CHUYỆN HIẾM MUỘN

>
>
CHUYỆN HIẾM MUỘN

Chuyện này, thú thiệt là mình tâm tư từ khá lâu rồi. Nhưng tới giờ này mới ngẫm nghĩ đủ chín để gom lại, thành một bài viết nhỏ, như vầy.

Mình ý thức về chuyện hiếm muộn từ khá sớm, khi âm thầm chia sẻ nỗi đau mà một người dì trong nhà mình phải gánh chịu, qua nhiều năm.

Dì mình hồi đó đẹp lắm, cũng thuộc hàng hoa khôi của thời dì. Và dì kết hôn cùng một người theo đuổi dì cũng nhiều năm. Thế nhưng sau nhiều năm đi qua, khi dì hết hư thai rồi lại hư thai, dường như duyên chồng nghĩa vợ cũng dần nhạt phai theo đó. Cho đến khi dì cố gắng mãi cũng sinh ra được đứa con trai, lại chẳng may em ấy gặp khuyết tật về não và mất sớm chỉ vài ngày sau sinh, thì đó cũng là dấu chấm kết cho cuộc hôn nhân của dì và người đàn ông đó.

Giờ đây, khi đã ở chặng quá nửa đời người, chắc mình đếm không xuể, nghe không hết những trường hợp đau lòng trong chuyện mỏi mắt trông chờ một đứa con. Cô bạn đồng nghiệp thân nhất của mình từng mười năm trông ngóng, những ngày gian khổ theo đuổi tiến trình canh ngày trứng rụng, rồi tiêm thuốc kích thích sinh trưởng gì đó, rồi là đau đớn chịu thụ tinh trong ống nghiệm…, và thất bại. Mình từng nhìn thấy cô ấy, một con người hoạt bát, yêu đời, những ngày tháng ấy trở thành một con người u uất và trầm cảm, đến mức từng có lúc cô ấy thú nhận mỗi lần đi ra đường, thấy chồng chở vợ ôm bụng bầu đi lặc lè trên đường là cô cũng muốn phát điên lên.

Rồi hiện giờ, quanh mình, cũng không ít những trường hợp những người em, đứa em, đứa bạn, chịu cảnh hiếm muộn, đau trong âm thầm, chịu đựng trong âm thầm. Đứa nào cũng cố gắng tỏ ra vẻ tươi rói hớn hở mà đối mặt cuộc đời, vậy mà sâu trong từng khoảnh khắc vô tình riêng tư đứng cùng nhau, thi thoảng lại thấy nó rớt nước mắt. Rồi nỗi đau tận cùng của người mẹ trẻ, n lần thai lưu cùng hai lần con sinh ra lại bị chết sớm do bệnh hiếm gặp, mới vừa làm xót lòng biết bao nhiêu người ở Thay lời muốn nói vừa rồi đó.

Buồn không? Buồn chứ. Đau không? Đau chứ! Thiên chức thiêng liêng của người mẹ, có người phụ nữ nào mà chẳng mong một lần chạm tới.

Thế nhưng mình cũng biết, bỏ ra ngoài nỗi đau nỗi buồn chưa thực hiện được thiêng chức làm mẹ, những người phụ nữ ấy còn đang gánh chịu một áp lực ngàn cân của sự trông đợi từ chồng, từ gia đình chồng, từ cộng đồng lớn nhỏ quanh họ.

Mình hiểu, bất cứ một tình yêu nào dẫu có nồng nàn đến mấy cũng sẽ đến lúc lắng lắng dần. Không phải hết yêu, nhưng nó dần chuyển sang một dạng mưa dầm thấm lâu, nhẹ nhẹ êm êm. Lúc đó, không phải là nỗi khao khát được ngắm nhìn nhau mỗi ngày, mà dần chuyển sang cảm giác thèm được nắm tay nhau mà ngắm con, mà nhìn con dần khôn lớn.

Nhớ hồi đó, cưới nhau được hai năm thì bắt đầu mình thấy cuộc sống của hai vợ chồng mình bắt đầu hơi… thiếu thiếu. Nhìn quanh, thấy mấy anh chị đồng nghiệp trong đài cũng đang có em bé thứ hai, mình nôn nao. Từ đó mới về nhà, lên kế hoạch với anh xã, và Tin Nhái như vậy ra đời. Nói như vậy để bạn hiểu rằng, mình thực sự hiểu nỗi khát khao được trở thành bố thành mẹ của bất cứ một người bình thường nào.

Thế nhưng, có bao giờ bạn thử đặt qua câu hỏi, rằng một ngày nào đó bạn kết hôn, và lỡ mà sau vài năm, bạn và vợ/chồng bạn vẫn chưa có được tin vui dù chẳng hề dùng biện pháp ‘kế hoạch’ nào, bạn sẽ như thế nào? Bạn có bao giờ thử chuẩn bị tinh thần cho cái trường hợp ấy chưa? Bạn sẽ đối mặt nó theo cách nào? Và kể cả – vấn đề này cũng quan trọng không kém gì chuyện bản thân bạn gặp ‘trục trặc’ – là liệu bạn sẽ chuẩn bị tinh thần như thế nào để cư xử với người bạn đời của mình, chẳng may cô ấy/anh ấy là người ‘gặp trục trặc’?

Là mình nói một cách nghiêm túc. Bởi bạn biết không, trong cuộc khảo sát mini “03 điều ý nghĩa bạn mong thực hiện trong năm nay”, có Rất Nhiều bạn liệt kê mong ước “Sẽ có được em bé”. Điều đó có hai ý nghĩa:

1/ Các bạn ấy đã ngóng chờ tin vui này từ lâu rồi mà vẫn chưa thực hiện được.

2/ Rất nhiều người lâm vào hoàn cảnh ấy.

Bạn sẽ không bao giờ biết trước bạn có khả năng rơi vào hoàn cảnh ấy không, và đa phần, khi sự chờ đợi đã trở nên mỏi mòn, bạn mới dần thảng thốt nhận ra, chết rồi, mình đang lâm vào hoàn cảnh ấy! Và như thế, lúc ấy sợ rằng bạn sẽ chẳng còn đủ điềm tĩnh để suy nghĩ cho thấu đáo, rằng bạn nên làm gì một cách chủ động, thay vào đó sợ sẽ là những biện pháp đối phó điên cuồng cùng đôi chút tuyệt vọng.

Bởi vậy, khi bạn hãy còn là một cô gái / một chàng thanh niên trẻ trung, thậm chí chưa lập gia đình, hãy thử một lần ngồi một mình và suy nghĩ nghiêm túc sẵn trước: lỡ sau này bạn lấy chồng/ lấy vợ và hai bạn chịu cảnh hiếm muộn, các bạn sẽ như thế nào, sẽ đối xử với nhau ra sao?

Nói ra có thể sẽ làm nhiều bạn bât ngờ hoặc làm nhiều bậc ‘tiền bối’ phiền lòng, nhưng thật ra, không có được đứa con do chính mình sinh ra cũng chẳng phải là chuyện trời sập gì đâu! Cách đây vài năm, mình đi tập belly dance, thường xuyên cùng lớp với một số đáng kể các phụ nữ người Nhật xinh đẹp. Các cô hầu hết đều thuộc dạng đi theo chồng, vốn sang làm việc tại Việt Nam. Điều làm mình khá kinh ngạc là… đại đa số các cô đều… không hề có một mụn con nào, và không hề lấy làm buồn khổ hay tự ti gì về điều đó! Thân thân một chút, các cô cho biết ở Nhật, người Nhật hiện giờ có khuynh hướng không muốn có em bé, nên thường hai vợ chồng kết hôn rồi cứ vui vẻ hủ hỉ với nhau, muốn vui vẻ nhà cửa thì… nuôi thêm một em chó hay một em mèo, vậy đó. Mà họ cũng là người Á Đông đó nha!

Nói tới đây mới nhớ, hôm trước có dịp ngồi trò chuyện với một anh đối tác có hai con đang du học rồi ở lại làm việc ở Mỹ. Anh bảo cô con gái lớn của anh hiện giờ cũng đang theo khuynh hướng của những người trẻ bên đó, là yêu nhau chỉ cùng sống chung với nhau chứ không làm đám cưới, và vì vậy, cũng không có con. (Dĩ nhiên mình cũng giống như anh, không mấy ủng hộ phong cách sống này, mình ủng hộ thương nhau sẽ nên gắn kết lại chính thức thành một mái gia đình với một tờ giấy xác nhận rõ ràng, qua đó sẽ có trách nhiệm rõ ràng với nhau bên cạnh tình yêu sớm muộn gì cũng chuyển sang một trạng thái khác, đôi khi tốt là nghĩa, đôi khi xấu, là nợ nần). Tuy nhiên điều mình muốn chỉ ra ở đây, là có hẳn một khuynh hướng đang phát triển trên khắp các vùng khác nhau trên thế giới, là người ta không cần phải có con cái, vẫn sống vui vẻ, ung dung với đời.

Nhớ tới đây lại bắt nhớ dắt dây qua một việc nữa. Năm trước, khi có thời gian mấy tháng dài làm việc với anh Tuấn Ngọc qua một loạt các chương trình, mấy anh em hay dành những lúc rảnh rỗi chờ giờ quay để trao đổi, chia sẻ nhau chuyện này chuyện nọ. Và một trong những chuyện làm mình và anh Tuấn Ngọc tranh cãi không hồi kết, chính là… quan điểm về con cái.

Anh Tuấn Ngọc thường nói, anh hay ‘kêu gọi’ mấy cô con gái nhà anh đừng có con cái làm gì, vì như vậy chỉ gây thêm khổ cho cả mẹ lẫn con. Mình nhớ lúc đó mình nhất định không chịu, mình ức lắm, mình cãi, anh nói vậy sao được! Vì theo mình, những linh hồn người ta khi mất đi nhất định sẽ đi vào vòng luân hồi, nói cách khác, là đang ‘xếp hàng’ để được… sinh ra lần nữa. Và như vậy, nếu mình… chận mình lại, nghĩa là các em bé sẽ không được sinh ra từ nhà mình, lỡ đâu chúng nó bay vòng vòng, đậu trúng nhà kém may mắn hơn, lỡ sinh ra trúng nhà có ông bố say xỉn, rồi hay đánh đập con, hoặc trúng những gia đình khó khăn ở tận vùng sâu vùng xa… Như vậy có phải là mình có lỗi với những em bé đó không. Vì dù sao ở đời này, mình cũng ý thức được mình sẽ thương con mình, mình sẽ dạy dỗ thương yêu các em ấy cẩn thận, và nói gì nói, ít nhiều gì mình cũng đủ điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng một em bé một cách chỉn chu, cẩn thận?

Bạn đừng hỏi mình sau đó ra sao, bởi vì… sau đó anh Tuấn Ngọc vẫn giữ vững quan điểm của ảnh, còn mình vẫn giữ quan điểm mình, quan điểm bên nào cũng mạnh mẽ mà không bên nào chịu thua bên nào, đến nỗi… sau này tự ngầm hiểu với nhau, hai anh em có bàn việc trên trời dưới biển gì thoải mái, chỉ miễn đừng ‘quẹo’ về chuyện nên có con cái hay không, là được ^^

Rồi sau này, một dịp hữu duyên, mình có được gặp một vị ni sư đang trò chuyện cùng một người đàn ông đang có vợ gặp cảnh hiếm muộn. Anh này tha thiết xin vị ni ấy chỉ cho cách nào đó để cho vợ anh sinh được con. Chỉ nghe vị ni sư cười: “Không có con là không có vướng nợ trần ai rồi, còn ham vướng vào nợ làm gì.” Nói vậy thôi, chứ trước sự khẩn khoản của người đàn ông đó, rốt cục vị ni sư ấy cũng bày cho anh ấy cách đọc kinh, cầu nguyện, để có thêm niềm tin mà ‘xin’ được một đứa con do chính vợ chồng họ sinh ra. Chỉ là, bà khuyên anh suy nghĩ và cân nhắc cho thật kỹ, vì theo bà, con cái, nhìn kiểu gì cũng là một dạng ‘Nợ’ của ta. Mình ngẫm nghĩ, thấy cũng đúng. Vì bạn thử nhìn coi, không cần biết sau này con cái lớn lên rồi mình có ‘được nhờ’ chúng như kiểu ông bà mình hay nghĩ hay không, chỉ thấy chắc chắn trước mắt: mang nặng đẻ đau, là có. Con sinh ra một ngày là một ngày mẹ ba lo lắng chăm bẵm, là đúng. Rồi nó lớn lên tới đâu, mình lo tới đó, là đúng. Và cuối cùng, ngày nào còn có nó trên đời, ngày đó mình sẽ mãi vẫn còn có một cái ‘nợ tự nguyện’ để mà lo, mà thương, mà thắt lòng mỗi khi nó bệnh nó đau, nó thất tình, nó thất bại, cũng đúng.

Mình khẳng định, trước giờ mình vẫn luôn khuyến khích các bạn trẻ đi theo thuận tự nhiên: chính thức về với nhau trong một gia đình, sinh con, nuôi con lớn. Tuy vậy, mình chỉ muốn nói, Lỡ mà bạn Không đi theo được suôn sẻ theo con đường ‘thuận tự nhiên’ như vậy, hãy đừng nghĩ nó là ngõ cụt. Cuộc đời của bạn vẫn rất vui vẻ, an yên mà KHÔNG CẦN phải có con cái làm ‘gói bảo đảm’. Miễn là hai người vợ chồng bạn thương nhau, người này biết nghĩ trước cho người kia, để rồi một ngày hai bạn nhận ra bạn có lỡ rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn, cũng luôn nhớ về ngày trước vì cái gì ta đã đến với nhau. Nói thì sợ các bạn nam tự ái, chứ thật lòng qua thực tế mình thấy, trong mười cặp đôi hiếm muộn, nếu cặp nào lỗi ‘trục trặc’ rơi vào người chồng thì xác suất vẫn êm nhà ấm cửa vẫn có thể lên tới 80-90%. Trong khi đó, thật đáng buồn – lỡ ca trục trặc rơi vào người vợ, xác suất anh chồng… lập thêm ‘phòng nhì’ hoặc tệ hơn, đường ai nấy đi để anh chồng làm thêm ‘tập hai’, sinh con đẻ cái, có khi lên đến 60-70%!

Là vì sao? Là vì cái áp lực ‘phải nối dõi tông đường’ vẫn còn đè rất nặng lên không ít người đàn ông Việt Nam, khiến cho cả anh chồng dần cũng trở nên bạc tình bạc nghĩa, và gia đình chồng cũng trở nên lạnh bạc, ‘mắt nhắm mắt mở’ ngấm ngầm tiếp tay cho anh chồng ‘xé rào’, như trường hợp của cô khán giả vô sinh bảy năm ròng cuối cùng cũng gạt nước mắt ra tòa ly hôn cho chồng cưới vợ mới, mà cách đây vài năm từng ‘gây mưa bão’ tại Thay lời muốn nói? Ngay cả như ở TLMN Đón an lành cách đây vài ngày, một số khán giả nữ từng thoát khỏi cảnh hiếm muộn cũng khẳng định, vai trò của người chồng, của gia đình chồng là Cực lớn trong việc duy trì sự bình an cho người vợ.

Thật lòng mình nói, thời đại này là thời đại nào rồi. Người ta hẳn không còn quá câu nệ đến việc nhất định phải có đứa nhỏ để lưu giữ cái họ, để có… cầm cho tấm hình đi sau quan tài ngày ta từ giã cõi đời, hay có người hương khói cho ta sau này. Chết là hết rồi, một nắm tro rải ra sông ra biển, là ai cũng sẽ hoan hỉ được để đi làm lại một vòng đời mới. Hãy thương nhau là thương cái tình, cái nghĩa mà những người đang thực sống cùng nhau dưới một mái nhà, trong tình chồng nghĩa vợ, trong mối quan hệ cha mẹ chồng và con dâu, đâu cần phải đợi có tiếng trẻ con bi bô mới đầy đủ một mái nhà… Dĩ nhiên ai cũng biết lý tưởng nhất vẫn là đủ đầy con cái, song nếu cuộc đời đã không cho ta được viên mãn theo cách đó, hãy ‘Khuyết’ một cách hoan hỉ, bằng an. Mình nói thật, nếu quả thật vợ bạn/con dâu nhà bạn bị hiếm muộn hoặc vô sinh, mà bạn vẫn yêu thương vợ, thương quý trân trọng con dâu nhà mình, phước đức bạn gây dựng còn nhiều còn vĩ đại hơn gấp nhiều lần bạn đi chùa đi lễ nhà thờ, hay đi làm phước ở đâu bên ngoài.

Bởi vì bạn biết sao không, gìn giữ được một con người an yên trong hiểm cảnh đau khổ, họ sẽ âm thầm ghi nhận và biết ơn ta rất nhiều. Và từ sự ghi nhận, lòng biết ơn đó, họ sẽ còn tiếp tục làm ra bao nhiêu điều tốt đẹp lại cho chính bạn, và còn cho biết bao người khác nữa.


Vậy thì, trước đây không nhìn ra thì thôi. Giờ nhìn ra rồi, hãy mở lòng mà tập đón nhận hiện thực kém hoàn hảo đây đó vẫn tồn tại trong đường con cái, có khả năng xảy ra với bản thân mình, với người thân trong nhà mình, hoặc cả ở những người quen xung quanh mình. Hãy tập ngưng những câu hỏi đại loại “Sao lâu quá không thấy có bầu?” “Sao chưa chịu có con vậy?” Những câu hỏi hoàn toàn mang tính vô tâm vô tình từ người hỏi, nhưng sẽ đầy ‘lực sát thương’ nơi những con người vốn đã đang nhạy cảm và đầy tự ti về vấn đề này. Bạn tin hay không thì tùy, nhưng mình đảm bảo, có không dưới 50% nỗi đau hiếm muộn bị khoét sâu hơn bởi những câu hỏi ‘vô tư’ kiểu này. Nói đâu cho xa, ngay cả chính bản thân mình và anh xã, đã có em Tin Nhái rồi đó nha, mà vẫn thường xuyên bị… khó chịu bởi những câu hỏi thăm, đại loại “Sao không có thêm em nữa cho vui cửa vui nhà?” “Sao không tậu thêm em bé gái?” “Sao có một đứa vậy?” Thử nghĩ coi, mình ý là đã có một đứa rồi mà còn thiếu điều… bị mắc mệt với áp lực (từ mấy câu hỏi ở ngoài, hỏng phải từ nhà mình) như vậy, huống hồ những người đang bị hiếm muộn từ đầu?

Và cuối cùng cho bài viết dài mênh mang này, mình chỉ muốn nói: minh theo quan điểm con cái là duyên trời cho, trời cho nhiêu hưởng nhiêu, không cho khỏi hưởng. Nên con cái vẫn nên là điều đẹp đẽ nhất và nên được kết tinh từ sự thăng hoa mạnh mẽ nhất của tình yêu giữa ba mẹ, chứ không nên là những nỗ lực đau thấu xương từ những ống nghiệm vô tình, trong những phòng bệnh viện lạnh ngắt. Con mình đắm đuối yêu đắm đuối sinh ra, sau này nuôi dạy nó lớn khôn, lỡ lúc nào… nó lì hay nó cãi mình, mình còn nói tại mình hưởng thì giờ mình chịu. Còn số mình không mắc nợ mà mình còn phải năm lao đao mười khổ cực bằng mọi giá phải cào cấu cho bằng được để có nó ra đời, sau này lỡ nó cãi mình, có phải… mình tức chết không?

Tóm lại, mọi cái thuận theo tự nhiên, an yên với những gì ta được cho, là được, bạn ạ.

(17.1.2018 – QH)

 

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart