THƯ GỬI NGƯỜI TRẺ – Số 1: HÃY CHIA ĐƯỜNG ĐỜI THÀNH NHỮNG BẬC THANG…

>
>
THƯ GỬI NGƯỜI TRẺ – Số 1: HÃY CHIA ĐƯỜNG ĐỜI THÀNH NHỮNG BẬC THANG…

Hôm trước đến nói chuyện với các bạn sinh viên trong chương trình FE Talk, mình nói nửa đùa nửa thật với các em sinh viên tuổi mười tám – đôi mươi đang ngồi bên dưới, rằng ngày hôm nay mình muốn lắng nghe các em nhiều hơn là đứng thuyết giảng một chiều. Vì rằng khi lắng nghe được các em và bầu bạn chia sẻ cho những băn khoăn thắc mắc của các em, mình biết đâu sẽ có thêm nhiều chất liệu cho những bài viết sắp tới trên trang mình. Quả thật, hôm ấy đầy ắp những vấn đề thú vị. Để đến nỗi sau này, trong một thời yoga buổi sáng, tự nhiên mình chợt nghĩ, có biết bao nhiêu người trẻ khác đâu có mặt hay nghe được những gì chúng mình chia sẻ với nhau ngày hôm ấy, vì sao mình không bỏ thời gian, dần dần gõ lại những điều mình tâm đắc nhất, cho các bạn trẻ khác nói chung cũng đọc được, nhỉ!

Nói là làm  Hôm nay xuất hiện bản ‘Thư gửi người trẻ” số đầu tiên nha, chạm vào cái điều nhiều bạn trẻ hôm ấy đang quan tâm nhất: Đường đời phía trước.

Những người trẻ ơi,

Thực sự, không phải chỉ riêng buổi hôm ấy thì mình mới được các bạn nêu ra băn khoăn về đường đời mình đi. Rất nhiều lần trò chuyện với những người trẻ khác nhau, mình nhìn ra ở các bạn nhiều nỗi lo lắng, thậm chí hoang mang về con đường mình sẽ đi phía trước. Mình hiểu, và đầy thông cảm. Thì mấy mươi năm trước, mình cũng từng băn khoăn lo lắng như vậy mà, mà thậm chí, hồi đó các kênh thông tin còn chưa được rộng khắp như bây giờ để mình nghe, mình đọc hay tham khảo. Nhưng mà, trải qua mấy mươi năm sống, giờ ‘người… bớt trẻ’ là mình đây đã có thể tự tin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm từ trải nghiệm của chính mình rồi. Mình sẽ mỉm cười thiệt nhẹ nhàng và nói với các bạn là:

Những người trẻ ơi, đừng quá lo lắng!


Image may contain: plant and outdoor

Để làm tăng tối đa cơ hội đi đúng đường và giảm tối thiểu các rủi ro của Chọn và Sai, các bạn chịu khó nhớ vài ‘bí kíp’ sau nha:

Bí kíp 1: LẮNG NGHE NIỀM ĐAM MÊ CỦA BẢN THÂN

Mỗi người chúng ta từ nhỏ đến lớn hẳn sẽ luôn có một số sở thích, đúng không? Những sở thích này có thể thay đổi theo thời gian, kể cả theo điều kiện sống nữa. Vậy thì, ngay từ khoảng bắt đầu lên đầu bậc phổ thông trung học, hãy lắng nghe thử xem điều mình làm mình thích dài lâu nhất từ trước đến giờ, và mình khá cái gì nhất cho đến thời điểm hiện tại. Chẳng hạn, một bạn có thể mê vọc máy tính, bạn khác mê… chơi game, bạn khác nữa mê đi ‘phượt’, bạn khác nữa mê phim ảnh hay âm nhạc, hay đọc tiểu thuyết. Có bạn nói với mình là chị ơi em hỏng có mê cái gì ngoài mê… ăn và ngủ ^^ Cũng hỏng sao hết. Đó dù sao cũng là một niềm đam mê lương thiện, haha.

Rồi, giờ mình nghiêm túc suy nghĩ nha. Nếu bạn chỉ mê thích một cái gì đó chỉ là vì… thích vậy thôi, bạn chỉ đang dừng ở mức thấp nhất, tức là mức ‘hưởng thụ’ thôi. Nhưng nếu bạn đi sâu vô nó hơn một chút, chịu khó quan sát, mổ xẻ, phân tích, ngấm nó thiệt sâu… rồi bạn phát hiện ra, bất kỳ điều gì bạn mê thích – mà phải mê thích thật sự nha – đều có thể trở thành một công việc tốt đẹp cho bạn trong tương lai. Và hơn thế nữa, nếu bạn có đủ đam mê, đủ sáng tạo, đủ ‘máu’, không chừng sau này nó trở thành một cái nghề vững chắc cho bạn, đem đến cho bạn rất nhiều niềm vui, sự trưởng thành, và cả tiền tài cùng địa vị xã hội nữa, nếu bạn muốn.

Vậy thì, áp thử vô vài ví dụ mình liệt kê bên trên, sẽ không khó để bạn nhìn ra, bạn mê vọc máy tính có thể theo ngành IT, bạn mê… chơi game sẽ thích theo đuổi viết phần mềm games, bạn mê đi ‘phượt’ hẳn có hứng thú học về ngành du lịch, bạn mê phim ảnh thích học diễn xuất hay đạo diễn hay kỹ thuật quay hay âm thanh ánh sáng… Bạn thích âm nhạc có thể học một trong một ngàn lẻ một công việc có liên quan đến âm nhạc, bạn hay đọc tiểu thuyết sẽ muốn theo chuyên ngành ngữ văn, hoặc ngành xuất bản… Rồi hồi nãy có cái ví dụ làm nhiều bạn cười bò lăn đó, cái gì mà chỉ mê ăn và ngủ thôi đó, tại sao không, bạn có thể nghiên cứu ngành nhà hàng khách sạn, hoặc học ngành nấu ăn, v.v… Thế giới này biết bao nhiêu đầu bếp trứ danh, mà có ai say mê ngành bếp mà không xuất phát từ… đam mê ăn ngon hong??? 

Mà, bạn thấy không, khi bạn được làm thứ bạn thích, bạn đam mê, bạn sẽ không thấy những giờ học nghề hay làm việc của bạn sau này trôi qua lê thê, cũng không thấy môi trường làm việc của bạn là… ‘thuốc độc’. Coi như mình đang vừa làm vừa nhấm nháp nó mà! Và những thông tin mình sắp nói ra đây sẽ bớt lãng mạn hơn nè: chỉ có làm công việc bạn thích, bạn đam mê, bạn mới có đủ dũng khí và ‘máu lì’ để vượt qua được hết một trăm lẻ một con chó đốm…, ủa hỏng phải, một trăm lẻ một khó khăn thử thách mà nghề nào cũng có, lại có thể mọc ra trước mặt bạn bất cứ lúc nào, để sống được lâu dài hoạt động được lâu dài với công việc ấy.

Bạn thấy chọn nghề đúng thứ mình thích, nó lợi hại ghê không?! 

Vậy, sau khi mình đã chọn được thứ mình thích thực sự rồi, hãy nghiêm túc đầu tư, chăm chút, tưới bón cho nó. Và dĩ nhiên, việc này đâu hề dễ dàng, đặc biệt là với những người rất rất trẻ ham ăn ngủ đi chơi hơn ham học héng, hihi (Cái này cũng bình thường thôi, người trẻ nào chả thế!)

Vậy làm sao mình có thể đi được dài lâu với việc học hành cho tới ngành nghề mình thích đây? Hãy tiếp tục đọc Bí kíp số 2 nhen!

Bí kíp số 2: CHIA ĐƯỜNG ĐỜI MÌNH THÀNH NHỮNG BẬC THANG

Nhớ hôm tại buổi giao lưu trò chuyện với các bạn trẻ ấy, mình đã chia sẻ với các bạn một ví dụ ‘trực quan sinh động’ luôn, là chuyện của… chính mình chứ ai, hihi. Hồi đó ước mong làm giáo viên để có được một đời sống tương đối ổn định, ít phải xê dịch, xa nhà. Nào ngờ nghiệp duyên đưa đẩy, đến với ngành truyền hình. Mà duyên ấy ‘đẩy’ cũng hơi quá tay, không dừng lại ở ngành ngôn ngữ Anh văn là cái mình được đào tạo bài bản, mà đẩy mình tuốt qua tới mảng âm nhạc, là cái nào giờ mình toàn hoạt động bằng bản năng không hà! Nhưng duyên tới là phải nhận, cờ tới tay là phải phất. Phất phất được một năm thì nó… mỏi, haha, vì mình nhận ra chỉ có một chút năng khiếu tự nhiên trong âm nhạc sẽ không thể nào đủ cho mình tự tin làm nghề âm nhạc hết trơn. Năm đó mình 27 tuổi, đang mang bầu em Tin Nhái nhà mình. Mình đi tìm thầy luyện tất cả những gì cần thiết cho một em học sinh thi vào bậc Trung cấp (tức là bậc thấp nhất) tại Nhạc viện TP.HCM. Đó là năm đầu tiên Bộ Văn hóa – Thông tin (lúc bấy giờ) cho phép học sinh thi thẳng vào bậc đại học của các nhạc viện mà không cần phải qua trung cấp. Cô giáo ôn thi cho mình lúc đó nhìn mình ái ngại, khuyên mình hãy thi thẳng vào bậc đại học đi, vì hai lý do:

1. Mình dù gì cũng đang là… một dạng ‘người nổi tiếng’, đi học lại từ bậc trung cấp, liệu có ngại ngần mắc cỡ gì với chúng bạn và những người xung quanh không?
2. Với sức học của mình thời điểm đó, cô giáo thấy mình đủ sức thi thẳng vô bậc đại học.

Nhưng mình vẫn nhớ rõ, ngày ấy, mình đã nói với cô rằng em cám ơn cô, nhưng em muốn học từ bậc thấp nhất. Em muốn lấy về cho mình đủ kiến thức để em tự tin làm nghề em theo, chớ hỏng phải đi kiếm cái bằng, vì vậy bậc trung cấp với những kiến thức từ đầu sẽ phù hợp với em nhất. Và thế là mình trải qua bốn năm trung cấp, từ tuổi 28 đến năm 32. Bốn năm ấy cũng không hề dễ dàng gì, cũng khóc lóc, muốn bỏ học cả mấy chục lần, nhưng ít ra, mình cũng đã ráng… bò tới đích. 32 tuổi, mình cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp trung cấp, ‘miệng cười mà lệ muốn rơi’, haha.

Nhưng mình thầm cám ơn mình đã quyết định lựa chọn đúng đắn. Thời điểm đầu tiên quyết định thi vào Nhạc viện, thật lòng mình chỉ mong mình lấy được đúng cái bằng trung cấp đó thôi! Nhiều năm sau này, cô giáo mình có chia sẻ với một số thầy cô khác, cô thương mình nhiều cũng chính vì cái chọn lựa ‘dũng cảm’ và ‘biết đủ’ đó của mình. Bởi cùng thời năm ấy, cô luyện thi cho 5 bạn (đều mười tám, đôi mươi không hà, chỉ có mình mình ‘già’ nhất, hihi). 4 bạn kia chọn thi thẳng vào đại học, chỉ có mình mình chọn trung cấp. Rốt cục, hơn chục năm sau, cô chỉ còn thấy có mình mình… còn lội, lội, lội…, mà hỏng những đã lội xong qua trung cấp, mà còn lội tuốt thêm 4 năm nữa, qua bậc đại học…, và còn thêm tuốt luôn 3 năm nữa, qua bậc cao học, để rốt cục cũng cầm về được cho mình tấm bằng Thạc sĩ Âm nhạc học quý giá, ở tuổi 40-41. 4 người bạn luyện thi cùng thời ngày ấy của mình đều đã dừng lại giữa đường, ngay từ chặng đại học đầu tiên.

Đúng vậy. Nếu cái thời điểm đầu tiên ấy, mình muốn ‘ngon lành’ như người ta, làm gan thi thẳng vào bậc đại học, chưa chắc mình đã đi nổi đến trọn con đường như bây giờ. Đúng vậy, thời điểm ấy, nếu mình nói: mục tiêu của tôi là lấy được tấm bằng thạc sĩ âm nhạc học, chắc mình cũng… rụng rơi sớm.

Vì vậy, kinh nghiệm mình rút ra cho các bạn trẻ tham khảo là: ngay từ đầu, hãy khoan đặt cho mình mục tiêu quá cao, dễ tạo áp lực cho bản thân hay quá vượt quá tầm với của khả năng hiện có. Hãy cứ đặt một mục tiêu thấp thấp, vừa phải thôi. Ví dụ: bạn đã chọn được một ngành nghề bạn yêu thích, hãy nghĩ: ráng đi được cho đến ngày tốt nghiệp ra trường, tìm được một công việc để làm. Như vậy đâu có gì là quá khó, đúng không?

Vậy rồi, một khi bạn đã ra trường, đã thực đi làm, công việc ấy làm bạn say mê, bạn sẽ mong ước bạn muốn làm gì thêm cho nó nữa đó! Mà những gì bạn có thể ‘làm thêm’ cho nó là gì? Lục lọi, nghiên cứu, hoặc đi kiếm các khóa bổ sung kiến thức chuyên ngành, hoặc muốn học lên cao nữa. Được nha bạn, lên luôn là lên luôn!!! Mà, mình đố các bạn, lúc đó bạn ‘leo’ lên tiếp nổi hong? Dư sức nha, vì bạn của 4 năm đại học xong đã có ‘nội lực’ khác hẳn với một bạn của thời mới lơ ngơ lác ngác bước chân vào đại học rồi! Nói theo ngôn ngữ của dân chơi game, là ‘level’ của bạn tăng rồi, vũ khí phòng thân gì cũng ngon lành hơn nhiều rồi! 

Rồi không chừng, sau khi bạn đã ‘leo’ lên được một bậc thang tiếp theo xong rồi, ngoắc chân đứng hít thở xả hơi một chút đã đời rồi, bạn lại ngó ngó lên trên…, thấy, ủa, đàng trước vẫn còn nhiều thứ khiến cho mình hứng thú nha…, và rằng, mình có thể sẽ tiếp tục đặt thêm cho mình một bậc thang mới, để từ từ mình bước tiếp, nha!!!

Những người trẻ ơi, hãy cứ thong thả mà đi như vậy, vừa học vừa làm vừa thưởng thức cuộc sống. Để rồi nhiều năm qua đi, một dịp nào thảnh thời ngồi nhìn lại, các bạn sẽ thấy woaaa sao mà con đường mình đã đi qua sao nó có thể đã dài như vậy, vượt qua được nhiều ‘bậc thang’ như vậy, trong đó, lâu lâu lại có một cái ‘chiếu nghỉ’, ‘trạm dừng chân’ nữa chớ!

Người trẻ ơi, hãy nhớ rằng bậc thang được người xưa nghĩ ra để người ta vươn tới rất nhiều độ cao mà chân người bình thường sẽ không một bước chạm đến được. Đường đời ta cũng vậy. Hãy cứ thong thả đặt trước mặt mình từng bậc thang thấp thấp, dần dần con đường bạn qua sẽ rất cao.

Và điều này đúng, không chỉ đối với công việc hay sự nghiệp, mà còn có thể được áp dụng cho cả đời sống tinh thần, tình yêu, và gia đình ta nữa, những người trẻ nhé!

Từ chị Quỳnh Hương, #Thương  

(14.12.2016 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart