Thư gửi người trẻ – Số 6: LÀM SAO MÀ KHÔNG SỐNG NỔI?!

>
>
Thư gửi người trẻ – Số 6: LÀM SAO MÀ KHÔNG SỐNG NỔI?!

Những ngày Sài Gòn nóng đến ngột ngạt. Không dám click vào đọc, đây đó những thông tin hôm qua có trường hợp thanh niên A. nhảy từ lầu 3 tự tử, tuần trước thiếu nữ B. nhảy xuống giữa trung tâm thương mại để kết liễu đời mình… Lại cồn lên cái cảm giác thèm viết một chút gì đó, cho những người trẻ, y như cứ lâu lâu lại thắt lòng khi nghe một trường người trẻ X tự tử người trẻ Y tự tử…, nhiều khi từ những lý do thật cũng không biết làm sao mà nói.

Rồi cái cách đây ít hôm, trang mình nhận được những dòng này, cũng từ một cô gái trẻ: “Chị ơi tim em đau đớn quá. Em vừa nghỉ việc, người ta lại vừa nói chia tay em. Thất tình, thất nghiệp, sao mọi thứ dồn lại… Em sống không nổi nữa…”

Làm sao sống không nổi nữa, hả em?! Em chỉ bị nhất thời thất tình, thất nghiệp, em không có vĩnh viễn mất tay chân hay một bộ phận của cơ thể, em không mất sức khỏe. Em không có mất tuổi trẻ. Mà thậm chí, có biết bao nhiêu con người không còn đủ tay chân và sức khỏe, họ không còn tuổi trẻ, họ còn phải đang kiên cường mà sống kia kìa!

Thật lòng, những cảm giác xuống tinh thần vì quá nhiều cái không thuận lợi cùng lúc ập đến với mình đôi khi làm người ta muốn ngã gục, mình hiểu. Thế nhưng, em gái ơi, em cũng nên hiểu thêm là không phải chỉ có mình em mới phải chịu cảnh đó. Nếu không tin, em thử nói chuyện qua với những người đang ngẫu nhiên ở xung quanh em đi, họ sẽ sẵn sàng kể em nghe những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời họ. Đã là người trưởng thành, ai cũng sẽ có lúc bị ‘lên bờ xuống ruộng’ như vậy hết, không sớm thì muộn. Nếu ai gặp những chuyện bất đắc ý dồn dập như vậy mà “sống không nổi nữa”, vậy… thế gian này còn những ai đang sống bây giờ!

Hiểu rằng AI cũng có lúc chịu như vậy để hiểu rằng ta không phải trường hợp… xui cá biệt gì, mà những khó khăn, thách thức, những nỗi buồn, nỗi đau đến với ta chỉ như một phần tất yếu của đời sống này. Ai mạnh mẽ người đó vượt qua. Không lẽ em thừa nhận em là người yếu ớt?

Những lúc như thế này, em hãy thôi cố gắng ‘gồng mình’ lên để ráng trôi tiếp với guồng sống bình thường, không được đâu, cũng không nổi đâu. Nhìn đâu cũng ra nỗi đau, nhìn đâu cũng thấy nhớ những hơi ấm quen thuộc rồi càng lúc càng đau đớn hơn nữa. Em thử thả trôi mình trong cảm giác tự vỗ về, tự an ủi mình. Nếu tìm được một nơi để đi, ra khỏi môi trường quen thuộc, em cứ đi đi. Vài ngày, một tuần… Nếu đi được với một vài người bạn thân để khi buồn còn có bờ vai để gục vào thì quá tốt, còn không, cứ đi một mình. Cố gắng kiếm chỗ nào có nhiều thiên nhiên, cây xanh, đồng ruộng hoặc biển cả, núi cao… Kiếm chỗ thanh tĩnh, ngồi yên, hít thở sâu và chậm. Chỉ nhìn mặt trời dần lên mỗi sáng và mặt trời dần lặn mỗi chiều. Lắng nghe gió thổi và ngắm mây bay. Lắng nghe tiếng chim ríu ran hay tiếng sóng biển. Ngắm vạn vật quanh em đang tự động thích nghi, hòa mình vào môi trường chung một cách hòa thuận như thế nào.

Hẳn một hai ngày đầu, em sẽ cảm thấy rất khó tập trung làm những việc này. Em sẽ rất muốn rúm người lại, đầu rúc vào hai vai, và khóc. Cứ tự nhiên. Khóc cho đã đời, ba mươi phút, một tiếng, hai tiếng… Kiểu gì cũng phải tới lúc em… nín. Mắt mũi em phồng đỏ cả lên, nhưng tim em sẽ hình như hơi nhẹ đi một chút. Một chút thôi cũng tốt rồi. Ngày mai, em sẽ làm lại tiến trình cũ. Tập trung ngắm mặt trời lên – mặt trời lặn, mây, gió, lắng nghe tiếng xung quanh… Mình đảm bảo với em, thiên nhiên là những ‘bài thuốc chữa stress’ cực kỳ tốt, chúng sẽ xoa dịu dần dần những nỗi đau, những vết xước trong lòng em khi nào chẳng rõ. Để rồi, kết thúc chuỗi ngày này, em quay lại chốn cũ, đầu óc tỉnh táo bình ổn hơn nhiều. Bình tĩnh đếm lại coi trong ‘quỹ kho’ của mình còn được bao nhiêu tiền, đủ sống đơn sơ đạm bạc được thêm bao lâu, rồi bắt đầu kiên nhẫn đi tìm việc làm mới.

Nếu em không đủ điều kiện để đi xa, hãy ra công viên đâu đó gần trong quận/huyện mình ở cũng được. Hoặc ở nơi em cũng không có công viên, hãy nghĩ đến một khuôn viên một ngôi chùa hay nhà thờ gần đó. Những nơi này luôn an tĩnh và năng lượng nhẹ nhàng, dần dà sẽ nâng em dậy được qua những lúc tinh thần xuống quá thấp.

Hãy nhớ về luật Vạn vật hấp dẫn. Khó khăn, đau khổ tới với mình là để cho mình thêm thử thách. Còn giữ một đầu óc tích cực, dứt khoát tin rằng SỚM MUỘN GÌ TA SẼ THOÁT KHỎI CẢNH NÀY nó sẽ gần như một dạng ‘ám thị’ tinh thần, cũng là một dạng phát ra ‘tín hiệu’ để hút những năng lượng tích cực vào trong con người em. Mà một khi con người em được dần ‘sạc đầy’ những năng lượng tích cực rồi, em sẽ không còn thấy quá buồn khổ. Mà một con người khi không còn quá buồn khổ sẽ thể hiện nét tươi tắn ra nét mặt, kéo theo gương mặt em sáng sủa, vui vẻ khi đi tìm việc tiếp, khả năng được nhận cũng cao hơn. Trong môi trường công việc mới, biết đâu chừng em sẽ gặp những mối quan hệ mới, những người tốt hơn cả người cũ, đúng duyên với em hơn, để thắm lại dài lâu?

Tóm lại, hãy luôn cho bản thân mình một cơ hội để suy nghĩ tích cực, ngay cả trong những thời khắc gặp nhiều thất bại, bất ý nhất. Bạn sẽ chắc chắn có một cơ hội để vượt qua nó và đạt được những cơ duyên thậm chí còn tốt hơn, sau này. Miễn sao, trong những lúc buồn khổ nhất, bế tắc nhất, NHẤT ĐỊNH ĐỪNG NGHĨ ĐẾN CHUYỆN TỰ KẾT LIỄU CUỘC SỐNG, nha! 

Image may contain: text

Bạn xem, một cái lá vàng, một cái hoa sau khi đã lìa cành rồi vẫn còn cố gắng đẹp để làm đẹp cuộc sống. Còn bạn, ví như cái lá còn xanh dính trên cành, cái hoa còn đang bừng trên cuống, mắc chi phải tự kết liễu đời lá, đời hoa?

Cái đáng sợ nhất là không ít người vẫn nghĩ rằng đời sống này là đời sống duy nhất, và như vậy, mỗi khi họ gặp chuyện bất ý, đau khổ, bế tắc…, trong đầu họ sẽ tự nhiên hướng tới cách nhanh nhất thoát khỏi cuộc sống này, là tự tử. Nhưng mà họ đâu biết rằng đời sống này chỉ là một chương, một trang trong một chuỗi các vòng tuần hoàn liên tiếp các vòng đời. Tự kết thúc cuộc đời mình – thường trong những tình huống hết sức bi thảm – họ sẽ bị ‘mắc kẹt’ vĩnh viễn trong cái khoảnh khắc đáng sợ, đau thương đó, thần thức họ sẽ vĩnh viễn bị ám ảnh những khoảnh khắc lìa đời một cách đau đớn đó. Để rồi, họ sẽ mãi mãi mắc trong đau khổ và sẽ không thể nào đi tiếp được nữa, sang những vòng đời khác. Như thế, bạn nghĩ xem, nó ‘giải thoát’ bạn chỗ nào?

Những điều này, mình đã từng đọc được trong cuốn Tử thư Tây Tạng (phiên bản tổng hợp từ nhiều cuốn sách khác nhau, do giáo sư Nguyên Phong dịch – bạn có thể tìm thấy bản .pdf cuốn này khá dễ dàng trên mạng). Sau này một vị thầy đáng kính của mình cũng xác nhận điều đó. Có thể bạn sẽ nói, bạn không tin, có gì để xác minh những điều đó là sự thật? Được thôi. Nhưng có ai đã từng… vượt qua cửa này rồi mà… quay trở lại được để nói cho bạn là nó đúng hay sai chưa? Vậy nếu bạn không tin, bạn… tự tử đại, rồi… đến khi… qua ‘bên đó’, bạn phát hiện ra thật chẳng may… nó đúng rồi, rồi bạn… biết làm sao mà ‘bấm nút reset’ cho nó quay trở lại, hả bạn?

Những lý do khiến nhiều người trẻ bây giờ chọn lựa tự tử cũng thật khiến nhiều người đau lòng, vì độ thiếu suy nghĩ, cân nhắc của các bạn. Bị ba mẹ la rầy một chút, cũng tự tử – chắc lúc đó nghĩ trong đầu làm cho đã nư, “Cho ba mẹ hối hận cho biết”. Ba mẹ có hối hận hay không tính sau, nhưng ta đã mất phần đời đẹp đẽ lẽ ra được sống đầy đặn tiếp theo rồi các bạn ạ! Bị trục trặc tình cảm, bị mất đồ, bị vu oan, bị áp lực công việc… cũng chọn tìm cái chết. Phải nhớ rằng, tất cả những thứ đó điều đó đều là những thứ phù du, nó tới làm ta uất ức rồi nó cũng sẽ trôi qua, còn mạng sống của ta mới là dài lâu theo từng hơi thở của ta đây nè! Cá biệt hơn nữa, hôm trước mình đọc tin, có một ngôi sao Hàn Quốc tự tử vì trầm cảm. Sau đó, trên toàn thế giới có đến hơn chục bạn trẻ khác lập tức… cũng tự tử theo thần tượng, đến nỗi ban quản lý fan club của anh bạn ngôi sao ấy phải lên tiếng dóng chuông cảnh báo kêu gọi các fan dừng nạn tự tử lại. Trời ơi, đọc mà nghe phát đau lòng. Thân thể này là của tinh cha huyết mẹ tác hợp, công mẹ sinh đau công cha dưỡng dục, rồi bao nhiêu thương khó và hy sinh… Thôi không cần phải “trả ơn cha mẹ” gì như trong mấy sách giáo dục làm người cũ xưa khuyên đi, chỉ cần sống tốt phần mình, biết thương mình, tự biết trân trọng tấm thân và tinh thần mình, cũng là một cách trân trọng những gì ba mẹ cho ta rồi. Sao các bạn lại không ý thức trân trọng những điều quý giá đó?

Một trong những lý do gây ra nạn tự tử có phần dày thời gian gần đây liên quan đến thành tích học tập cùng điểm số. Đêm qua, ngồi đọc cái tít về thêm một nạn tự tử bất thành do bị điểm thấp, mình nói với Tin, cho dẫu bất cứ điều tệ hại nào xảy ra với con, đặc biệt là chuyện điểm số, con nhất định không bao giờ được nghĩ đến việc tự tử, nghe không con! Thằng nhỏ thở dài, mẹ ơi, không phải nhà ai cũng hiểu chuyện được như nhà mình đâu mẹ. Rồi nó kể chuyện, trước đây có một môn học trong trường, thầy giáo cho một bài kiểm tra thử với đề thi hơi lạ, ra khỏi kiểu ra đề bình thường. Bọn nhỏ phần lớn không bắt kịp nên đa phần bị điểm khá kém. Tụi nhỏ rất buồn rầu và lo sợ, thầy giáo trấn an rằng đây chỉ là một bài test thử, điểm số không quan trọng đâu. Thì tụi nhỏ trả lời lại với thầy rằng những điều này, mong thầy hãy nói trực tiếp với ba mẹ tụi con, đừng nói với tụi con!

Mình nghe mà giật mình. Đúng là lẽ tự nhiên, một người làm cha làm mẹ, khi nghe con mình bị điểm kém hơn mức bình thường, thậm chí điểm rất kém đã là một điều buồn bực. Thế nhưng, cách mình bày tỏ sự lo lắng và định hướng lại con cũng vô cùng quan trọng. Hãy nhẹ nhàng cho con thấy con đang có khả năng bị chia trí ở chỗ nào (chơi game nhiều quá, hay kém tập trung, phân tâm chuyện ‘để ý người khác’…) và nhắc con tập trung vào những mục tiêu gần: kỳ thi gần nhất cho tốt hết khả năng. Rồi sau đó, các con vui chơi thêm chút cũng không sao.

Quan điểm của mình và ba Tin, may mắn sao đều thống nhất ở điểm: chỉ khuyến khích con tận nỗ lực, còn lại, kết quả thế nào, cứ chấp nhận một cách bình tĩnh. Bản thân con nó, một khi chịu điểm kém đã buồn bực, xuống tinh thần lắm rồi, đừng tạo thêm áp lực cho nó. Cái quan trọng nhất là ráng làm sao cho con nó hiểu được là con đừng vì mê game hay chia trí mà bị điểm xấu dưới khả năng thực tế của con. Và nếu lỡ nó có lúc nào bị như vậy, cũng chỉ khuyên con rút kinh nghiệm. Các bố mẹ, bằng kiểu gì cũng xin đừng to tiếng quát nạt hay lỡ tay đánh con. Tụi nhỏ bây giờ đã không còn giống thế hệ chúng mình ngày xưa, bố mẹ là trời là đất, nói gì cũng nghe, phạt gì cũng chịu. Trong xu thế hiện giờ, chỉ có cố gắng coi con như một người bạn thì mới mong con đi với mình được lâu dài, trong cả cuộc sống lẫn tinh thần.

Cuối cùng, mình chỉ muốn nói với các bạn trẻ rằng, bất cứ người trẻ nào rồi cũng sẽ có lúc… già đi, cỡ tuổi ba mẹ các bạn bây giờ. Tới đó đi, các bạn nhìn lại, sẽ thấy trời ơi những lo lắng, đau khổ, trầm cảm… của mình thuở mười mấy hai mấy tuổi hồi đó, sao nó khờ dại ấu trĩ, thậm chí đôi khi… ngớ ngẩn đến vậy. Và tới đó, bạn cũng sẽ thấy đồng cảm sâu sắc với những mối lo, nỗi buồn bực của ba mẹ các bạn bây giờ.

Thôi, đời còn dài, từ từ mà sống. Miễn sao KHÔNG BAO GIỜ than “Em sống không nổi nữa”, nhớ nghe chưa! 

(12.4.2018 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart