TÂY TẠNG – HÀNH TRÌNH KORA KAILASH 🙏 💙 NHỮNG CẢM XÚC ĐẶC BIỆT 💙V

>
>
TÂY TẠNG – HÀNH TRÌNH KORA KAILASH 🙏 💙 NHỮNG CẢM XÚC ĐẶC BIỆT 💙V

Ngồi gõ những dòng này trong cái lắc lư của chuyến xe chở bảy người đoàn MayQ Go chúng mình từ thánh hồ Manasarovar về lại thị trấn Saga. Ba ngày kora quanh núi thiêng Kailash vậy là đã lùi lại phía sau lưng, được gọi là ‘quá khứ’, cái mà mình đã từng xiết bao thèm mong trong mỗi giây mỗi phút cắn răng nhấc bước trong màn mưa trắng xóa của mỗi chặng hành trình gian khổ, của mỗi đêm thức trắng vì chịu ảnh hưởng từ trường quá mạnh khi ở quá gần núi Kailash… Thật kỳ lạ, những phút giây gian nan và có thể gọi là thống khổ đó, khi nó đang còn là ‘hiện tại’ thì nó có vẻ dài dằng dặc, khi trở thành ‘quá khứ’, lại hóa nhỏ bé và không còn ‘đáng sợ’ như trước nữa. Ngược lại, những giá trị tích được qua chuyến hành trình đặc biệt này thì mỗi ngày qua dường như không bao giờ trở nên xưa cũ. Nó luôn được cả nhóm gợi lại, nhắc nhớ cùng nhau, trở thành những lợi lạc vô giá, sẽ ở lại với mỗi thành viên chúng mình đến trọn đời.

Image may contain: one or more people, outdoor and nature
Để có ba ngày kora (đi kinh hành) một vòng xung quanh vòng ngoài chân núi Kailash, chúng mình phải mất ba ngày ròng rã ngồi xe từ 10 đến 12 tiếng mỗi ngày để đi từ Lhasa đến Shigatse, từ đây đi tiếp đến thị trấn Saga, rồi từ đó đi tiếp nữa mới tới Darchen, là thị trấn nhỏ nằm dưới chân núi Kailash. Ba ngày ngồi xe, với toàn những người bận rộn mà mỗi phút giây đều quý giá, đó là cả một sự cố gắng vượt bậc. Bù lại, cảnh vật Tây Tạng khi xuôi về phía Tây đẹp đúng như tranh vẽ, với nhiều màu sắc vừa tách bạch rõ ràng, vừa hòa quyện vào nhau theo một trật tự gây xúc động nhiều khi đến nghẹn lời. Ở Tây Tạng, ‘đặc sản thiên nhiên’ có lẽ là sắc xanh dương thẳm của bầu trời cùng sắc trắng tinh khiết của những vầng mây trắng lúc nào cũng kéo từng bầy từng chùm nô nức tới lui theo những hình thù vui mắt. Cuối tháng bảy đầu tháng tám là cao điểm mùa mưa ở Tây Tạng, nên thiên nhiên đậm thêm nét xanh lá của những vạt cỏ ven đường, cùng bao nhiêu loài hoa dại li ti: sắc vàng, tím, hồng… xinh xinh tinh tế. Và nước!

Trong ấn tượng của mình, Tây Tạng là một vùng đất khô cằn, trơ sỏi đá với những bình nguyên chạy dài mút tấm mắt cùng những rặng núi thấp nối liền nhau. Những con sông nếu có cũng chỉ là những con nước yếu ớt, chảy róc rách xuôi theo cung đường chúng mình đi từ thủ phủ Lhasa về tới nơi xa nhất mình từng được tới, là thành phố Shigatse – nơi có tu viện Tasilhunpo nổi tiếng của các Ban Thiền Lạt Ma xứ Tây Tạng. Thế nhưng đến đây lần này đúng mùa mưa, mới nhận ra, hóa ra những lần trước mình toàn đến dịp lễ 30/4, cuối đông chớm xuân nên đất trời nhìn khô khan là phải rồi. Ngay mùa mưa, nước sông cuồn cuộn chảy quanh những hẻm núi. Nước chảy ào ạt từ các thác nước dọc đường đi, từ muôn con suối lớn và nhỏ uốn lượn quanh co khắp nơi trên các chặng hành trình chúng mình đi suốt ba ngày kora quanh Kailash. Và nước nghiễm nhiên đi vào ấn tượng của mình như một trong những yếu tố sống động nhất, rõ ràng qua từng âm thanh đặc trưng hay ấn tượng thị giác, khắc sâu trong tâm trí mình nhất mỗi khi nhớ lại chặng hành trình khó quên này.


Image may contain: mountain, snow, outdoor and nature
Nhưng cũng chính mùa mưa là yếu tố gây gian nan lớn nhất cho tụi mình trong suốt chuyến đi này. Một cơn mưa khi bạn ngồi giữa Sài Gòn có thể sẽ không là gì lớn chuyện, thế nhưng hãy tưởng tượng bạn đang ở giữa những hẻm núi sâu, mưa quất từng đợt vào mặt, vào lưng. Tấm áo mưa vải dù dạng pông-sô bạn mang theo trở nên quá mỏng manh với từng đợt mưa, và nước cứ thế mà ngấm qua lớp áo mưa, ướt luôn chiếc áo phao chống lạnh và ba bốn lớp áo bạn mặc bên trong, khiến chúng trở nên nặng trịch…, và lạnh buốt. Mặt mũi thì muốn tê hết cảm giác trong tiết trời giá rét. Và bạn thì không còn cách nào khác là phải dấn bước, vì con đường bạn đi trong ngày hôm đó nhất định là phải vượt qua bao nhiêu con số kilômét quy định như thế rồi… Lúc đó bạn chỉ còn biết cắn răng mà đi, một bước lại một bước, chỉ mong cho tất cả những ‘hiện tại’ này rồi sẽ trôi qua mau, để nó sớm trở thành quá khứ, cho bạn thoát khỏi cảnh này.

Image may contain: mountain, snow, outdoor and nature
Thế nhưng đó là chưa kể, trời Tây Tạng mùa này y như tính khí thất thường của một cô gái đẹp đỏng đảnh. Vừa mưa rần rần kéo dài cả tiếng đó, thoắt cái mặt trời lên, và… nóng! Cái nóng như thiêu đốt, khiến ai nấy thật sự ngột ngạt lúng búng trong chiếc áo mưa lũng sũng nước và n lớp áo chống lạnh mặc bên trong. Thế là phải dừng lại, lập cập tháo áo mưa, quấn lại cất vào ba lô, rồi lỉnh kỉnh mũ nón rộng vành chống nắng, rồi bước tiếp… Được chừng nửa tiếng, mặt trời lại nấp sau những đụn mây dày, và… lại mưa! Cứ thế mà trò chơi ‘ú òa’ này sẽ được lặp đi lặp lại khoảng tầm… chục lần trong một ngày đi bộ, và nội quy trình mặc áo mưa – cởi áo mưa kèm lỉnh kỉnh thao tác đi kèm… này cũng đủ làm mọi người hao hơi tổn sức, nói không nên lời! Mà đặc thù của cao nguyên trên 5.000 mét là lạnh và mặt trời rất gần, vì thế mọi cái đều trở nên cực đoan hơn. Hễ mặt trời ló dạng là sẽ nắng và nóng rát cả mặt, nhưng chỉ cần mặt trời khuất một cái là lạnh ngay lập tức! Cứ dao động liên tục trong cái nóng – lạnh thất thường và thường xuyên như vậy, ai nấy đều mất sức, may mà không ai đổ bệnh. Tuy vậy, vùng da mặt mỏng manh nhất trong cơ thể dường như chịu không nổi sức tấn công dữ dội của luân phiên nắng và sương giá, nên mặc dù ai nấy đều hết sức cẩn thận bôi kem chống nắng và các kiểu xịt khoáng lên mặt, sau mấy ngày kora da mặt ai cũng đỏ lên và bỏng rát từng vùng. Trong đoàn có một bạn nữ còn bị phồng rộp cả mặt, nhìn thấy thương gì đâu. Mình thì chỉ bị hai cục tròn hồng rám ở hai bên gò má, giờ nhìn thì xinh lắm, về nhà đi rồi biết…, sẽ thành nám tự nhiên, chớ gì nữa ^^

Image may contain: 2 people, people smiling, mountain, snow, outdoor and nature
Ở độ cao trung bình trên dưới 5.000 mét, người quen sống ở đồng bằng thấp như chúng mình sẽ dễ cảm thấy mình khó thở, đầu óc như chậm lại, bước đi cũng khó khăn hơn bình thường. Thì bạn tưởng tượng xem, Sài Gòn chúng mình chỉ cao… 19 mét so với mặt nước biển, giờ lên thêm tầm năm cây số nữa, cảm giác thế nào? Vì thế, việc đi lên dần và ở lại một số điểm thấp hơn, như thủ phủ Lhasa (cao khoảng 3.600 mét), rồi Shigatse (khoảng 4.500 mét) là điều cần thiết. Bên cạnh đó, có lẽ do mình đã tới lui Tây Tạng nhiều lần rồi, nên cảm giác vì sốc độ cao không còn quá rõ ràng nữa. Nhưng những bạn mới đi lần đầu thì hơi gặp khó khăn. Trong đoàn mình bảy người thì có năm người đã đến qua Tây Tạng qua tuyến thánh hồ Namtso, hai bạn là người mới đi lần đầu. Nên dẫu với tất cả, đây đều là lần đầu tiên đến với Kailash, nhưng khả năng và kinh nghiệm đối phó với độ cao Tây Tạng của những người đã từng đến qua rõ ràng là tốt và đỡ vất vả hơn hẳn. Vì vậy, lời khuyên nghiêm túc của mình là, nếu bạn thực sự muốn đến với Kailash, trước hết hãy tập làm quen với Tây Tạng thông qua tuyến đường nhẹ nhàng hơn mà vẫn đảm bảo thiêng liêng và ngập tràn cảm xúc, là thánh hồ Namtso trước đã, nhé.

Vấn đề tiếp theo mà tụi mình nghĩ các bạn đi sau nên rút kinh nghiệm, là chớ nên để mình bị tác động quá nhiều từ những bài review của những người đi trước. Hãy nhớ rằng, Kailash là đất không dành cho một mẫu số chung bất kỳ nào, mà phần lớn việc khó hay khổ chủ yếu là do thời tiết của những ngày bạn đi gây nên. Nên việc bạn đọc các bài viết rồi đinh ninh trong đầu rằng đoàn mình đi cũng sẽ như vậy sẽ tự động đưa bạn đến một số trường hợp… tự gây khổ, gây áp lực cho chính mình. Mà bạn biết không, ở môi trường bình thường có lẽ không quá nghiêm trọng, thế nhưng ở một nơi thử thách đến hàng loạt, chỉ một ý nghĩ thiếu tích cực cũng khiến bạn muốn buông xuôi, và bỏ cuộc.

Sau khi ‘hoàn hồn xuống núi’, trong những giờ chuyện vãn cùng nhau dọc hành trình trở về, tụi mình nói, hóa ra, cụ thể với chuyến đi của tụi mình, ngày đầu tiên và ngày cuối cùng nào có hề dễ dàng như phần lớn các review trước đã nói, trong khi ngày thứ hai không hề ‘kinh khủng’ như phần lớn mọi người nhận định. Chính vì vậy, cứ theo ấn tượng từ những gì đã đọc được, cuối ngày một, hầu như mọi người trong đoàn đều nản đến thiếu điều muốn bỏ cuộc, khi nghĩ rằng “Ngày đầu tiên được đánh giá là ‘khá dễ dàng’ mà còn thảm đến vậy, mình làm sao sống sót được ngày thứ hai?” Ráng qua được ngày thứ hai, ngẫm nghĩ “Ồ, ngày thứ hai hóa ra đáng yêu đến vậy. Chỉ còn 10 kilômét cuối cùng của ngày thứ ba, sẽ là chuyện nhỏ!” Và lại… hóa ra bé cái lầm, hihi. Những điều này, mình từ từ sẽ viết kỹ hơn trong các bài viết tiếp theo, nhen.

Cho nên, bạn có đọc bao nhiêu bài viết ký sự hành trình về kora Kailash đi nữa bao gồm những bài mình sẽ viết, hãy chỉ giữ chúng trong đầu như một kênh tham khảo, cũng đừng để chúng… hù cho sợ hay gây chủ quan. Hãy cứ chuẩn bị kỹ càng hết mức có thể, và cầu nguyện cho bạn có một người tourguide địa phương tử tế, tận tâm và giàu kinh nghiệm, rồi thì cái gì bạn cũng sẽ qua được cả thôi. Những điều này, mình cũng sẽ chia sẻ trong các bài viết sau, dành cho những bạn nào có lòng muốn một lần được đến kora vòng quanh Núi thiêng Kailash.

Cuối cùng, xin nói về những điều ‘được’ qua chuyến đi có vẻ quá dày thử thách này của tụi mình.

Trước hết, là được đến chiêm ngưỡng một trong những ngọn núi linh thiêng vào bậc nhất thế giới, được thừa nhận và kính ngưỡng không chỉ với Phật giáo, mà còn cả các tín đồ Hindu, đạo Bon, đạo Rajna giáo… Các nhà khoa học, tuy không theo một tín ngưỡng nào, cũng phải thừa nhận từ trường đặc biệt và mạnh mẽ của ngọn núi này tỏa ra. Và khi đi kora vòng quanh ngọn núi, bạn đang đi theo một đồ hình mandala khổng lồ do thiên nhiên bày ra; mà bản thân đồ hình mandala tỏa ra năng lượng, cái này trong nhiều tôn giáo đã khẳng định rồi.

Kailash còn là nơi bắt nguồn của bốn con sông lớn, giống như cái trục của một chiếc căm xe khổng lồ. Những con sông này uốn lượn xung quanh ngọn núi bảy vòng trước khi chảy xuôi xuống về bốn phía, mang những ý nghĩa tâm linh lớn lao mà mình sẽ trình bày chi tiết trong các bài viết tiếp theo.

Ba ngày đi bộ vòng quanh ngọn núi thiêng trong cái từ trường mạnh mẽ đó, mỗi bước chân dậm lên mặt đất, ta ‘hít’ được năng lượng đẹp đẹp đẽ từ đất. Năng lượng còn được thẩm thấu theo nhiều giác quan khác nữa: mắt ngợp bởi thiên nhiên kỳ vĩ, tai nghe tiếng gió, từng tấc làn da mang đến cảm giác xúc chạm sống động, lòng bàn tay chạm từng sớ đá mát lạnh, tuyết rét căm, nước buốt giá… Ngay những lúc ấy, có lẽ cũng chưa ý thức được là mình đang được ‘sạc pin’ đâu, bởi vì lòng đang quá bị mịt mờ bởi cảm giác mệt và đuối của cơ thể. Tuy vậy, chỉ vài giờ sau khi vòng kora đã hoàn tất, được về khách sạn để tắm qua một cái, gội cái tóc bết bát sau ba ngày bụi bẩn, thì mới ngạc nhiên nhận ra…, ồ, mình đã hoàn toàn khỏe mạnh lại như chưa hề từng mệt mỏi! Điều này không thể xảy ra với những cơn mệt cơ thể thông thường. Và từ đó mới nghiệm ra, thì ra, ba ngày ‘hành xác’ đó đã vắt kiệt khỏi người mình những năng lượng tiêu cực, để dồn đầy vào đó một nguồn sinh lực mới, trẻ trung, phơi phới, khiến ai nấy phấn chấn và giàu yêu thương đến không ngờ!

Phấn chấn và giàu yêu thương, bởi vì chỉ những chuyến đi đầy gian khổ và thử thách như thế này, người ta mới gắn bó với nhau đến chừng nào. Sau những ngày dài sát cánh bên nhau, cả bảy thành viên trong nhóm, cộng thêm anh hướng dẫn viên địa phương và anh tài xế thiệt sự ân cần và tử tế, tất cả chúng mình đã thực sự gắn bó với nhau như một gia đình. Những phút lòng chùng nhất đã có nhau động viên, những giây kiệt sức nhất luôn có người xốc nách, đưa nước, nắm tay mà dắt đi từng bước… Những câu chuyện không đầu đuôi hay những vấn đề ‘lông gà vỏ tỏi’, ý muốn nói là vặt vãnh nhất, cũng khiến cả đám cười ngất suốt những chặng đường. Và nghe nói đứng trước những ngày kora, những bức bối trong lòng sẽ luôn khiến các thành viên trong đoàn dễ xảy ra hục hặc mích lòng nhau. Thế nhưng với đoàn tụi mình, đã không hề có một câu nặng nhẹ, tổn thương hay gây buồn lòng nhau dù nhỏ dù lớn. Như thế có được coi là một lợi lạc tinh thần quá lớn hay không?

Chuyến đi này, với tụi mình, là một sự may mắn không hề nhỏ, khi dạo tới dạo lui xung quanh Kailash mấy ngày trên núi và quanh núi, chúng mình không chỉ được diện kiến đủ bốn mặt của ngọn núi thiêng, vốn có hình dáng vuông vắn như một kim tự tháp mà cho tới bây giờ, nhiều nguồn còn đang tranh cãi liệu đó là tuyệt tác ngẫu nhiên của thiên nhiên hay là tác phẩm của con người từ một nền văn minh trước chúng ta hiện giờ. Do chúng mình chọn đi thêm đến Tsaparang – xứ Cổ Cách ngày trước với thêm những điều thật ngỡ ngàng tầm mắt, trên đường về, chúng mình hữu duyên lại được ngắm Kailash thêm lần cuối trong góc xéo. Ở đó, những đường tuyết đọn trên mặt núi hiển hiện rõ vẻ mặt từ ái, tươi cười của một vị cha già, như thể để khen ngợi chúng mình đã rất cố gắng làm tròn những gì chúng mình mong muốn làm, và một nụ cười đưa tiễn đám con về lại quê nhà. Làm sao không thương? Làm sao không rung động?

Những ngày ngồi xe về lại Lhasa rồi từ đó đáp hai chuyến bay nữa về lại Việt Nam, về lại với áp lực công việc và cuộc sống thường ngày, nhiều thành viên trong đoàn mình bày tỏ nỗi buồn và luyến tiếc những ngày tuyệt đẹp này. Mình cười, dỗ các bạn, bảo rằng thôi, cái gì đẹp đẽ sẽ được lưu giữ mãi trong lòng, và ‘cục pin’ được sạc từ Cha thiêng Kailash sẽ dùng hoài còn hoài đấy, miễn là còn nhớ mà lấy ra dùng thường thường để đừng bị ‘chai pin’, nhen! Và quan trọng nhất: về lại cuộc sống bình thường để tiếp tục ‘cày’, kiếm ‘thóc’ để tiếp tục cùng nhau làm những chuyến hành trình thú vị tiếp theo chớ!

Image may contain: 6 people, people smiling, mountain, sky, outdoor and nature

Cả nhóm ngày đầu còn tươi tỉnh. Cùng chung với 7 em porter – người giúp khuân vác hành lý, và anh HDV địa phương và cả anh lái xe cũng cùng tham gia chuyến kora với chúng mình.

Heheh và thế là một nhóm đã được lập ra rồi: sẽ cố gắng có mặt cùng nhau trong những chuyến trải nghiệm các vùng đất kỳ thú trên thế giới. Thế có được xem là một lợi lạc quá lớn về mặt tinh thần hay không, nhỉ? 🤗
(6.8.2019 – QH)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart