‘KẾT ƯỚC TÌNH GIÀ’

>
>
‘KẾT ƯỚC TÌNH GIÀ’

Nói về chủ đề Tình của Thay lời muốn nói hôm rồi, đúng là mình cũng như các khán giả khác thôi, cùng ngất ngây với những sự hòa quyện đẹp đẽ giữa giai điệu tình khúc Trịnh, giọng hát và những câu chuyện kể… Có điều, hỏi mình yêu điều gì nhất trong toàn bộ chủ đề vừa rồi, chắc mình nói ngay, mình yêu nhất câu chuyện này. Lá thư từ cô Hoàng Thanh Thủy viết tay gửi bưu điện tới, mà cái ngày đầu tiên mình cắt mở thư ra đọc xong là ồ trời ơi, nước mắt mẹ nước mắt con thi nhau rưng rưng chảy. Mà không phải vì buồn.

Thấm đẫm trong những câu chữ mộc mạc vừa gần gũi thân tình kiểu thân thiết như tiền bối lâu năm gửi cho con cháu, những dòng cô viết lại không giấu được vẻ hạnh phúc cứ nhẹ nhàng, cùng phảng phất chút gì như… mắc cỡ!

Phải, là mắc cỡ. Ở một người phụ nữ tuổi đã 65, chồng đã mất từ lâu, có 4 người con đều đã trưởng thành và 9 đứa cháu nội ngoại.

Mình rưng nước mắt, là vì cảm nhận được cái Phước lớn lao nơi cả cô – người viết thư, và cả chú – người mà cô đã ‘kết ước’ được ‘mối tình già’ của mình. Người cũng đã 72 tuổi, vợ mất cũng đã 23 năm, ăn chay trường, có 4 người con, 6 cháu nội ngoại đều đã lớn.

Tóm lại, cả cô cả chú đều đã được xếp vô nhóm mà, nhìn theo cái nhìn phổ biến của xã hội mình bây giờ, là người già, và ‘nên an hưởng tuổi già bên con cháu’.

Trường hợp của cô cũng là loại duyên đến tự nhiên. Cô kể, cô và chú quen nhau trong những dịp họp mặt của lớp chú học, vì chú học chung lớp với anh của cô. Mấy ông già hơn sáu mươi năm mới gặp lại nên vui lắm và đủ chuyện trên đời để nói, và họ hứa với nhau cố gắng một tháng phải cà phê gặp nhau một lần. Và trong 5-6 năm gặp nhau như vậy, thỉnh thoảng chú cũng hay chở cô ‘quá giang’ về.

Những dịp gặp nhau, quả thật cũng bị các… bạn già gán ghép. Cô nghĩ chú cũng nghiêm nghị, hoàn cảnh giống mình, hai người cũng hợp tính… Nhưng cô đã 65 tuổi rồi, chỉ sợ mọi người cười, kêu là “Già không nên nết”… Còn phía chú thì nghĩ cô là Việt kiều, sợ có gì rồi mình bị mang tiếng, bị hiểu lầm…

Cho đến tháng Tư cách đây ba năm, nhân dịp sinh nhật chú, các con chú đã mời hết bạn bè đến dự sinh nhật ông tại nhà. Trong dịp này, … cô con gái lớn của chú đã đại diện mấy người con bên chú đã bày tỏ ý định muốn ông được vui lúc tuổi già. Và mong ước này đã được bạn bè chú ủng hộ 😛 Cô nói, “Cô rất mắc cỡ, nhưng cũng về hỏi ý kiến các con của mỉnh, chúng cũng ủng hộ…”

Rớt nước mắt chỗ này. Là vì mình từng nghe nhiều biết quá nhiều trường hợp rồi, biết bao nhiêu người làm cha làm mẹ đã phải thắt lòng mà giấu cho riêng mình những nỗi cay đắng riêng, cả nhu cầu được hạnh phúc lần nữa sau những đổ vỡ, những mất mát bạn đời…, chỉ vì nhu cầu được yêu thương này đã gặp phải sự chống đối dữ dội từ các con cái của họ. Vì cái gì?

Vì nhiều lẽ. Sợ ba/mẹ mình có chút ít của cải, sẽ bị ‘phía bên kia’ lừa mất rồi trắng tay khi nằm xuống. Sợ ba/mẹ mình mang tiếng “Già không nên nết”. Nói thiệt, sao mình ghét cái câu này đến thế. Người ta đã đủ ‘già’ rồi, ‘Nên nết’ hay ‘Không nên nết’, tự người ta quyết định được, héng?

Mà đâu phải chỉ có những người già mới chịu cảnh này. Không biết bây giờ xã hội có biến chuyển gì không, chứ hồi đó, mình từng chứng kiến nhiều người mẹ sau ly hôn là ngậm ngùi ‘ôm một khối nỗi lòng ai biết’, vì con không muốn cho mẹ mình quen ai khác hay đi thêm bước nữa!

Đàng này, bạn tin không, CHÍNH CÁC CON CỦA CẢ HAI BÊN ÔNG BÀ, “8 đứa” theo lời cô kể, đã đứng ra, tổ chức một cái lễ kêu bằng lễ “Kết ước” cho hai ông bà già vào tháng 11 cùng năm đó. Một cái lễ nhỏ tại nhà hàng thật vui và đầm ấm, với đủ con cháu hai bên, có… cô con gái chú làm MC, và các bạn của chú ở Mỹ, Pháp, Canada, Úc… về dự. Và phía bên cô cũng vậy…

Và mối ‘tình già kết ước’ của họ vẫn thắm thiết, khắng khít, đến hôm nay đã là năm thứ ba rồi.

Rưng rưng thêm nữa là ở đoạn “hậu kết ước”, đọc để thấy con cháu hai bên gia đình cô chú, họ đã đầy tình thương, đầy văn minh, đầy cởi mở và hiểu chuyện đến độ nào. “Đã ba năm, cô chú vì không muốn xa rời con cháu, nên vẫn nhà ai nấy ở. Nhưng hễ ông sang thăm bà ở chơi cả tuần thì con bà lo…, còn lúc nào bà sang ông thì con ông lo.” Và cứ như thế, đôi cô chú cảm thấy vui tuổi già và khỏe mạnh ra, hai người nhắc nhau uống thuốc, đưa nhau đi khám sức khỏe bảo hiểm, đi du lịch, đi từ thiện, thăm hỏi bạn bè, hát với nhau và cùng nhau khiêu vũ. Chú thì bảo “Bà là báu vật cuối đời của tôi”, còn cô hay giỡn, nói “May mà tôi vớt cú chót gặp người tử tế”. Cô chú bây giờ rất vui, vì con cái hai bên tổ chức du lịch hay đi ăn tối, ông bà cùng hòa vào rất vui. Và cô hớn hở khoe: “Mỗi năm chúng nó gặp nhau vào dịp Tết hay sinh nhật thì như một đại gia đình có tám đứa con vậy…” Thương đứt ruột! Thiệt!

Mình cứ ngẫm nghĩ, chuyện các bạn bè cô chú rất ngưỡng mộ mối tình già này và hay làm thơ chọc ghẹo cô chú cũng là điều dễ hiểu. Còn riêng mình, mình càng ngưỡng mộ và biết ơn tám người con của cả hai bên cô chú nhiều hơn! Hôm ấy trên sóng truyền hình trực tiếp mình không đủ thời gian để nói, chứ thật lòng, mình rất mong, rất mong câu chuyện này sẽ đủ sức truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu người con khác có hoàn cảnh tương tự trong đời sống này, nếu thương thì hãy hiểu, hãy biết lắng nghe những nỗi lòng thầm kín của những người cha, người mẹ cô độc của mình mà tạo thêm nhịp cầu đi. Ở tuổi ngoài sáu mươi, có lẽ con người ta sẽ khó dám ‘dấn bước’ nếu không có sự cổ vũ, động viên từ con cháu. Có lẽ ta nên hiểu, chính chúng ta – những người làm con làm cháu trong nhà – vẫn là cái ‘cục thương’ lớn nhứt, quan trọng nhứt của các bố mẹ già. Và cũng vì thế, nếu ông bà cảm nhận được bất kỳ chút gì không thoải mái, không thuận, không vui từ phía chúng ta, nhất định ông bà sẽ không bao giờ dám tiến tới.

Bạn có nhìn thấy vẻ ngời ngời hạnh phúc của cô Thủy và chú Cường trong trường hợp này không? Hãy coi đây là một trường hợp mẫu đầy tính cảm hứng, để những ai có thể đang ở trong những hoàn cảnh tương tự, với nhiều vai trò có liên quan khác nhau: là bố – là mẹ – hay là những đứa con trong nhà…, hãy mạnh dạn bước qua những ‘ngại’, những định kiến, và làm những gì mình cho là đúng và cần thiết nhé. “Cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ” 

(10.4.2018 – QH)

🌸 Có mấy điểm bỏ thêm ngoài lề ở đây nhe:

1/ Nếu các con cái nào có ngại những chuyện tế nhị kiểu gia sản tiền bạc gì đó, có thể tham khảo hình thức ‘Kết ước’ này của cô chú. Là kiểu ‘Bạn duyên’ nhau lúc cuối đời, đâu có ràng buộc gì về pháp luật nên cũng đâu phiền phức rắc rối gì chuyện tài sản, ai cũng ở nhà nấy, đi qua đi lại thăm nhau thôi 😜

2/ Rất thương câu cuối cô viết riêng cho mình, vầy nè: “Cô chỉ nghĩ sao viết vậy, chú bảo con có rất nhiều thơ, cô viết làm gì, và thời buổi bây giờ người ta mail là tới liền chứ ai viết thư tay. Cô lười lắm, nhưng thấy con dẫn chương trình Thay lời muốn nói rất chân thật, nên cô thích mới gởi cho con. Cô xin lỗi nếu thư này có gì thiếu sót vì cô viết một mạch chứ nếu nháp có khi cô ngại không gửi. Cám ơn con rất nhiều.” Những người có tuổi, cái cách họ nghĩ họ vụng về, cũng duyên hết biết ❤️

3/ Ai chưa được xem qua câu chuyện cô chú ở trên sóng Thay lời muốn nói có thể coi lại ở link này nha:
https://www.facebook.com/tienghatmaixanhofficial/posts/1851215884922808

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart