‘NHỮNG NGÃ BA ĐƯỜNG’ TRONG HÔN NHÂN

>
>
‘NHỮNG NGÃ BA ĐƯỜNG’ TRONG HÔN NHÂN

Đà Lạt những ngày cuối tháng 4, thêm một lớp cấp độ 2: Thấu hiểu cuộc sống với Nhân số học khép lại. Càng nhiều lớp mở ra và khép lại, càng ngày tụi mình càng nhận ra, thật sự có một sự chiêu cảm rất kỳ diệu, khi những câu chuyện, những ‘bài thi’ chung sẽ xuất hiện trong mỗi lớp. 60 con người là 60 cuộc đời, chẳng ai giống nhau. Vậy mà, khi vào trong không gian lớp học này, vỏn vẹn trong ba ngày học, lại chạm nhau ở một vài điểm chung, mà lớp học lần này, là câu chuyện về những ‘ngã ba đường’ trong hôn nhân. Chọn khởi lòng thương để tiếp tục chung sống với nhau hay chọn dừng lại, để khép lại một mối quan hệ, mình biết, đó không phải là một lựa chọn dễ dàng trong một cuộc hôn nhân.

Nếu như đó là câu chuyện của một, hai người, thì mình không nói, nhưng từ câu chuyện của một anh học viên trong lớp đã chạm qua ngưỡng trung niên, một người thoạt nhìn đầy phong thái tự tin, dõng dạc khi mô tả những con số cuộc đời mình qua góc nhìn của Nhân số học nhưng lại thoáng chút ngập ngừng, đưa ra vấn đề anh đang nặng lòng để nhờ cả lớp cùng thảo luận cho giải pháp. Anh bảo: “Anh đang đứng ở ‘ngã ba đường’ trong cuộc hôn nhân của mình. Anh có nên ly dị vợ hay không?”. Cái ‘ngã ba đường’ của anh đó, bỗng dưng trở thành một đề tài thảo luận thiệt lớn trong lớp, và cũng là một ‘đề bài’ cho rất nhiều ‘ngã ba đường’ khác đang trong trường hợp tương tự.

Anh là một người có con số chủ đạo 3, một kiểu người lý trí điển hình và thậm chí, anh cũng thừa nhận, trong gia đình, anh là một người khá gia trưởng. Còn vợ anh là người sở hữu con số chủ đạo 6. Ahhaa, đến đây, nếu ai tìm hiểu về Nhân số học chắc cũng nhìn ra ‘sương sương’ vấn đề rồi ha? Ảnh kể, lúc trước hai anh chị đến với nhau cũng chóng vánh lắm, khoảng thời gian tìm hiểu nhau chủ yếu là yêu xa, chỉ gặp nhau đâu tầm một tháng là cưới. Đến nay, họ đã có với nhau hai đứa con. Mình hỏi anh, lúc đó anh cưới chị vì lý do gì? Anh bảo: “Vì thương”. Mình hỏi tới, vậy là giờ hết thương nên quyết định buông? Anh im lặng…

Mình quay xuống hỏi cả lớp, vậy theo các bạn, anh này nên chọn lựa hướng đi nào? 90% lớp ủng hộ cho việc anh nên giữ lại mối quan hệ này. Những băn khoăn, đăm chiêu trên nét mặt của anh, hiển lộ thật rõ suy nghĩ, có lẽ, anh cũng chưa sẵn sàng để kết thúc. Nhưng lý trí của một người có con số chủ đạo 3, lại bảo anh hãy dừng lại. Mà mình nói thiệt, thà dứt khoát đi tiếp hoặc dứt khoát rẽ ngang, dẫu đằng sau những lựa chọn đó, chưa biết kết quả đúng-sai như thế nào nhưng ít ra nó còn đỡ mệt lòng, mệt óc hơn mấy trường hợp kiểu ‘Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/Chọn một dòng hay để nước cuốn đi” như thế này.

Ở dưới lớp, nhiều cánh tay giơ lên. Ngẫu nhiên, mình mời một chị trong số đó. Theo lời chị kể, trước đây chị cũng trong hoàn cảnh tương tự câu chuyện anh kể nhưng ở vai trò là một người vợ. Chị nói, thời điểm ấy chị cứ nghĩ kết thúc chính là sự lựa chọn tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề nhưng không ngờ, đã là duyên- nợ, duyên-nghiệp thì nếu chưa trả xong, dẫu có kết thúc thì vẫn làm khổ nhau như thường. Chị ly hôn, tưởng chừng là kết thúc nhưng cái ‘nghiệp’ chưa trả xong của hai người, lại đổ dồn về các con của chị. Từ những đứa con ngoan ngoãn, các con bị sốc và dẫn đến trầm cảm. Lúc đó, chị biết mình đã sai và mong rằng, anh học viên trong lớp hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Ở một góc lớp, cô bé trong team mình giơ tay. Con bé nghẹn ngào: “Con không dám khuyên gì về câu chuyện của chú, vì con biết con còn nhỏ, những sự trải đời của con so với mọi người còn chưa nhiều. Nhưng khi nghe câu chuyện của mọi người, con xúc động lắm, vì con chính là đứa con chịu những áp lực do ba mẹ ly hôn, tương tự những điều mà cô chú ở đây kể”. Con bé thật mạnh mẽ và cá tính ngày thường tụi mình gặp lại bảo, có khoảng thời gian, con luôn cố tỏ ra rằng mình ổn nhưng thật ra, trong lòng đầy những gợn sóng. Mình biết câu chuyện của con, và cũng theo dõi sự lớn lên của con từng ngày sau những biến cố trong cuộc hôn nhân của ba mẹ. Đến nay, ba mẹ của con cũng đã ly hôn nhưng theo lời con kể, chắc là nghiệp vẫn còn nên vẫn làm khổ nhau, chưa dứt. Và con bé chính là người chủ động lạy sám hối, Ho’Oponopono và đọc kinh hồi hướng cho ba mẹ mình. “Nếu ba mẹ không thể sống với nhau cũng được nhưng mong ba mẹ, buông bỏ được những nặng lòng xuống, để đối đãi với nhau như những người bình thường”. Và thật sự, cũng đã có những tín hiệu vui với những nỗ lực của con.

Và còn nhiều cánh tay khác, những câu chuyện khác được kể ra, một cách toàn diện nhất của những người trong cuộc. Và bạn thấy không, chỉ có 60 người thôi nhưng lại có quá nhiều trường hợp giống nhau trong những lưng chừng ‘ngã ba đường’ hôn nhân, có cả những trường hợp đang ly thân và thậm chí là ly hôn. Bao nhiêu trong số họ hạnh phúc với những quyết định đó? Bao nhiêu đứa con đang phải trải qua những áp lực vì những cuộc hôn nhân không hạnh phúc của ba mẹ? Và có bao nhiêu người chịu ngồi xuống, để nói chuyện thật nghiêm túc với nhau để giải quyết vấn đề?

Tự dưng mình nhớ những câu hát trong bài ‘Thế thôi’ của nhạc sĩ Hải Sâm: “Ngày hôm nay thấy thế nào/Có vui như ngày xưa ước mong…?”. Ừ thì cái ngày xưa ấy, là khoảng đầu nồng nàn hò hẹn, trao nhau những tin yêu, là những thăng hoa nhất trong tình yêu để rồi, dần dà, những ấm nồng ấy vơi đi theo thời gian, mà những ‘thói hư tật xấu’ trong nhau bắt đầu hiển lộ nhiều hơn, khiến những người trong cuộc ngỡ rằng, đây đâu phải là người hoàn hảo mà trước đây mình gặp, sao những yêu thương không còn đong đầy như ngày xưa ấy,… Và cứ thế, vô vàn câu hỏi vì sao xuất hiện, dẫn đến những hoài nghi lẫn nhau và hoài nghi chính mình, liệu tình thương và sự bao dung trong mình có còn đủ lớn, để đi tiếp với người này?

Gần đây, mình có chia sẻ cho bạn về Khái niệm Chu kỳ rồng, mà ở trong đó, có một giai đoạn từ tuổi 35 trở đi, được gọi là giai đoạn ‘khủng hoảng tuổi trung niên’. Đây là giai đoạn để cho phần Siêu thức của bạn phát triển và kiện toàn sau hai chu kỳ rồng đầu tiên dùng để phát triển Thể chất và Trí não. Lúc này đây, bạn sẽ thấy, những khó khăn, thử thách, những xộc xệch chao đảo bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn, tựa như những tín hiệu để bạn phát khởi về mặt tâm thức, tâm linh, và nếu ai ý thức được điều này, thì những xộc xệch tựa những bài thi đó, sẽ được hóa giải thuận duyên hơn, còn nếu ai vẫn sống một cách bản năng, thì mình e là, họ khó mà an vui ở chặng này.

Đến đây, quay trở lại với những trường hợp mình kể trên, phần lớn các anh chị đều có ba đỉnh cao 2-9-11 trong bốn đỉnh cao của mình. Bạn thấy một sự sắp xếp thật vi tế không, bằng một sợi duyên vô tình nào đó mà những con người này có mặt trong cùng một lớp học, và bằng một sự hữu ý nào đó, họ có chung một ‘bài thi’ về hôn nhân, ở lứa tuổi trung niên. Mình hỏi mọi người, khi đã học qua lớp Nhân số học cấp độ 1: Quản trị cuộc sống với Nhân số học, đã hiểu về ý nghĩa của các đỉnh cao số 2-9-11 có sức mạnh trong việc thôi thúc con người ta tìm đến Tâm linh rồi, thì các anh chị đã có động thái điều chỉnh gì chưa? Thì anh học viên ấy, im lặng, mỉm cười bẽn lẽn. Cái nụ cười bẽn lẽn của ảnh, mình đủ nhận ra ảnh chưa sẵn sàng để thay đổi chính mình, vẫn sống một cách đầy bản năng và lý trí của một người có con số chủ đạo 3.

Mình không khuyên anh là dừng lại hay đi tiếp ở ‘ngã ba đường’ mà anh đang loay hoay. Chỉ nói với anh rằng, những ngày này, anh đang ở trong điểm trũng năm số 7 của chu kỳ 9 năm cá nhân, năng lượng của anh cũng đang rất thấp. Nên là anh hãy để mình thật tĩnh lại một khoảng thời gian và nghiêm túc suy nghĩ về mối quan hệ này. Và với những trường hợp tương tự, trước khi đưa ra quyết định kết thúc một đoạn duyên nào đó, bạn hãy thử suy nghĩ, bạn có chắc là khi kết thúc, đường ai nấy đi, thì những duyên-nghiệp trong bạn và người ấy cũng hết theo không? Còn nếu không, thì hãy thành thật, can đảm nhìn vào vấn đề mà giải quyết:

Thứ nhất, tập thương lại người đó như thương lại một người bình thường. Thật ra, mình từng chia sẻ với bạn rất nhiều lần về những cảm xúc trong một cuộc hôn nhân. Tình yêu chính là điều kết duyên họ lại với nhau nhưng chỉ có tình thương, mới có thể đồng hành cùng nhau một chặng đường dài sau đó. Mọi sự gặp gỡ trong cuộc đời này đều có lý do, cũng như mọi yêu thương hay đau khổ, cũng đều là ‘bài học, bài thi’ riêng cho cuộc đời mỗi người. Đâu phải ngẫu nhiên mà trong 28 bài tập về lòng Biết ơn, cô Rhonda Byrne, dành hẳn ra hai bài tập “Mối quan hệ nhiệm màu” và “Phép màu cải thiện mối quan hệ” để cho mọi người có dịp được nhìn lại một cách thấu đáo và nghiêm túc với những mối quan hệ của mình. Đơn giản, nếu bạn đang gặp phải ‘chướng duyên’ bởi một người nào đó, thì hãy thật bình tâm ngồi lại, viết ra những điều bạn cảm thấy biết ơn người đó và hãy thật lòng biết ơn những điều đó. Lòng người không quá khô cằn, hay hằn học như bạn nghĩ đâu. Chỉ cần bạn mở rộng dung lượng trái tim mình, rồi mọi thứ còn lại, cứ để tùy duyên. Và mình tin, ‘còn tình thương ấy thì lỗi lầm cũng sẽ qua’.

Thứ hai, bạn hãy thật nghiêm túc suy nghĩ, quyết định của mình có ảnh hưởng đến những đứa con của mình không? Mình biết, nếu duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc sẽ gây đau khổ cho rất nhiều người nhưng kết thúc một cuộc hôn nhân, ở thời điểm tất cả đều chưa sẵn sàng, cũng gây thương tổn không kém, đặc biệt là đứa con của mình. Những lúc ấy, mình khuyên các bạn nên ngồi lại nói chuyện với nhau. Hãy lắng nghe tiếng lòng của người bạn đời của mình. Hãy lắng nghe suy nghĩ của các con. Và cũng hãy lắng nghe chính mình. Và khi nào, tất cả đều hiểu và sẵn sàng cho một quyết định nào đó, thì lúc ấy hãy thực hiện, cũng không muộn, nhen!

Thứ ba, nếu hiểu theo duyên-nghiệp của nhà Phật, những vợ chồng đến với bạn đều là duyên-nợ. Có người đến để trả nợ bạn, đó được gọi là thuận duyên, thì mình chúc mừng bạn. Nhưng cũng không ít trường hợp đến để ‘đòi nợ’, và những lúc đó thì, những đoạn trường đau khổ, oái ăm tình trường bắt đầu xuất hiện. Mà lúc đó, bạn nên làm gì? Có những người sẽ kiểu ‘ăn miếng trả miếng’, khi người ta làm khổ mình, mình phải làm khổ lại người ta thì mới chịu, cho đã cái cơn giận. Mà kiểu ‘oan oan tương báo’ như vậy thì không biết đến bao giờ mới dứt nợ được, và những đau khổ cứ triền miên kéo dài, gây mệt mỏi cho những người trong cuộc. Và những trường hợp như vậy, mình thật lòng khuyên bạn hãy chuyên tâm sám hối. Hình thức nào cũng được, bạn có thể đọc kinh Sám hối phù hợp với tôn giáo mà bạn theo, với những bạn theo Phật giáo thì có thể đọc bộ Lương Hoàng Sám hoặc lạy 108 lạy Sám hối và Khai tâm. Bạn cứ làm đi, vì có những dùng dằng trong mối quan hệ, không phải ngày một ngày hai mà giải quyết được. Nhưng bằng sự thành tâm và thái độ của bạn, mình tin, rồi mọi thứ cũng sẽ được hóa giải theo cách tích cực cả thôi.

Như vậy, ‘những ngã ba đường’ trong hôn nhân, không phải là chuyện của một, hai người mà mình biết, nó đang là vấn đề lớn trong nhiều cặp vợ chồng khác. Và những gì mình viết ra ngày hôm nay, hy vọng sẽ chạm đến bạn ở một vài điều gì đó, để bạn có thể chiêm nghiệm lại những mối quan hệ của mình. Để những ‘ngã ba đường’ không còn là nỗi lắng lo trong hôn nhân. Chỉ cần bạn can đảm nhìn vào vấn đề, và dùng tình thương, sự bao dung để đối đãi với nhau, tự khắc bạn sẽ biết, bạn nên bật ‘đèn xanh’ hay ‘đèn đỏ’, chứ không phải phân vân đứng trong ranh giới ‘đèn vàng’ nhen!

Gửi Niệm lành cho tất cả!!!

(27.04.2021 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart