“GOD”? – “NO GOD”???

>
>
“GOD”? – “NO GOD”???

Đêm qua đang ngồi lọ mọ gõ cho xong kịch bản Thay lời muốn nói – Đôi tối chủ nhật này lên sóng thì cậu con trai gọi về. (Ngày nào cũng giác này là gọi về, tám nam tào bắc đẩu, khoảng cũng hơn nửa tiếng mới dứt).

Chuyện hôm nay xoay quanh giờ Triết học nâng cao của ảnh ở bên trường bên Anh. Ảnh nói, mẹ, như thường lệ, hôm qua lớp con lại tiếp tục chia phe tranh luận với nhau. Đề tài tiếp tục là “God” có thực sự tồn tại hay không, tôn giáo hay tín ngưỡng có cần thiết hay không. Đám tụi con (là các bạn nhánh Đông Nam Á) thì kêu là có, còn đám tạm xếp vào dạng ‘vô thần’ thì nói không. Mà nhóm ‘vô thần’ đó mẹ, các bạn toàn là đến từ các nước Bắc Âu như Đan Mạch và Na Uy… Các bạn nói, sao, chúng tớ đâu cần phải tin God gì đâu mà vẫn sống yên ấm như thường, tại những đất nước đáng sống nhất trên thế giới!

Mình cười, đúng rồi con. Tôn giáo hay tín ngưỡng thường chỉ phát sinh khi con người ta lâm vào sa sút hay đau khổ, tuyệt vọng, bế tắc… Còn một khi yên ấm, sung túc, bằng phẳng, lẽ thường là người ta chẳng cần thấy phải tin ai cả, tin bản thân mình là được rồi. Thằng con nói, ai cha…, con ở đây riết rồi… cãi không lại bạn, có khi nào có ngày con bị… mai một lòng tin không hả mẹ? Mà, vấn đề là God hay tín ngưỡng hay tôn giáo nó lại quá trừu tượng, mà không có ‘facts and figures’ (thông số – dữ liệu) cụ thể để con chứng minh chống lại quan điểm của các bạn!

Mình nói, con không cần phải chứng minh hay chống lại gì cả, ai đang sống sao cứ theo một đường tốt đẹp như vậy mà đi là được. Các bạn đến từ Bắc Âu của con quá may mắn nên sinh ra đã ở trong một nơi chốn bình yên lâu dài, cuộc sống ổn định, an sinh tốt. Mà việc đó xuất phát từ đặc điểm địa lý, đúng không? Ở một nơi khuất và lạnh và vắng vẻ như vậy, ai có nhu cầu đi xâm chiếm, vì thế những đất nước đó an hòa từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, từ đó tạo lập thành một lối sống thanh bình thâm căn cố đế.

Trái lại, nước Việt Nam của con địa thế địa lý thế nào? Nằm giữa ngã ba ngã tư…, ồ không, nằm luôn ngay cái ‘bùng binh’ giao thương của quá trời nước, nên nó cứ nhộn nhịp tới tới lui lui anh này dòm anh kia ngó…, rồi cái bất an, rồi cái xáo trộn. Bốn ngàn năm lịch sử của đất nước, con coi có bao nhiêu năm được yên lành dài lâu? Bao nhiêu là giặc giã chiến tranh, bao nhiêu là thiên tai bão lũ…, rồi lại sinh ra nhiều bất cập xã hội. Cái cảm giác bất an và lo sợ đã ăn sâu vào trong đầu của mọi người rồi, từ đời này qua đời khác. Mà cái gì bất an, lo sợ, nằm ngoài tầm kiểm soát chủ động của ta, người ta hay có khuynh hướng cầu, xin ‘cứu viện’, hoặc tìm một chỗ dựa cao hơn một chỗ dựa tinh thần thông thường. Vậy thì xuất phát điểm khách quan nó đã khác rồi, làm sao nhân sinh quan giống nhau cho được!

Cậu con gật gù, nói có lý, nhưng mà con cần dẫn chứng cụ thể để chứng minh với bọn bạn ‘phe đối lập’ của con! Mình nói, muốn dẫn chứng thì dẫn chứng ra ngay đây. Con hãy nói với bạn, giờ khỏi có tâm linh với cảm giác mơ hồ gì, tất cả đều quy về năng lượng nhé! Có một tiến sĩ tâm lý học, ông David R. Hawkins đã cùng dồng sự nghiên cứu rất nhiều năm, trên rất nhiều phản ứng của con người. Trong cuốn sách ‘best seller’ của mình, Power vs. Force (tạm dịch: Năng lượng và Lực), ông đã thể hiện rất chi tiết bằng đúng ‘facts and figures’ mà các bạn con cần đó, rằng các trạng thái cảm xúc của con người ta cũng mang theo những chỉ số năng lượng nhất định nha!

Trong đó, một con người sống (a living human being) sẽ có chỉ số năng lượng dao động từ 01-1.000. Và vấn đề là, những cảm xúc tiêu cực sẽ mang năng lượng cực kỳ thấp. Chẳng hạn như cảm giác xấu hổ, nhục nhã (Shame) thì mức năng lượng chỉ có 20, cảm giác tội lỗi (Guilt) thì đạt chỉ 30, sự thờ ơ vô cảm (Apathy): 50, nỗi sợ hãi (Fear): 100… Nỗi tức giận (Anger) đạt 150, và cảm giác tự hào (Pride) cũng chỉ đạt có 175 thôi. Trong khi đó, lòng dũng cảm (Courage) đạt 200, và cũng Chính từ mốc 200 này, người ta mới được tính là mức ‘năng lượng trung bình’, còn dưới mức 200 là tiêu cực nha!

Trong khi đó, cũng những thí nghiệm của Hawkins cho biết, tình trạng Thiện chí (Willingness) đạt tới 310, thái độ Chấp nhận sự việc (Acceptance) 350. Tính ‘hiểu chuyện’, ‘biết điều’ (Reason) đạt 400, Cảm giác Yêu thương (Love) đạt 500. An lạc (Joy) đạt đến 540, còn Bình yên (Peace) đạt tới 600 lận nhé!

Khoa học đã chứng minh, khi trường năng lượng trong con người ta thấp, người ta sẽ giảm tuổi thọ, hay đau bệnh, sống khổ sở, đúng không? Vậy thì, có phải trong những lúc không thể tự mình thu xếp, dẹp yên những cảm giác nhục nhã, tội lỗi, sợ hãi hay tức giận… trong lòng, chẳng phải người ta đã đang dùng đức tin hay tôn giáo để hỗ trợ cho mình để ‘thu dọn’ những ngổn ngang này, để hướng dần đến sự Biết đủ (Chấp nhận), Thiện chí giúp đỡ người khác, Thiện chí học cái thiện lành, dần trở thành con người buông oán hận (Tức giận) để giàu tâm từ bi (Tình yêu thương), An lạc và Bình yên trong tâm hồn?

Nhưng, cũng chính từ hành trình vươn dần đến An lạc và Bình yên này, dần dần bằng vô thức họ sẽ tiến lên cao hơn một bậc nữa, chính là nhận thức được những sự việc cao hơn mức cảm nhận bằng năm giác quan thông thường, để dần chạm đến sự Giác ngộ, Tỉnh thức (Enlightment) vốn đạt được mức năng lượng cao nhất: từ 700-1.000. Và nhớ, theo Hawkins, thang năng lượng này không phải là bài toán cộng, mà trong đó 200 + 200 sẽ bằng 400 đâu nhe. Điều đó có nghĩa là, một khi con người ta đạt độ 700-1.000, trường năng lượng, độ tuệ mẫn… trong một con người có thể cao gấp nhiều gấp rất nhiều lần một người có trường năng lượng đạt 200, chứ không phải chỉ 5 lần đâu nhe!

Enlightment – nôm na là ‘giác ngộ’, ‘tỉnh thức’, là trạng thái khi con người ta vượt ra khỏi những suy nghĩ hữu hạn kiểu ‘Mắt nhìn cây tâm khởi tượng’ – tức là cái gì con mắt trần này nhìn thấy rồi mới tin là đúng, là có thật! Vũ trụ này bao la con ơi, và những gì ‘khoa học’ hiện tại chứng minh được chỉ mới là một phần nhỏ xíu so với tất cả những gì còn đang được khuất lấp. Mà cái gì chưa được khoa học hiện tại chứng minh được đâu có nghĩa là nó không tồn tại? Chẳng hạn như, cái hồi thế kỷ 19, khoa học đã nào ‘chứng minh’ được nhiều nhiều cái gì hiện giờ vẫn đang được coi như là ‘bình thường’ trong cuộc sống đấy thôi?



Vậy đó, con trai. Khi gạt qua một bên những vấn đề gọi là ‘khó giải thích’, tâm linh hay tín ngưỡng hay tôn giáo chính đáng đều mang tính khoa học rất cao! Tôn giáo hay tín ngưỡng thiện lành đều suy cho cùng hướng con người ta đào thải năng lượng tiêu cực, để sạc cho mình những năng lượng tích cực, mà năng lượng tích cực thì có mức độ rất cao, đưa đến một cuộc sống trường thọ, khỏe mạnh! Và hơn thế nữa, khi con người ta vươn được tới trường năng lượng cao hơn, người ta còn lý giải được cho những khổ đau, thiệt thòi của mình và cách vượt qua nó một cách vui vẻ, nhẹ nhàng, để còn tiếp tục có dũng khí đi xây đắp những điều tốt đẹp mới. Đơn giản vậy đó!

Thế nên, con trai, cái gì con đang giữ niềm tin trong đầu thì con cứ tiếp tục bình tĩnh mà kiên định giữ niềm tin ấy. Miễn sao mỗi lúc con nghiệm lại với chính bản thân mình, thấy niềm tin ấy vẫn luôn đang hướng con về cảm giác yêu thương, tích cực, hay muốn giúp đỡ người khác và mỗi ngày bỏ thêm một mớ thói hư tật xấu, là được! Đừng hoang mang đừng dao động, cũng đừng so sánh với ai khác. Các bạn con may mắn quá sống trong môi trường tốt sẵn, các bạn khỏi cần phấn đấu nỗ lực gì thì mức năng lượng của các bạn ấy cũng đã được cuộc sống bình thường ‘sạc’ cho cao sẵn rồi, thì quá hay. Nếu các bạn đang ở trong hoàn cảnh tốt như vậy và vẫn giữ được những đức tính tốt đẹp như mẹ vừa nêu trên, chúc mừng các bạn! Nhưng nếu các bạn sinh trong những môi trường quá đỗi thuận lợi rồi lại sinh ra ích kỷ, không tự thân cố gắng giúp đỡ người khác; hoặc sinh tâm kiêu ngạo…, bản thân các bạn sẽ đang ‘ăn cạn dần’ cái phước cách bạn tích lũy được…, rồi các bạn sẽ lại một lúc nào đó, một đời kiếp sau nào đó, thấy mình… sinh vào một vùng, một chỗ khó khăn nào đó. Rồi có thể sẽ lại trầy trật bám vào niềm tin, vào tín ngưỡng hay tôn giáo để từ từ ‘trèo’ lên! Con tạo cứ thế xoay vần…, vậy thôi!

Thằng con lại cố cãi nốt ý cuối cùng: Nhưng như vậy, nếu mình nhờ tin tưởng vào tín ngưỡng, vào tôn giáo hay tâm linh mà ráng ‘sạc’ năng lượng của mình ngày một cao lên…, thế rồi sẽ có một lúc mình sẽ sinh được vào những vùng thuận lợi, như các bạn của con. Mà như vậy…, tới chừng đó con đâu cần tin vào God, tin vào tâm linh hay tín ngưỡng nữa, giống như các bạn Bắc Âu của con bây giờ vậy!

Tới đây thì mình bật cười. Con trai, việc con có tin hay không tin chuyện có God hay không, nó tồn tại độc lập với chuyện ‘Quả thật có God’ hay không nha! Đâu phải nhờ con không tin rồi God không tồn tại. Mà như cuốn ‘Hành trình về Phương Đông’ có nói đó, đừng ấu trĩ nghĩ ‘God’ là một ông già râu bạc, cầm cây phương trượng uy nghiêm chĩa xuống trần gian điều cái này chỉ cái kia… Không đâu. ‘God’, có khi là cả vũ trụ huyền bí bao la này, nơi vẫn có biết bao điều ta giải thích hỏng nổi!

Vậy đó!

(29.11.2018 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart