“THỨ NHẤT LÀ TU TẠI GIA THỨ NHÌ TU CHỢ – THỨ BA TU CHÙA…”

>
>
“THỨ NHẤT LÀ TU TẠI GIA THỨ NHÌ TU CHỢ – THỨ BA TU CHÙA…”

Những ngày lu bu đầu tắt mặt tối vầy, đột nhiên gần như cùng một lúc nhận được hai tin nhắn hỏi ý kiến gửi vào inbox, cùng có liên quan đến việc… có nên đi tu hay không.

Có chút cảm thấy dở khóc dở cười. Trời, hỏi ai không hỏi, tại sao các bạn lại nhè một người không mấy am hiểu về Phật pháp một cách hệ thống, bài bản như mình mà hỏi thăm vậy không biết?

Một bạn nữ thì nói một người bạn của bạn, mới 26 tuổi, hiện đang rất muốn đi tu. “Bạn ấy bảo đi tu để tìm đường giải thoát, không làm người hay có kiếp nào nữa.
Bạn đọc sách Phật giáo rất nhiều, cảm nhận rất sâu sắc. Tuy nhiên, không biết có phải vì đọc sách Phật nhiều quá hay không mà em cảm nhận bạn ấy sống lơ lửng, không mục đích, không có lý tưởng sống. Ngay chính gia đình đối với bạn ấy cũng không xem trọng. Bạn bảo làm người là khổ. Em thật sự không biết khuyên bạn ấy thế nào.”

Một bạn nữ khác thì bảo, bạn có mong muốn xuất gia, “Đời này con chỉ lo làm phước và gieo duyên xuất gia thôi. Nhưng con lại băn khăn một vấn đề: Muốn xuất gia thì phải diệt trừ nghiệp tham ái nghiệp ái dục. Nhưng do nợ và nghiệp của con đã đến lúc phải trả, con đã lỡ yêu một người. Con yêu thương người đó và hai người có tính ít nói giống nhau. Con đang phân vân giữa việc mình có nên chấp nhận tình cảm đó không. Mà chấp nhận thì tiến tới hôn nhân thì khi tình nghĩa vợ chồng sẽ làm cản trở con đường tu của kiếp sau.
Có lần con trốn tránh người đó tránh mặt, nhưng trong khoảnh thời gian đó con lại biết người đó quan tâm con, thì tham ái lại khởi lên, và con lại chỉ muốn gặp người đó. Con nên làm thế nào khi lỡ yêu một người với lý tưởng xuất gia?”

Các bạn ơi, thật ra, với tư cách là một người bình thường, mình quan niệm đơn giản lắm. “Tu” là điều chỉnh, là sửa. Nếu mỗi ngày bạn đều biết tự quan sát bản thân mình, biết học hỏi những điều hay lẽ phải, rồi từ đó nghiệm ra những điều gì trước đây bạn không phải, để ý thức chỉnh dần… Hay mỗi ngày bạn nhận ra thêm những việc bạn nên làm, không chỉ làm cho cuộc sống bạn nhẹ nhàng hơn mà còn có khả năng giúp được cho thêm càng ngày càng nhiều người xung quanh bạn hơn… Tất cả những điều này có nghĩa là bạn vẫn đang ‘tu’ rồi đó.

Vậy thì trong cuộc sống này, có biết bao nhiêu con người cũng đang ‘tu’mỗi ngày, mặc dù họ có thể không theo cụ thể một tôn giáo, một đạo pháp cụ thể nào cả. Hoặc giả, có thể họ theo một tôn giáo nào đó, nhưng việc gắn bó không đến mức phải vào chùa hay đi nhà thờ thường xuyên, cũng không phải năng đọc kinh hay thuộc làu điển sử gì. Và mình nghĩ đó mới là điều quan trọng. Mình sống sao cho mỗi ngày qua ta thấy mình tốt hơn, để sau mỗi đời kiếp nếu có, ta vẫn là ta đó, nhưng đã trở nên thiện lương hơn, phát tâm giúp được người nhiều hơn…, thì cứ sau mỗi đời kiếp, tâm hồn ta nhẹ nhõm hơn. Rồi nếu quả thật có những cõi cực lạc ở đâu đó, một lúc nào đó tâm hồn ta đủ nhẹ nhàng, thanh thoát để ‘bay’ đến đó, tự nó sẽ bay được đến đó. Cũng không quá gấp rút ‘đốt giai đoạn’ hay ‘giú chín ép’ làm gì. Bạn thấy không, trái cây chín tự nhiên mới ngon mà 🙂

Có lần mình nghe được đôi câu ví von:

Thứ nhất là tu tại gia
Thứ hai tu chợ – Thứ ba tu chùa

Theo mình hiểu hàm ý của câu ví von này là muốn nói về độ thử thách. Vì thật ra khi đã phát tâm và tu hẳn ở chùa, đó dù gì cũng là một môi trường ít đi nhiều những sự tham – sân – si của đời thường, nơi mọi thành viên ít nhiều cũng có ý thức chung những gì mình đang theo. Còn ở ‘chợ’ (chỉ chốn đông người) hay ở ‘nhà’ (chỉ nơi bình thường nhất, thậm chí là tự tâm ta, chỉ mình ta biết) lại chính là nơi… có nhiều thử thách nhất, khiến ta khó ‘tu’ nhất!

Vậy thì không biết về sau này mình có thay đổi quan điểm đi không, nhưng cho tới bây giờ, mình vẫn nghĩ tu ở đâu cũng tốt hết. Miễn là ta có ý thức đừng buông lung cuộc đời mình trôi vô định, còn lại, nhắm cho mình được một đích đến rõ ràng, giống như xác định được một ‘sợi chỉ đỏ’ xuyên suốt rồi từ đó ta cứ sống, cứ tu tâm dưỡng tính theo, như vậy vẫn rất đáng trân trọng rồi.

Mình nhớ cái hôm mình giao lưu với bạn đọc trang mình nhân buổi ra mắt sách Luật hấp dẫn của nụ cười, sau khi bạn đọc giải tán ra về, mình gặp được anh bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đang ngồi uống cà phê trong một quán sách gần đó. Anh bảo anh có theo dõi cuộc trò chuyện ban nãy của mình, và anh động viên: “Em làm tốt đấy! Cuộc đời cần có nhiều người ở nhiều vai trò khác nhau. Có cần những bậc chính tu thì cũng cần thêm những bậc ‘bồ tát tại gia’, giúp người khác và càng truyền rộng ra những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.” Và anh nói thêm, chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau một giai đoạn đầu tự mình giảng đạo cho các bậc đệ tử, sau ông cũng nhìn ra sự cần thiết của đội ngũ những ‘bồ tát tại gia’ này, để giúp cho những chân lý tốt đẹp của đạo Phật nói riêng và của đời sống nói chung được lan rộng nhiều hơn trong dân chúng.

Đến đó mình mới có thêm một khái niệm mới, ‘bồ tát tại gia’. Chữ ‘bồ tát’ không được viết hoa, để đừng bị nhầm lẫn về độ lớn lao, vĩ đại của các bậc Bồ Tát đang được triệu người kính ngưỡng như các đức Quán Thế Âm Bồ Tát hay Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát v.v… Chữ ‘bồ tát’ này giản dị và khiêm tốn, chỉ Tất Cả những ai đã ngộ ra, sống trong đời sống cần giúp những người xung quanh bớt khổ. Vậy thì, bạn thử ngẫm coi, chính bạn chứ không ai khác Hoàn toàn cũng có thể trở thành một ‘bồ tát tại gia’. Nghĩa là bạn đang ‘tu nhà’ đó, mà đâu cần bạn phải đi theo con đường chuyên tu, phải không bạn? Bạn hoàn toàn vẫn có thể yêu thương một người và lập gia đình bền vững với người ấy, sinh con, cùng nhau nuôi dưỡng con cái trở thành những con người tốt đẹp thiện lương, biết nghĩ cho lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng… Như vậy bạn cũng đang góp phần làm cho thế giới này tốt đẹp hơn rồi.

Đâu đó trong các bài giảng pháp, mình đọc và nghe được rằng xét theo một ý nghĩa nào đó, thật ra ‘thiên đàng’/‘cõi cực lạc’ hay ‘địa ngục’ nằm chính ngay tại cuộc sống này. Nếu ta sống một cuộc sống lành mạnh, cả nhà khỏe mạnh, yêu thương đỡ đần nhau, đời sống an lạc, biết buông bỏ phiền não, biết ‘tri túc’ thì ‘thiên đường’ hay ‘cõi cực lạc’ nằm ngay ở đời này kiếp này chứ ở đâu xa xôi. Còn ngược lại, nếu ta giữ lòng mưu cầu quá nhiều thứ, sân hận quá nhiều người… thì chẳng phải ‘địa ngục’ nằm ngay trong lòng ta hay sao!

Hơn nữa, chỉ mong bạn đừng nghĩ ‘đi tu’ hay xuất gia là một điều dễ dàng. Đó là cả một quyết định thiêng liêng mà, một khi trong lòng mình đã quyết, hẳn cũng nên ý thức đầy đủ những khó khăn, kham khổ của đời sống thanh bạch chốn tu tập, cũng như những quy củ nghiêm ngặt của việc giữ giới. Bạn nhắm bạn có làm nổi không? Có theo nổi không? Bạn quyết tâm đi tu xuất gia là vì lý tưởng của bạn hay chỉ để mưu cầu ‘thoát khổ’ cho bản thân? Những triết lý cao thâm của Phật pháp là vô cùng vi diệu, điều này nhiều người ngẫm và nghiệm được rồi. Thế nhưng nếu không biết cân bằng giữa lòng hướng đạo và những nghĩa vụ cơ bản nhất của một con người (biết thương yêu đồng loại, biết trân trọng gia đình, biết hiếu dưỡng các đấng sinh thành, hòa thuận anh chị em…), bạn có chắc bạn đang đi đúng hướng mà Đức Phật đã muốn chỉ cho bạn theo không?

Ở một khía cạnh khác, bạn muốn đi tu xuất gia trong khi lòng bạn còn dùng dằng chưa dứt những nợ trần ai, bạn nhắm vào cửa chùa lòng bạn có đủ tĩnh không? Cửa chùa không phải là chỗ để bạn thể nghiệm tính kiên định của mình. Thế bạn có từng nghĩ qua, có khi nào đã lỡ vào đó rồi, bạn đột nhiên nhận ra bạn khó thể nào giữ trái tim bạn yên lặng (“do nghiệp và nợ đến lúc bạn phải trả” theo cách nói của bạn hay bằng một lý do nào khác nữa, mình không biết), rồi bạn biết sẽ lùi lại bằng cách nào? Lúc đó, sợ là tâm bạn lại còn mang mặc cảm tội lỗi hơn. Ở cũng không xong mà lùi về càng sống trong day dứt.

Tuy vậy, mình cũng hiểu, ở một số người, hoặc họ đã có những lời hứa từ nhiều đời kiếp trước, hoặc họ được ‘Ơn Trên’ gọi theo tiếng gọi thiêng liêng của tôn giáo mà họ theo, mà họ quyết định đi tu xuất gia. Đó là điều thiêng liêng mà chỉ có bản thân họ mới ý thức hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của quyết định này, phàm là người ngoài, chúng ta chỉ nên im lặng tôn trọng và không nên ý kiến can thiệp gì.

Như vậy, tóm lại, tâm linh là vấn đề cảm nhận của tự bản thân, không thể ép mà cũng không thể cản. Vì vậy, hãy lắng nghe chính mình đi, và cũng đừng can thiệp vào tiến trình này của người khác, nha bạn.

(23.3.2018 – QH)



* Bình minh hôm ấy trên đỉnh núi Linh Thứu. Bạn thấy đấy, mặt trời chỉ có một, nhưng ai cũng nhìn thấy mặt trời mỗi ngày. Cũng tương tự như vậy chính là cách mỗi người tự cảm nhận vấn đề tâm linh của bản thân, bạn nhé.

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart