nhìn ngắm no căng không gian xanh mướt của ngàn cây cỏ, bên tai lúc nào cũng róc rách tiếng suối trong… Chúng mình đùa nhau, chúng mình được đặc cách ‘sống đời tiên tử’ mấy ngày đây mà!
Trong năm ngày lưu lại trước khi đoàn lên đó, chúng mình dự định làm nhiều thứ. Tính là vậy, nhưng khi thực tới đó, có vẻ như mọi việc diễn ra hoàn toàn không theo ý chúng mình, mà như tự cuộn đi theo một sự an bài, sắp đặt vi tế nào đó. Đầu tiên, trong lớp Nhân số học của chúng mình ở Hạ Long lần đó có một cặp vợ chồng mới cưới, họ khoe với chúng mình rằng sau lớp học họ cũng đến Yên Tử, chỉ có điều, khác với chúng mình, họ chọn leo bộ hoàn toàn từ chân núi lên đỉnh núi! Chà, leo bộ hoàn toàn từ dưới chân núi lên, điều này chưa bao giờ tụi mình dám nghĩ tới. Tuy nhiên, khi nghe đến ý tưởng này, bọn nhỏ trong team cũng khá hứng thú. Tụi nó nói, hay là ngày mai mình cũng đi thử cho biết, ha cô? Và mình cũng ham vui, Ừ, thì đi! Và ngày hôm sau, bốn cô trò đã cụ bị vật dụng đem theo thật thô sơ. Mình hơn 45 tuổi rồi, được quyền trang bị thêm một cây gậy trúc mua được ở quán lá ven đường lên Chùa Giải Oan. Và thế là bốn cô trò lên đường, chỉ có một niềm tin thơ ngây rằng cứ leo đi, kiểu gì cũng tới ^^
Vâng, và đúng, kiểu gì cũng tới thật, hihi. Có điều chúng mình đã hoàn toàn không mường tượng được, đường đi có những đoạn nó dốc và cheo leo thôi rồi, lại gấp khúc gấp khuỷu, lại vắng tanh vắng teo… Nhưng kỳ lạ, trong suốt dọc hành trình, trong lòng chúng mình không hề dấy lên một cảm giác sợ hãi nào. Chỉ có mệt, cha ơi là mệt quá chừng. Bắt đầu đi từ ngả Chùa Giải Oan từ chín giờ sáng, lên đến quá khỏi khu Chùa Hoa Yên, trèo lên trèo lên mãi…, đường ngày càng khó đi. Đến hai giờ chiều thì chúng mình kiệt sức. Trước mắt thấy trên cao có ngôi chùa nhỏ đạm mạc, đơn sơ, lại hoang vắng, chúng mình bèn lạc bước vào trong. Bên trong chánh điện cũng vô cùng đơn sơ. So với bề mặt chung của các ngôi chùa cổ cùng có mặt trong khuôn viên khu Yên Tử, ngôi chùa này trong có vẻ đạm mạc nhất. Tuy vậy, trong không gian bình dị đơn sơ đó, cả mấy cô trò chúng mình lại tìm thấy sự bình yên đến không ngờ. Dập đầu lễ bái Tam Bảo ở gian chánh điện nhỏ, mấy cô trò ngồi yên, tĩnh tâm hít thở nhẹ vài hơi, đã thấy sinh khí về lại dồi dào một cách không ngờ. Nhận ra ngôi chùa này thật là huyền diệu, chúng mình cúi đầu, lạy Tam Bảo lần nữa… Xong rồi, bước ra ngoài, đi tiếp thêm chục thước nữa, trên đài cao thấp thoáng hình ảnh tượng Mẹ Quan Âm Bồ Tát làm bằng đá cẩm thạch trắng vô cùng đẹp. Việc một tôn tượng Mẹ Quan Âm Bồ Tát to và uy nghiêm, cũng vô cùng hiền từ xuất hiện uy nghi trên sườn núi Yên Tử, giữa trưa vắng khiến cho chúng mình cảm động hết sức. Mấy cô trò bèn kéo lên đài, quỳ đảnh lễ Mẹ. Xong rồi, mình cùng hai trong ba cô nhỏ trong team lưu lại, không hẹn, mà cùng nhau phát tâm trì ba biến Chú Đại Bi, cúng dường lên Ngài. Trì xong, nghe tâm thật nhẹ khỏe, bèn thưa kính chào Mẹ, mấy cô trò lại tiếp tục lên đường.
Đi ra một chút tới ngã ba thì thấy bảng chỉ đường có hai mũi tên, một chỉ đi thẳng sang bên kia sẽ đến Chùa Vân Tiêu, một rẽ phải leo thẳng nữa sẽ lên tiếp lên khu vực tượng Phật Hoàng và Chùa Đồng. Lúc đó mới có dịp nhìn kỹ lại tên của ngôi chùa đơn sơ mà chúng mình đã nương nhờ một đoạn thời gian nghỉ ngơi lại sức đó, thì là tên Chùa Bảo Sái. Dặn bụng, đi về phải tra xem chùa Bảo Sái mang ý nghĩa thế nào, Vân Tiêu là ra sao. Có điều, lòng thèm vô tận được tiếp tục rảo bước sang hướng bên kia để đi khám phá Chùa Vân Tiêu, nhưng cũng biết sợ. Thân gái dặm trường, đường lên tới đỉnh Chùa Đồng không biết còn bao xa, mà trời đã ngả sang chiều. Lang thang đi thêm, lỡ không kịp cáp treo chuyến xuống người ta đóng cửa thì thôi rồi… Thế là trong lòng tiếc nuối, xin khất Vân Tiêu một ngày sớm gặp lại, rồi mấy cô cháu lại rảo bước, trèo lên tiếp.
Lên đến đỉnh Chùa Đồng được là tầm bốn giờ chiều. Vậy là bốn cô trò mình đã leo miệt mài suốt bảy tiếng đồng hồ thì lên được tới đỉnh núi! Một thời gian thật là ‘đáng gờm’ với chính bản thân chúng mình, nhưng đó thật sự là một trải nghiệm đáng giá. Chưa kể, chúng mình lại còn kịp ghi nhận được rất nhiều điều quý giá và hữu ích, bổ sung vào để làm kinh nghiệm cho mấy ngày sau, đoàn lớn của nhà MayQ chúng mình thực sự ra Yên Tử, tất cả đều đã được có sự chuẩn bị và tiền trạm chi tiết và chu đáo nhất. Thật sự biết ơn về điều này.
Bên cạnh chuyến trèo núi ‘dũng cảm ngoài mong đợi’ đó, trong mấy ngày sau, chúng mình lại ngoài ý muốn… ‘được’ dắt lên đỉnh chùa Đồng thêm hai lần nữa. Để tổng cộng năm ngày ra tiền trạm cho chuyến đi, bốn cô trò chúng mình đã ‘được’ điều lên núi Yên Tử ba lần! Nói thì ngắn gọn như vậy, nhưng ba lần lên núi theo những cách thức cực kỳ lạ lùng, ngoài ý muốn, đi lạc… nhưng lòng chưa từng dấy lên một mảy may sợ hãi nào. Có những đêm tối gần bảy giờ, cả núi gần như chỉ còn có bốn cô cháu, vẫn rất bình tĩnh khấn: “Xin cho chúng con được bình an xuống núi”, rồi nhẹ nhàng mở đèn pin trên điệt thoại, mở bài Chú Lăng Nghiêm mà mình đã tự thu âm trên điện thoại để mỗi khi cần đọc thì lại mở ra đọc cùng…, cứ vậy mà cứ bình thản mà đi dần xuống núi. Cũng may, những lần ấy, cáp treo đều còn mở cửa muộn, và chúng mình đều được an lành về lại Làng Nương.
Năm ngày lưu lại trên đó đã đủ biến Yên Tử trở thành một chốn thương thiết, như Nhà của chúng mình, một kiểu Nhà năng lượng, mà mỗi khi mệt mỏi hay cảm thấy cần một sự ‘tái sạc pin’, chúng mình sẽ lại về đó. Hơn thế nữa, mình âm thầm quan sát sự vi diệu trong chuyển biến của tâm, vì cũng thật thấy thương, sau chuyến đi về, hai đứa nhỏ đã nguyện lưu lại trên Đài Quan Âm để trì ba biến Chú Đại Bi với mình ngày đó, về chúng nó đều đã những cuộc ‘lột xác’ thật ngoạn mục. Như thế có Mẹ Quan Âm dẫn dắt, hai đứa nhỏ này trở nên chí thú miên mật tu tập, không đợi mình nhắc nhở, và đồng đều với sự miên mật đó, cả năng lực tâm linh lẫn năng lực chuyên môn của hai đứa nó đã vững vàng tăng tiến lên đều đều, và cả hai đã sớm trở thành những nhân sự hỗ trợ đắc lực cho mình trong mảng nội dung. Vì thế, không ngạc nhiên khi chuyến company trip năm sau đó, khi dị.ch đã lui, chúng mình quyết tâm chọn đất Yên Tử để đưa team MayQ ra, mà trong đó, ngày leo lên núi, có hơn phân nửa team đã chọn lựa trèo bộ lên núi giai đoạn 2 với chúng mình, đoạn qua khỏi Hoa Yên, để có thể trèo được đến viếng Chùa Bảo Sái và Vân Tiêu. Và cũng trong chuyến company trip đó, chúng mình cũng đã thật xúc động đứng quây quần bên nhau bên dưới chân tượng Mẹ Quan Âm Bồ tát trên đài cao bên ngoài không gian chùa Bảo Sái, để cho mình xúc động thưa với Ngài, rằng chúng con biết ơn Ngài nhiều, đã âm thầm che chở và dẫn dắt chúng con, để hôm nay, ngoài hai đứa nhỏ ngày trước nay đã vững vàng trưởng thành, con còn xin đưa ra thêm mấy đứa nhỏ khác này nữa, mong Mẹ tiếp tục che chở và dẫn dắt cho các em, các cháu, dẫn dắt cho nhà MayQ chúng con trên con đường làm nhiệm vụ của mình một cách tốt đẹp nhất… Đó có lẽ cũng là những phút giây thật ‘chạm’, bởi sau đó về, tinh thần làm việc và gắn kết của mọi người trong team cũng được gắn bó thêm nhiều. Cũng trong chuyến company trip đó, ước nguyện mấy năm trước của chúng mình là được trèo đường dốc sang Chùa Vân Tiêu cũng đã được thỏa rồi. (Hóa ra, đường từ Chùa Bảo Sái sang Chùa Vân Tiêu ngắn ngủn hà, vậy mà chỉ vì một chút ngăn trở không được đi ngày đó, Vân Tiêu đã nằm trong niềm khắc khoải của mấy chúng mình suốt mấy năm trời, hihi).
Chuyến Đại cộng hưởng của năm tiếp theo diễn ra đầu năm ngoái, 2022, và như một sự mặc định “Đây là đi làm”, chúng mình đã tuân thủ theo lịch trình di chuyển chính thức của cả đoàn, vừa để tiết kiệm sức, vừa để kịp thời gian để đi vào đầy đủ những thời cộng hưởng chung. Và đương nhiên, vì thế hai địa danh ‘Bảo Sái’ và ‘Vân Tiêu’ đã không thể nằm trong lộ trình của chúng mình lần ấy.
Năm 2023 này cũng là năm cá nhân số 4, vùng trũng năng lượng tự nhiên của mình theo Nhân số học Pythagoras. Trải dài từ đầu năm đến khoảng giữa năm, rất nhiều ‘bài khảo’ tới liên tục trong mọi mặt, nhiều khi ‘vuốt mặt không kịp’ luôn. Mình bèn xin ‘thương lượng’ với team xếp lịch công tác, cho mình lách ra một dịp nào đó, vài ba ngày, cho mình trở về Yên Tử, về Nhà năng lượng của mình ở chốn cao đó mà nghỉ ngơi, tịnh dưỡng, tái ‘sạc pin’. Team đồng ý liền, sắp cho mình một ngày cuối tuần trống duy nhất là dịp 25/6/23, với điều kiện: tranh thủ dịp ra Bắc mà đến khảo sát luôn cho chuyến đi sắp tới lúc đó của chúng mình, là Địa Tạng Phi Lai và Chùa Tam Chúc ở Hà Nam nhé. Mình hoan hỉ ‘xin vâng’, và rủ đúng hai đứa nhỏ từng có duyên cùng mình leo núi đầu tiên lạc bước đến Chùa Bảo Sái và có thời trì Chú Đại Bi trước Mẹ Quan Âm lần đó, ba cô trò hớn hở lên đường.
Đi làm chuyện công tác trước chứ, thế là ba cô trò đã đến Hà Nam trước, và đã khảo sát mọi khâu một cách kỹ lưỡng (sau đó, chúng mình cũng đã đưa được đoàn Đại cộng hưởng Hà Nam thành công như mong đợi). Xong rồi, giờ là thời gian nghỉ ngơi nhé. Chúng mình đặt xe chở chúng mình từ Tam Chúc về Yên Tử đây. Yên Tử, chúng con đến đây!!!
Thế nhưng mọi việc có vẻ không ‘sáng sủa’ như chúng mình mong đợi. Buổi sáng hôm ấy, trời mưa bão liên tục, gió giật và nước chảy cuồn cuộn qua các cung đường, thật nguy hiểm. Anh lái xe bảo, các chị đi đúng lúc đang có cơn bão lớn, hôm qua ở Yên Tử có hiện tượng đá lở, hôm nay không biết các chị về đó có suôn sẻ không nha… Và sau gần năm tiếng đồng hồ vượt lũ trên đường dốc và các loại cây ngã, đá lăn…, chúng mình cũng đã đặt chân được đến khu Làng Nương yêu dấu. Được check-in vào gian phòng quen thuộc, ngồi lặng ngắm dòng suối bình thường rất hiền hòa bên ngoài gian nhà bỗng nhiên hôm nay cuồn cuộn chảy một cách hung dữ, tụi mình thầm thở dài, ôi, không phải ‘dịp lựa người’ để đưa chúng mình lên đây ngay lúc ‘trời đất không yên’ nhất này chứ?
Nhưng việc đã định, tụi mình cũng học Phật được vài năm, cũng đã tỏ ngộ nguyên lý vạn sự là duyên, nên duyên đến như thế này, cũng tùy tâm đón nhận hoan hỉ thôi, không muộn phiền gì. Quyết tâm lên kế hoạch đã định từ nhà: ngày mai, mưa gió gì cũng sẽ leo lên núi. Đi cáp treo chặng 1 để tiết kiệm sức, lên tới Chùa Hoa Yên, sẽ tiếp tục trèo đường bộ mà lên. Vì lần này mục tiêu chính của chúng mình là đi nương náu, ‘sạc pin tâm’, nên địa điểm lớn nhất của chúng mình chính là ngôi Chùa Bảo Sái, ngôi chùa đạm mạc, đơn sơ đã đi vào lòng chúng mình một cách thật tự nhiên, ngày từ lần đầu tiên được lạc bước đến đó. Dự định sẽ cùng nhau đọc một thời Kinh Địa Tạng tại chánh điện của chùa, sau đấy sẽ lại làm một điều quen thuộc: tiến ra Đài Quan Âm bên bên ngoài chùa mà đảnh lễ và trì 21 biến Chú Đại Bi. Đơn giản vậy thôi.
Ngày hôm sau, trời vẫn mưa tầm tã thật. Đường xá khá vắng vẻ, vì nhiều người cũng ngại trời mưa bão nên không lên viếng. Chúng mình qua khỏi cáp treo chặng 1, dừng chân đảnh lễ tại Chùa Hoa Yên mới nhận được tin: do sự cố bão lớn, điện đã hỏng một phần, nên cáp treo chặng 2 đưa khách từ Chùa Hoa Yên lên Chùa Đồng không hoạt động. Với chúng mình thì không sao, vì tụi mình đã xác định trèo bộ chặng 2 rồi mà. Nhưng một số nhóm khách nhỏ đi lên viếng Chùa Đồng thì không được bình thản như vậy. Bởi vì, cách duy nhất để đi lên đó, chỉ còn cách… chịu khó trèo bộ, như chúng mình mà thôi.
Thế là cùng nhau đi nha. Toán trước toán sau, lội núi trèo đèo khoản một tiếng dưới mưa thì cũng đến được một quán nhỏ ven đường, nằm ngay dưới con dốc bậc thang dẫn lên Chùa Bảo Sái. Chúng mình hoan hỉ ghé vào, lau khô bớt quần áo bị thấm nước mưa, ăn một chút củ đậu (trong Nam gọi là củ sắn), và nghe bác chủ quán thông tin một chuyện nghe còn bất ngờ hơn nữa: các cô cậu không đi lên Chùa Đồng được đâu, vì đoạn đường giữa Chùa Bảo Sái và Chùa Vân Tiêu có hiện tượng đá lở trong cơn lốc dữ dội hôm qua, đá còn rơi ngổn ngang, cây ngã đè ngang đường rồi, người ta đã để bảng cấm đi, nguy hiểm lắm. Tất cả các đoàn khác đều chưng hửng, nhìn thấy tội nghiệp luôn. Bởi vì, hãy biết là đoạn đường trèo ngược dốc để lên đến đó nó cũng đã xa lắm, và trong tiết trời mưa bão, nó cũng nhọc nhằn lắm. Một số bạn trẻ chọn lựa quay trở xuống. Một hai nhóm nhỏ khác nói lỡ rồi, thôi lên thắp nhang Chùa Bảo Sái tạm, rồi đi xuống vậy. Tóm lại, đối với tin dữ này, chỉ có ba cô trò chúng mình là còn giữ được sự bình thản. Bởi vì, thôi lần này không lên được Chùa Đồng hay tượng Phật Hoàng cũng không sao, mục tiêu chính của chúng mình lần này là Chùa Bảo Sái cơ mà. Nghĩ đến đó, thấy thật sự là cảm giác “Trong cái rủi còn có chút may mắn” rồi.
Kế hoạch cứ thế mà tiếp diễn. Lúc ba cô trò chúng mình đến Chùa Bảo Sái, không gian lại một lần nữa vắng tanh. Chúng mình dọn bộ, ngồi vào, đảnh lễ, đọc Kinh Địa Tạng. Thi thoảng cũng có một vài nhóm khách nhỏ ghé vào, đảnh lễ Tam Bảo, rồi họ cũng nhanh chóng ra đi. Bộ kinh khá dài, nên ba cô trò chúng mình đọc xong cũng phải hơn hai giờ đồng hồ. Mình nói với tụi nhỏ, nào, bây giờ tụi mình đi ra, nhìn thử đường sang Chùa Vân Tiêu có thực sự bị nghẽn không, nếu vẫn đi được, chúng ta quyết tâm vẫn đi tiếp lên nha!
Vừa bước ra khỏi không gian chánh điện, đã… hơi hoảng vì cảnh tượng hoang tàn bày ra ngay trước con đường ngắn dẫn qua Chùa Vân Tiêu. Cây ngã hàng loạt, đất đá và cả xi măng… còn văng tứ tung. Chúng mình thở dài, nói thôi lần này chưa có duyên lên đến cao hơn rồi. Chúng ta đi ra đảnh lễ Mẹ Quan Âm, trì Chú Đại Bi, rồi xuống vậy.
Ở đoạn này, phải công nhận cái sự ‘có tuổi’ của mình. Bởi trong lúc mình còn lụi cụi mặc áo mưa để chuẩn bị đi ra, hai đứa nhỏ đã nhanh nhảu chạy ra trước. Và trong sự kinh ngạc của mình, mình nghe tụi nhỏ kêu kinh hãi: “Thôi, cô ơi, cô đừng lên đây nữa! Không được rồi!” Mình nào nghe lời tụi nó, cũng cố gắng bò lên vài bậc tam cấp đá, bình thường dễ đi đến là bao nhiêu, nay đã sạt lở hết cả. Tụi nhỏ lần từng bước bò trở xuống, mặt không giấu nổi vẻ đau lòng: “Cô ơi, tượng Mẹ cũng bị đá lở làm cho sạt đổ một phần quan trọng rồi!”
Nếu có một từ ngữ nào có thể mô tả chính xác cảm giác mà ngay lúc ấy, tại nơi ấy, mình cảm thấy thế nào, thì… mình không tả được! Ngũ vị tạp trần, bao nhiêu cảm giác cùng lúc dồn đến, như thể một giọt nước cuối cùng làm đầy đến rưng rưng ly cảm xúc mà chúng mình đã cố gắng lướt qua, từng tín hiệu từng tín hiệu một, từ mưa bão, đến ngưng cáp, đến leo bộ, đến thời Kinh Địa Tạng hai ba tiếng đồng hồ một cách vô tư hồn nhiên ngay sát cạnh nơi ‘Mẹ Quan Âm’ thân thương của chúng mình ‘thọ nạn’, mà chúng mình đã không hề hay biết gì… Và, quan trọng hơn, vì sao? Vì sao giữa một lịch công tác dày đặc kín mít, chúng mình đã chỉ có thể ngẫu nhiên trống đúng có một cuối tuần ấy? Và cái gì, cái trực giác nào hay cái gì dẫn dắt, đã khiến mình bất an và khó chịu, mà mình diễn giải nó thành ‘tuột năng lượng cần đi sạc pin’, mà nơi chốn chúng mình chọn lại chính là Yên Tử chứ không phải bất cứ nơi nào khác? Và cũng chính Chùa Bảo Sái chứ không phải bất kỳ một địa điểm linh thiêng nào khác trong cùng quần thể, chúng mình muốn hướng đến chủ yếu lần này để ở đó tu tập, trì kinh, đọc chú? Một ngàn ý nghĩ “Tại sao?” “Vì cái gì” xoay mòng trong đầu mình, nhưng đó không phải là lúc để đứng đó mà suy nghĩ. Tự nhiên lúc đó, trong lòng chúng mình chỉ dấy lên một thôi thúc mãnh liệt: có thể do mình ngẫu nhiên có mặt tại đây, ngay tại thời điểm nghiêm trọng ấy, có thể một chút sức nhỏ bé của chúng mình có thể giúp gì được cho ‘Mẹ’ chăng? Và vì thế, ba cô trò chúng mình quay trở lại hiên mái Chùa Bảo Sái, mặt hướng về khu vực ‘Mẹ’ đang ‘thọ nạn’, mà đầy thành kính, nghiêm túc trì 21 biến Chú Đại Bi. Trong lòng chúng mình, 21 biến Chú Đại Bi không còn mang ý nghĩa tích lũy năng lượng hay công đức gì cho bản thân chúng mình nữa cả, chỉ đơn thuần một cảm giác: thấy người thân, người thương của mình đang ‘gặp nạn’, thì dốc trọn lòng ra mà góp giúp được lúc nào hay lúc ấy, vậy thôi!
Trì xong 21 biến thì trời cũng ngả chiều tối. Chúng mình hối hả dọn đồ chuẩn bị xuống núi. Gặp được anh trực giữ Chùa Bảo Sái, hỏi thăm, mới biết cơn lốc dữ vừa diễn ra trưa hôm trước đã gây ra cảnh tượng đau lòng này, các anh đã báo về ban lãnh đạo, hy vọng sẽ sớm có phương án xử lý. Chúng mình đi về trạm cáp treo và đi xuống núi, trong lòng mỗi người đều trĩu nặng, không nói thành lời. Sự việc như thế này, cả ba cô trò chúng mình đều mới chỉ gặp qua lần đầu! Chỉ biết im lặng mà cầu nguyện.
Mang theo tâm trạng nặng lòng đó, đi suốt mấy tháng thì chuyến đi Đại cộng hưởng hàng năm của nhà MayQ lại tiếp tục đưa đoàn 250 con người về lại với Yên Tử. Thú thật, thời gian đã diễn ra quá xa, và trong đầu mình, mình nghĩ hẳn nơi ấy đã phải được thu xếp lại cho mọi việc ổn thỏa từ lâu rồi. Lịch chọn đầu tiên cho chuyến đi là đầu tháng 12, nhưng không biết do sự nhầm lẫn kỳ lạ nào của team Sales bên Yên Tử, họ lại nhận nhầm đoàn chúng mình trùng với một đoàn khách khác, vốn đã đặt trước chúng mình rồi. Và vì thế, họ thuyết phục chúng mình dời sang ngày khác. Và cái ‘ngày khác’ mà khu Làng Nương còn trống trong tháng 12, chính là dịp 22-24/12. Ban đầu tụi mình có e ngại, sợ trùng dịp lễ Giáng sinh, mọi người sẽ phải ở nhà với gia đình. Nhưng rồi khi không còn chọn lựa nào khác, chúng mình quyết tâm, được bao nhiêu cũng đi. Và cuối cùng, khi đã chốt xong, mới phát hiện ra, ngày 23/12 năm nay cũng ngẫu nhiên rơi vào ngày Đức Phật Hoàng đản sanh! Chao ơi, thật là cảm động. Nghĩ, vậy là chúng mình có duyên đưa người ra làm lễ tưởng niệm ngày sinh Phật Hoàng rồi. Và đúng y như vậy, chuyến đi vừa rồi, trời đất đã đẹp như chưa bao giờ đẹp như vậy. Đoàn chúng mình cũng đã đủ duyên để có những thời thiền nến bên Hồ Ngoạn Nguyệt, thời tưởng niệm thiêng liêng ngày sinh và công đức Phật Hoàng ngay dưới khu vực đẹp đẽ, dưới chân tôn tượng Ngài…
Vấn đề là, lần này trở lại, cũng vẫn mang tâm thế ‘đang đi làm nhiệm vụ’, lại đảm trách nhiệm vụ dẫn dắt chính cho cả đoàn, nên mình không dám để len vào đầu bất kỳ một tâm tưởng nào việc có thể lách ra một chút thời gian để có thể trèo bộ lên núi, giai đoạn 2 ấy từ Chùa Hoa Yên, để có thể lên chốn cũ, thăm viếng Người Thương một thuở từng gặp nạn… Thế nhưng, đang cùng cô bé trợ lý, cũng là một trong hai đứa nhỏ cùng chứng kiến cảnh tượng với mình ngày đó, đến ngang Chùa Một Mái, tụi mình tình cờ gặp em Phong Windie cũng đang vào đó xin thỉnh nước từ suối nguồn. Em rủ nhỏ: Mình đi leo bộ lên Bảo Sái không? Hai cô trò chúng mình ngó nhau. Rồi như một sự thống nhất nào đã có sẵn từ đầu, chúng mình đồng loạt gật đầu: Đi!
Đường lên Chùa Bảo Sái hôm nay trời nắng ráo nên dễ đi hẳn, tuy vậy, đường dốc và khúc khuỷu cũng làm cho hai cô cháu vừa đi vừa thở hào hển mới chạy theo kịp tốc độ của em Windie. Tới ngay quán nước nhỏ ven đường, quán nước đến là quen thuộc, đã cung cấp ‘tin dữ’ cho chúng mình ngày đó, chúng mình cũng lại tạt vào. Cũng dùng đôi ba củ đậu ủng hộ bác hàng nước, đổi lại vài câu chuyện nhỏ vu vơ. Bác hàng nước cười, nói “Dạo này người ta đi cáp treo là chủ yếu, nên trục đường này bây giờ vắng khách lắm.” Rồi bác hỏi thăm: “Thế các cô chú là lần đầu ra đây à?” Mình cười, “Dạ không, em là khách quen của bác ấy chứ. Lần trước em ra đây đúng ngay ngày mưa bão, cơn dông làm đá lăn, cây đổ, và làm tượng Mẹ Quan Âm trên Chùa Bảo Sái cũng bị nạn mà.” Và sẵn tiện, mình hỏi thăm luôn: “Thế khu vực trên ấy, hôm nay thế nào rồi ạ bác?” Nghe nhắc đến việc này, đôi mắt bác hàng nước sáng lên hẳn. Bác vui mừng đáp: “Ôi, thế thì cô chú lại có duyên rồi! Mới hôm qua, người ta mới đưa được pho tượng mới của Ngài theo đường ròng rọc kéo dọc suốt lên núi đấy!” Và bác lại bồi thêm một câu: “Lẽ ra nửa tháng trước đây đã xong rồi, nhưng nghe nói có chút trục trặc kỹ thuật gì đấy, mãi hôm qua mới đưa được lên đấy.”
Ôi? Cái tin tức này lại thêm một lần nữa làm chúng mình chấn động.
Lại một trăm câu hỏi “Vì sao?” “Sao ngẫu nhiên quá vậy?” được trào đến với chúng mình cùng một lúc. Vì sao lần trước, chúng mình cũng được thúc giục từ trong nội tâm, phải thu xếp đi ra Yên Tử và tìm lên được Chùa Bảo Sái, cũng chỉ sau đúng một ngày diễn ra sự cố đá lở ấy. Và ngày nay, cũng sau đúng một ngày tượng mới của Mẹ Quan Âm được đưa thành công lên núi, được an vị tại đúng nơi cũ ấy, chúng mình lại được dắt duyên lên lại đây? Mà lại ngộ hơn, là lẽ ra đoàn chúng mình đã ra đây từ đầu tháng 12, nhưng nếu đi y theo lịch cũ, thì lúc ấy tượng mới cũng đã chưa xong mà có mặt trên này! Chúng mình ai nấy đều cảm thấy… hơn cả chữ bồi hồi. Tự đáy lòng, chúng mình có cảm giác, cái nhân duyên kỳ lạ nào đấy, gắn chúng mình với nơi đất thiêng này, mà cụ thể hơn, thương thiết hơn, gắn với Mẹ Quan Âm ở cheo leo sườn núi thiêng Yên Tử, bên ngoài chùa Bảo Sái này, nó… quá lạ lùng và… thấy thương quá đi!
Nghĩ đến đó là nước mắt đã muốn rưng rưng rồi. Chúng mình lật đật chào tạm biệt bác hàng nước, leo ngược con dốc với những bậc thang dài, là đến được Chùa Bảo Sái vô cùng yêu thương, thương thiết ấy ‘của chúng mình’. Vào chánh điện, yên lặng đảnh lễ với tất cả sự thành kính, rồi vội vã đi ra khu Đài Quan Âm. Đã kịp nhìn thấy trên cao, uy nghi một pho tượng mới, Mẹ Quan Âm không hoàn toàn giống in hệt như pho tượng cũ của Mẹ, nhưng cũng thật đẹp, và tràn đầy sự an nhiên và lòng từ bi! Một nhóm công nhân thi công vừa xong đang thắp một nắm hương, họ chỉ chúng mình xem chiếc thuyền bằng gỗ đóng để đặt tượng Mẹ vào và dùng hệ thống ròng rọc kéo lên trên núi, bảo “Chị xem, chúng tôi vất vả hai ngày nay, tới giây phút này mới chính thức xem như hoàn công. Sẵn chị hữu duyên có mặt ở đây, cùng thắp với anh em chúng tôi một nén hương mừng cho công trình hoàn tất đẹp đẽ nhé!” Tụi mình lại thêm một lần rưng rưng! Duyên gì mà chúng mình đến vừa vặn như vậy!
Toán công nhân thắp hương xong thì cũng rút xuống để đi xuống núi. Chỉ còn lại mấy cô trò chúng mình. Chúng mình quỳ xuống đảnh lễ, lòng thổn thức muôn phần. Chỉ cảm thấy, khi được hữu duyên dắt về đây trong hai khoảnh khắc khá đặc biệt này, mỗi lần cách nhau tận sáu tháng, trong những hoàn cảnh hoàn toàn như ngẫu nhiên, chúng mình quả thật nên tiếp tục góp năng lượng vào, cho Mẹ được trường tồn nơi này, bảo vệ sự an lành cho không gian thiêng liêng ở nơi núi thiêng này. Em Phong phải chạy nhanh lên đỉnh núi để tiếp tục lo chung cho đoàn, chỉ còn mình và em trợ lý của mình ở lại. Chúng mình quyết sẽ trì một thời Chú Lăng Nghiêm và 21 biến Chú Đại Bi cúng dường cho Mẹ, tương tự như ngày nào sáu tháng về trước, chúng mình cũng đã từng ở nơi này mà dành 21 biến Chú Đại Bi cúng dường cho Mẹ ngày thọ nạn… Vừa chắp tay chuẩn bị trì thì có một vị sư thầy mang hương nhang đi lên, cùng với vài chị Phật tử. Thấy tụi mình đã sẵn sàng vào tư thế, vị thầy ấy cười hiền lành: “À, đã có các bạn hành trì trên này rồi này”. Rồi thầy rất ý vị cùng các chị Phật tử yên lặng thắp hương và rồi lại rút xuống, để cho chúng mình được toàn tâm toàn ý vào từng thời chú. Mình cảm nhận một sự nhiếp tâm sâu sắc, cũng cùng là nỗi xúc động sâu xa không thể tả thành lời, khi hai chúng mình cùng nhau trì cho qua bao nhiêu biến các chú ấy. Cảm giác, sức lực nhỏ bé của chúng mình, ít ra qua giai đoạn thứ hai này, cũng đã giúp ích được một chút gì đó, cho Mẹ rồi chăng!
Tạm biệt vị sư thầy, mà sau tụi mình mới được thầy cho biết là từ Chùa Vân Tiêu bên cạnh, cùng hai chị Phật tử dễ thương, sang để tiến hành lau cho thân tượng mới của Mẹ, hai cô trò chúng mình rảo bước trèo thêm nửa tiếng đường dốc núi nữa, thì lên tới khu vực toàn đoàn hẹn nhau tập kết ở dưới chân tượng Phật Hoàng để làm lễ tưởng niệm ngày sinh của Ngài. Lên được đến nơi, thời may vừa khít giờ hẹn. Nhìn mình thở hào hển, ai cũng thương cảm. Nào ai có hiểu mình từ ở đâu đi lên, vì sao mình lại mệt đến như vậy. Mình đứng đó, ngắm một tập thể cả hơn 250 con người đang ngồi rất có ý thức và quy củ ở kia, lòng chợt ngộ ra: Có thể nào, Ơn Trên đang dắt duyên cho chúng mình về đây ngay dịp này, mà còn đưa được theo vài trăm con người, là để góp được một sức lực nào đó, lớn hơn, cho Ngài Quan Âm đang ngự ở khu vực Chùa Bảo Sái hôm nay mới được dựng mới kia? Cân nhắc thận trọng một chút, mình lại càng thấy ý nghĩa này càng trở nên chân thật và đúng đắn. Bèn kể lại cho cả đoàn nghe vắn tắt mọi chuyện đã xảy ra. Thế là sau khi trải qua thời tưởng niệm chính thức dâng Đức Phật Hoàng, cả đoàn đã cùng nhau xoay lại, hướng về Chùa Bảo Sái, và đã cùng nhau trì vang bảy biến Chú Đại Bi, hướng về Đức Quan Âm tại đó!
Mình tin rằng, đó hẳn là một trong những phút giây xúc động nhất trong hành trình, ngoài kế hoạch đã định sẵn. Giây phút cả hàng mấy trăm con người nhất tâm đồng lời, ai thuộc Chú Đại Bi thì trì nằm lòng, ai không thuộc mở tập kinh đọc, ai đọc không kịp nữa thì chỉ cần nhắm mắt nhiếp tâm nghe mọi người xung quanh đọc cũng là quý lắm rồi… Nhiều người nước mắt đã rơi. Chúng mình cảm nhận một sự thiêng liêng vượt ngoài ngôn ngữ! Để rồi thời chú trì xong, chúng mình đồng nhau ngẩng đầu nhìn lên trời xanh. Một bên mặt trời to vàng cam đang thu dần những tia chói lọi để lăn dần xuống núi phía Tây, bên kia, trăng 11 gần tròn đang hiển hiện rõ nét. Phía sau là tượng Phật Hoàng sừng sững, phía trước, rặng mây đang cuộn nhẹ hình một dáng rồng hiền hòa… Chúng mình biết, ở trước mặt chúng mình thôi, tầm vài trăm mét đường chim bay, chính là nơi tượng Phật Mẹ Quan Âm thân thương của chúng mình đang ở đó, và có lẽ, cũng đã nhận được trọn vẹn năng lượng và tình thương kính mà cả đoàn chúng mình đã hướng về Người. Thương xiết bao là thương mà!
Ngay tại giây phút ấy, những nỗi nặng lòng của mình về việc này bao tháng qua như đã tìm được lời giải. Mình cảm nhận thật rõ, mọi việc đang có những sự an bài, xếp đặt sẵn bởi Ơn Trên, mà chúng ta chỉ cần cố gắng hết mình, trong mọi hoàn cảnh, rồi sau ‘phần A’ không vui không hay nào đó, rồi mình sẽ đủ duyên trải nghiệm được nốt ‘phần B’ viên mãn. Và mình cũng đã biết rồi. Kể từ chuyến Đại cộng hưởng trở về Yên Tử năm sau trở đi, chúng mình sẽ mở thêm một tuyến đường nữa cho các thành viên chúng mình chọn lựa tham gia. Những ai có đủ sức khỏe, có tu tập qua để có thể cùng cộng hưởng hành trì với chúng mình, sẽ theo chúng mình mà trèo bộ đường núi, chặng 2 này. Để rồi, ở đó, chúng mình sẽ lại có thể đến chiêm bái Chùa Bảo Sái, lại được đi ra Đài Quan Âm thân thương mà đảnh lễ, mà cùng nhau trì Chú Lăng Nghiêm và Chú Đại Bi, như cách mà mấy lần qua, dường như đã thành một thông lệ thân thương rồi. Để rồi, sau đó, chúng mình sẽ đi qua viếng Chùa Vân Tiêu xinh đẹp và cũng thân thương không kém, rồi trèo ngược lên để rồi lại hội cùng cả đoàn ở thời cộng hưởng đặc biệt dưới chân tượng Phật Hoàng, như điểm nhấn đặc biệt của mọi hành trình trước giờ. Chao ơi, mới nghĩ tới đó thôi, mà đã nghe lòng hoan hỉ và ấm áp lắm.
Gửi vạn niệm lành cho Mẹ Quan Âm ở Chùa Bảo Sái an lành, trường tồn ở nơi thiêng liêng thanh tĩnh ấy. Chúng con rồi sẽ lại về được bên mẹ, hàng năm, chúng con tin là như vậy.
Thương lắm!
(29.12.2023 – QH & MayQ Team)
+ Đi kèm với bài viết này là tấm ảnh chúng mình nhờ các anh công nhân chụp được ngày đưa được tượng mới của Ngài lên, chứ những dịp trước đây đã đến đã từng đảnh lễ ở đó với tôn tượng cũ, chúng mình mải miết nhập tâm đảnh lễ, không có nhớ chụp hình lại làm kỷ niệm. Cũng may, em Phong còn lưu lại một tấm hình chụp tượng cũ của Ngài, chúng mình ghép cạnh đây (bên trái), để lưu giữ một chút gì đó về hình ảnh cũ và mới của Ngài, các bạn nhé.
Không có bình luận