CHÚNG TA RỒI SẼ ỔN

>
>
CHÚNG TA RỒI SẼ ỔN

1.

Cuộc đời thật có nhiều cuộc gặp gỡ rồi chia ly, gần rồi xa, rồi lại về gần. Những ngày này, mình lại thêm một lần cảm nhận điều ấy, thật rõ.
Hôm nay 20/11, ngày để nhớ về vai trò của những người dạy học. Nhận được những dòng thương thiết từ các bạn học viên các cấp độ khóa Quản trị cuộc sống với Nhân số học, mới chợt nhìn lại mà nhận ra, ủa, thì ra năm nay, vai trò giáo viên, nó lại ‘sáng đèn’ trở lại trong cuộc đời của mình rồi.

Cái duyên gắn với nghề giáo chắc cũng là một mối duyên đặc biệt. Từ hồi mới lớn, chọn nghề giáo để có cuộc sống bình ổn, bớt những lịch làm việc xáo trộn, mới thi vô Đại học Sư phạm ngành Anh văn. Nào ngờ ra trường về dạy tiếng Anh cho Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines có đâu chừng hai năm thì rẽ nhánh, chuyển sang làm báo, rồi làm truyền hình. Duyên dạy học còn phấp phới thi thoảng bằng những giờ dạy dạng cộng tác viên cho ĐH KHXH&NV, và một số trung tâm tiếng Anh… Rồi nó cũng sớm phai, khi nghề truyền hình và dẫn chương trình chiếm trọn quỹ thời gian của mình lúc đó.

Vậy rồi ai mà nghĩ, bẵng đi mấy chục năm, tưởng chừng như cái nghề đó nó đã mai một mãi mãi, một ngày đẹp trời, cùng với món quà ‘trên trời rơi xuống’ là Nhân số học, mình một phát… quay trở lại nghề đứng lớp. Mà lúc đó, mới nhận ra, những kỹ năng mình được đào tạo năm xửa năm xưa đó, cùng vốn kinh nghiệm đứng lớp chỉ thoảng hoặc phảng phất đó, nó vẫn còn ẩn tàng trong người. Kết hợp với kinh nghiệm sống của mấy chục năm làm truyền hình và làm Thay lời muốn nói nữa, thành ra đến khi hội đủ duyên và các khóa học Quản trị cuộc sống với Nhân số học ra đời, mình đã quay trở lại với nghề dạy, với việc đứng lớp một cách tự nhiên, thuần thục, như thể mấy chục năm nay chuyên môn đứng lớp không hề gián đoạn!

Mà ngộ là, những việc ấy cứ đến một cách tự nhiên, mà mình cũng không để ý nhiều đến nó, mãi cho đến ngày hôm nay, bắt đầu được mọi người nhớ đến như một người giáo viên, mới phát hiện ra, những lời thương những lời chúc gửi đến, nó đã được chuyển từ… ngày 21/6 của những năm về trước – ngày Báo chí VN, sang ngày 20/11.

2.

Chiều nay, vừa trở thành khách mời của một chương trình trò chuyện qua làn sóng radio VOV cũng vì chính vai trò này. Bạn biên tập viên giới thiệu, mời mình lên sóng đúng ngày hôm nay vì mình là một cô giáo dạy môn Quản trị cuộc sống. Cuộc trò chuyện diễn ra ngay sau ngày cả nước vừa trải qua một đêm tưởng niệm những người đã ra đi vì dịch bệnh Covid-19. Một đêm thật nhiều những cảm xúc chân thành. Bạn hỏi, khi nhìn những đồng nghiệp tác nghiệp trong cuộc lễ, mình có nhớ những ngày làm truyền hình không? Và nhiều khán giả chương trình cũng ước, liệu mình có sẽ làm nên một dạng chương trình âm nhạc dạng ‘Thay lời muốn nói’ để góp phần xoa dịu những mất mát, những nỗi đau sau đại dịch.

Mình nói rất thật lòng, đêm qua, trong khi những đồng nghiệp truyền hình của mình tác nghiệp, mình ngồi tại nhà, tắt đèn, thắp nến, tâm mình chỉ hoàn toàn ý thức rõ mình đang cùng hàng triệu trái tim trong và ngoài nước, cùng tĩnh tâm cầu nguyện, đọc một thời kinh A Di Đà và niệm 108 lần niệm Phật để thành tâm hồi hướng năng lượng lành đến những người đã khuất. Lúc ấy, mình đang có cảm giác hoàn toàn là một ‘đồng-bào’ với những người đã khuất, hoàn toàn không có một chút cảm giác gì mường tượng bản thân trong bất kỳ một vai trò gì trên truyền hình, trong cuộc lễ trang trọng ấy. Có lẽ, những gì đã qua đã thực sự nằm đàng sau rồi. Giờ đây, ở một vai trò khác, trong một lăng kính khác, mình cảm nhận mình, cùng với các đồng đội ở thời kỳ này, đang có ích ở một khía cạnh khác, ở một dạng phương diện khác.

Ngẫm lại, thấy cuộc đời đã đưa ta đi xa đến mức nào? Xa ra khỏi tất cả những gì gọi là kế hoạch, dự tính ban đầu. Cái thuở làm truyền hình ngày ấy, làm sao mình tưởng tượng được, có ngày mình sẽ được lĩnh hội những giá trị hơi ‘là lạ’ như Nhân số học? Làm sao mình tưởng tượng được, có ngày, chính Nhân số học giúp mình và nhà MayQ làm nên một hướng đi mới cho chúng mình sau khi cái duyên truyền hình khép lại, mà, quan trọng là, ở hướng đi mới này, tụi mình càng chạm gần hơn với ước nguyện của mình và của anh chị em lãnh đạo nhà MayQ, là phụng sự cho cuộc sống, thay đổi nhận thức của ngày càng nhiều người, hướng về cuộc sống thực sự bình an, thiện lành và hạnh phúc?

3.

Hôm kia, Tin – con trai mình đã có một câu chuyện khiến mình thực sự bồi hồi. Gần một tháng nay, con đã lên đường trở lại Anh để tiếp tục năm học thứ hai ngành Âm nhạc tại Đại học York, sau cả năm học đầu tiên ‘lênh đênh’ với kiểu học online thật khó cho dân chuyên ngành âm nhạc như con. Cuộc trở lại không dễ dàng, vì tất cả đều dở dang do tác động của mấy tháng bên này ngưng trệ vì bệnh dịch: ký túc xá không còn chỗ cho một kẻ sang giữa chừng năm học như con, cả thành phố quá tải du học sinh không còn chỗ trọ; con cảm thấy mình khó khăn chạy theo kịp lịch học và cả kiến thức so với những bạn học là người bản xứ, vốn đã được đào tạo âm nhạc bài bản từ nhỏ… Cả một sự cô độc không nhẹ vì bỗng dưng, con thấy giữa một rừng người ở giữa chốn campus, lại không có một người quen, một người bạn. Lối sinh hoạt ‘mạnh ai nấy lo’ của kiểu học đại học bên đó làm con chưa quen. Con nói, mẹ, đêm qua, con đi bộ về nhà host (vì kiếm không ra chỗ trọ, nên con cầu cứu trường tìm giúp cho con tạm một host family – là nơi chuyên đón du học sinh sang học ngắn hạn các khóa mùa hè, chứ không cho thuê ở dài hạn). Bên con đang bắt đầu vào mùa đông rồi, mặt trời lặn sớm. Con xong việc ở trường, đi lững thững về nhà trọ tạm lúc sáu giờ hơn, mà trời đã tối thẳm, và trăng đã lên cao. Lúc ấy, con nói, trong một khoảnh khắc, lần đầu tiên con cảm thấy mình như bị ‘lost’. Con không biết con đang làm gì, rồi sẽ đi đâu, rồi cuộc đời mình sẽ ra sao…?

Con cười cười, mà mình nghe mà muốn ứa nước mắt. Thiệt, trái tim mình, những năm gần đây đang ngày càng được tôi luyện để giữ được tâm định tĩnh trước những vui buồn từ mọi điều mọi người quanh mình. Các học viên các khóa học của mình chắc đều nhận ra, những giờ lên lớp, lắng nghe những chia sẻ, những câu chuyện đời đôi khi buốt ruột nát gan của các bạn, mình đều giữ được sự bình tĩnh. Vì mình biết, đó sau rốt chỉ là những ‘đề thi’ rất khó được gửi đến các bạn, để thức tỉnh phần tâm hồn sâu thẳm bên trong các bạn mà thôi. Cho nên, mình chỉ mỉm cười nhẹ nhàng, và nói, các bạn cố gắng lên. Chỉ cần chuyên chú và hết lòng thực hành, ngày ngày tháng tháng, tất cả những điều này rồi sẽ được giải quyết cả thôi, và cuộc đời bạn kiểu gì cũng hửng lên, cũng thẳng thớm ra, cũng sáng ra mà thôi.

Vậy mà, nghe một lời kể ngắn gọn của thằng con, mình lại nhất thời bị ‘văng’ ra khỏi tâm trạng định tĩnh đó. Trái tim mình, trong một thoáng thắt lại, và mình biết, mình vậy là chưa vượt hẳn bài thi về lòng định tâm rồi…

Thời thiền buổi sáng hôm sau đó, trong đầu mình chợt hiện lên hình ảnh cô nhỏ Quỳnh của cách đây mấy chục năm, cái thời cũng cỡ cỡ thằng con mình bây giờ. Cũng mới mười tám mười chín tuổi, mới đậu được Đại học Sư phạm, khăn gói lên Sài Gòn học xa nhà… Và tự nhiên, cũng trong một thoáng thôi, tất cả trong mình lại trở nên thẳng thớm như một mảng giấy nhàu nhĩ được vuốt thẳng, trái tim mình lại được thả lỏng ra, lại đập lại những nhịp đập nhẹ nhàng… Trong buổi trò chuyện hàng ngày hôm sau đó giữa hai mẹ con, mình cười, nói với thằng nhỏ: Hôm nay mẹ muốn kể cho con nghe một câu chuyện xưa của mẹ, nhen.

Và mình kể con nghe, thời mẹ bằng cỡ tuổi con bây giờ, mẹ cũng đã từng có gần hai tháng đầu tiên mới nhập học ‘bơi’ trong cảm giác đầy tự ti, vì mình ở dưới tỉnh lên, trước đó toàn học ‘chay’, giờ lên đây thiếu điều muốn đuối luôn trước độ giỏi và độ bén trong các môn học của các bạn Sài Gòn. Mà thời đó, mẹ còn không được bằng như con bây giờ. Gia đình mình thời đó khó khăn lắm, lên học Sài Gòn mẹ từng phải ở trọ nhà ông bà họ tốt bụng, mà nhà họ chật và đông người quá, đêm mẹ thường phải ngủ ngoài ban công, chứ nào có được phòng ngủ đàng hoàng như con bây giờ.

Mẹ cũng đã từng trải qua những năm mười chín, hai mươi tuổi ngơ ngác, tiền bạc không có, nghề nghiệp chưa biết sẽ ra sao, bạn trai cũng không…, và cũng thực sự không biết rồi cuộc đời mình sẽ đi đến đâu, về đâu… Và mẹ nhớ, câu ‘cố định’ mà năm nào mẹ cũng viết, khi đêm 31/12 buông xuống và chuẩn bị bước sang một năm mới, đó là “Will I be happy?” – Liệu ta sẽ hạnh phúc chứ? Liệu ta sẽ An chứ?

“Will I be happy?” Cái câu hỏi đó thật là… ám ảnh. Vậy mà mẹ đã phải từng viết đi viết lại câu hỏi đó, như một dạng tự vấn mình, suốt nhiều năm dài trong thời mới chập chững vào đời. Và rồi…, bây giờ con nhìn lại mà xem. Mẹ bây giờ đã quá nửa đời người. Mà tự con xem và đánh giá xem, bây giờ cuộc sống mẹ thế nào? Cũng ổn, phải không? Có hướng đi rõ ràng trong cuộc đời. Biết mình cần làm gì, nên làm gì để giữ được mình đi được dài lâu trên hướng đi đó, và vừa giúp đỡ bản thân vừa hòa cùng gia đình và cộng đồng lớn nhỏ quanh mình. Gia đình ta cũng khá hòa thuận, yêu thương nhau, kết nối với nhau, thương thiết tốt đẹp như vầy. Vậy, theo con, mẹ đã trả lời được cho câu hỏi của mẹ một thuở đó chưa?

Thằng con cười. Mình lại nói, đó, con thấy không. Bước ra khỏi sự bảo bọc của gia đình và bước thẳng vào môi trường tự lập của giai đoạn trưởng thành, ta không thể nào tránh khỏi một quãng thời gian của sự chênh chao, thậm chí bị ‘đuối’. Vấn đề là ta sẽ để cho sự ‘đuối’ đó nuốt chửng ta dài lâu, hay sẽ chiêm nghiệm chính những khoảnh khắc thấy mình thiệt đuối đó, mà tận lực cố gắng. Và mẹ tin, cũng giống như mẹ đã từng, chỉ cần ta tận lực cố gắng, có lúc nào nản lòng chút chút rồi cũng phải ráng mà tự vực dậy, rồi cố gắng tiếp tục. Rồi cái gì cũng sẽ được an bài thỏa đáng, con đừng lo! “Kết thúc có hậu”, đó luôn là niềm tin của mẹ!

Rồi hai mẹ con ngồi lại, vạch ra một mớ các việc cần làm: lúc này trường dạy ít quá, thay vì ngồi chán chường bế tắc, tự vạch ra mấy chỗ mình tự nhận thấy mình còn yếu so với các bạn về độ chuyên môn, để đề nghị cô giáo piano bổ túc cho. Có gì đâu mà tự ái, đàng nào mình cũng là dân ‘a ma tơ’ tự nhiên được vô trúng ngành nhạc, bồi đắp mấy chỗ thiếu căn bản hồi nhỏ là được. Các câu lạc bộ đội nhóm chưa nhận con vào, con sẽ chủ động đi đến ngôi làng con thương mến vô ngần gần đó, đánh đàn cho các cụ già ở đó nghe. Con chủ động ghi hình một vài tác phẩm, tham gia một cuộc thi nhỏ nhỏ trong thành phố. Và con đăng nhập vào một website cho thuê chỗ ở tại York, việc tìm chỗ trọ cũng bầm dập lên xuống mấy tuần nay rồi, giờ cũng đang có chút tín hiệu vui, dần chạm một chỗ ở tàm tạm cho mấy tháng tới, sau khi lịch ‘trú nhà host’ sắp hết hạn. Ba nó tư vấn thêm, con nên lục tìm thử xem có anh chị nào người Việt đang cùng học tại ĐH York không, viết cái thư giới thiệu, chào hỏi, không lẽ trong chục người có cái tên tiếng Việt không còn một anh chị nào còn đang học ở trường sao, tình đồng hương sẽ giúp con đi qua mấy tuần lễ đầu tiên này nhẹ nhàng hơn nè… Hôm qua nay, gọi về, giọng và mặt thằng con có phần tươi hơn, hửng hơn được một chút. Mình lại cười, con thấy không, Chúng ta rồi sẽ Ổn!

Động viên thằng con trong một bối cảnh ‘vô tiền khoáng hậu’, mọi kế hoạch đều có thể đảo lộn, mọi con đường đều có thể… hóa hư vô. Trái đất này, vũ trụ này như đang bước vào trong một thời kỳ vô cùng kỳ lạ. Và khi ta không còn một sự lựa chọn nào khác, cách duy nhất ta có thể làm, là siết chặt tinh thần, để luôn tự ‘ám thị’, rằng: Mọi cái sẽ ổn. Và, theo cách đó, những khoảnh khắc ‘feeling lost’ của thằng con mình, của cả rất nhiều những con người cả trẻ cả ít trẻ nữa, của những người thân người thương quanh mình, và kể cả của chính mình nữa, sẽ chỉ là những ‘cú hích’, như những cú lấy đà, để sau đó, ta không ngừng cố gắng, dẫu tình hình có thế nào. Ấy là khi ta biết cắn răng nhìn vượt qua tất cả những cảm giác chênh chao hay đuối lòng của hiện tại, để nhìn ra được ánh sáng của cái kết cục chắc chắn ta sẽ đạt được: Chúng ta rồi sẽ Ổn!

Thương lắm,
(20.11.2021 – QH)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart