SERIES LƯỢNG CẢ BAO DUNG – BÀI 2: ‘LƯỢNG CẢ BAO DUNG’ KHI ĐỐI MẶT VỚI ‘SINH – LÃO – BỆNH – TỬ’

>
>
SERIES LƯỢNG CẢ BAO DUNG – BÀI 2: ‘LƯỢNG CẢ BAO DUNG’ KHI ĐỐI MẶT VỚI ‘SINH – LÃO – BỆNH – TỬ’
SERIES LƯỢNG CẢ BAO DUNG - BÀI 2: ‘LƯỢNG CẢ BAO DUNG’ KHI ĐỐI MẶT VỚI ‘SINH - LÃO - BỆNH - TỬ’

[Từ những lời dạy của Sư Ông Làng Mai] Series LƯỢNG CẢ BAO DUNG (NHẪN BA LA MẬT)

[Lời QH] Cả nhà mình thương mến, “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” hay “Sinh – Già – Bệnh – C.h.ế.t” là chuỗi bốn khái niệm mang tính quy luật mà dường như ai ai cũng biết. Cùng với khái niệm “Lượng cả bao dung”, tức tập nuôi cho tâm lượng của mình càng ngày càng trở nên lớn hơn, dung chứa được hết thảy những phiền não, bất ý đến với mình một cách nhẹ nhàng, Sư Ông Làng Mai dạy, chính là một hình thức của hành pháp Nhẫn Ba La Mật theo Phật giáo. Theo sau bài 1 phác họa khái niệm về ‘Chịu’ – ‘Đựng’ & ‘Tâm lượng’ để hướng đến ‘Lượng cả bao dung’, bài 2 hôm nay xin được lảy tiếp lời dạy của Sư Ông khi đối diện với bốn vấn đề, bốn nỗi khổ mà người đời ai cũng gặp này. Mời cả nhà cùng tiếp tục học với chúng mình nhé.


[Bài dạy của Sư Ông]

Trước hết chúng ta hãy nói về bệnh. Bệnh là một cái mà tất cả chúng ta đều phải chấp nhận. Chúng ta người nào cũng có một chút bệnh, ít hay nhiều. Chúng ta phải có cái lượng khá lớn để có thể chấp nhận được cái bệnh của chúng ta. Cố nhiên bệnh lớn thì phải thực tập nhiều. Và bốn cái bệnh lớn nhất là bệnh chết, bệnh già, bệnh sinh và bệnh bệnh.

BỆNH C.H.Ế.T

Trước hết chúng ta hãy quán chiếu về bệnh c.hế.t. C.h.ế.t là một cái bệnh. Tất cả chúng ta đều đang mang cái bệnh đó ở trong người, tại vì chúng ta ai mà không phải chết. Người thì c.h.ế.t sớm, người thì c.h.ế.t trễ. Anh nói rằng anh có ung thư, anh sẽ c.h.ế.t trong vòng sáu tháng. Anh nói rằng tôi không có ung thư, tôi không c.h.ế.t. Cái đó không đúng. Tôi cũng đang c.h.ế.t như anh. Tôi chỉ c.h.ế.t trễ hơn anh thôi. Anh và tôi cùng mang chung một thứ bệnh, đó là bệnh c.h.ế.t. Có nhiều người tìm cách để quên rằng mình có cái bệnh c.h.ế.t đó. Các nhà triết học và đạo học đều đặt vấn đề: Tại sao ta sinh ra? Để rồi ta phải c.h.ế.t?

Có người đi tìm phép trường sinh bất tử, đi tu đạo Lão, tịch cốc, luyện đơn. Có người đi tu theo đạo Bụt (đạo Phật)… Thiền sư Tiên Nhai của Nhật, một hôm viết xuống một chữ Tử rất lớn. Rồi thầy viết thêm một hàng nhỏ: “Nếu người nào thấy được bản chất của cái này thì mới là bậc đại trượng phu”. Tất cả chúng ta ai cũng đều có cái bệnh c.h.ế.t. Đạo Lão, đạo Tiên cũng đi tìm cách chữa bệnh này, đạo Bụt (đạo Phật) cũng đi tìm cách chữa bệnh này. Chúng ta phải chịu đựng nó bởi vì nỗi sợ c.h.ế.t là cái ung nhọt do bệnh làm ra, nó luôn luôn nằm dưới đáy tâm thức. Sở dĩ chúng ta cười được, nói được, chạy chơi được là tại vì ta tạm quên nó thôi, chứ sự thật nó sờ sờ ra đó, và một ngày nào đó thì mình phải c.h.ế.t.

Muốn để cho cái sợ c.h.ế.t không làm mình khổ thì mình phải thực tập. Mình phải có cái lượng. Đạo Bụt (Phật) dạy mình nhiều phương pháp. Đạo Bụt (Phật) dạy mình trong đời sống hằng ngày, trong những giây phút của đời sống hằng ngày, sống làm sao cho sâu sắc, để đồng thời tiếp xúc được với bản môn – tức là bản chất của mọi sự vật hiện tượng. Chỉ có tiếp xúc được với bản môn thì ta mới có thể chữa được bệnh c.h.ế.t. Mà muốn tiếp xúc được với bản môn thì ta phải quán chiếu. Khi tiếp xúc được với bản môn rồi, thì ta thấy sống và c.h.ế.t chỉ là sóng, trong khi ta là nước. Lúc đó cái lượng của mình rất lớn. Sống thì sống c.h.ế.t thì c.h.ế.t. Sống một triệu lần cũng được. C.h.ế.t một triệu lần cũng được. Không sợ nữa. Cưỡi trên sóng sinh tử mà đi. Đó là người đã đạt được tới sự siêu thoát sinh tử. Đó là cái công phu làm cho lượng mình lớn. Không những ta gọi nó là đại lượng mà còn gọi nó là vô lượng. Vô lượng thọ, tức là tên của đức Phật A Di Đà. Vô lượng thọ là gì? Là sống hoài sống mãi. Làm sao có thể có được chuyện này? Có ai sống hoài đâu? Ai có thể tự xưng mình là vô lượng thọ? Không ai tự mình xưng mình là vô lượng thọ cả. Nhưng đối với người đã tiếp xúc được với bản môn thì người đó có vô lượng thọ. Chúng ta cũng vậy.

BỆNH SINH

Sinh là một cái bệnh. Điều này mới nghe thì thấy lạ lùng. Tại vì sinh thường được người ta cho là một hiện tượng rất vui, rất hy hữu. Khi sinh con, người ta làm tiệc ăn mừng và tới ngày sinh nhật người ta thường làm một cái bánh và đốt lên bao nhiêu ngọn nến. Người ta ăn mừng sự sống. Không ai ăn mừng sự c.h.ế.t cả. Mình muốn thoát ly khỏi sự c.h.ế.t, chứ mình đâu có muốn thoát ly khỏi sự sống. Vì vậy cho nên giữa hai cái sinh và tử, mình chỉ muốn chọn một cái. Chọn sinh thôi, còn tử thì bỏ ra ngoài. Nhưng quán sát lại ta sẽ thấy, có những người đã từng trải qua rất nhiều khổ đau. Niềm vui rất ít, mà nỗi khổ thì vô lượng. Có những người sống ngay trong thế kỷ này mà nhiều lần tìm cách kết liễu sự sống, tại vì họ chịu đựng không nổi sự sống, họ không có Nhẫn Nhục Ba La Mật.

Nhưng đức Thế Tôn dạy rằng c.h.ế.t không phải là giải pháp. Tại vì sau khi c.h.ế.t rồi, anh lại phải sinh ra trở lại. Con đường tự kết liễu đời mình là con đường dại dột. Anh nghĩ rằng c.h.ế.t là để chấm dứt, nhưng theo tuệ giác của tôi thì c.h.ế.t không phải là chấm dứt mà là một khúc quanh để chuyển sang một giai đoạn mới. C.h.ế.t là để sinh ra trở lại. Điều này không phải chỉ đúng trong giờ phút lâm chung, mà đúng ở trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày. Trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày, anh luôn luôn c.h.ế.t để sinh trở lại. Nếu thực tập thì anh sẽ sinh vào một cõi nhẹ nhàng hơn, nếu anh không thực tập thì anh sẽ sinh vào địa ngục, ngay trong giờ phút hiện tại. Trong một ngày mình có thể sinh ra và c.h.ế.t đi rất nhiều lần, và cõi mình sinh ra tùy thuộc ở cách mình c.h.ế.t. Vì vậy cho nên ngày xưa, và cả bây giờ cũng vậy, có rất nhiều người sợ sinh, tại vì sinh ra là phải chịu đựng những cái mà mình đã chịu đựng trong suốt cuộc đời mình.

Giải thoát tử rồi lại còn muốn giải thoát sinh nữa. Nếu không giải thoát sinh thì ta còn phải c.h.ế.t hoài, c.h.ế.t trăm lần, ngàn lần, vạn lần. Ở địa ngục, người ta nói rằng mỗi ngày người ta phải chết cả triệu lần. Đúng như vậy. Trong địa ngục, giây phút nào ta cũng đau khổ, vì vậy cho nên giây phút nào ta cũng muốn c.h.ế.t. Nhưng c.h.ế.t đâu có phải là yên, là hết. Chết là để sinh ra lại. Cho nên giải thoát không phải là giải thoát tử, mà là giải thoát sinh tử. Mục tiêu đó trong đạo Bụt (đạo Phật) gọi là Vô Sinh. Cửa vô sinh mở rồi. Vì vậy tìm cách giải thoát ra khỏi cái c.h.ế.t, mà không tìm cách giải thoát ra khỏi cái sinh thì đó là một điều mơ ước viển vông.

Làm sao có cái sinh mà không có cái c.h.ế.t. Sự thật rất đơn giản, là có sinh thì phải có tử, có ngày thì phải có đêm, có trái thì phải có phải, có trên thì phải có dưới. Tại sao anh muốn có một cái mà không muốn có cái kia? Anh muốn có phải mà không muốn có trái thì làm được, làm sao có thể có trái mà không có phải? Nếu anh chấp nhận sinh thì anh phải chấp nhận tử. Chúng ta đã hiểu rằng, tại sao ở trong kinh điển có câu “giải thoát sinh tử”. Nếu thấy được điều đó, chúng ta mới bắt đầu hiểu được mười hai nhân duyên trong đạo Bụt (đạo Phật). Người ta tu đạo Lão để trốn thoát cái tử. Người ta tu đạo Bụt (đạo Phật) để giải thoát cả sinh lẫn tử. Cái khác là ở chỗ đó.

Cái chúng ta đi tìm không phải là trường sinh bất tử. Cái chúng ta đi tìm là giải thoát sinh tử. Tức là ta có khả năng coi sinh và tử nhẹ như một sợi tóc, một chiếc lông hồng, một sợi tơ. Chỉ có thực tập đạo Bụt (đạo Phật) và tiếp xúc với bản môn ta mới giải thoát được sinh và tử. Cho nên với người ngộ đạo thì sinh ra cũng được, chết đi cũng không sao. Gọi là ra vào sinh tử. Nhưng ra vào với cái lượng của một vị bồ tát, cưỡi trên sóng sinh tử mà đi. Sinh hả, cũng được! Tử hả, cũng được! Tại vì mình có một cái thấy lớn, một tình thương bao la, một tâm lượng bao la, cho nên sinh và tử không thực sự đụng chạm tới mình. Vì vậy cho nên thiền sư Tuệ Trung đời Trần, trong bài Phóng Cuồng Ca đã thốt lên: “Cái sống và cái c.h.ế.t tới ép uổng ta, vây hãm ta, nhưng làm sao động tới ta được?” (Sinh tử tương bức hề, ư ngã hà thương). Đó là câu thơ của một người ngộ đạo, có thể xem sinh tử nhẹ như chiếc lông hồng.

BỆNH GIÀ

Già là một cái bệnh, và tất cả chúng ta đều có mang hạt giống của bệnh già. Có ai mà sẽ không già? Thế nào ta cũng sẽ phải già. Ta có chịu đựng được không? Sự thật là tất cả chúng ta đều sẽ phải trở thành những ông già móm, những bà già móm. Chúng ta đều sẽ phải chống gậy để đi. Chúng ta đều sẽ không còn có hai chân khỏe để chạy. Chúng ta hãy nhớ đi thiền hành mỗi ngày, nếu không thì uổng lắm đó. Đến khi hai chân run rồi thì dù ta có muốn đi thiền hành nữa cũng không đi được. Tôi (tức Sư Ông Làng Mai) cũng đang mang bệnh già và tôi đang thực tập quán chiếu rất nhiều về cái bệnh già của tôi. Ngày xưa ký ức tôi rất tốt. Đến khi về già rồi, tự nhiên có những cái tiếng, có những cái chữ mình muốn nhớ lại mà chúng không chịu nhảy lên, và dù có đi tìm tòi lục lạo trong tàng thức mình cũng khó nhớ lại. Ban đầu tôi không chấp nhận được điều đó. Mình giận vì không chấp nhận được sự kiện là mình đã già. Nhưng sự thật là tôi đã già. Mỗi ngày có nhiều tế bào óc c.h.ế.t. Những phản kháng và bực mình của ta chỉ là do vô minh tạo ra thôi. Chúng ta nhiều người có trí tuệ, nhưng không chịu đem trí tuệ của mình ra để sử dụng. Mình biết chứ không phải không biết đâu, nhưng mình vẫn không chịu đem trí tuệ ấy ra sử dụng. Vì vậy trong khi còn trẻ, ta hãy làm những gì mà người trẻ có thể làm được.

Điều này rất quan trọng. Thiền sư Huyền Quang, tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm, ngày xưa ưa ở Côn Sơn. Thầy Huyền Quang rất ưa hoa cúc. Thầy để rất nhiều thì giờ chăm bón hoa cúc. Thỉnh thoảng đến mùa hoa mai nở, thầy cũng đi vào núi cắt một vài cành mai về cắm. Thầy nói rằng sở dĩ thầy cắt cành mai về là để cho cái bệnh già của Thầy được thuyên giảm chút đỉnh đó mà thôi.

Ngửa mặt trời cao hỏi lý do
Hiên ngang trong núi mọc thành hoa
Hái về không để chưng vui mắt
Chỉ mượn màu xuân đỡ bệnh già.

Tôi có cái bệnh già, vì vậy cho nên tôi cắt một cành mai về cắm ở trong phòng để ngắm nhìn và cảm thấy bớt già. Khi đọc thơ thầy Huyền Quang, tôi mới hiểu tại sao tôi ưa ngồi chơi với các sư cô và các sư chú trẻ. Tại khi ngồi với các người trẻ, ta thấy là ta không già. Nếu quán chiếu, mình có thể làm hay hơn. Mình có thể vượt được cái bệnh già chứ tại sao không. Nếu quán chiếu vào bản thân, nếu quán chiếu vào bông hoa, vào cành mai, nếu quán chiếu vào các sư chú và các sư cô ta sẽ thấy rằng ta đâu có già. Ta là một với họ. Ta đang trẻ mà, ta sẽ trẻ mãi mãi. Tất cả đều do sự quán chiếu. Quán chiếu như vậy, cái thấy lớn lên và cái bệnh già sẽ tiêu mất.

BỆNH BỆNH

Cái bệnh thứ tư gọi là bệnh bệnh. Bệnh sinh, bệnh c.h.ế.t, bệnh già và bệnh bệnh. Bệnh bệnh có nghĩa là chúng ta không ai tránh khỏi cái bệnh. Anh nói anh không có bệnh gì hả, nhưng mà anh cũng có bệnh bệnh. Nghĩa là anh có thể bị bệnh bất cứ lúc nào. Sự kiện chúng ta có thể bị bệnh, cái đó gọi là bệnh bệnh. Chúng ta phải quán chiếu. Đức Thế Tôn không muốn chúng ta trốn chạy. Cho nên Ngài mới nói rằng mỗi ngày ta đều phải thực tập: “Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào chạy thoát khỏi cái bệnh.” Luận Bảo Vương Tam Muội có nói: “Tu học đừng có cầu cho không có bệnh. Không có bệnh thì tham dục dễ sanh.” Mình phải học làm thế nào để chấp nhận được cái bệnh của mình. Mình phải làm quen với nó. Mình phải cười với nó. Mình phải ôm lấy nó. Mình phải đồng nhất với nó. Cuối cùng mình và nó cùng siêu việt.

Mà con đường thực tập cũng là một con đường làm cho cái lượng của ta lớn lên. Có những người bệnh ít thôi, nhưng cũng chịu đựng không nổi. Bệnh chưa ghê gớm gì mấy, nhưng đã hốt hoảng và xuống tinh thần. Đôi khi mới tưởng tượng là mình có cái bệnh đó thôi, chứ chưa thực sự có bệnh mà đã hoảng lên, và đã bị trầm cảm. Những người ấy có cái lượng rất nhỏ. Có một vị nữ thiền sư ở Boston biết bà ta có ung thư. Trong những năm chót của đời bà, bà thực tập rất sâu sắc. Có thể cái bệnh đó là một trong những nguyên do khiến cho vị nữ đạo sư đó thực tập rất vững chãi, rất êm ả. Đến ngày lâm chung, thị tịch, người nữ đạo sư đó có rất nhiều an bình. Từ khi được nghe tin rằng mình có ung thư, vị nữ đạo sư đó đã đi qua một cơn sóng gió. Nhờ sự thực tập cho nên sau một thời gian ngắn bà chấp nhận được. Biết rằng mình còn có bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm để thực tập, nên bà đã đem hết tất cả con người của mình để thực tập. Do đó bà không còn chạy theo những cái danh, những cái lợi tầm thường nữa.

Sự có mặt của một người như vậy rất có ích lợi cho những người xung quanh. Đâu có cần phải sống một trăm năm. Chỉ cần sống một năm thôi, hay là sáu tháng thôi, mà sống đúng với cái phong thái của một bậc thầy, còn hơn là sống năm mươi năm, bảy mươi năm mà phong thái của mình và đời sống của mình không phản ánh được những ngôn từ mà mình nói ra.

Những người như thế, như vị nữ đạo sư kia, đã có thể vượt ra khỏi cái bệnh gọi là bệnh bệnh. Thấy được rằng bệnh là một chuyện tất nhiên. Nếu mình không bệnh thì người khác bệnh. Mà người khác cũng là mình thôi. Cho nên, nếu mình thấy người khác bệnh mà mình mừng: “May quá, không phải mình!” tức là cái lượng của mình còn rất nhỏ. Trong sự thực tập hàng ngày, mình phải thấy cái bệnh của người kia là cái bệnh của mình. Do đó mình có thể lân mẫn, giúp đỡ và chăm sóc người đó như là chính mình bệnh. Những người như vậy có tâm lượng lớn. Nếu có rủi ro mà người như vậy mắc bệnh, thì người đó không đau khổ nhiều như những người khác. Cùng gặp những biến cố như nhau mà một người thì đau khổ cực kỳ, một người có thể mỉm cười được. Cái gì làm ra sự sai khác đó? Đó là Ksanti Paramita, Nhẫn Nhục Ba La Mật. Chúng ta phải học hỏi. Chúng ta phải thực tập trong đời sống hằng ngày.

[Từ chuỗi bài pháp giảng của Sư Ông Làng Mai]


[Lời QH & MayQ Team] Như vậy, càng cùng những lời dạy của Sư Ông để đi sâu hơn, tập làm quen, chấp nhận và ôm ấp những thực tại người đời ai trước sau gì cũng phải trải qua, chúng ta hãy cùng nhau thực tập quán chiếu và thực hành từng bước giống như Sư Ông hướng dẫn nha. Chúng mình tin rằng, rồi chuyện gì cũng sẽ qua một cách nhẹ nhàng cả, bao gồm cả bốn ‘nỗi khổ lớn của loài người’, là Sinh – Lão – Bệnh – Tử.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(6.2.2024 (27/Chạp – Quý Mão) – QH & MayQ Team)

#SưÔngLàngMai
#Nhữnglờidạy
#Lượngcảbaodung
#Nhẫnbalamật
#SinhLãoBệnhTử

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart