TIPS: HỌC BÀI MAU THUỘC

>
>
TIPS: HỌC BÀI MAU THUỘC

Hôm nay lại tiếp tục ‘mềm lòng’ trước lời… năn nỉ của một bạn nữa. Ờ thì có hứa lúc nào có thời gian sẽ chia sẻ chút ít ‘bí kíp’ học bài mau thuộc, cái là bạn í ‘la làng’: Trời ơi tuần sau em thi rồi mà chị hứa chừng nào chị rảnh chị mới viết! Hihi chắc mình bị… tiếng kêu la của bạn í mình giật mình, thế là mình ‘ngoan ngoãn’ hứa: Ừa, vậy nay mai sẽ viết nhanh trước vài ‘chiêu’ căn bản nhất cho em ^^

Mình dễ bị dụ thiệt mà… ^^^^

Ò, nhưng vấn đề quan trọng là, mình nghĩ ráng viết, không được 10 người biết đâu chắc cũng được thêm 3-4 người tìm được chút gì hữu ích từ chia sẻ này thì sao 

Vầy nha, với những môn ‘học bài’, như sử, địa, sinh học…, trước giờ mình có một cách thức cực kỳ hiệu quả: vẽ cây sơ đồ. Bài nào mình cũng lập thành sơ đồ được hết á. Hồi đó ở nhà có cái bảng đen, mình sẽ dùng phấn trắng vẽ cây sơ đồ lên trên đó. Nên nhớ, một lần thông tin đập vào mắt sẽ có ấn tượng sâu sắc, giúp mình nhớ lâu hơn chỉ nghe bằng tai hay đọc bằng miệng gấp khoảng 5 lần! (Bởi vậy người ta mới có các phương pháp “trực quan sinh động” đó )

– Đầu tiên, bạn nhớ từ cái khung lớn nhất, là từ tên bài đi xuống, cả bài gồm có mấy phần. Ráng nhớ mấy phần đó. (cái này chưa cần vẽ, chỉ cần nhớ thôi)

– Sau đó, bạn ‘tấn công’ vô từng phần một. Ví dụ: Ở phần I, có bao nhiêu số thứ tự, các số thứ tự đó mang ý gì…

– Tiếp tục, bạn tấn công vô từng số nhỏ. Chẳng hạn, trong số 1 có mấy mục: a,b,c,d…; mỗi đề mục đó là gì.

– Rồi cuối cùng, trong mỗi đề mục, có mấy ý (ráng nhớ bằng những từ khóa căn bản nhất, khi viết ra bảng, bạn cũng chỉ ghi mấy từ khóa quan trọng đó thôi). Lưu ý: Nhớ theo ĐÚNG THỨ TỰ, TỪ TRÊN XUỐNG DƯỚI, để khi thậm chí bạn quên một ý, bạn vẫn nhớ mang máng nó nằm ở vị trí nào trong khung…, sau một hồi ‘hoàn hồn’ sẽ dễ ‘gọi lại’ trí nhớ hơn.
Trong đây, lưu ý là ráng làm sao để quy những cụm hay câu chữ dài dòng về các ký hiệu (symbols) ngắn gọn dễ đập vào mắt, tỉ như dấu suy ra (=>), dấu kết hợp (&)…; các năm tháng thì viết cụm số, và CỐ GẮNG ‘hình ảnh hóa’ sự kiện, chẳng hạn như các vấn đề về cây cỏ… có thể vẽ cái cây (hehe), người thì vẽ người, thời tiết thì vẽ mặt trời đám mây… Những chi tiết này nhìn vô vừa buồn cười, vừa ‘khác biệt’ để mình sau này nhớ các chi tiết đó nó nằm ở vị trí nào trên cây sơ đồ liền à!

Vậy là cứ theo mạch này, bạn thanh toán từng mục từng mục một. Để khi đi qua hết một bài, bạn nhìn lại, đã có một cây sơ đồ rất ngắn gọn, có bao nhiêu ý chính… Bạn sẽ nhìn vào những ‘nhánh ý’ ấy, nhìn vào những ký hiệu hay con số, cụm từ ngắn gọn ấy… để diễn dịch thành lời cả câu chữ hoàn chỉnh.

Rồi sau khoảng vài ba lần ‘diễn dịch’ tới lui trên cái nền cây sơ đồ ngắn gọn ấy, bạn bôi xóa luôn từng mục một. Sau khi xóa rồi, bạn ráng hình dung lại những nhánh ý trong đầu, rồi nói lại (Nếu lỡ quên…, mở tập ra kiểm tra lại, hehe, nhưng mà RÁNG GHI NHỚ cái ý mình hay quên đó, nó nằm ở khoảng nào của trang tập, dòng nào…)

Vậy cái là bạn nhớ hà 

Sau này không dùng bảng đen phấn trắng nữa, mình chuyển sang dùng giấy bút, cũng là những sơ đồ, nhưng nó có ưu điểm là nó luôn luôn nằm đó, như một dạng ‘bí kíp’ của bạn, bạn có thể cầm theo để nhìn vào 01 lần duy nhất là tầm mắt có thể bao quát cả cụm ý. Sau khi thi hay kiểm tra xong rồi, bạn vẫn có thể lưu lại các cây sơ đồ đó, để lần sau khi cần, mở ra nhìn vô một cái là ký ức gọi thông tin lại cho bạn ngay.

Hiện giờ, mình cũng đang áp dụng cách này cho Tin. Tuy vậy, cậu chàng hơi lười nên chưa tự tay vẽ cây sơ đồ, toàn là mình mở tập rồi hai mẹ con sẽ cùng lướt qua khung các đề mục chính. Sau đó, mình sẽ phác cây sơ đồ… bằng lời nói, rồi cậu nhớ từng tổng ý mà liệt kê lại thôi. Cũng may cậu sáng ý nên đọc tới đâu nhớ liền tới đó, nhưng có lẽ cách này cũng chỉ áp dụng đối với bậc thấp như lớp bảy hiện nay… , chứ còn mai mốt lên cao nữa, bài dài hơn, phức tạp hơn, chắc mình cũng buộc cậu phải vẽ cây sơ đồ bằng bút mực ra thì mới đủ ‘trực quan’ mà nhớ đầy đủ được.

‘Bí kíp’ đơn giản quá phải không ? Vậy mà đã giúp mình ‘trèo’ qua bậc phổ thông trung học, rồi đại học hồi xưa…, và vượt qua được những bài Lịch sử âm nhạc, Mỹ học, rồi Triết học… dài lê thê và lắm chi tiết của ‘thời nay’ rồi đó ạ  Bạn nào có thêm ‘cao kiến’ gì thì góp thêm vào nhé. Còn lúc nào mình nhớ ra thêm gì nữa sẽ chỉ tiếp cho héng 
(9.1.2015 – QH)

– Lấy ví dụ một ‘cây sơ đồ’ mình phác tạm. Bạn thấy đó, mang tiếng ‘Cây sơ đồ’ nhưng mà thiệt ra nó giống… từng chùm mũi tên choẽ ra hơn 

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart