THAY LỜI MUỐN NÓI – ’CÚ HÍCH’ LỢI HẠI

>
>
THAY LỜI MUỐN NÓI – ’CÚ HÍCH’ LỢI HẠI

Còn một ngày nữa là diễn ra buổi ghi hình chương trình Thay lời muốn nói cuối cùng của bạn Quỳnh Hương và team MayQ. Đêm qua, bản thảo chính thức của cuốn tuỳ bút “THAY LỜI MUỐN NÓI – THANH XUÂN TÔI” cũng đã được gửi sang Nhà xuất bản Trẻ. Theo dự kiến, 15/5 sách sẽ ra mắt mọi người, nhen.

Ngồi lần giở những bài viết cũ, dòng hồi ức như sống dậy với những dòng này… Chính TLMN đã là một ‘cú hích’ lợi hại để khiến bạn QH hăm bảy tuổi cắp tập đi học lại âm nhạc từ đầu, và sau đó, ròng rã hành trình 12 năm, cho đến ngày nhận được tấm bằng Cao học Âm nhạc học đầy quý giá…

Bạn chia sẻ với mình nhen 🙂 À, mà ngày mai, đêm ghi hình TLMN 19 năm, những ai có vé mời đến dự ưu tiên trang phục màu hồng hoặc tím có điểm xuyết hồng nhen!
🎀

(7.4.2019 – QH)
—-
Image may contain: 1 person, smiling, flower

 

20.11.2012.
Mình ngồi giữa rất đông các bạn đồng học trong khán phòng Hòa nhạc lớn của Nhạc viện TP.HCM, hít thở cái không khí vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, tự nhiên cảm thấy mình hơi hồi hộp. Buổi sáng hôm nay, sau lễ Tri ân Thầy Cô, mình và tám bạn cùng lớp “Lý-Sáng-Chỉ” thân thương của chúng mình sẽ được trao bằng tốt nghiệp, với mình là Cử nhân Âm nhạc học. Mình âm thầm nhắn tin cho một số thầy cô cũ mà mình may mắn vẫn còn lưu giữ được số điện thoại: “Cảm giác nhận được tấm bằng cử nhân thứ hai sau 15 năm, với em, sao nó khó tả quá…”

Ừ, khó tả… Bởi không giống như phần lớn các bạn đồng học, vào thẳng Nhạc viện sau khi tốt nghiệp phổ thông hoặc đã theo học Nhạc viện song song với bậc phổ thông, mình tốt nghiệp đại học Sư phạm, đi làm hẳn bảy năm rồi mới đến thi vào trường nhạc. Vì thế, hẳn nhiên so với các bạn cùng lớp qua các năm học, mình luôn là người lớn tuổi nhất, mà lại… có ít kiến thức nền về âm nhạc nhất.

Bạn sẽ hỏi mình, cảm giác của một người hai mươi tám tuổi mới tập tễnh chính thức bước vào học âm nhạc sẽ như thế nào? Mình không ngần ngại bảo rằng: gian khổ.

Từ bé mình đã rất yêu thích âm nhạc. Thế nhưng ở cái thị xã nhỏ bé nơi mình sống, chỉ có hai khả năng để bạn tiếp cận âm nhạc: hoặc là ‘con nhà nòi’ – ba mẹ hoạt động âm nhạc sẵn, hoặc là bạn sống trong gia đình có đạo công giáo. Vì quá lo ngại con mình có khả năng theo đạo, cha mình – một người thợ nhiếp ảnh bình thường, đã cấm các con lui tới bất kỳ nhà thờ nào trong thị xã. Mẹ mình thương con, cũng mua cho cây đàn guitar nhỏ, cũng cho đến lớp học phong trào ở nhà văn hóa hay mời thầy về dạy…, thế nhưng âm nhạc vốn không dễ dàng lại không có người lớn am hiểu để nhắc nhở cầm chừng, nỗ lực của cả bốn lần nỗ lực ‘tiếp cận âm nhạc’ của mình đều chỉ dừng lại ở những kiến thức võ vẽ, bảy nốt nhạc cơ bản, khóa sol và mấy cái vạch nhịp, trước nhớ sau quên.

Lớn lên, vào đại học, tham gia đội văn nghệ ở trường, mình lại được tiếp xúc nhiều với âm nhạc, nhịp và giọng có vững vàng hơn, cũng ‘can đảm’ tự vỡ bè cho mình và các bạn, tuy vậy, chỉ dừng lại ở mức độ bản năng. Cuộc đời đẩy đưa, một người tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Anh văn như mình lại về Ban Ca nhạc Đài truyền hình TP.HCM, dù trước đó, mấy năm liền mình cũng có cộng tác với khá nhiều chương trình ca nhạc của Ban với vai trò người dẫn chương trình – cũng từ một dịp dun rủi hết sức tình cờ. Mình nhớ hoài những ánh mắt vừa thông cảm, vừa tội nghiệp của các anh chị biên tập viên cùng Ban. Mình vừa buồn, vừa thấy xấu hổ không thể tả.

Ba tháng sau khi mình chính thức về Ban Ca nhạc, mình cho ra đời chương trình Thay lời muốn nói, một dạng chương trình đi từ format Quà tặng âm nhạc rất phổ biến trên các đài phát thanh hay truyền hình lúc bấy giờ, nhưng có nét riêng là không để dành gửi ai cả, mà nghiêng nhiều về sự chia sẻ. Chương trình lên sóng thành công, nhận được nhiều sự khích lệ ban đầu. Thế nhưng không nhiều người hiểu rằng, bản chất vấn đề nằm ở chỗ, Thay lời muốn nói chính là ‘lối thoát’ cho mình, nhấn mạnh về nội dung – vốn là thế mạnh về ngôn ngữ của mình từ khi học ở trường, và nhẹ đi yếu tố âm nhạc – vì mình cũng chỉ chọn từ những bài nhạc có sẵn.

Thay lời muốn nói đi được một năm cũng là lúc mình nhận ra lỗ hổng kiến thức của mình không thể nào vờ vĩnh cho qua. Những cánh thư khán giả đôi khi yêu cầu những bài hát không có trong kho dữ liệu. Mình lại không có đủ khả năng thực hiện một bản audio mới. Nỗi bức xúc này như một cái ung trong lòng, càng ngày càng lớn, ngày càng khó chịu, cho đến một năm sau nữa thì đã thực sự làm mình mất ăn mất ngủ. Mọi người xung quanh mình không còn tỏ vẻ thương hại mình như lúc đầu, nhưng mình tự thấy xấu hổ với chính mình.

Cẩn thận hỏi xin tư vấn từ những anh chị biên tập trong Ban – phần lớn tốt nghiệp từ Nhạc viện TP.HCM, mình quyết định làm lại từ đầu. Sau một năm ròng rã luyện thi, rốt cục, mình cũng đậu được vào Nhạc viện, hệ Trung cấp, cố gắng bỏ ra sau lưng những lời ngăn cản từ phía gia đình và cả những ngán ngại từ ngay trong lòng mình. Hai mươi chín tuổi, học sinh năm thứ nhất Trung cấp – chuyên ngành Lý luận âm nhạc. Con đường trước mặt sẽ rất dài…

Mình không biết bằng cách nào mình đã lặn lội nổi con đường quả thật rất dài ấy. Bốn năm trung cấp và bốn năm đại học, thêm một năm ‘nghỉ lấy sức’ ở giữa hai chặng. Không dưới chục lần của mỗi năm, mình nghe mình muốn bỏ học. Lớn tuổi mới tiếp cận âm nhạc, thực sự đã có nhiều kỹ năng chỉ phát triển được ở độ tuổi nhỏ làm mình ‘bó tay’. Áp lực quá lớn của một người đang đi làm lại theo học hệ chính quy – với những lịch học dày và quy định lên lớp, làm bài nghiêm khắc làm mình vừa sợ vừa ngán. Mình lại còn có gia đình riêng phải chu toàn và đứa con nhỏ cần mẹ chăm sóc mỗi ngày. Những mùa thi cử lại trùng với mùa cao điểm của những người làm truyền hình chúng tôi. Công việc – gia đình – bài vở ở trường, không có chỗ nào có thể xuê xoa hay làm đại khái cho qua, mà sức người cũng chỉ có hạn. Đôi khi lực bất tòng tâm, thời gian hay kiến thức nền không đủ cho những môn học quá chuyên sâu, mình thấy mình thật thua kém bạn bè, thấy tự ti và mặc cảm ghê gớm.

Đôi khi mình thấy mình thật giống như một người leo núi: dốc đá lởm chởm, cao ngất, mà trên lưng lại gồng gánh bao nhiêu là vật nặng, sểnh chân là sầy da rớm máu. Tuy vậy, chỉ có những ai đã từng chinh phục được một đỉnh núi cao mới cảm nhận được cảm giác hạnh phúc ấy. Dốc cao mà mình đã trèo đã kịp cho mình những niềm vui vô giá. Đã từ lâu, mình đủ tự tin bàn bạc với nhạc sĩ phối khí về ý tưởng thực hiện một phần nhạc nền mới, phục vụ đúng ý đồ cho tâm trạng của cánh thư mà mình chọn. Mình đã vui sướng biết bao khi cảm nhận được sự hòa quyện đầy màu sắc của âm thanh nào giờ chỉ có thể ‘nghe’ bằng bản năng, đã nhận ra trong bản phối khí mình thưởng thức có những nhạc cụ nào góp giọng, hay trong một ca khúc đậm tính quê hương thì cần phải thêm giọng nhạc cụ dân tộc gì, ‘đi’ đúng chỗ nào cho đắt nhất… Mình đã có thể đủ nghiêm túc góp ý với ca sĩ thể hiện chỗ này chỗ nọ trong bài hát sao cho hợp lý nhất, gần với tinh thần của tác phẩm nhất.

Món ‘nợ’ tinh thần với chương trình Thay lời muốn nói mình đã có thể trả được, mình lại thấy mình được vươn xa hơn, yêu thích khám phá những lĩnh vực mênh mông bao la của công tác biên tập âm nhạc mà trước đây mình chưa bao giờ dám mơ thực hiện. Đó là làm những chương trình có nội dung chuyên sâu hơn vào âm nhạc, như Còn mãi với thời gian – làm sống lại những tác phẩm âm nhạc đứng vững qua năm tháng, hay mạnh dạn đề xuất với Đài tổ chức cuộc thi ca hát Tiếng hát mãi xanh dành cho lứa tuổi trung và cao niên…

Ở vai trò người dẫn chương trình, mình cảm thấy mình chín chắn hơn, sâu sắc hơn. Những kiến thức âm nhạc lớn nhỏ mà mình thu nạp được trong gần mười năm tại Nhạc viện vô hình chung trở thành lớp kiến thức nền quý giá, giúp ích cho mình không nhỏ trong những lúc cần phản xạ ngay lập tức trong chương trình, trên sân khấu. Mình còn thấy mình say mê thể loại âm nhạc diễn giải, không chỉ đơn thuần làm công việc dẫn chương trình mà còn chủ động góp phần cùng êkip chuyển tải kiến thức âm nhạc đến cho đối tượng học sinh, sinh viên…

Những tiểu luận mà nhánh Âm nhạc học chúng mình thực hiện hàng mỗi học kỳ cho mình cơ hội tiếp cận nhiều với mảng âm nhạc xã hội, khảo sát, điều tra và đưa ra những cái nhìn tổng quát hay mang tính dự báo, cảnh báo, những đề xuất, đề nghị… về tình hình âm nhạc hiện tai, thực sự rất cần thiết cho công tác làm báo hình của chúng tôi. Những lúc rơi nước mắt vì tự ti, những đêm thức trắng để ráng hoàn thành cho xong tiểu luận…, với mình, đã trở thành những khoản ‘học phí’ cần thiết để mình trưởng thành, dẫu những mặc cảm vì kiến thức chuyên ngành chưa đủ sâu như các bạn may mắn tiếp cận âm nhạc từ bé vẫn còn đó, như một chỗ khuyết hiện thực nhắc mình không ngừng cố gắng.

Người ta nói rằng, cái gì rồi cũng sẽ trôi qua với thời gian. Với chúng mình, hàng bao nhiêu thế hệ học trò đến và đi dưới mái trường Nhạc viện TP.HCM, có người may mắn đi đến ga cuối, có người phải chia tay nửa chừng…, song tất cả đều cảm nhận một điều: kiến thức còn ở lại. Đó không hẳn là dạng kiến thức bạn sẽ áp dụng được một trăm phần trăm vào cuộc sống hiện tại hay tương lai, nhưng nếu bạn khéo nhận ra, nó đã trở thành một dạng kiến thức nền quý báu, bổ sung cho hầu hết mọi công việc mà bạn đang thực hiện. Vì âm nhạc luôn tồn tại trong mọi khía cạnh, mọi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta mà, phải không…

Mình đã quyết định thi tiếp lên cao học ngay trong cùng năm. Không phải muốn lập thêm ‘thành tích’ gì, chỉ là mình đã 38 tuổi, chần chờ một năm cái đầu nó trí óc nó ‘chậm lụt’ thêm một chút. Trầy vi tróc vảy, rốt cục cũng đã đậu rồi. Việc học đã bắt đầu ngay trong tháng 11 này. Lại thêm hai năm dài nữa nhé… Thôi thì, tiếp tục cố gắng. Không bước sao tới!

30.7.2015
Như vậy là thêm ba năm nữa, mình đã thực sự vượt qua được đoạn đường dài của chặng sau đại học, và đã đạt được tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Âm nhạc học! Có thể với những người khác, con đường này họ qua cũng sẽ khá bình thường. Nhưng với mình, 12 năm qua thật đáng quý!

Biết ơn Thay lời muốn nói – cái ‘đòn bẩy’, ‘cú hích’ đầu tiên, đã kích hoạt cho lòng tự ái nghề nghiệp của mình trỗi dậy, để nhờ đó mình đã đi được một chặng đường quá dài… Để từ giờ về sau, những vốn liếng mình thu thập được trong chặng đường dài này đã không chỉ phục vụ riêng cho Thay lời muốn nói, mà đã còn là ‘của để dành’ đầy quý giá mình dụng được cho bao nhiêu lĩnh vực và công việc khác nữa…

Nói “Biết ơn Thay lời muốn nói” bao nhiêu là đủ…?
20.8.2015

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart