CHIANG MAI – CHIANG RAI: HÀNH TRÌNH AN TRÊN ĐẤT THÁI

>
>
CHIANG MAI – CHIANG RAI: HÀNH TRÌNH AN TRÊN ĐẤT THÁI
Chuyến khảo sát tại Chiang Rai đã khởi duyên cho một hành trình An tại đất Thái

[Ký sự hành trình]
[Chuyến khảo sát Chiang Mai – Chiang Rai, tháng 10/2022]

CHIANG MAI – CHIANG RAI: TỪ TỪ MỚI THẤM, CÀNG LÚC CÀNG THƯƠNG

Bài 2: NGÀY KHẢO SÁT THỨ BA: TỪ TỪ LỘI NGƯỢC DÒNG, THẤM TỪ TỪ, THƯƠNG TỪ TỪ…

[Bài 1]

Tất cả các ngày trong chuyến khảo sát này, mặc cho cơ thể thực sự rất mệt, mình vẫn thức giấc tự nhiên ở khung giờ 3:40 sáng. Ngồi luôn trên giường để thiền Nhĩ căn viên thông 30 phút, sau đó đi vào thời hành trì kinh chú sáng thêm 40 phút nữa, thì trời vừa rạng sáng. Buổi sáng của ngày khảo sát thứ ba, vẫn còn cảm giác hoan hỉ và an lạc nhận được từ gian chánh điện chùa Phật Ngọc chiều qua, mình trải qua thời công phu sáng khá nhẹ nhàng. Và thấy thương gì đâu, trải hết thời thiền và kinh sáng, thì không biết từ khi nào, trong đầu mình đã có luôn nguyên kế hoạch để giải quyết vụ ‘khủng hoảng người chăm sóc Ông Ngoại Tin’ ở nhà. Nó có hẳn đường đi nước bước, kiểu nếu ngày mình về mà chị chăm Ông Ngoại mà còn ở lại nhà, mình sẽ cần nói chuyện với chị thế nào, nên dùng lòng chân thành, hiểu và thương cho hoàn cảnh của chị và cả của nhà mình ra sao.

Và đặc biệt, cũng không hiểu sao, thật ngộ, mình nghe mình được dặn, hãy… dùng Nhân số học mà phân tích cuộc đời của chị ấy, nhấn rõ vào việc chị cần phải lưu lại để có một môi trường tốt để tu tập, để biến chuyển cuộc đời chị… Mình thận trọng xin ý kiến một quẻ Dịch, kết quả ra làm mình có hơi sững sờ: Quẻ Sơn Lôi Di, mang tính chất “chân thành, nuôi dưỡng không chỉ phần thân xác, mà quan trọng nhấn mạnh phần nuôi dưỡng phần tâm hồn, tâm linh”. Thôi, thế thì những gì mình ‘cảm’ được trên đất này đã đúng rồi, hoặc giả, đó hẳn chẳng phải ý của mình, mà là, mình đã được Ơn Trên dạy cho cách đối nhân xử thế, trong hướng giải quyết vấn đề thứ hai mà mình đã nguyện xin ngày hôm qua tại Chùa Phật Ngọc. Cảm nhận được đến thế rồi, trong lòng mình không còn gì để lăn tăn nữa. Mình tự nhiên ngộ ra, những điều mình nguyện xin ngày hôm qua, nếu chúng quả thật thành hiện thực, thì ở quy mô nhỏ, chúng là những điều linh hiển cho những gì mình khao khát chạm tới, quá biết ơn rồi. Nhưng cái lớn lao hơn còn nằm ở đàng sau đó: thông qua ba điều ước nguyện chạm thành sự thật ấy, một điều gì đó thiêng liêng lắm về mảnh đất này đang được hiển lộ, mà mình là người được đại diện cảm nhận trước. Để rồi, thông qua mình, mình sẽ truyền tải được cảm xúc đó, giá trị đó đến cho những ai hữu duyên, muốn cùng chúng mình đến với đất này!

Mình thôi không còn thắc mắc vì cớ gì khi đi vào đúng nơi đó, trong đầu mình bật lên ba lời nguyện ước đó nữa. Trong lòng mình chỉ còn mỗi một sự quyết tâm, tận nhân lực, để đẩy bản thân mình gần hơn vào dưới sự che chở, gia hộ của Chư Ơn Trên đang bao trùm vùng đất này, để dùng chính những thành tựu của ba điều ước nguyện ấy, để làm thước đo xác tín cho lòng tin của chính bản thân, và của muôn người khác.

Cũng thật ngộ, từ phút đó trở đi, cái đầu mình…thoát ra khỏi tình trạng lơ mơ của mấy hôm rày. Mình nói với em Phong, hãy đưa mình quay trở lại ngôi chùa có tượng Đức Quán Thế Âm thật lớn trên đồi hôm qua, cho mình tái cảm nhận năng lượng chân thật của khu vực ấy. Tụi mình tới mới lúc hơn bảy giờ sáng, tất cả hãy còn vắng lặng lắm, du khách bình thường cũng chưa kịp chạy tới làm ồn ào, mà tiếng loa công cộng với các kiểu vang vang cũng chưa kịp trỗi lên. Tất cả, tự nhiên trả lại cho không gian chùa một khoảng thiên nhiên khoáng đạt, xanh trong, buổi sớm se mát, thanh lành. Tụi mình lội bộ 108 bậc thang dẫn lên trên đồi Quan Âm, đứng từ trên đó phóng mắt nhìn xuống bao la một khoảng núi rừng…, tự nhiên bật ra ý nghĩ: nơi đây mà 5 giờ sáng, cả đoàn mấy trăm người chúng mình kéo lên đây tĩnh tọa, thiền dưỡng sinh đón mặt trời lên, rồi trì Chú Đại Bi và đi kinh hành xung quanh tượng Đức Quan Âm, hẳn là tuyệt vời lắm! Tuyệt vời hơn nữa, là tụi mình đi giác đó, hẳn sẽ thoát khỏi ‘nạn’ ô nhiễm tiếng ồn, vốn là thứ chặn mình lại không cho mình cảm nhận được tốt đẹp về ngôi chùa này hôm qua. Thật tuyệt vời làm sao!

Giữ sự hoan hỉ đó, chị em mình chạy xe về. Và tới đây thì quyết định thuê xe gắn máy để tự khám phá của tụi mình bắt đầu phát huy thêm tác dụng: Tụi mình đi ngang qua được một ngôi chùa ‘ít nổi tiếng’ nữa, mà chùa nhìn hay quá, lối đi dài lên cao trông thật đáng chú ý. Tụi mình đi sâu vào bên trong: đây tiếp tục là một ngôi chùa mà chỉ người dân địa phương biết mà tìm đến chiêm bái. Chùa có một cái sân siêu rộng, đủ để mấy trăm thành viên đoàn chúng mình nếu mở được chuyến đi, sang đây tha hồ ngồi đọc kinh và sinh hoạt cộng hưởng, dưới chân một pho tượng Đức Phật Thích Ca thật đẹp, nha!

Tạm biệt Chiang Rai với kế hoạch mở chuyến An ở Chiang Rai đã khá rõ ràng, tụi mình lên xe bus, đi ba tiếng rưỡi ngược trở về Chiang Mai.

Lên xe, mình bắt đầu ngủ vùi. Và khi em Phong đánh thức mình dậy để đến nơi ở Chiang Mai, em ấy ngạc nhiên phát hiện ra, gương mặt mình đỏ bừng, và đầu mình hâm hấp sốt. Mình bắt đầu thấy mệt dữ dội. Cơn sốt và mệt như rút hết năng lượng còn lại trong con người mình, khiến mình thụ động đi theo sau em Phong như một chú gấu còn mắc ngủ đông chưa tỉnh. Thú thật, lúc đó mình chỉ muốn nói với em Phong, hay là đừng thuê xe gắn máy nữa, mà hãy thuê luôn một chiếc ô tô bốn chỗ, cho mình vào nằm trong đó, để lên lèo một hơi tới luôn địa điểm quan trọng ở Chiang Mai mà tụi mình đợi tới buổi tối thứ ba này mới đi, là Đồi Suthep, được không? Chớ mình nghe em Phong nói đường đèo quanh co ngoằn nghoèo dài tới 10km, mình…ngán ngược, trong tình hình sức khỏe ấy. Nhưng mình không dám, bởi mình cũng nghĩ, những chướng ngại mọc ra trên đường mình đi như thế này, thể nào cũng là một phần của một ‘cái đề thi mới’ nào đó, mà chỉ cần mình thấy khó mà lùi, hoặc kiếm chuyện binh đường dễ dàng hơn, nhiều khi bị ‘rớt bài’ hồi nào không hay. Thế là chúng mình vẫn giữ kế hoạch cũ, vượt 10km đường đèo lên Đồi Suthep bằng xe gắn máy.

Nói về ngọn đèo này, thiệt là đếm không xuể bao nhiêu cái ‘cùi chỏ’, tức gấp khúc khuỷu tay mà lên đâu. Em Phong nói, uổng quá, nãy không thử đếm coi rốt cục có bao nhiêu đoạn ‘cùi chỏ’ như vầy. Mình nhớ lại 108 bậc thang dẫn lên Đồi Quan Âm của ngôi chùa hôm qua ở Chiang Rai, liền nói vui: Hong chừng người ta cố tình làm 108 cái khúc cua, cho ai lội qua đủ 108 cua này, thì… level tăng lên thêm một bậc luôn rồi! Dọc đường đi, người đi xe gắn máy như chị em mình cũng không quá nhiều, phần lớn khách du lịch chọn di chuyển đến đó bằng loại xe địa hình chuyên dụng, sơn màu đỏ, rất bắt mắt, mỗi xe chở được tầm 8 người. Cũng không hiếm người chọn vượt đèo bằng xe đạp thể thao, một số người còn đi bộ hay chạy bộ, coi như một hình thức rèn luyện thể lực.

Tụi mình lên đến nơi thì cũng đã chiều tà. Đập vào mắt chúng mình tiếp tục là… hàng quán san sát hai bên đường. Tự nhiên có một chút thất vọng nhẹ, bởi vì trong tưởng tượng của mình, chữ ‘Đồi’ hẳn nên gắn với sự bao la thoáng đạt, giống như ngọn đồi trên Chùa Quan Âm ở Chiang Rai kia mới phải chứ! Em Phong cười cười, chỉ một… chuỗi bậc thang dài tít tắp lên tận trên cao: Nào, mời bạn lội bậc thang nhé, 358 bậc thì đến ngôi chùa trên đỉnh đồi!

Mình bước lên một hai bậc thang đầu tiên, và phát hiện ra, với tầm sức khỏe và sức lực của mình vào lúc đó, mình… leo lên tiếp không nổi! Đây thiệt là một sự ‘đi lùi’ khá xấu hổ, vì trước đó mới nửa tháng, chính chân mình còn leo một đường tới tận Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, và trước đó có mấy ngày, còn leo tới đỉnh núi Linh Thứu ở Ấn Độ mà! Nhưng thật sự, lúc đó mình yếu quá, cảm giác yếu ớt nhất trong tất cả những lần mình đi xa công tác. Mình làm xấu, xin mượn cánh tay em Phong đi níu vào leo đỡ từng bậc từng bậc một, đi chục bậc lại dừng lại thở lấy sức. Cứ vậy mà lết mãi, rốt cục cũng đến nơi.

Và đón tiếp chúng mình ở đó…, tiếp tục là… cảm giác thất vọng lần 2. Cảnh vật ở trên đỉnh đồi, rồi du khách nườm nượp ngược xuôi, rồi cây cảnh hoa giả…, tất cả sao cho mình cảm giác…hơi xô bồ, nhếch nhác mà mình từng gặp không ít lần, ở một số ngọn núi được tiếng có năng lượng linh thiêng ở trong nước. Mình buồn không tả thành lời. Đi thử một vòng xung quanh, vẫn chưa hiểu được, rốt cục vì sao ‘như thế này’ mà Đồi Suthep nổi tiếng dữ vậy, nổi tiếng đến mức ai ai đến Chiang Mai cũng phải thu xếp một lần cố leo lên đây, mặc dù giá xe ngồi lên đây cũng không hề rẻ?

Ngay lúc đó, em Phong chỉ mình một dãy ghế kê dài trước một vuông sân rộng, nói mình chịu khó ngồi chờ em ở đó, em đi về khu toilet một chút rồi quay trở lại. Mình ngồi phịch ở đó, chán chẳng buồn nói, lại thêm cơn sốt và mệt mỏi lại hoành hành, mình chỉ còn cố gắng cho qua hôm nay, để thôi rồi xếp gói, đi về cho nhanh mà thôi. Thế nhưng, ngồi một hồi, ngó quanh ngó quẩn, thì phát hiện ra… mình ngẫu nhiên đang ngồi chính diện trước mặt một ban thờ rất lớn, chỉ cách một vuông sân hẹp. Ban thờ khắc họa nhiều tượng các Ngài mà toàn ghi bằng tiếng Thái, mình cũng không rõ là gồm những ai. Có điều, đó là những nhân tướng như người bình thường chứ không phải là các thần diện, nên mình đoán, có lẽ là chư vị có công hay chư Tổ khai sơn khu vực này. Phát hiện ra mình ngồi ở vị trí đặc biệt như vậy khiến mình có chút… chột dạ, mình ngó lại tướng mình đang ngồi, sửa lại lưng cho thẳng thớm chút, khẽ chắp tay xá các vị ba xá. Xong rồi, ngồi một chút, lại thấy có ba người địa phương đi xuống, ghé vào đảnh lễ các vị. Cả ba người có vẻ là người thành thị lên, ăn mặc khá thời trang, hai cô phụ nữ thì không đảnh lễ, nhưng người đàn ông trung niên đi cùng – cũng ăn mặc khá bảnh bao, thì lại cúi dập đầu đảnh lễ rất thành kính. Có một chút gì đó trong sự thành kính khi đảnh lễ ban thờ này nơi người đàn ông kia khiến mình chú ý. Hoặc giả, trong một sát na nào đó, mình cũng được dẫn dắt? Mình cũng không biết nữa. Nhưng sau khi ngồi một hồi vẫn chưa thấy em Phong quay trở lại, tự nhiên trong đầu mình bật lên ý nghĩ: Sang bên kia đảnh lễ đi!

Nghĩ là đứng dậy, lê qua bên kia luôn. Lúc đó xung quanh ban thờ kia cũng chỉ có mỗi mình mình. Mình học theo cách hành lễ của người đàn ông trung niên nọ, cũng dập đầu sát xuống nền bậc tam cấp bằng đá, và trong đầu mình, lúc đó vang lên dòng tâm tưởng: Các ngài ơi, xin hãy cho con khỏe mạnh lại đi, con đang yếu ớt, bệnh tật quá!

Bậc tam cấp bằng đá mát lạnh, dấp vào trong vầng trán đang nóng bừng vì sốt của mình, làm trong thoáng chốc, mình cảm thấy dễ chịu hết sức, chẳng muốn ngẩng đầu lên nữa. Và cứ như thế, trong ba lần dập đầu, mình để cho mình được cái mát lạnh của bậc thềm đá ấy xoa dịu cơn sốt trong người. Ngẩng đầu lên, đã thấy khỏe hơn mấy phần, lúc này mình không đợi em Phong nữa, mà tự tháo giày, đi bộ bước qua ngạch cổng đền, bước vào phần đền chính.

… Và chao ôi, chỉ cách có một cái ngạch cửa thôi, mà ngỡ như hai thế giới!

Thật khó mà diễn tả cho trọn vẹn cảm xúc của mình trước đó. Cái này cũng thật là quá ‘twisting’ (xoay chuyển đột ngột) quá đi mà! Trước đó, toàn là những nỗi thất vọng, vì mọi thứ cảnh vật xung quanh, thì bên trong không gian Chùa Suthep chính, tất cả tinh tươm, đẹp đẽ, an tĩnh đến nao lòng!

Trời chiều đang ửng những tia nắng cuối cùng trên chóp tháp dát vàng của ngôi chùa, khiến tháp càng rực lên trong nắng. Bên trong gian chánh điện cạnh tháp, các thầy cùng chúng Phật tử địa phương đang cùng nhau tụng kinh bằng tiếng Pali, giọng tụng đều vang, nghe ấm áp và thương gì đâu! Vòng quanh tháp, hàng mấy chục Phật tử khác đang đi nhiễu, ai cũng thành kính cầm trên tay một bông hoa sen hay một bản kinh chùa đặt sẵn cạnh tháp, vừa đi nhiễu ba vòng, vừa thành kính đọc kinh. Một số người khác đang quỳ phục cầu nguyện ở một góc tháp… Và bên trong tháp, có đến trên dưới một trăm pho tượng Phật bằng đủ các loại chất liệu, quý giá như vàng, bạc, nạm cẩn đá quý cũng có, mà bằng những chất liệu thô sơ như đồng hay đá đen… cũng có. Tất cả đều toát lên vẻ sâm nghiêm một cách lạ lùng! Mình sợ em Phong tìm mình không được lại lo, nên vòng trở ra đón gặp và đưa em vào. Không ai bảo ai, cả mấy chị em mình đều cảm nhận, năng lượng nơi này thật đặc biệt!

Tụi mình cũng theo mọi người, đi nhiễu tháp ba vòng, xong nhẹ nhàng đi đảnh lễ từng pho tượng Phật lớn nhỏ ở các phương các góc của tháp. Trời càng dần sẫm tối, nền trời trở nên xanh thẫm, quyện với ánh đèn thắp lên trên tháp, trở thành một vẻ đẹp không thể tả bằng lời!

Thơ thẩn trong đó tầm gần một tiếng sau thì mình nhận ra: Ủa, cơn sốt của mình nó đã âm thầm lui đi từ khi nào mất rồi? Cả nỗi mệt mỏi, kiệt quệ sinh lực mà mới trước đó tầm nửa tiếng mình còn đắm chìm trong đó? Cả người mình dạt dào một cảm giác khỏe mạnh – như thể cơn bệnh kia chỉ mới nằm trong tưởng tượng! Mình biết ơn trường năng lượng quá sức đặc biệt bên trong chùa Suthep, đã đành, nhưng mình sực nhớ ra cú dập đầu ba lần trên nền thềm đá mát lạnh ở ban thờ ngoài kia nữa. Mình bèn kéo em Phong trở ra, bảo em, đây là một phát hiện ngoài mong đợi của mình. Em cũng hãy dập đầu ba cái trên thềm đá này, và nguyện cầu cho sức khỏe và sự bình an nhé. Bản thân mình cũng thành kính dập đầu thêm ba cái nữa, lần này lòng tràn ngập sự biết ơn, một cảm giác khó nói bằng lời, như thể vừa cảm nhận được một sự kết nối vô cùng vi diệu giữa bản thân mình và chư vị đang vẫn hiện hữu ở ban thờ ấy. Và trong lòng mình tự nhủ, mai mốt, khi nào thực sự mở được một chuyến An đến Chiang Mai – Chiang Rai, mình nhất định sẽ nhớ dặn các bạn thành viên trong chuyến đi của mình, cũng hãy nhớ dập đầu đảnh lễ chư vị ở ban thờ bên ngoài chùa Suthep chính, như mình đã từng! Thương lắm!

Sau này, khi đã kết thúc chuyến đi và và chính thức lục tìm tư liệu để làm lịch trình chuyến hành trình AN trên đất Thái, dự kiến diễn ra vào tháng 3/2023, mình mới thêm một lần ngỡ ngàng khi nhận ra, các vị mình nhìn thấy trên ban thờ mà mình vô tình ngồi trước mặt và vô tình đảnh lễ để rồi được gia hộ nhiệm màu về mặt tâm linh đó, nhiều khả năng chính là vị sư Sumanathera, người có duyên lập nên ngôi chùa thiêng này. Và bên trong bảo tháp vàng mang năng lượng đặc biệt mà chúng mình cảm nhận, được cho là đang cất giữ mảnh xương vai của Phật Tổ. Bởi vì, liên quan đến vị trí ngôi chùa này, tương truyền rằng, có một nhà sư tên là Sumanathera đêm nằm mơ thấy Phật truyền rằng nhà sư phải đi tìm di vật của Phật. Nhà sư đến nơi Phật Tổ đã chỉ và tìm thấy một mảnh xương vai của Phật Tổ. Di vật này có phép lạ, nó phát ra ánh sáng, có thể biến mất, có thể tự chuyển động và tự tái tạo. Sư Sumanathera sau đó đem di vật này cho nhà vua Dharam-maraja trị vì vùng Sukhothai (Thái Lan).

Nhà vua tiếp đón sư Sumanathera long trọng nhưng khi đó, di vật lại không thể hiện phép nhiệm mầu nào nữa. Do nghi ngờ đó không phải là di vật của Phật Tổ, nhà vua cho phép sư Sumanathera giữ lại.

Tuy nhiên, vua Nu Naone của vương quốc Lanna (Chiang Mai ngày nay) nghe tin về di vật này và yêu cầu nhà sư đem đến cho ông. Năm 1368, với sự cho phép của vua Dharammaraja, di vật này được đưa tới vua Nu Naone. Ngay lập tức di vật tự phân chia thành hai phần, một phần kích cỡ như cũ, một phần nhỏ hơn. Phần nhỏ hơn được cất giữ ở một ngôi chùa khác. Phần kia được nhà vua đặt lên con voi trắng. Con voi được thả vào rừng và truyền thuyết cho rằng con voi này đã leo lên núi Doi Suthep, rống lên ba lần rồi chết. Điều này được coi là điềm báo nơi di vật muốn được cất giữ, vì thế vua Nu Naone cho xây đền ở nơi đây vào cuối thế kỷ thứ 14.

Thảo nào, ngôi chùa lại linh thiêng đến như vậy… Và cũng trên những dòng chia sẻ trên mạng, mình đọc được, một người Anh sống tại Chiang Mai hơn 40 năm, đã nói: Trước khi vào năm học mới, nhiều sinh viên năm nhất của Đại học Thái Lan đã đi bộ suốt 15 cây số để lên đây cầu nguyện cho việc học hành được thuận lợi. Bản thân bà cũng là người thường xuyên đến đền để cầu nguyện cho mọi việc tốt lành.

Khi hai chị em đi xuống dưới chân đồi, trời đã tối hẳn. Bụng đói, khát nước, một chút đồ ăn dặm và chai nước quýt ngọt lịm ở một quán hàng ven đường làm mình tỉnh hẳn. Có điều này thiệt là thấy thương nè nha: hàng quán ở đây tuy đông thật, nhưng ai nấy đều bán với giá cố định, rất mềm, không có nạn nói thách hay chèo kéo gì. Mà điều này diễn ra đều khắp tại hầu như tất cả các nơi du lịch tại hai thành phố tụi mình đến viếng lần này. Thiệt, đây là một điểm cộng vô cùng, vô cùng lớn luôn. Cảm giác mình buông xuống được sự cảnh giác, phòng bị, không cần luôn luôn phải đối phó, nó nhẹ nhõm và bình an làm sao luôn đó!

Ôm cảm giác nhẹ nhàng bình an đó, chị em mình đổ dốc đèo, về lại thành phố. Lại thêm một phát hiện ngoài mong đợi nữa: đối diện một khu làng đại học ven thành phố, có một khu chợ đêm siêu siêu lớn luôn, không thua gì chợ Cha Tu Chak ở Bangkok! Mà dập dìu tập trung về đó, đại đa số là những gương mặt trẻ, mặt mày sáng trưng dễ thương thôi rồi, tụi mình đoán là sinh viên của các trường đại học bên làng sang. Trong chợ không thiếu thứ gì luôn, từ đồ điệu thời trang cho nam thanh nữ tú, đến đồ ăn thì bạt ngàn, cả mấy ngàn gian hàng, bắt mắt và ngon miệng xĩu luôn, giá lại rẻ không ngờ. Hai chị em mình la cà cả buổi, chén tám chục món linh tinh từ ăn chính đến ăn vặt, mà ‘tổng thiệt hại’ cho cả hai đứa chỉ có 150 ngàn đồng tiền Việt, thiệt khó tin luôn! Bèn quyết định ngay: sẽ đưa vụ ‘ăn dạo chợ đêm’ này vào đêm cuối cùng của chuyến An, cho mọi người tha hồ thưởng thức theo ý thích. Kết hợp với việc cho mọi người tự dạo và ăn bữa đêm vào tối hôm trước tại chợ đêm Chiang Rai, đây sẽ là chuyến AN thú vị nhất vì mọi người được thoải mái ăn tự do theo khẩu vị mình nhất nè. Mà đồ ăn Thái thì thôi, ta nói 360 độ khẩu vị đáp ứng tốt hết, héng! Bạn đọc tới đây, đã thấy thích mê rồi chưa?

Mà món quà mà đất Chiang Mai dành tặng cho team khảo sát chúng mình hôm đó chưa dừng lại tại đó đâu. Sau bữa dạo chợ đêm thật thú vị, tụi mình tiếp tục dong xe gắn máy đi về…Thì dọc đường đi, ngoài mong đợi, phát hiện thêm một ngôi chùa cổ, thật bình dị và ấm áp nữa! Lúc chúng mình chạy ngang, một vị sadi trẻ đang treo đèn lồng lên trên khu đèn thật to thật dài. Chúng mình cũng tạt vào, mua mỗi đứa một cái đèn lồng, rồi viết tên cha mẹ, vợ chồng con cái và những người thân của mình vào, xong sau đó tự mình treo lồng đèn lên cao, trước tháp cổ. Ngắm chiếc lồng đèn nhỏ nhắn của mình, trên đó có tên của mình và những người thương của mình, được hòa với hàng hàng hàng vạn cái tên khác, chuyên chở hàng vạn ước nguyện lành khác của mình và mọi người, sẽ tĩnh lặng nằm đó, ngày qua ngày tháng qua tháng, năm qua năm, ngày ngày được thấm đẫm trường năng lượng thiêng liêng nơi đây, được nghe những hồi cồng nguyện cầu ngân nga, trong một khoảnh khắc, nó như một cảm giác phá bỏ mọi giới hạn không gian và thời gian, một cách kỳ lạ.

Mình lại cúi đầu, áp trán lên nền chiếu cói cũ kỹ trước tháp cổ, tai nghe ngân nga tiếng cồng vị Phật tử địa phương nào đó vừa đánh lên, trong lòng thập phần an tĩnh, và mãn nguyện. Hai chị em mình tìm được lên ngồi tĩnh lặng trong không gian chánh điện hiền hòa, cũng chỉ chiếu cói và gỗ thôi, mà sao nghe thương đến kỳ lạ.

Đến lúc đó thì trong lòng tụi mình đã hầu như chắc chắn về một chuyến AN sẽ sớm được mở ra, đưa người tới đất này, tới những địa điểm này rồi. So với cảm xúc chỉ mới một hai ngày trước còn là nỗi chán chường, còn sợ ‘đi khảo sát về trắng tay’, những gì chúng mình đang cảm thấy hiện giờ, quả thật là một bước ngoặt to lớn! Và đất Chiang Mai – Chiang Rai, như thêm một lần nữa cho chúng mình một bài học về việc nhẫn nại khám phá từ từ những nét đẹp và giá trị tầng sâu về năng lượng tâm linh mà vùng đất này chỉ dành cho những ai chịu tĩnh tâm mà cảm thụ. Lại nhớ tới lời dặn của tụi mình đối với tất cả các khách đi các chuyến đi của nhà MayQ: tới một vùng đất linh thiêng nào, chớ bỏ ngay thời gian cho việc chụp ảnh check in, hay cười đùa nô giỡn. Hãy thả lỏng con người bạn, tĩnh tâm và từ từ cảm nhận, bạn sẽ cảm thấy bạn như một cái thiết bị, được ‘cắm’ vào nguồn điện thiêng, để rồi, bạn sẽ được ‘sạc’ thật đầy.

Tụi mình lại chào tạm biệt nhau ở đây nha. Hẹn gặp lại các bạn trong bài viết tiếp theo, cũng là bài viết cuối cùng trong loạt bài ký sự về chuyến khảo sát tới đất Chiang Mai – Chiang Rai của nhà MayQ nha.

Thêm một điều đặc biệt là, tối nay, lúc 21:00, chuyến Hành trình An trên đất Thái 2023 (Chiang Mai – Chiang Rai) chính thức được mở đăng ký tại Fanpage Quynh Huong Le Do này. Nhà mình lưu sẵn lịch này, để tối nay sau khi mở đăng ký, liên lạc với MayQ Go để được tư vấn và đăng ký sớm, để được đặt những vé máy bay giá tốt nhất nhen.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(02.11.2022 – QH – MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart