TIBET – TÂY TẠNG #2: NHỮNG NGÔI ĐỀN THIÊNG ĐẤT LHASA

>
>
TIBET – TÂY TẠNG #2: NHỮNG NGÔI ĐỀN THIÊNG ĐẤT LHASA

Để đến được Tây Tạng, đầu tiên bạn sẽ từ Hà Nội ngồi hơn hai giờ đồng hồ bay sang thành phố Thành Đô của Trung Quốc, ở lại đó một đêm để thích nghi dần với độ cao. Sang ngày hôm sau, bạn sẽ ngồi tiếp chuyến bay nội địa trên dưới hai giờ bay nữa để đến thủ phủ Lhasa của Tây Tạng. Nơi này, như đã có đề cập qua trong bài viết trước, cao khoảng 3.650m so với mặt nước biển. Thành phố ôn hòa, tràn ngập nắng. Cuối tháng Tư chúng mình sang, trời không còn lạnh lắm, buổi sáng sớm thì rét se sẽ, nhưng từ giữa trưa đổ lên thì nóng thôi rồi luôn. Có một điều lạ là vào thời điểm này của năm, ngày ở Tây Tạng khá dài. Khoảng 4 giờ chiều tụi mình tản bộ ra khu đền Jokhang (Đại Chiêu), nắng vẫn còn gay gắt trên đỉnh đầu, như thể vừa qua giữa trưa thôi. Và một vài ngày sau, ăn xong cơm tối ở một khu vực gần điện Potala, anh hướng dẫn viên địa phương vén rèm cửa sổ nhà hàng và bảo chúng mình ngắm hoàng hôn Potala nhé. Nhìn ra bên ngoài, điện Potala kiêu hãnh viền một lớp dát mỏng ánh vàng trên nền hoàng hôn còn khá nồng nàn. Nhìn lại, lúc đó, đồng hồ chỉ… gần 8 giờ tối ^^

Điều này có nghĩa là, thời điểm này trong năm, Tây Tạng tối rất muộn, chắc khoảng hơn 9 giờ mới gọi là ‘mặt trời đi ngủ’. Điều này dẫn đến, dường như người dân ở đây không mấy quan tâm tới chuyện ‘giờ làm việc’ hay ‘giờ nghỉ’, hễ còn ánh sáng mặt trời là còn lúi cúi ngoài đồng, cày cuốc. Những ngày sau chúng mình rong ruổi theo những trục đường xuôi về Shigetse hay ngược lại theo dòng sông Nhã Lung, người và trâu bò, dê cừu… vẫn cần mẫn ngoài đồng, dẫu tận bảy tám giờ đêm.

Trở lại Lhasa cái nha  Đến Tây Tạng, ắt hẳn bạn sẽ dành vài ngày lưu lại Lhasa, không chỉ bởi vì Lhasa là ‘trung tâm của mọi thể loại trung tâm’ của Tây Tạng, mà còn vì để bạn tiếp tục thích nghi với độ cao, trước khi tiến lên một số độ cao hơn nữa.

Đường phố Lhasa xinh và sạch sẽ, mang đậm kiểu kiến trúc của người Tây Tạng với lớp tường dày thô ráp mang sắc trắng chủ đạo, trên đó người ta sẽ thêm các chi tiết trang trí đặc thù người Tây Tạng với màu sắc chủ đạo đen, xanh biển đậm, đỏ. Chúng mình được lưu tại một khách sạn khá gần khu phố truyền thống của người Tây Tạng, bước vào khu mua sắm hàng lưu niệm cũng gần mà tản bộ về đền Đại Chiêu cũng gần, sang điện Potala cũng mất tầm mười phút đi bộ. Điều này, sau hai ngày lưu lại đây quả thật làm chúng mình cảm kích, vì sau đó đi sâu vào trong phố, mới phát hiện ra ở những khu vực hiện đại hơn, trông Tibet chẳng khác nào một thành phố nào đó của TQ, chữ tiếng Trung giăng giăng khắp nơi cùng kiến trúc hiện đại, hàng hóa hiện đại, âm nhạc… cũng hiện đại nốt. Mà, mình vượt đường sá xa xôi leo lên đến đó, không phải để thưởng thức những điều bình thường đó, nha 

Đến Lhasa, việc bạn nhất định phải làm là đến viếng những ngôi đền cổ xưa của vùng đất này.

ĐỀN JOKHANG (ĐẠI CHIÊU)

Cho đến trước thế kỷ thứ 7, ở Tây Tạng vẫn chủ yếu lưu hàng đạo Pôn / đạo Pun (nghe bạn hướng dẫn viên địa phương đọc vậy), loại đạo của các đạo sĩ tạm xếp vào phe ‘tà đạo’. Vào thế kỷ thứ 7, Tạng Vương Songtsan Gampo (Tùng Tán Cán Bố) kết hôn cùng công chúa Văn Thành của nhà Đường, cùng với một vị công chúa khác xứ Nepal. Đây là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Tây Tạng, bởi với cuộc hai hôn nhân với hai công chúa thuộc hai đất nước mạnh mẽ về Phật Giáo, Tạng Vương Tùng Tán Cán Bố đã quyết định chuyển Tây Tạng sang Phật Giáo, và xây dựng hai ngôi đền Đại Chiêu và Tiểu Chiêu cho hai người vợ của mình. Có một số thông tin thú vị xoay quanh việc hoán đổi hai ngôi đền giữa hai vị công chúa, nhưng tóm lại, cuối cùng, đền Đại Chiêu thuộc về công chúa Văn Thành, nơi bà đã mang bức tượng Jojo – tức tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lúc Ngài 12 tuổi – sang từ thời đó và bây giờ vẫn còn được lưu lại ngôi đền này. Trong khi đó, đền Tiểu Chiêu thuộc công chúa Nepal đáng tiếc đã bị phá hủy trong cuộc Cách mạng Văn hóa ở TQ.

Vì thế, nơi linh thiêng nhất theo tín ngưỡng của người Tây Tạng và cả du khách thập phương đến đây hành hương, chính là ngôi đền Đại Chiêu này. Từ 9 giờ sáng đến khoảng 5 giờ chiều, dòng người tiến vào đền lũ lượt không ngớt. Cũng như hầu hết các ngôi đền ở Tây Tạng, các tượng Phật ở đây được khắc họa theo một phong cách và thần thái khác hẳn thần thái các tượng Phật theo kiểu Trung Hoa (mà Việt Nam mình chịu ảnh hưởng nhiều), vì thế bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy hình ảnh vị Quan Thế Âm Bồ Tát không giống hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát (ở bên nhà), hay đức Phật Di Lặc – theo quan niệm của người Tây Tạng, là Vị Phật của Tương lai, cũng không mang dáng vẻ bụng to tròn ngồi cười to giống thường thấy ở bên mình, mà trong một dáng vẻ hòa ái, hiền từ.

Cũng ở đây, mình còn biết đến một số các vị Phật hay Bồ Tát mà trước giờ mình chưa nghe đến, như các Đức Phật Dược Sư (phù hộ cho sức khỏe), Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (phù hộ cho trí huệ)…, hay các vị Hộ Pháp bảo hộ cho nơi các Bồ Tát tu tập, hoặc bảo hộ chúng sinh…, còn có vị Hoàng Tài Bảo Thiên, theo ‘dịch nghĩa tương tự’ giống như vị Thần Tài bên mình, mặt mũi rất vui vẻ. (Thứ lỗi cho kiến thức về Phật Pháp mình còn nông cạn và giới hạn quá, đã cố gắng ghi nhận mà có nhớ ít nhiều vậy thôi, nếu có sai sót chút đỉnh gì, nhà mình chịu khó chỉ ra cho mình điều chỉnh lại cho chính xác nha )

Được cho là thiêng nhất trong ngôi đền này chính là tượng Đức Phật Jojo mà mình vừa đề cập ở trên. Nếu đã đến đền Đại Chiêu này, bạn hãy cố gắng để vào được khu vực đặt tượng Ngài để khấn, cầu nguyện nhé! Nếu bạn đi vào ngày ít người thì chắc không thành vấn đề gì, nhưng nếu lúc đó lưu lượng người viếng đông, thường bạn được người gác khu vực đó khuyên hãy tập trung tiền cúng dường lại cho một – hai người đại diện cầm vào. Hôm đó chúng mình nào chịu vậy, theo lời khuyên của chị Xuân Trang – người từng đến đền này khá nhiều lần rồi, chúng mình nhất định thực hiện chính sách ‘đoàn kết’ cùng ‘năn nỉ’, rốt cục cả nhóm hơn chục người đều vào được trong khu vực đặt tượng! Vào đến được trong rồi, cảm giác thật khó tả. Đến khi đi ra, mấy người xông vào ôm chầm lấy bạn hướng dẫn viên địa phương, cảm kích không thôi!

Ở phía trên gian lầu của đền Đại Chiêu có khu bán đồ lưu niệm tâm linh, nơi bạn có thể mua những chuỗi lần tràng hạt bằng gỗ, bằng đá turquoise (lam thạch) hay coral (san hô đỏ) đặc trưng của Tibet, những miếng Đắc Nhân Tâm hay những món đồ có khắc Lục Tự Đại Minh Chú… Tuy vậy, cần biết rằng giá của những món đồ ở đây được bán giá cao khoảng từ 8 – 10 lần bạn mua trên các sạp nhỏ trên đường phố hay trong khu chợ Barkhor, hoặc các cửa hàng xoay quanh đền Đại Chiêu… Tuy vậy, theo như lời các ‘cao thủ’ từng đên đây nhiều lần, các món đồ ở đây chất lượng rất được đảm bảo, cùng với đã được các nhà sư trì chú (blessed) qua, nên bạn có điều kiện khá về tài chính, có thể mua ở đó cũng tốt.

Hoặc không, hãy mua sẵn các món đồ ưng ý ở những nơi bạn muốn, sau đó vào một đền nào bạn nghĩ nhiều năng lượng nhất, hãy nhờ một vị tăng sư ở đó trì chú giúp. Đoàn mình ‘chuyên môn’ như vậy đấy, cứ mua được món gì vào ngày hôm trước, hôm sau đến được đền chùa nào là sẽ cùng gom chung các vật phẩm lại với nhau, gửi đến các nhà sư trì chú cùng một lúc 

TU VIỆN DREPUNG:

Nơi thứ hai mà mình rất ấn tượng và yêu quý chính là tu viện Drepung, do Tông Khách Ba (Je Tsongkhapa) – vị Lạt Ma có công cải cách Phật Giáo lớn, và là người sáng lập Phái Mũ Vàng ở Tây Tạng khởi xướng và xây dựng nên vào đầu thế kỷ thứ 15. Deprung rộng mênh mông, cũng vừa cao vừa nhiều bậc thang dốc lên, ở độ cao di chuyển dốc sẽ rất dễ mệt hơn bình thường rất nhiều. Chúng mình vừa đi vừa ngoạn cảnh xung quanh, lúc nào mệt quá, được Thinlei, anh hướng dẫn viên địa phương hướng dẫn xoay loạt ống đồng có khắc Lục Tự Đại Minh Chú – mà người dân nơi đây gọi là các Kinh luân (nghĩa là Bánh xe Phật Pháp). Vừa đi vừa hát Om Ma Ni Pad Me Hum theo lời bài mantra (bài chú, có giai điệu) mà chúng mình được nghe dọc trên xe, thế là không biết do lực tập trung bị tản bớt, hay với sự hỗ trợ của sức mạnh tâm linh, mà cả đoàn đều vượt bao nhiêu bậc thang, đi bao nhiêu độ dốc, để đến được tới hầu hết tất cả các nơi trọng yếu của tu viện.

Ở Tây Tạng, không khí loãng nên đến nơi nào năng lượng dồi dào, dễ thấy nhất là ở những nơi đó, bạn… hít thở được dễ dàng đi nhiều, đầu óc sảng khoái, tâm trạng vui vẻ. Drepung là một trong những nơi như thế đấy, nên một khi đã tới được nơi này, bạn nhớ hãy hít sâu, chậm, thở ra từ từ trong ít nhất vài phút nhé. Kiếm được chỗ nào ngồi lặng mà thiền một chút được càng tốt (tuy vậy, có lẽ điều này chỉ khả thi với những người quay lại lần hai, lần ba…, chứ với những kẻ mới đến lần đầu, mắt còn chữ O mồm còn chữ A mà khám phá và nghe giới thiệu, ắt chẳng đủ thời gian để tĩnh tâm mà thiền đâu mà ^^) Cũng có thể, Drepung là nơi đầu tiên chúng mình được đến viếng khi đến Lhasa, nên ấn tượng lại càng sâu đậm.

• ĐIỆN POTALA:

Nơi tiếp theo bạn không được bỏ qua là cung điện Potala nổi tiếng, là nơi sống và làm việc của các vị Đạt Lai Lạt Ma qua các đời. Cung điện này đẹp và kiêu hãnh, hình như được nhìn nhận như một ‘biểu tượng đặc trưng’ của Tây Tạng luôn thì phải. Mỗi ngày dòng người xếp hàng để được vào thăm diện Potala dài không ngớt, và mỗi đoàn chỉ được thông báo giờ mình được phép vào viếng vào… chiều ngày hôm trước, nên khá bị động về thời gian. Và một khi bạn đã biết thời gian bạn được vào rồi, từ lúc bạn xếp hàng cho đến khi bạn thực sự đặt chân được vào điện, là ngót nghét… hai tiếng đồng hồ nữa. Nhưng bạn đừng lo, quãng thời gian đó cũng cực kỳ thú vị với những ai mê mua đồ lưu niệm, vì đội quân bán hàng rong sẽ ‘tiếp cận’ bạn, để bán cho bạn quá chừng nhiều chuỗi hạt (mala) cổ, chuỗi tay… mang đặc trưng Tibet. Cứ thoải mái chọn và trả giá hết mức có thể nha, đội quân này nói thách cũng thuộc hàng ‘dễ sợ’, nhiều khi bạn có thể mua một món đồ với giá chỉ 1/5 hoặc 1/4 giá được chào ban đầu đấy!

Điện Potala hiện nay được chia làm hai phần: Bạch điện (bên dưới) và Hồng điện (phần nhỏ, bên trên). Phần Bạch dành cho chính phủ và các cơ quan thuộc chính quyền, không mở cửa cho dân chúng, nên du khách chỉ tham quan được phần Hồng dành cho tôn giáo. Tuy vậy, để đến được phần Hồng, du khách phải lội qua rất nhiều bậc thang thoai thoải có dốc đứng có của phần Bạch, nên ta nói nó mệt…. ^^ Tuy vậy, một khi đã leo lên được đến nơi, đi tham quan các nơi và ngắm tượng các vị Đạt Lai Lạt Ma được thờ tại nơi này, đồng thời cũng được chiêm bái ngàn ngàn pho tượng Phật cổ được các nơi cúng hiến về đây, tự nhiên hết mệt lúc nào không biết . Thêm nữa, đường trở xuống đặc biệt thanh tịnh và thoáng đãng, lại không bị cảm giác khô khốc mũi thường có (chắc nhờ hồ nước to bên dưới điện), nên chúng mình đều muốn lưu lại đó, nhắm mắt hít thở sâu một hồi.

Một nơi thú vị nữa bạn cũng có thể đến để thưởng thức một số hoạt động đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng là tu viện Sera. Mình nói nơi ‘thú vị’ chứ không phải là ‘dồi dào năng lượng’ nha, vì so với các nơi kia, ở nơi này, mình đi… thấy mệt nhất, hihi, dù nó chẳng dốc đứng hay rộng mênh mông như Drepung. Tuy vậy, ở nơi này có hai điều bạn có thể ngắm: một là các bức Mandala do chính các vị tăng sư vẽ, hai là Vườn Tranh Biện.

+ Các bức Mandala có hình dáng giông giống như trong các kính vạn hoa, nghĩa là các bức tranh mang tính đối xứng rất cao, cả về chi tiết, màu sắc, cách phối chung… Điểm đặc biệt là các bức này được các vị tăng sư thực hiện bằng các màu, thường được thực hiện theo từng nhóm chứ không phải từng cá nhân, lại cũng không dùng lời nói để trao đổi, mà thực hiện qua tâm linh tương thông. Thường các bức này mang nhiều chi tiết rất nhỏ, rất tinh tế, được thực hiện nhiều tuần – thậm chí nhiều tháng mới hoàn tất. Tuy vậy, đây được xem như một cách để các vị sư thiền ở thể động, nên mỗi khi làm xong, các Mandala sẽ được các vị tăng sư… xóa đi, để làm lại cái khác.

+ Vườn Tranh Biện: đừng tưởng đây là cái Gallery treo tranh nha hihi. ‘Tranh’ ở đây là tranh luận đó ạ, nên Vường Tranh Biện là nơi các chư tăng của tu viện này sẽ tiến hàng tranh luận với nhau xoay quanh một số đề tài họ tự đặt ra để ‘thử thách’ nhau. Mỗi ngày một giờ đồng hồ, hình như từ 4 – 5pm thì phải, trời thì oi bức, các vị sư bàn luận ‘khí thế’ luôn, đôi khi lại dùng điệu bộ đập chan chát đôi tay vào nhau, trông rất sôi nổi.

Những buổi tối rỗi rảnh ở tại Lhasa, bạn cũng nên dành thời gian tản bộ trở lại quanh Đền Đại Chiêu. Ở đây bất kể ngày hay đêm, bạn sẽ gặp hàng chục người, thậm chí có lúc lên đến cả trăm người, nhiều nhất là những người trẻ, đang cần mẫn thực hiện nghi thức quỳ lạy theo chiều kim đồng hồ vòng quanh khu ngoài đền. Đừng nói ‘quỳ lạy’ là bạn sẽ tưởng tượng theo kiểu đơn giản là quỳ gối xuống rồi cúi lạy như mình thường thấy ở các chùa bên nhà nhé, các bạn trẻ ở đây sẽ thực hiện cứ đi ba bước chân sẽ quỳ gối xuống, sau đó nằm dài bò ra trên sàn đá, hay tay (thường mang theo tấm gỗ hoặc găng tay len dày) vươn ra trên đầu theo tư thế lạy, sau đó lại thu người, ngồi dậy, bước tiếp ba bước nữa, rồi lại cúi người nằm bò ra nền đá, thực hiện lần lạy tiếp. Mà chao ôi đền Đại Chiêu to thì thôi…, không biết đến chừng nào các bạn mới thực hiện hết nổi một vòng nữa!

Đem điều này ái ngại hỏi thăm một người bạn am hiểu Mật Tông đi cùng, được anh ấy giải thích, người Tây Tạng rất mộ đạo, từ bốn phương trời họ sẽ thu xếp để về được đền Đại Chiêu để lần lượt thực hiện đủ 100.000 lễ lạy dài trong cả một đời người để hoàn thành pháp tu sơ khởi. Điều này có nghĩa là thực hiện một đợt chưa đủ, họ sẽ thu xếp để quay lại vào các tháng khác, năm khác… cho đến khi nào đủ số lượng bước lạy thì thôi. Mình không dám hỏi, liệu có ai đứng ra giám sát và… đếm số lượng bước lạy của mỗi người kia không? Nhưng chắc không, với những người mộ đạo, kỷ luật khắc khe nhất có lẽ chính là kỷ luật tự đề ra cho chính bản thân mình. Vì thế mới thấy bên cạnh rất nhiều bạn trẻ còn có không ít những người lớn, thậm chí, trung niên, vẫn miệt mài lạy quanh đền. Mình không dám đưa máy ảnh lên chụp, vì tự dưng nghĩ, hành động đầy tín ngưỡng đó của những người Tibet, ai biết được qua tay chụp trần tục của mình lại không toát ra được thần thái của hành động gốc, rồi lại giảm giá trị của người ta, hoặc lại gây tranh cãi… Vì thế, nên thôi 

(9.5.2016 – QH)

– Bài kỳ này dài quá, nhưng mà ai biểu, có nhiều thông tin cần chuyển tải quá làm chi. Hoy…, nhà mình ráng đọc nhe 

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart