PHÁP MÔN NHẪN NHỤC

>
>
PHÁP MÔN NHẪN NHỤC
PHÁP MÔN NHẪN NHỤC

Cũng thật là duyên, những ngày này, đâu đó, các ‘tín hiệu’ lại dường như gom gom về một cấp bậc cao hơn của sự Hành chữ Nhẫn…

Sáng nay ngồi xe đi làm, chiếc xe mình vô duyên vô cớ bị hai thanh niên ‘trẻ trâu’ đi đàng sau tới đập cho một tiếng rõ to. Rồi hai người họ vượt qua, chắc cũng ít nhiều để lại vài ánh mắt khiêu khích. Cậu em lái xe cho mình, như thường lệ, nổi máu nóng. Cậu tăng ga, rượt theo hai thanh niên kia, lại tháo cả dây thắt an toàn ra, như muốn lao theo ‘ăn thua đủ’ với họ. Mình kêu, “Dừng lại, em đang chở chị đó nhen!” Nó vẫn như cố rướn theo. Chị Diễm mình nói, “Những cái này đều là mồi nhử, em biết không!” Mình nói tiếp, “Bây giờ ra đường nhan nhản ‘mồi nhử’ kiểu này. Em cứ hễ vướng mồi nhử là dính, vướng mồi là dính, vậy sao?” Thằng nhỏ hầm hừ, nhưng cũng giảm ga, chạy chậm lại, không đuổi theo nữa. Mình cho ra một hồi ‘chỉ thị’ cuối: “Hít thở mấy hơi thiệt sâu vô!” Chị Diễm mình kiếm chuyện nói qua vấn đề khác. Cái sự ‘vô duyên vô cớ quẹt xe’, thế là đã được vượt qua một cách… hú hồn, đặc biệt với một người tánh tình vốn nóng nảy như cậu lái xe nhà mình.

Ngồi trên xe, mình tranh thủ gõ mấy dòng cho mấy người bạn trẻ. Các bạn đều là những người có bản chất thiện lương, lại từng có một đoạn rất thương quý nhau. Vậy mà có lẽ do cá tính khác biệt, mỗi bạn lại hơi đặc biệt trong cách nghĩ và cách sống, nên từ từ, chỗ thương quý trở thành vướng mắc. Cho đến hôm qua, khi mình làm một nỗ lực bắt cầu, thì có vẻ, cái cầu này còn chưa được bắt thông. Là do vướng phải chấp Ngã mà cả đôi bên đều vướng.

Mình nói, cách đây hai năm, lần đầu tiên mình được (hay ‘bị’) dạy một bài học đau đớn về chữ ‘Ngã’. Ngã ở đây không phải là té ngã, mà chính là cái tôi to đùng được hình thành và ăn sâu trong tâm thức mỗi người, do nếp nghĩ, điều kiện sống, quan niệm…, khiến cho trong mắt mỗi người chỉ có những gì mình thấy đúng… mới đúng. Thầy mình, vị thầy đã dạy cho mình biết bao nhiêu điều đặc biệt về đường đời và đường đạo, đã… đánh rớt mình và ‘kẻ đồng thi một cách bất đắc dĩ’ bài thi này, và từ chối dạy chúng mình tiếp, cho đến khi nào mỗi người trong tụi mình tự nhìn ra được, cái Tôi trong mỗi người có thể làm người ta xấu xí đến độ nào. Vì bảo vệ quan điểm của mình, người ta có thể lao vào nhau, trách móc, tranh cãi, thậm chí làm tổn thương nhau. Mà không chịu nhìn ra rằng, để xảy ra việc mâu thuẫn, không ai hoàn toàn đúng, cũng không ai hoàn toàn sai.

Nói một cách nôm na, khi ta khăng khăng khẳng định “Ta Đúng”, ta đã… không còn đúng nữa.

Thật ra, cũng không hề dễ cho một số người vẫn còn đang bị cái màng ‘chấp’ căng che lấy mắt có thể buông xuống mà nhìn mọi sự theo một phương hướng khác đi, để từ đó, mọi cái có thể được nhìn theo một cách thức khác đi… Thế nhưng, ít ra, khi khởi duyên cho các bạn trẻ được nhìn thấy cái nhìn viên dung vô ngại này, sau này, khi mọi tức giận đều đã lắng xuống, thậm chí người đã không còn ở bên cạnh mình, có dịp đọc lại, ngẫm lại những gì hôm nay được chỉ cho thấy, có lẽ các bạn sẽ có cơ hội được ngẫm ngợi lại nhiều hơn. Và, họ nhất định sẽ nhìn ra rằng, chỉ có một lòng thương vô điều kiện mới có thể phá tan đi lớp màng chấp Ngã này một cách nhanh nhất.

Cái hồi còn làm cho những tập thể lớn, bên trên mình nhiều tầng cấp lãnh đạo khác nhau, đâu phải mình chưa từng có những bất đồng quan điểm, đâu phải mình chưa từng gặp một số người mà, có lẽ do ‘chướng duyên’, cảm thấy họ… ít dễ thương? Thế nhưng, như mình dạy các em trong team, khi còn làm trong một tập thể, khi đang phải sống trong một cộng đồng, để sống được và sống tốt được trong môi trường tập thể đó, cộng đồng đó, nhất thiết đừng nuôi tính… ghét người khác. Bởi vì chắc chắn, cái sự ghét đó nó tạo ra một loại năng lượng phá hủy cực kỳ khủng khiếp, có thể phá hoại toàn bộ niềm vui và cả sức sáng tạo của ta. Bởi vậy, cố gắng đừng ghét ai. Đó là nguyên tắc vàng.

Nhưng các em mình sẽ hỏi, làm sao không thể ghét được người ta, khi người ta… đáng ghét như vậy? Nguyên tắc vàng thứ hai: ráng kiếm cho được một chỗ… ít đáng ghét của người ta, thậm chí, dễ thương (dẫu chỉ phảng phất, chút chút, mơ hồ) của người ta, để mình thấy thương người ta được! Cố nhìn vào, kiếm đi, quan sát, theo dõi…, từ từ kiểu gì cũng phát hiện ra. Mà ráng tập trung vào những điểm tốt dẫu hiếm hoi đó, từ từ ta sẽ có thể giúp người ta phát triển thêm cái mầm tốt ít ỏi kia, dẫu đôi khi ta không hề hay biết!

Nói như vậy là trong những lúc môi trường ổn định. Chớ giai đoạn sau này, khi chúng mình chuyển sang du lịch truyền cảm hứng, khách hàng của chúng mình, từ những người ‘dễ thương sẵn’ ban đầu – vốn là khán giả theo dõi mình từ hồi còn làm truyền hình, giờ đã mở rộng ra, đa dạng muôn hình vạn trạng. Nhiều khách khó tính, khó chiều…, thậm chí vì bị chấp mà buông lời mắng hay nhục mạ cả đức tin của chúng mình. Những lúc ấy, nếu trước đây thì… thôi rồi, con nhỏ ‘con Cọp cái, ba xoáy (trên đầu), mạng Thiên Tướng (trong tử vi)’ này sẽ… gầm lên, sống mái với những người ấy một phen à nha! Hihi là vì quan điểm sống của mình từ 43 tuổi trở về trước là “Sống không dẫm lên ai, nhưng cũng không cho phép ai dẫm lên mình” mà! Thế nhưng, con ‘cọp cái’ này bây giờ… nhìn ra được nhiều rồi, học cũng được nhiều hơn xíu xiu rồi! Những lúc như vậy, một là con cọp này nhủ: “Đây là bài của mình nè!” Thế là xông tới, họ càng… khó thương, mình càng… dễ thương dữ nữa! Tới cuối cùng là, đi khó thương, về dễ thương, vậy có phải là mình giải thêm được một ‘bài’ nữa hay không?

Cũng có trường hợp… khó thương vượt bậc, đặc biệt là khi chạm tới đức tin của mình. Cái này, thú thiệt mình qua cũng chưa được nè. Mình sẽ dễ dàng nổi sung lên, mình… xì xẹp lép mọi cảm hứng… truyền cảm hứng cho người khác, hehe… Thế nhưng mình sẽ nằm im im đó, ‘liếm vết thương lòng’, sau đó tự nhủ: mình vì một vài người bám chấp mà làm cho một số đông người khác bị thiệt thòi sao, không được. Thế là mình… sám hối (là cái từ bên nhà Phật, chỉ sự ăn năn, hối lỗi, sau này không tái phạm), rồi mình sẽ đi kiếm một hay vài người mà nhắm họ hiểu mình đó, mình chia sẻ. Để nghe họ vỗ vai mình một cái, hay xoa đầu mình một cái, nói, “Thôi, đường con/em đi đang gặp nhiều thử thách. Lửa thử vàng, định tâm là được”. Thế là mình… âm thầm trèo qua cái ‘chướng duyên’ đó, kiên định đi tiếp. Còn, sau đó mà ngẫm lại về các ‘ca chướng duyên’ đó mà nhắm có thể… gặp lại họ hay không, haha cái đó mình tính sau đi! Hiện giờ level mình chưa đủ sức, nội cố gắng để không nổi sân, gây lộn tay đôi với họ để tranh cãi quan điểm ta đúng người sai đã là một tiến bộ vượt bực của mình đây rồi, nha!

Sáng nay, cũng thiệt là hữu duyên, một chị ‘thuận duyên’ bạn mình gửi cho mình một bài giảng của hòa thượng Tuyên Hóa, về môn gọi là ‘Pháp môn Nhẫn Nhục’. Trời, hóa ra Nhẫn Nhục được đường đường chính chính đưa lên thành hẳn một ‘pháp môn’ để người tu tu tập nha! Vị hòa thượng nói, từ khi ngài bắt đầu tuyên thệ sẽ cố gắng tu tập theo pháp môn nhẫn nhục, tự nhiên… các ‘chướng duyên’ kéo tới, thử thách ngài liên tục! Nào là xỉ vả, mắng nhiết, miệt thị, nghi ngờ khả năng… Ngài nói, ngài cố gắng nhẫn qua được hết thảy, là nhờ ngài quán được, những vị ấy là những vị ân nhân, đến để thảy bài cho ngài tập. Coi như là giúp đỡ được ngài rồi!

Mình chắc lâu nữa mới quán được những người tới, gây chướng duyên cho mình là những ân nhân của mình…, cũng không dám lấy Nhẫn Nhục làm một ‘pháp môn’ để mình rèn luyện. Nhưng mình nghĩ, cho dù muốn hay không muốn, những chướng duyên ấy rồi cũng sẽ có lúc đến, không nhiều thì ít. Vậy thì, một chút sự chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho những khi ‘máu nóng chuẩn bị bốc lên cao, miệng lưỡi chuẩn bị cong lên để… xả, tay áo sẵn sàng xăn lên để… sống mái một phen’, ta cần nhớ ra cái ‘pháp môn’ đặc biệt này, để thắng lại.

“Nhẫn một bước, biển rộng trời cao…”

Cuối cùng, mình nhìn ra điều này, hy vọng các bạn nào đang ở trong hoàn cảnh giống giống vậy cũng nhìn ra điều này: Các sự có liên quan đến ‘Pháp môn Nhẫn Nhục’ hay có bà con thân thuộc với… cái bẫy thị phi, nên càng nói càng dở, càng bôi càng đen. Việc ta cần tỉnh táo nên làm, chính là đừng lôi kéo thêm bất kỳ ai vào ‘cuộc tranh luận quan điểm’ giữa hai phía. Đừng cố gắng đưa ai về phe ai, kể cả bạn M bạn N bạn O… của phía A, hay chị X chị Y chị Z… của phía B. Nhớ nha, chỉ cần kéo thêm một người vào, bài hành chữ Nhẫn của bạn… lẽ ra chỉ ở cấp độ 1, sẽ được tăng lên thành cấp độ… 10 ^^

Nhớ đi bạn. Biết là bài khó. Nhưng mà, qua được những bài dạng này, một ngày nào đó về tương lai, sẽ có ngày mỗi người chúng ta tự nhìn lại, cảm thấy biết ơn đời vì ngày đó mình đã không bị sa chân vào một chùm bẫy…, và mắc kẹt trong đó.

Biết ơn những vị Thầy, trường học, trường đời, trường đạo đã tổng hợp lại dạy con biết bao nhiêu điều ngẫm ngộ quý giá.

19.11.2019 – QH)
#ngẫm
#Nhẫn

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart