LADAKH VÀ CÁC NGÔI TỰ VIỆN

>
>
LADAKH VÀ CÁC NGÔI TỰ VIỆN
Ladakh và các ngôi tự viện

#Ký_sự_hành_trình_chuyến_khảo_sát_tour_Ladakh

BÀI 2: LADAKH VÀ CÁC NGÔI TỰ VIỆN

Một điểm khác biệt rất thú vị giữa Ladakh và Tây Tạng mà mình nhận ra, chính là ở các hệ thống tự viện (hay còn gọi là tu viện). Tại Ladakh, các ngôi tự viện không còn giữ lại những nét thuần chất Mật tông Tây Tạng (Tây Mật), trong hệ thống tượng thờ lại có sự kết hợp giữa Tây Mật và Đông Mật (là những đường nét bạn có thể nhìn thấy ở Nhật Bản), đôi khi còn có sự giao thoa với Ấn Độ giáo.

SHANTI STUPA – BẢO THÁP SHANTI

Shanti Stupa là một bảo tháp Phật giáo có mái vòm màu trắng được xây dựng trên ngọn đồi, tại một phần của Phái bộ chùa Hòa bình của Phật giáo Bhikshu Nhật Bản. Bên dưới bảo tháp là thánh tích của Đức Phật.

Nơi đây lưu giữ xá lợi của Đức Phật, được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cất giữ. Bảo tháp được xây dựng theo cấu trúc hai cấp. Cấp độ đầu tiên có đặt Pháp luân ở giữa, và bức tượng hình con hươu gác ở hai bên. Pháp luân là một biểu tượng được sử dụng rộng rãi trong tôn giáo Ấn Độ mô tả hình “bánh xe luân hồi”. Cấp độ thứ hai có các bức phù điêu mô tả các cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật: khi Ngài ra đời, Đức Phật nhập Niết Bàn, và cảnh Đức Phật “đánh bại lũ quỷ” trong khi thiền định. Trong bảo tháp này có xá lợi của Đức Phật ở phần nền và ở trên đỉnh tháp. Trên đỉnh cũng có tượng Phật bằng thủy tinh và vàng.

Bảo tháp Shanti được xây dựng để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới cũng như kỷ niệm 2.500 năm Phật giáo. Bảo tháp được coi là biểu tượng của mối quan hệ giữa người dân Nhật Bản và Ladakh.

Tại đây, tụi mình đã cùng nhau đi thiền hành 13 vòng quanh tháp, 13 chính là con số của sự ‘sinh tử hóa Niết bàn’. Khi bạn đi 13 vòng, nhiếp tâm trong từng bước đi, cũng là lúc để mỗi người nương nhờ những nguồn năng lượng mạnh mẽ và thanh lành tại tháp để xả trược, bớt đi những chướng duyên, ác nghiệp còn đang làm mình nặng lòng, để rồi sau đó, bạn sẽ thanh tẩy được một số những nguồn năng lượng xấu, tái tạo những nguồn năng lượng mới: bình an hơn, nhẹ nhàng hơn, đẹp đẽ hơn trong sự gia hộ nơi vùng đất thiêng này.

ALCHI – NGÔI TỰ VIỆN CỔ NHẤT Ở LADAKH

Tu viện Alchi là cụm tu viện cổ kính lâu đời nhất trong quần thể các tu viện trong vùng. Theo dân gian truyền lại, nơi đây được xây dựng bởi Guru Rinchen Zangpo nổi tiếng trong những năm từ 958-1055. Bên trong Alchi có 5 ngôi đền khác nhau, được bao quanh bởi tường đá và các rặng bồ đề rậm rạp. Hai ngôi đền cổ nhất tại đây là đền Du-khang và đền Sumtsek. Đền Du-khang là ngôi đền cổ nhất tại Alchi, được xây vào cuối thế kỷ 11. Còn đền Sumtsek lại là ngôi đền vượng hương khói nhất tại Alchi và là nơi thể hiện sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ Trung cổ thời sơ khai. Các cột trụ trong Sumtsek đều được chạm khắc tinh xảo và sơn xanh đỏ. Các bức tường được vẽ tay những bức tranh về kinh Phật, các vị thần thánh và những vị Phật nổi tiếng một cách tinh xảo. Các tôn tượng nơi đây được xây với hình tướng khác khác với các tôn tượng Phật giáo Mật tông bình thường, bởi Phật giáo nơi đây có sự kết hợp mạnh mẽ giữa Phật giáo Mật tông và Ấn Độ giáo.

Một điểm đặc biệt ở ngôi tự viện cổ này đó là hệ thống cửa ra vào chính điện rất nhỏ. Để vào bên trong ngôi chánh điện này bạn phải cúi người thấp xuống mới đi vào được. Có nhiều lý do lý giải cho việc xây cửa nhỏ như thế này, như để hạn chế gió lùa hay để người chết không đi vào bên trong được, thì lý do mình thấy hợp lý hơn là việc xây cửa nhỏ như thế để người ra vào phải cúi đầu thấp xuống thể hiện sự tôn kính khi bước vào chánh điện.

Bên cạnh việc kết hợp giữa Phật giáo Mật tông và Ấn Độ giáo, tại Ladakh cũng có nhiều tự viện rất lớn, mang đậm chất Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Ở Ladakh mọi người sẽ thường nghe đến từ Gompa. Gompa trong ngôn ngữ của người Ladakh có nghĩa là “nơi vắng vẻ”, là tự viện, là hình ảnh thu nhỏ của Phật giáo trong vùng, đặc biệt là ở quận Leh. Gompa là trung tâm thờ cúng, và các nhà sư hoặc Lama thực hiện nhiệm vụ của họ theo thói quen cổ xưa mà không quan tâm đến các vấn đề thế tục xung quanh họ. Các tu viện thường được xây dựng trên sườn đồi nhìn ra làng hoặc thị trấn.

DISKIT MONASTERY/THE MATREIYA STATUE (Tu viện Diskit, Tôn tượng Đại Phật Di Lặc):

Tu viện Diskit (có tên khác là Deskit Gompa hoặc Diskit Gompa) là tu viện Phật giáo lớn nhất và lâu đời nhất ở thung lũng Nubra, thuộc Ladakh. Diskit thuộc về giáo phái Gelugpa – phái mũ vàng của Phật giáo Tây Tạng, được thành lập bởi Changzem Tserab Zangpo, một đệ tử của Ngài Tông Khách Ba (Tsong Khapa), người sáng lập ra giáo phái Gelugpa vào thế kỷ 14.

Đối diện Diskit Monastery là pho tượng đức Phật Di lặc trong hình tướng vị Phật Mật tông Maytreya. Pho tượng cao 32m được xây dựng giữa trời, được Đức Đạt Lai Lạt Ma khánh thành năm 2010. Khác với hình tướng của đức Di Lặc Bồ tát mà chúng ta thường nhìn thấy trong văn hóa của người Việt hay Trung Hoa với hình ảnh vui vẻ và chiếc bụng to “Dung chứa tất cả những gì thế gian không thể chứa”, đức Phật Maitreya – Phật Di Lặc trong Phật giáo Mật Tông thể hiện rõ nét trang nghiêm và uy nghi của vị Phật của tương lai, sẽ ra đời để giáo hóa sự giác ngộ trong thời đại tiếp theo.

THIKSHEY MONASTERY/ TU VIỆN THIKSHEY:

Nổi bật với quy mô và sự hùng vĩ, tu viện Thikshey nằm cách thị trấn Leh 19 km về phía đông. Tu viện Thiksey có nét giống với cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng. Truyền thuyết kể rằng vị Rinpoche sáng lập ra ngôi tu viện này trong một lần đến Tây Tạng, ngài choáng ngợp và quá ngưỡng mộ cung điện Potala và đã vẽ cung điện này trên một chiếc lá. Sau đó dựa vào bản thảo trên chiếc lá này mà ngài đã cho xây dựng nên Thikshey Gompa.

Tu viện Thiksey được thành lập trong thời kỳ Gelugpa mở rộng vào thế kỷ 15. Đây là một trong những tu viện lớn nhất ở Ladakh, với các tòa nhà trên vách đá cao dần.

HEMIS MONASTERY/TU VIỆN HEMIS:

Nép mình trong những ngọn núi khuất sau con đường chính, tu viện Hemis là trung tâm tâm linh của truyền thừa Drukpa hay Giáo phái Mũ đỏ. Hemis Gompa nổi tiếng là tu viện lớn nhất và giàu có nhất ở Ladakh, nó cũng là tu viện đẹp nhất ở Ladakh.

Công trình này đã có mặt trước thế kỷ 11, nhưng được xây dựng lại vào năm 1672 bởi vua Sengge Namgyal của Ladakh thời bấy giờ. Hemis có hơn 200 nhánh tu viện ở vùng núi Himalaya. Hiện có hơn 1.000 nhà sư đang tu thiền tại hệ thống tu viện này. Hemis được xem là một tượng đài sống và là di sản rất quan trọng của vùng núi Himalaya và người dân nơi đây.

Lễ hội nổi tiếng Hemis Festival diễn ra hàng năm kỷ niệm ngày sinh của Guru Padmasambhava tức Đại sư Liên Hoa Sinh, người được coi là Ông Tổ Phật giáo Tây Tạng từ thế kỷ thứ 9, cũng là người khai tông lập phái cho tông giáo đầu tiên của Tây Tạng – Phái Ninh Mã (Nyingma Sect). Lễ hội được tổ chức hai ngày vào đầu tháng 6 hằng năm, và là một trong những lễ hội tôn giáo lớn nhất tại vùng Ladakh.

Đến với Ladakh, được đắm mình vào các ngôi tu viện, hơn bao giờ hết mình lại cảm thấy ngập tràn năng lượng thanh lành mà hiếm nơi nào có được. Và mình mong có thật nhiều người cũng được trải nghiệm cái cảm giác đặc biệt này. Nhất là, đặc thù của vùng Ladakh không ngăn cấm người dân ngồi tập trung thiền tập hay đọc kinh cầu nguyện, là một điều khá bị giới hạn như khi ta đi sang Tây Tạng, nên thật lòng hy vọng rằng, cùng nhau, đoàn nhà MayQ Go chúng ta sẽ có cơ hội làm được những thời thiền tập, cộng hưởng cùng nhau, đúng ‘chất MayQ’, ngay trên sườn Hymalaya linh thiêng, ngay tại Ladakh đẹp đẽ.

Thương lắm!

(24.12.2022 – Lê Đỗ Yến Hương & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart