CHIANG MAI – CHIANG RAI: ĐỪNG VỘI TIN NHỮNG ‘ẤN TƯỢNG BAN ĐẦU’

>
>
CHIANG MAI – CHIANG RAI: ĐỪNG VỘI TIN NHỮNG ‘ẤN TƯỢNG BAN ĐẦU’
MC Quỳnh Hương chia sẻ ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Chiang Mai -Chiang Rai

[Ký_sự_hành_trình]
[Chuyến khảo sát Chiang Mai – Chiang Rai, tháng 10/2022]

CHIANG MAI – CHIANG RAI: TỪ TỪ MỚI THẤM, CÀNG LÚC CÀNG THƯƠNG

Bài 1: ĐỪNG VỘI TIN VÀO NHỮNG ‘ẤN TƯỢNG BAN ĐẦU’

Mình vốn hay tin vào trực giác. Nếu đang yên đang lành, tự nhiên càng ngày càng dậy lên cái thôi thúc phải đi đến một vùng đất nào đó, mà cái thôi thúc này cũng không hề phai đi, trái lại càng ngày càng lớn, mình sẽ thường hay ‘hú’ em Phong là thằng em bồ đề quyến thuộc ruột rà của mình trong team. Nó sẽ đi tìm đường bay, kiếm phương tiện đến, lo các khâu đường đi nước bước… Xong rồi là, mấy chị em quải giỏ lên đường.

Ý định phải đến thăm Chiang Mai – Chiang Rai dậy trong lòng mình chắc cũng phải hơn một năm nay, nhưng cứ lừng khừng không quyết đi, bởi cái đầu lý trí của mình nhìn ra một chuyện: Giá vé máy bay đến Chiang Mai – Chiang Rai quá cao so với đến Bangkok, trong khi trong cảm nhận trước giờ của mình, ở Thái Lan, được mệnh danh là Đất nước Chùa Vàng, thì… chùa ở đâu cũng sẽ mang một dạng kiến trúc tương tự như nhau, rồi vì đất Thái chủ yếu theo Phật giáo Nguyên thủy, nên bên trong, việc thờ phượng cũng sẽ giống nhau thế thôi… Vì vậy, nếu tính về bài toán kinh tế, xem ra việc mở tour dạng An hay Đại cộng hưởng – những chuyến đi đặc thù của nhà MayQ để tới đất Chiang Mai – Chiang Rai, đó có vẻ không phải là một lựa chọn khôn ngoan nhất.

Cũng may, càng về sau này, phần trực giác trong mình mỗi ngày càng mạnh, càng rõ ràng hơn, thế nên cái sự ‘đấu tranh nội bộ’ giữa lý trí và trực giác của mình giằng co được vài tháng thì một buổi sáng họp công ty, mình quyết luôn: Đi khảo sát Chiang Mai – Chiang Rai nha!

Nói tới đây chắc phải tiết lộ luôn một cái ‘tánh kỳ’ khác của mình. Đó là, với những dạng chuyến đi khám phá vùng đất mới, mình… ít khi nào muốn tìm hiểu trước về những gì sẽ có mặt trong chuyến đi, mà thường thả trôi theo duyên, để tới đâu tự nhiên có những điều gì đó lạ lùng xảy ra hay con người mình ‘bắt sóng’ được từ trường năng lượng đặc biệt ở đâu, đó chính là nơi mình sẽ cảm nghiệm được trọn vẹn nhất. Tánh này tính ra cũng… kỳ thiệt, nhưng mà mình nghiệm thấy, cái tánh này trước giờ cũng giúp ích được cho mình ở một số đáng kể lần trải nghiệm, vì thế… mình cứ để nó diễn ra, trong hầu hết mọi chuyến đi lần-đầu-tiên của mình.

Thì chuyến khảo sát Chiang Mai – Chiang Rai vừa rồi cũng vậy.

⭐️ NGÀY KHẢO SÁT THỨ NHẤT: CHIANG MAI THOẠT NHÌN VÀO: BÌNH THƯỜNG… CỦA BÌNH THƯỜNG

Lịch đi khảo sát Chiang Mai – Chiang Rai được ấn định diễn ra ngay sau khi tụi mình hoàn tất chuyến tour ‘khủng’: Đại cộng hưởng đầu tiên tại nước ngoài, đưa 355 con người trên hai chuyến bay thẳng tới Đất Phật Ấn Độ – Nepal. Chuyến đi ngốn rất nhiều tinh lực của bọn mình để có thể diễn ra trọn vẹn kết thúc mỹ mãn, nên nói thiệt, về đến nhà, tụi mình chỉ muốn…nằm xảy lay, quên trời đất. Thế nhưng, lịch khảo sát tới đã ấn định rồi. Đó cũng là thời gian còn trống lịch duy nhất từ đây đến cuối năm, vì thế, mình và em Phong quảy giỏ, tiếp tục ra sân bay trong tâm trạng… mênh mang vô định thật sự, ahihi.

Mỗi ngày, từ TP.HCM cũng chỉ có một chuyến duy nhất bay thẳng đến Chiang Mai – Chiang Rai. Ngồi máy bay hai tiếng thì đến nơi. Bước xuống sân bay, đi một vòng quanh đường xá trung tâm khu phố cổ của Chiang Mai, mình không khỏi có một chút…hụt hẫng, vì mọi thứ xem ra…quá bình thường. Khí hậu y như ở Việt Nam, đường xá y như ở Việt Nam. Và vì buổi chiều tối mình còn vướng lịch dạy một buổi Online lớp cấp độ 4, nên em Phong xếp tụi mình đi viếng thăm ba ngôi chùa thuộc loại ‘điển hình, đặc trưng’ nhất trong khu nội thành xứ Chiang Mai này. Tụi mình lần lượt vào viếng và đảnh lễ Phật ở ba ngôi chùa ấy. Ừ, đành rằng những nơi ấy sâm nghiêm, sạch sẽ, nhưng tất cả những nơi ấy…y như trong tưởng tượng của mình, là…na ná nhau về cấu trúc, về cách bày trí, và…na ná với cấu trúc các chùa ở Bangkok, hay như hầu hết tất cả các ngôi chùa Thái Lan mình thấy ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Một lần nữa, cái đầu lý tính của mình nó lại bật tanh tách: Vậy có đáng tốn tiền vé gần gấp đôi vé đi Bangkok, để bay lên tận vùng miền Bắc Thái, như nơi này không?

Thời gian rảnh rỗi hiếm hoi còn lại trước giờ dạy, mấy chị em tranh thủ dạo bộ qua mấy nơi phục vụ khách du lịch. Các poster quảng bá các điểm tuyến đến càng làm mình… bật thêm mấy cái điểm trừ: Đi vào thăm các nơi nuôi voi để đùa giỡn với mấy bé voi con (cái này tụi mình không cổ xúy rồi nè, cho qua). Đi thăm mấy làng của người-cổ-dài (những người phụ nữ dân tộc ít người ở các làng này có tập tục tròng các khuyên bạc to vào cổ, cứ nong cổ lên cao dần dần, trông khá kỳ dị. Cái này nhà MayQ tụi mình cũng không cổ xúy đến tham quan luôn, bỏ qua). Đến thăm khu ‘Tam giác vàng’, nơi từng là ‘khu căn cứ’ của một trùm giang hồ… Chà, cái này lại càng không có nhu cầu bỏ thời giờ thăm viếng, thôi bỏ qua nốt. Lại thêm một lần nữa hơi thở dài trong lòng: Chẳng lẽ chuyến khảo sát lần này lại ‘xôi hỏng, bỏng không’ như thế này chăng?

Lại cộng thêm sự kiệt sức sau chuyến đi phục vụ Đại cộng hưởng Ấn Độ – Nepal trước đó, mình bắt đầu có những triệu chứng ‘ương ương’, muốn bệnh. Người lừ nhừ, uể oải gì đâu. Mang tâm thế không mấy tốt đẹp đó, sáng hôm sau, mấy chị em mình bắt xe bus đi sớm, ngồi ba tiếng đồng hồ, về Chiang Rai.

⭐️ NGÀY KHẢO SÁT THỨ HAI: CHIANG RAI – CÁC CHÙA ‘NỔI TIẾNG VỚI DÂN CHECK-IN’: ĐẸP THÌ CÓ ĐẸP…

Cậu em bảo mình, đại đa số dân tình đến Chiang Rai là để viếng thăm, mà cụ thể, là để… chụp hình check-in hai ngôi chùa ‘làm mưa làm gió’ trên cõi mạng, là Chùa Trắng (White Temple) và Chùa Xanh (Blue Temple). Tụi mình bèn theo đó mà đến thăm tuần tự hai chùa này.

Ấn tượng đầu tiên: Cả hai chùa: đẹp thiệt!

Cả hai ngôi chùa đều là những dạng ‘chùa mới’, mới được xây dựng sau năm 2.000 trở đi. Và chùa được hướng theo dạng ‘chùa để viếng cho khách du lịch’, nên mọi chi tiết đều được tô chuốt rất tinh xảo. Chùa Trắng thu vé vào cửa không thấp so với mặt bằng giá cả sinh hoạt của Chiang Rai, quản lý khá chỉn chu. Chùa Xanh không thu phí nên xe cộ chạy vào đậu sát hông chùa, hàng quán dọc theo bên hông Chùa Xanh cũng nhiều…, và toàn là đồ ăn vặt ngon lành, và giá khá rẻ. Vì vậy, nếu coi đây như một chuyến đi tham quan du lịch, thì hai địa điểm này khá tốt.

Tuy vậy… Đúng là điểm ngắc ngứ trong lòng mình từ hôm qua đến giờ. Vì là ‘chùa du lịch’, nên khách thập phương kéo đến rất đông, và kéo đến không phải theo tinh thần để đến lễ Phật tu tập mà là để ‘check-in sống ảo’, nên cái năng lượng bao trùm lấy hai chùa này là… năng lượng vui chơi. Người người mặc đủ loại trang phục thời trang đến đây, nhiều nam thanh nữ tú không ngại ngần mặc shorts lửng trên đầu gối, hoặc áo hai dây, hở các loại hở. Cũng không thấy ai nghiêm cấm hay nhắc nhở các đối tượng này khoác thêm các trang phục hỗ trợ như ở các chùa bình thường khác, và điều này ảnh hưởng khá lớn đến không khí chung của cả chùa. Và bởi vì mọi người đến đây với mục đích để chụp ảnh là chính, cho nên thôi rồi là nhộn nhịp ồn ào.

Men theo bản đồ định vị chỉ đường, tụi mình tìm đến một ngôi chùa lớn thứ ba tại Chiang Rai. Tới đây thì hơi ngạc nhiên, vì như mình đã nhắc ở trên, đại đa số chùa chiền ở Thái Lan theo phái Nam Tông, nghĩa là chỉ thờ mỗi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử. Vì thế, khi xa xa ngắm tới, thấy tôn tượng Đức Quán Thế m Bồ Tát thật lớn tĩnh tọa trên đồi cao, mình vừa ngạc nhiên, vừa cảm động. Thì mình là ‘con dân’ theo Phật giáo Đại thừa mà, và Mẹ Quán Thế m gần như một người Mẹ gần gụi, luôn luôn ở trong lòng mình, từ những ngày đầu tiên mình được bén duyên với Phật pháp!

Đi tới được ngôi chùa lớn này, Wat Huay Pla Kang, lại một lần nữa hơi… chựng lại vì cái sự huyên náo ầm ĩ đang diễn ra xung quanh nơi đây. Chỉ kịp cảm nhận, cấu trúc của ngôi chánh điện nghiêm trang, chánh điện nằm trên đồi nên gió lồng lộng. Đến giữa trưa nắng gắt mà vào được nơi đó, ngồi nhắm mắt tĩnh tâm một chút, tự nhiên những mệt mỏi cũng phai đi ít nhiều. Đi sang gian đồi nơi tôn tượng thật lớn Đức Quán Thế Âm đang tĩnh tọa, mọi người đang mua các suất gạo cúng dường trai tăng bên đó cũng khá đông. Mình phóng tầm mắt dõi xuống chân đồi xa xa, thấy cũng đẹp đó, có điều ồn ào huyên náo quá.

Chỉ thấy lòng ấm áp một chút với một việc: quanh chùa cũng có khá nhiều các quán xá lớn nhỏ, nhưng các quán này bán các loại đồ chay như Pad Thái, Khau Soi (giống một mì ăn với nước cà-ri bên mình), rồi trà sữa, nước uống… đều không thu tiền riêng, mà mỗi khách ăn chỉ tự động bỏ tờ 20 Baht (tương đương khoảng 13.000 đồng tiền Việt) vào một thùng mica trong suốt trước quầy, để mọi người thu quỹ đó lo lại cho các việc vận hành hàng ngày trong chùa như hệ thống nhà vệ sinh khá sạch sẽ, xe điện đưa người yếu chân lên đỉnh đồi Quán Âm… tất cả đều miễn phí.

⭐️ VÀ Ở NƠI ‘KHÔNG NỔI TIẾNG VỚI DÂN CHECK-IN’, HẠT NGỌC ĐẦU TIÊN LỘ DIỆN

Em Phong nói, giờ mình về nốt ngôi chùa cuối cùng cần đi ở Chiang Rai nha. Là một ngôi chùa cổ, Phật Ngọc Tự, ở ngay gần trung tâm phố thôi.

Chùa Phật Ngọc – Wat Phra Kaew Chiang Rai ban đầu được gọi là Chùa Rừng Tre, bởi xung quanh chùa là rừng tre bao bọc. Cho đến năm 1434, bảo tháp bên trong chùa bị sét đánh vỡ toác, lộ ra pho tượng Phật Ngọc được giấu ở bên trong. Từ đó, chùa được đổi thành Wat Phra Kaew – mang nghĩa Chùa Phật Ngọc. Vào khoảng cuối thế kỷ 18, pho tượng Phật Ngọc được thỉnh dời về Bangkok, tọa vị tại Ngôi chùa Hoàng Gia quan trọng vào bậc nhất tại thủ đô, cùng mang tên Wat Phra Kaew (mà đại đa số người Việt mình khi sang Bangkok gọi là Chùa Vàng).

Tụi mình bước vào khuôn viên chùa Wat Phra Kaew Chiang Rai trong cái tĩnh mịch của buổi chiều. Cái mừng đầu tiên, là… chùa rất vắng, rất thanh tĩnh. Đại đa số khách du lịch mải mê đến thăm những ngôi chùa ‘nổi tiếng’ hơn, nên không mấy ai lưu ý đến ngôi chùa cổ, tuy mang danh là Chùa Phật Ngọc, nhưng pho tượng Phật Ngọc thật đã được dời về thủ đô rồi. Nói thiệt, thời điểm đó, mình cũng không quá để ý đến việc pho tượng dời về đâu, hay vị thế của pho tượng Phật Ngọc lớn lao đến thế nào tại ngôi chùa lớn nhất tại Bangkok. Cái duy nhất mình ấn tượng rất tốt ngay tại thời điểm đó, chùa an tĩnh, thanh tao, có không gian đủ rộng rãi mà không… quá giống bao nhiêu ngôi chùa hôm qua đến giờ mình đã đến viếng. Mình và em Phong đọc qua dòng lai lịch về chùa bằng tiếng Anh, xong, lặng lẽ đi vào khu đang đặt một phiên bản mô phỏng thu nhỏ của tượng Phật Ngọc thật. Cũng có vài khách đến đảnh lễ, nhưng đều là người địa phương, và ở họ toát lên một sự sùng kính sâm nghiêm đặc biệt.

Sau họ, mình cũng chậm rãi chắp tay hình búp sen, lặng lẽ đặt lên trán rồi kéo xuống miệng, xuống tâm, đại biểu cho từ thân – khẩu – ý, kính đảnh lễ Đức Phật, rồi úp mặt, áp tráng và hai bàn tay xuống sát nền đất. Cũng không thể nhớ rõ cái khoảnh khắc đó diễn ra như thế nào, chỉ biết trong một sát na đó, trong lòng mình hiện lên một lời thôi thúc: Nguyện xin đi! Nguyện xin đi!

Thật kỳ lạ, ở điểm này, để mình mở ngoặc chia sẻ thêm một chút cảm giác bình thường của mình trong những chuyến khảo sát: Thường mình đi với tâm thế của một người khảo sát, thì tới một ngôi đền chùa nào, thường mình ít xin hay nguyện gì cho bản thân, mà hoặc đơn giản chỉ dập đầu đảnh lễ chư Ơn Trên tại vùng đền chùa đó, hoặc thêm nữa, là nguyện xin Chư Vị cho chúng con đủ duyên mở được chuyến đi thành công đến vùng đất đó. Và suốt từ hôm qua đến thời điểm đó, đến các chùa trước đó, mình đúng một tâm thế ấy. Và thật kỳ lạ, khi đầu vừa dập trên nền đất, chỉ trong một khoảnh khắc, mình tự nghe ‘mình’ nhắc: Hãy nguyện xin đi! Chữ ‘xin’ đến với mình khá là lạ lẫm, và lạ lùng không kém, là cũng trong sát na tiếp theo, mình nghe trong lòng mình bật ra rất nhanh không phải một, mà là tận ba điều mình muốn ‘xin’ Ơn Trên, Vũ Trụ gia hộ, tiếp sức cho mình.

_ Một là vấn đề về sức khỏe. Mình hiểu, bước vào năm cá nhân thứ tư, chồng với năm ‘tuổi’ theo các con giáp phương Đông, kèm thêm cái ‘mốc’ 49 tuổi ta nữa, mấy tháng nay mình hết sức kiên nhẫn lề rề… chống chọi với n cơn bệnh cảm và cúm và các thể loại khác. Mình xin, cho con đủ duyên đi qua được thời gian điểm trũng năng lượng này một cách an lành.

_ Hai là vấn đề thời điểm đó làm mình đau đầu không kém. Cha mình một năm trở lại đây sa sút về sức khỏe (ông cũng tuổi con Cọp, cũng nằm trong ‘vùng trũng sức khỏe’, giống như mình). Mà thời điểm tụi mình về sau chuyến Ấn Độ, ở nhà đang có khủng hoảng khá trầm trọng về người chăm sóc riêng cho ông… Tụi mình khá mệt mỏi về việc này, thời điểm mình đi tiếp Thái Lan, nó vẫn là một vấn đề khá nhức nhối. Mình khấn, xin cho con đủ duyên lành hóa giải việc này theo hướng tốt đẹp an lành nhất.

_ Vấn đề thứ ba, là những trở ngại trên con đường tu tập của mình. Mấy tháng trở lại đây, mình càng ngày càng nhìn rõ, đích đến bắt buộc mà bản thân cũng như mọi người thân người thương xung quanh mình, là phải tìm đường mà ‘Về Nhà’, nghĩa là phải quay về lại được tự tánh – tức bản tánh chân như sáng trong có sẵn trong tâm của tất cả mọi người. Mà mình cũng nhìn ra, đường ‘Về Nhà’ phải trải qua 9 x 9 = 81 cái trúc trắc trục trặc dài dài, mà chúng sẽ không trải sẵn cho mình thấy một lượt, mà sẽ lần lượt mọc ra từng cái từng cái một, cho mình từ từ mà dọn. Thời điểm này là thời điểm chín muồi cho mình quyết tâm ‘dọn dẹp’ một cái chướng ngại đã tồn tại quá lâu, và mình nguyện xin, cho con có đủ duyên lành dọn dẹp rốt ráo gọn ghẽ cái chướng ngại ấy.

Viết ra thì nhiều và dài dòng như vậy, nhưng thực tế của buổi hôm đó, tất cả diễn ra không tới một phút đồng hồ! Khi mình ngẩng đầu lên từ cái lạy thứ ba, thì cả ba điều đều đã được thể hiện ra âm thầm một cách trọn vẹn, nhanh chóng, như thể… mình đã nuôi những câu chữ đó từ rất lâu rồi, giờ đủ duyên, thì nó tuôn ra thành dòng. Mình khá bất ngờ với chính điều này diễn ra trong nội tâm mình, và cũng hãy nhớ lại, đây chính là lần đầu tiên tâm mình thực sự động với một địa điểm cụ thể, ở Chiang Mai hay Chiang Rai này, động tâm như một người con về lại Nhà hay viếng thăm Cha Mẹ, chứ không phải với tâm thế bình thản của một người đi làm công tác khảo sát thông thường. Mình nói với em Phong, cho mình đi vào trong bên hông tượng, ngồi tĩnh tâm một chút. Và thế là mình đi vào đó, lặng lẽ nhắm mắt, lặng lẽ hít thở, chắc cũng tầm mười lăm phút. Thời gian đó, mình tuyệt đối không nghĩ thêm gì, chỉ để tâm rỗng lặng, hòa mình vào không gian lặng tĩnh tại đó. Sao mà yên tĩnh, hiền hòa làm sao…Hình như cũng có tiếp một số người dân địa phương đến viếng đảnh lễ Phật, nhưng họ cũng thật yên lặng.

Sau thời gian tĩnh tâm, mình mở mắt ra. Lần đầu tiên trong suốt chuyến khảo sát, một cảm giác thôi thúc mãnh liệt dội lên trong lòng mình: Ta sẽ phải mở một chuyến An đến với đất này, để đưa mấy trăm người hữu duyên cùng ta đến đảnh lễ nơi này, tĩnh tâm ngồi lặng giống ta ngày hôm nay!

Và, kể cũng thật là lạ, ngay thời điểm đó, trong lòng mình có một niềm tin gần như sắt đá, là ba điều mình nguyện xin đó, rồi lần lượt, từng cái một, sẽ dần trở thành hiện thực!

Mình cũng không biết vì sao mình có được cảm giác đó nữa. Trước đó, mình còn không biết tên chùa là gì, trong đó có cái gì đặc biệt hay hay đặc biệt quý. Thế nhưng, tất cả đến rất chớp nhoáng, và mình cảm động biết bao vì trái tim mình rung lên được những nhịp đập thương cảm với không gian, năng lượng và cả sự ‘bảo chứng’ bằng lòng tin, mà mình đang cảm giác một cách thật mạnh mẽ tại đó. Mình rủ em Phong ra về, lòng mỉm cười nhẹ nhàng: Đây là lần đầu tiên trong chuyến khảo sát, mình thở ra được một hơi nhẹ nhõm, rằng rốt cục chị em tụi mình cũng không phải vô duyên vô cớ đầy cảm tính mà lấy vé máy bay đắt đỏ, bay đến những vùng đất xa xôi ở Thái Lan, và đi về trắng tay, không thu hoạch được thành quả gì!

Thật là mừng muốn rơi nước mắt.

Bài viết cũng khá dài rồi, mình hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo, mình sẽ tiếp tục chia sẻ về ngày khảo sát thứ ba của tụi mình, một cuộc đúng nghĩa là ‘lội ngược dòng’, để rồi từ đó, cái sự cảm nó cứ thấm từ từ, cái sự thương nó bắt đầu ngấm từ từ…, với cái đất Chiang Mai – Chiang Rai đặc biệt này, nha!

Gửi niệm lành cho tất cả,

(20.10.2022 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart