VÙNG TRŨNG NĂNG LƯỢNG TỰ NHIÊN TRONG CAN – CHI

>
>
VÙNG TRŨNG NĂNG LƯỢNG TỰ NHIÊN TRONG CAN – CHI
Hệ thống Can - Chi và các vùng điểm trũng năng lượng

[NHỮNG VÙNG TRŨNG NĂNG LƯỢNG TỰ NHIÊN 4 & 7 – BÀI 2]

Sau bài viết đầu tiên của chuỗi bài “Những vùng trũng năng lượng tự nhiên”, chúng ta đã hiểu vì sao có những vùng trũng năng lượng tự nhiên mỗi khi rơi vào bậc 4 hay bậc 7 của bất kỳ một chu kỳ nào. Những điểm trũng năng lượng này không chỉ tác động đến bản thân những người trong cuộc khi rơi vào những vùng trũng ấy, mà nó còn bao trùm lên những con người, sự vật hiện tượng…có mối liên quan rơi vào bậc 1 – 4 – 7 với nhau nữa. Chuỗi 12 con giáp trong hệ thống Can – Chi phương Đông là một minh chứng rõ nét.

Can Chi là hệ thống tính thời gian của người Trung Hoa cổ. Trong đó:

_ Thập nhị địa chi (12 địa chi) bao gồm 12 đơn vị tính, lấy từ những con thú rừng, thú nhà, gia cầm, kể cả một số các linh thú: Tí – Sửu – Dần – Mẹo/Mão – Thìn – Tị – Ngọ – Mùi – Thân – Dậu – Tuất – Hợi.

_Số 12 ứng với 12 tháng trong năm, bắt đầu từ tháng 1 (tháng Giêng) âm lịch luôn là tháng Dần; và các canh giờ: 12 canh giờ tương ứng với 24 tiếng đồng hồ trong ngày.

Cụ thể: giờ Tí: 23g đêm trước – 1g sáng, giờ Sửu: 1g-3g sáng, giờ Dần: 3g-5g sáng, giờ Mẹo: 5g-7g sáng, giờ Thìn: 7-9g sáng, giờ Tị: 9g-11g sáng, giờ Ngọ: 11g-13g, giờ Mùi: 13g-15g, giờ Thân: 15g-17g; giờ Dậu: 17g-19g, giờ Tuất: 19g-21g, giờ Hợi: 21g-23g.

_Với đơn vị tính là ngày, tháng, năm, có 10 thiên can ráp vào với từng vòng tuần hoàn của 12 địa chi, tạo nên một vòng lớn, là 60 đơn vị (tháng, năm…) mới có sự lặp lại. 10 thiên can này bao gồm: Giáp – Ất – Bính – Đinh – Mậu – Kỷ – Canh – Tân – Nhâm – Quý. Để dễ nhớ nhất với các năm, bạn áp vào từng chu kỳ chục năm: Giáp (các năm tận cùng bằng đuôi -4: Vd: 1974), Ất ( đuôi -5, Vd: 1965), Bính (đuôi -6, Vd: 1986), Đinh (đuôi -7: VD: 1997), Mậu (đuôi -8, Vd: 1958), Kỷ (đuôi -9, Vd: 2009), Canh (đuôi -0: Vd: 1970), Tân (đuôi: -1, Vd: 1961), Nhâm (đuôi -2, Vd: 2002), Quý (đuôi -3, Vd: 2023).

Cho đến tận ngày nay, cho dù trên các hệ thống văn bản chính thức, các nước vẫn đa số dùng hệ Tây lịch (dương lịch, lấy mốc từ ngày sinh Đức Chúa Jesus của phương Tây), tuy nhiên, rất nhiều quốc gia phương Đông, đặc biệt các vùng chịu ảnh hưởng hoặc có giao thương với Trung Hoa vẫn duy trì song song cách tính thời gian theo âm lịch. Hệ thống 12 con giáp rất phổ biến tại các quốc gia phương Đông, với các con vật nhìn chung là giống nhau: Tí (Chuột) – Sửu (Trâu) – Dần (Hổ) – Mẹo/Mão (Mèo, ở các nước theo truyền thống Trung Quốc lại mang con Thỏ) – Thìn (Rồng) – Tị (Rắn) – Ngọ (Ngựa) – Mùi (Dê) – Thân (Khỉ) – Dậu (Gà) – Tuất (Chó) – Hợi (Heo).

Trước giờ, theo hệ thống này có quy luật ‘Tứ hành xung’. Cụ thể, trong 12 con giáp này có ba nhóm ‘Tứ hành xung’:

  • Nhóm Tí – Ngọ – Mẹo – Dậu
  • Nhóm Thìn – Tuất – Sửu – Mùi
  • Nhóm Dần – Thân – Tị – Hợi

Theo đó:

Những ai có mệnh là một trong bốn bậc này, khi đi vào những cung thời gian (năm, tháng, canh giờ…) mang một trong ba bậc còn lại, sẽ gặp trở ngại, gọi là ‘xung khắc’.

Những người có những cung mệnh nằm trong từng cụm ‘Tứ hành xung’ này sẽ khá xung khắc với nhau, ít được thuận tiện trong các mối quan hệ. Vì thế, những ai thuộc các cụm tuổi ‘Tứ hành xung’ với nhau sẽ bị hạn chế kết nối các mối quan hệ làm ăn, đối tác, hoặc nghiêm trọng hơn, không nên cưới hỏi nhau về làm thành một mái gia đình chính thức.

Nhìn từ góc độ Nhân số học, nếu chúng ta áp quy luật ‘Điểm trũng năng lượng tự nhiên ở 4 & 7’ vào quy luật ‘Tứ hành xung’ này, ta sẽ nhìn ra, các bậc thuộc cùng một nhóm ‘Tứ hành xung’ này chính là các bậc 4 và 7 của nhau, chứ gì nữa! (Hình kèm)

Vậy cụ thể:

  • Với nhóm Tí – Ngọ – Mẹo – Dậu: Nếu lấy Tí làm bậc 1, thì Mẹo bậc 4, Ngọ bậc 7, Dậu bậc 10 (hoặc giả có thể coi như một bậc 4 khác nếu đi theo chiều ngược lại. (Con số 10 này cũng đặc biệt đây, đủ duyên mình sẽ bàn đến kỹ hơn ở một bài viết khác). Tương tự, nếu lấy Mẹo làm bậc 1, thì Ngọ bậc 4, Dậu bậc 7, Tí bậc 10. Nếu lấy Ngọ làm bậc 1, thì Dậu bậc 4, Tí bậc 7, Mẹo bậc 10. Nếu lấy Dậu làm bậc 1, thì Tí là bậc 4, Mẹo bậc 7, Ngọ bậc 10.
  • Với nhóm Thìn – Tuất – Sửu – Mùi: Nếu lấy Thìn làm bậc 1, thì Mùi bậc 4, Tuất bậc 7, Sửu bậc 10. Nếu lấy Mùi làm bậc 1, thì Tuất bậc 4, Sửu bậc 7, Thìn bậc 10. Nếu lấy Tuất bậc 1, thì Sửu bậc 4, Thìn bậc 7, Mùi bậc 10. Nếu lấy Sửu bậc 1, thì Thìn bậc 4, Mùi bậc 7, Tuất bậc 10.
  • Với nhóm Dần – Thân – Tị – Hợi: Nếu lấy Dần làm bậc 1, thì Tị bậc 4, Thân bậc 7, Hợi bậc 10. Nếu lấy Tị làm bậc 1, thì Thân bậc 4, Hợi bậc 7, Dần bậc 10. Nếu lấy Thân làm bậc 1, thì Hợi là bậc 4, Dần là bậc 7, Tị là bậc 10. Nếu lấy Hợi bậc 1, thì Dần bậc 4, Tỵ bậc 7, Thân bậc 10.

Theo đó, quy luật ‘Tứ hành xung’ của phương Đông cũng nêu rõ, chỉ có các bậc ‘xung khắc trực diện’, tức đối xứng nhau qua tâm vòng âm dương ở giữa, đi theo từng cặp: Dần – Thân, Tị – Hợi; Tí – Ngọ, Mẹo – Dậu; Thìn – Tuất, Sửu – Mùi… mới thật sự rất xung khắc, có thể làm tổn hại năng lượng của nhau. Còn lại hai bậc kia trong nhóm ‘Tứ hành xung’ thì dừng ở mức ‘không hạp, không thuận lợi’, với các mối quan hệ thì có thể ‘khắc khẩu’, không đến mức bị tổn hại năng lượng như với bậc xung khắc trực diện nhau. Áp theo quy luật ‘Vùng trũng năng lượng tự nhiên 4 & 7’, có thể thấy rằng, các cặp ‘xung khắc trực diện’ này chính là mối tương quan bậc 7 với nhau!

Như vậy có thể thấy, cho dù ở nền văn minh Tây Phương hay Đông Phương, từ ngàn xưa, cổ nhân bằng kinh nghiệm đã nhận diện những vùng trũng ở các bậc số 4 và 7, đặc biệt ở vùng số 7. Để rồi cũng áp những nguyên lý chung khi đi qua những vùng trũng năng lượng tự nhiên, chúng ta sẽ có những cách đối diện các vùng trũng năng lượng tự nhiên này như sau:

ĐỐI VỚI CÁC VÙNG TRŨNG NĂNG LƯỢNG BẬC 4 – 7 THUỘC THỜI GIAN THEO ÂM LỊCH

(các năm, các tháng, các ngày, giờ…theo âm lịch)

⇒ Luôn cố gắng đẩy năng lượng tự thân cao hơn mức bình thường, chủ động chọn thái độ bình thản mỗi khi buộc phải đi qua các vùng trũng này mà không có những sự chọn lựa nào khác, nương dựa đức tin tâm linh và hành trì miên mật các phương pháp tu tập để chuyển hóa nghiệp thức và tăng trưởng phước lành (điều này, các bạn có thể tham khảo lại những gì nên làm khi đi qua những vùng trũng năng lượng tự nhiên ở bài 1, khi chúng mình bàn về các Năm cá nhân trong các chu kỳ 9 năm của Nhân số học Pythagoras).

⇒Trong vùng hiểu biết của bản thân, hãy nắm rõ hơn hệ thống lịch âm (quan trọng nhất là các các năm, tháng, ngày âm lịch) để hạn chế ‘ra quân’ hay khởi sự những dự án mới, làm những việc quan trọng… trong những ‘vùng trũng năng lượng số 7, (và hai bậc 4 & 10, tức bậc 4 ở chiều ngược lại kia). Như đã nói, theo quy luật tự nhiên, những thời điểm này bạn không đủ năng lượng tự thân để dẫn dắt các dự án hay các công việc khởi sự của mình thành công dễ dàng đâu. Những thời điểm này ẩn nhẫn tu tập, hành trì công phu, dồn lực, qua khỏi những thời điểm này, mình tung quân cũng không muộn.

Với các khoản thời gian ngắn hơn (các canh giờ), chịu khó quan sát, xem có thực sự mình rất dễ bị rút cạn năng lượng ở những khung giờ cụ thể trong ngày, người tự nhiên dễ thấy uể oải, không làm việc hiệu quả, dễ nổi quạu… và nó có nằm trong bộ ‘Tứ hành xung’ của mình không, thì nên hạn chế phân bổ những giờ làm việc căng thẳng ngay các khung giờ đó. Trong khả năng có thể, hãy dành thời gian các canh giờ đó để nghỉ ngơi, tu tập, thiền tập, đọc sách minh triết… Mình lấy một ví dụ cho các bạn dễ hình dung: Trước giờ mình không hiểu tại sao, cứ tới khoảng 15-17g chiều mỗi ngày là con người mình như tuột hết năng lượng, không làm được việc gì cho nên thân. Tới chừng nghiên cứu ra được cái vụ ‘Tứ hành xung áp vào vùng điểm trũng năng lượng tự nhiên’ này, ta nói mừng quá xá. Hiểu rằng mình tuổi Dần, khung giờ Thân (15g-17g) chính là bậc 7 của mình hàng ngày. Từ đây về sau, những ngày làm việc chung không tính, còn những ngày bình thường, mình sẽ để dành thời gian này cho nghỉ ngơi, cho đọc kinh, cho làm vườn hay đi thiền hành…

⇒ Bạn sẽ muốn hỏi mình, vậy giờ rốt cục ta nên để ý mà né các vùng trũng năng lượng tự nhiên theo các Năm cá nhân bên Nhân số học Pythagoras hay bên các nhóm Tứ hành xung bên hệ thống Phương Đông này? Mình nói, ta nên áp chung cả hai. Việc nhìn nhận chung từ cả hai hệ thống này sẽ giúp cho các bạn thêm cái nhìn hoàn chỉnh hơn, giúp bạn hiểu sâu hơn và có thể đưa ra các phương pháp phòng bị toàn diện hơn.

Mình muốn lấy một ví dụ: theo năm cá nhân thì năm 2022 mình đang ở năm cá nhân thứ 3, năng lượng cũng không tính là cao nhưng cũng chưa đến nỗi rơi vào điểm trũng của năm 4. Tuy vậy, do năm cá nhân 3 của mình năm ngoái rơi vào ‘năm tuổi’ (mình tuổi Dần, năm 2022 là Nhâm Dần) nên mình ‘ăn hành’ cũng không ít, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe. Mình có cảm giác giống như các loại bệnh từ nhẹ đến nặng của cả chục năm qua chúng nó để dành ‘nhào tới’ khảo nhẹ mình trong suốt năm này vậy đó! Rồi thêm cũng không ít nạn thị phi cùng bị tấn công bằng lời nói, từ những người từng là thân thương nhất của mình. Rồi thêm tổn thất cũng kha khá về tài chính, theo những cách thức kỳ lạ nhất… Mà nhờ mình có được ý thức về những vùng điểm trũng năng lượng tự nhiên này, nên mình đã học ‘Nhẫn nhịn ba la mật’ trong suốt năm nay, để rồi, từng cái từng cái cũng trôi qua. Không tính là quá nhẹ nhàng, nhưng thực sự, khi ta nhẫn nhịn để chúng trôi qua, dùng tu tập, sám hối để hóa giải chứ không nổi sân si, tất cả đều đang đi qua. Thật là biết ơn mình đã nhận ra những vùng trũng năng lượng tự nhiên này!

Cũng ngẫu nhiên, trong nhà mình có đến bốn con Dần: Cha tụi mình Dần lớn 84, tới mình Dần trung 48, tới cháu mình Dần nhỏ 24, một đứa đệ tử thân cũng Dần nhỏ 24, thì hời ơi trong năm qua, cả bốn con Dần này đều lũ lượt ra vô, thăm bệnh viện ^^ Cho nên, ai không tin ‘năm tuổi’ thì kệ, nhà mình tin, được héng 🙂 Những lúc Cha tụi mình mệt quá, bệnh quá, bên cạnh nhắc ông chịu khó niệm Phật cho qua, mình còn động viên: mấy con Dần chúng mình chỉ còn vài tháng thôi, Cha cố lên! Và nương theo điều này, Cha đã cố lên thiệt 🙂 Và bữa nay đỡ đỡ nhiều rồi. Mẹ tụi mình tuổi Thân, ‘Bậc 7 của Dần’, trong năm qua cũng ‘lệt bệt vô bờ bến’ nha, tới giờ cũng đỡ nhiều rồi 🙂

⇒ Vì thế, mình muốn dành những dành những dòng cuối của hạn mục này để mở rộng đặc biệt, giải thích về hiện tượng các ‘năm tuổi’ trong các năm âm lịch. Thật cũng đơn giản đến bất ngờ, nếu các bạn chịu khó áp hệ thống 12 con giáp vào tính luôn cho hành trình sống của bạn, thì có thể thấy, ‘năm tuổi’ của ta chính là một vòng lặp lại sau một chu kỳ 12 năm. Và nếu cộng 12 năm sống đã qua + 1 năm lặp lại con giáp mang mệnh của ta, thì 12 + 1 = 13, chính là con số ‘Đập đi xây mới’ rất điển hình trong hệ thống huyền học Tarot cổ. Đã từ lâu, tụi mình bắt đầu nhận ra, số 13 hoàn toàn không ‘bình thường’ như những con số khác. Và áp vào hệ thống Tarot cổ mà tụi mình học được từ Thầy tụi mình, số 13 mang nghĩa Nameless, với hình vẽ của một bộ xương khô với nhiều hình ảnh ‘hơi ghê’ liên tưởng đến sự sinh tử ở đời. Vì vậy, những ai bắt buộc phải đi qua số 13 này buộc phải trải qua một số sự ‘lột mình’ khá nghiêm trọng, trong đó hoặc là bạn phải dừng lại cuộc chơi, hoặc bạn sẽ biết nương nhờ đức tin tâm linh và sức mạnh hành trì từ tâm linh mà bắt tay xây lại một hệ thống giá trị mới. Điều này giải thích cho việc vì sao thường vào ở các ‘năm tuổi’, ta dễ gặp rất nhiều trục trặc, bất ý, chướng duyên… đặc biệt về sức khỏe. Theo cái nhìn khách quan, không dán nhãn từ vũ trụ, những bất ý, trục trặc… có kéo đến đều là những cái ‘đề thi’ nhằm đánh thức chúng ta dậy khỏi những vùng an toàn, tiện nghi, mà đi tìm kiếm thêm những giá trị mới, cần thiết cho chúng ta ở những giai đoạn mới. Vậy, bệnh tật kéo tới để nhắc chúng ta chú trọng hơn đến sức khỏe, sinh hoạt, ăn uống, luyện tập. Chướng ngại trong công việc nhắc chúng ta thận trọng hơn hơn làm ăn kinh doanh. Tổn thất trong tài chính nhắc chúng ta quán triệt về sự vô thường, có đó mất đó, rồi sau đó mất đó rồi sẽ có lại đó. Các mối quan hệ rạn nứt nhắc chúng ta tỉnh thức hơn trong việc hành hiểu và thương… Và trên tất cả, những hiện tượng dễ tạo sự bất an, lo sợ… này sẽ dễ đưa con người ta tìm về với tâm linh, vốn là thứ rất cần chúng ta chủ động tìm đến, như một hình thức ‘trở về nguồn’, mà đại đa số con người ta không bao giờ chủ động tìm về trong những lúc thành đạt, an ổn hay khỏe mạnh.

Con số 13 đặc biệt này, bạn có nhìn ra không, nó cũng chính là một con số 4 đặc biệt đi ra từ số 13. Vậy nó chính là một ‘vùng trũng số 4 đặc biệt 13 thành 4’ mà ai ai cũng cần lưu ý khi đi ngang qua. Nếu theo hệ thống Can Chi phương Đông, thì là ‘năm tuổi’, còn nếu theo năm cá nhân trong hệ thống Nhân số học Pythagoras, thì khi bạn cộng [ngày sinh + tháng sinh + năm thế giới], nếu nó ra số tổng là 13 thành 4 (13 = 4), thì đây chính là vùng trũng đặc biệt đó. Con số này, đủ duyên mình cũng sẽ quay lại trong một bài viết sau. Còn bây giờ, hãy dành thời gian nhìn qua một chút những ‘Vùng trũng năng lượng tự nhiên bậc 4 – 7’ trong các tương quan mối quan hệ nha.

CÁC VÙNG TRŨNG NĂNG LƯỢNG TỰ NHIÊN BẬC 4 – 7 TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ:

Từ thực tế có thể thấy, những vùng trũng năng lượng tự nhiên không chỉ xuất hiện theo khung thời gian là các năm cá nhân, mà còn áp cả những chiều kích không gian khác, như giữa các mối quan hệ giữa người với người. Trước đây, có nhiều quan điểm phê phán các thuyết ‘Tứ hành xung’ này, cho rằng đây thuộc về mê tín dị đoan, là cản trở hạnh phúc của nhiều người. Tuy nhiên, nếu áp quan điểm ‘Những vùng trũng năng lượng tự nhiên ở 4 & 7’ vào đây, bạn sẽ bắt đầu hiểu được, à, vì sao với một số con người cụ thể, nhất là những người không có quan hệ huyết thống mà chỉ đến với nhau vì tình yêu, ông bà ta thường khuyên ‘né’ đi đến quan hệ hôn nhân hay hợp tác làm ăn lâu dài với những người có thể nằm trong các nhóm ‘Tứ hành xung’ với mình. Đơn giản chỉ là vì, với ai mình có thể rất dễ thương, vui vẻ, sao cũng được, nhưng với những người thuộc ‘cung bậc’ đó, họ ngẫu nhiên nằm ở bậc ‘năng lượng trũng tự nhiên’ đối với mình, và ngược lại. Thời gian ban đầu yêu đương thắm thiết thôi không nói, nhưng chuyện vợ chồng gắn bó với nhau lâu dài, rất cần sự hòa duyệt về năng lượng. Mà, việc ta gắn bó lâu dài ngày tháng với một ‘cục’ năng lượng trũng với mình, nó sẽ gây tiêu hao năng lượng lẫn nhau dữ dội, thậm chí, nếu sống không có đủ sự hiểu và thương, những sự xung khắc, bất hòa trong lối sống, lối suy nghĩ hoàn toàn có thể gây nhiều hệ lụy về sau.

Như đã nhắc ở trên, áp theo quy luật ‘Vùng trũng năng lượng tự nhiên 4 & 7’, có thể thấy rằng, các cặp ‘xung khắc trực diện’ căng thẳng nhất trong 12 con giáp Phương Đông chính là mối tương quan bậc 7 với nhau! Hihi tự nhiên tới đây nghĩ tới một câu nói đùa, mà cũng mang mấy phần sự thật: “Em là bậc 7 của đời anh” “Anh là bậc 7 của đời em”, “Ta là bậc 7 của đời nhau” ^^ Mà, hiểu rồi heng, ai mà ‘quơ trúng’ Bậc 7 của đời nhau mà đem về nhà, thì tha hồ dành thời gian, và tâm sức, và lòng kiên trì và nhẫn nại và bao dung để mà lần lượt giải đề thi, theo đúng tinh thần ‘gặp số 7’ 🙂

Và để bạn đừng nói mình chỉ biết có lý thuyết, từ hồi nhỏ tới lớn lên, mình đã vô cùng thắc mắc, vì sao có ít nhất là ba cặp đôi các ba má các bạn mình, đều là ba tuổi Dần mẹ tuổi Thân, đều đã ly hôn trong cay đắng hay bất hòa nghiêm trọng. Mà thời điểm ngày trước, chuyện vợ chồng ly hôn là vô cùng hiếm hoi, chứ chưa phải dễ dàng hay phổ biến như bây giờ. Mình thắc mắc như vậy, là vì ngẫu nhiên cha mẹ mình cũng là một cặp Dần – Thân. Mà bây giờ ngẫm lại, mới thấy (hên quá) ngày xưa bà ngoại tụi mình cũng ‘ớn’ cảnh ‘Tứ hành xung’ cưới nhau này, nên cương quyết không cho ‘đôi trẻ’ tiến hành làm lễ cưới, chỉ có âm thầm về sống chung với nhau thôi, coi như ‘lén qua mặt Vũ trụ’. Vậy mà có lẽ nhờ ‘bài lén’ này mà cha mẹ mình là cặp đôi Dần – Thân hiếm hoi còn trụ lại cho tới bây giờ. Có điều, có lẽ do bản chất vẫn là ‘điểm trũng năng lượng’ của nhau, nên cha mẹ mình thương nhau thì thương lắm, nhưng mà vẫn khá khắc khẩu với nhau, và đặc biệt là, từ mấy mươi năm nay hầu như khó khi nào ở kề được gần bên. Ông một nhà, bà một nhà. Khi nào hiếm hoi lắm đưa ông hoặc bà về chung một nhà, thì hoặc ông hoặc bà sẽ sinh bệnh, rồi con cháu cũng phải tách ra, cho tiện bề chăm sóc. Vậy đó, rồi ta biết giải thích làm sao?

Bạn sẽ hỏi mình, không lẽ vậy rồi ta sẽ thúc thủ, chấp nhận sự bó buộc của Vũ trụ như vậy sao? Nếu là mình của trước đây, có thể mình sẽ có những lời khuyên khác. Tuy vậy, gần chạm ngõ 50 tuổi, việc đời mình ngẫm ngợi, quan sát cũng thấy nhiều lắm rồi. Thì mình sẽ nói, ta sẽ tiến hành theo từng cấp độ:

⇒ Nếu đó là những người thuộc hàng ‘thân bằng quyến thuộc’, ruột rà của mình, những người ta không thể nào bỏ xuống được, thì ta học cách hoan hỉ chấp nhận, hiểu và thương, rồi từ đó dùng tu tập, sám hối… để chuyển hóa dần dần các nghiệp chướng buộc ràng giữa các bên. Thì mình đã từng nói qua, trong Lương Hoàng Sám có nêu rõ, đại đa số tất cả những người xuất hiện trong cuộc đời ta đều do những cái nhân đã tạo từ nhiều đời kiếp, nay đủ nhân duyên trổ quả, xếp họ đến gần cuộc đời ta, để ta hoặc chịu đựng họ, hoặc ta dùng tu tập (sám hối để chuyển hóa nghiệp thức, tu tâm để sửa mình, đọc tụng kinh điển, nghe pháp giảng… để mở rộng cách nhìn nhận vấn đề…) để giải quyết những cái ‘điểm trũng tự nhiên’ này một cách tốt đẹp nhất.

Gia đình mình đông người, nên mình cảm nhận điều này rõ nét lắm. Mình ẩn tuổi Dần của cha, đồng nghĩa mình cũng là một cặp Dần – Thân với mẹ mình đó nha, haha. Vì thế nên từ nhỏ, tuy mẹ rất thương mình, nhưng mình và mẹ đã có một số những ‘xung khắc’ về quan điểm sống, cách sống nhất định, mà vì là con mà, nên mình từng bị mẹ mình ‘ăn hiếp’ nhiều thứ, tỉ như can thiệp chuyện quần áo, tóc tai, đường đi trong tương lai… cho đến cấm hong cho cưới người mình yêu nè, một cuộc ‘kháng chiến trường kỳ’ đầy gian khổ, mình từng kể qua rồi đó. Tuy nhiên, mình mừng là, tuy hồi đó chưa hiểu biết gì nhiều, mình vẫn chọn không nằng nặc cãi lại mẹ và cương quyết làm theo ý mình, vẫn dùng sự nương nhờ tâm linh để chuyển hóa (bị cấm quá chỉ biết ra lạy Đức Quán Thế m Bồ Tát…) Vậy mà mọi cái về sau xoay chuyển đẹp không ngờ luôn. Mở rộng ra, gia đình lớn của mình có luôn nguyên cái vòng Dần (cha và mình), Thân (mẹ mình) – Tị (cháu mình) và Hợi (Dì Út mình, người dì ruột sống chung với mình và có ảnh hưởng trực tiếp đến mình chỉ sau mẹ mình đó). Thì thật là biết ơn, những năm sau này ý thức được những ‘xung khắc tự nhiên’ mà sau này mình mới nhận ra đây chính do những vùng điểm trũng năng lượng tự nhiên này, mà ngày nào mình cũng luôn gia tâm gửi niệm lành, và sau mỗi thời kinh kệ hàng ngày đều có hồi hướng cho toàn bộ thành viên trong gia đình mình yêu thương, gắn bó nhau. Thì mọi cái đều đi theo hướng ngày càng tốt đẹp đó. Bạn cũng thử cách này xem nha.

Cách trên cũng có thể được áp dụng cho những trường hợp không mang máu mủ huyết thống như cha mẹ, cô dì chú bác thân hay anh chị em, con cái…, mà là những cặp vợ chồng hoặc đối tác đã nằm ở thế ‘ván đã đóng thuyền’.

  • Với những trường hợp ‘chưa kịp mọc ra’ trong cuộc đời ta, bao gồm chồng/vợ, con cái…: chủ động hạn chế chọn lựa những ‘vùng trũng năng lượng tự nhiên’ này. Cụ thể, khi hai vợ chồng muốn sinh con, thì nên chăng canh né sinh vào các bậc 7 và bậc 4, bậc 10. Còn đã né rồi mà vẫn cấn thai vào các năm đó, thì bình tĩnh sống nhẹ nhàng, chăm chỉ hết lòng đọc kinh kệ, tu tập hồi hướng trước cho mối nhân duyên này được an lành.
  • Với các trường hợp đang ‘lỡ yêu rồi’ các bậc 7 hay 4, 10… mà chưa kịp cưới: hãy lắng nghe con tim và trực giác của bạn cùng một lúc. Nên nhớ rõ, hôn nhân không chỉ có màu hồng như khi bạn đang yêu, và đời sống sau hôn nhân rất cần một sự hòa duyệt về năng lượng. Ở đây hoàn toàn không có ý nói gì về mê tín dị đoan nha, bạn chỉ cảm nhận cho thiệt rõ, bạn có thể vì con người ‘Bậc 7’ này của cuộc đời bạn mà sống nhẫn nhịn, bao dung, hòa duyệt, yêu thương không? Hãy chuẩn bị tinh thần thật kỹ, rồi trong thời gian vẫn còn đang yêu nhau mà chưa kịp cưới nhau về nhà, mở cái đầu tỉnh táo ra mà quan sát. Nếu mọi cái rất yên ổn, thuận lợi, hãy xin Ơn Trên cho các bạn một cơ hội lành để cùng gắn bó với nhau, và sau đó, nếu thật lòng yêu nhau, chịu khó thực hành chủ động chuyển hóa nghiệp thức cùng nhau qua các hoạt động tu tập và làm thiện nguyện. Nói nôm na, là các bạn hãy biến nhau thành những người vừa là bạn đời vừa là bạn đạo, thì khả năng các bạn vẫn sống tốt đẹp cùng nhau sau hôn nhân sẽ cao. Còn nếu bạn không làm được như vậy, hoặc thậm chí, trước cả khi cưới bạn đã nhận ra một số các vấn đề không ổn, thì hãy tỉnh táo cân nhắc thêm. Nhớ nha, lời khuyên rất chân thành, nếu một mai để ván đã đóng thuyền, gỡ thuyền ra lấy ván lại sẽ khó lắm đó…

Chúng mình gửi niệm lành cho tất cả những ai hữu duyên đọc được bài viết thứ 2 này, và nếu bạn chưa đọc được bài 1, hãy tìm đọc lại cho đầy đủ bộ nhen. Và chúc cho tất cả những ai lảy được những thông điệp gì hữu ích từ hai bài viết này sẽ có ý thức đối diện và xoay chuyển cuộc sống mình tốt đẹp hơn, trong năm mới.

Thương lắm!

(06.01.2023 – QH & MayQ Team)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart