ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ (11.2023): NGÀY 3 – THỜI THIỀN BAN MAI BÊN HỒ LÂM TÌ NI & WORLD PEACE STUPA

>
>
ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ (11.2023): NGÀY 3 – THỜI THIỀN BAN MAI BÊN HỒ LÂM TÌ NI & WORLD PEACE STUPA
ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ (11.2023): NGÀY 3 - THỜI THIỀN BAN MAI BÊN HỒ LÂM TÌ NI & WORLD PEACE STUPA

[Đại cộng hưởng Ấn Độ Nepal 28.11 – 03.12.2023]

Bài 3: THỜI THIỀN BAN MAI BÊN HỒ LÂM TÌ NI CÙNG CHÚNG SANH HỮU TÌNH & WORLD PEACE STUPA

THỜI THIỀN BAN MAI BÊN HỒ LÂM TÌ NI:

Như là một điểm nhấn quan trọng của hành trình Tứ Động Tâm của nhà MayQ Go, chúng mình đã có thời thiền ban mai quanh hồ nước thiêng Lâm Tì Ni, nơi hoàng hậu Maya đã đản sinh thái tử Tất Đạt Đa; sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trời còn sẩm tối, trăng 18 còn chênh chếch trên đỉnh đầu, đoàn nhà MayQ Go đã tiến vào khu Đền thờ Hoàng hậu Maya – Maha Maya Devi. Buổi sớm nên không gian còn tĩnh mặc, ngoại trừ một đoàn khách nhỏ đến từ một đất nước Đông Nam Á khác, toàn không gian thênh thang rộng lớn, chỉ có mỗi chúng mình.

Cả đoàn được dịp tập trung vào bên trong Đền thờ, lắng nghe ý nghĩa và tầm quan trọng của mảnh đất linh thiêng này, nơi cách đây hơn 2.600 năm, một con người vĩ đại đã ra đời. Phiến đá khắc hình tượng dấu chân Đức Phật Đản Sanh do Vua A Dục, một vị đại hộ pháp của Phật giáo, ghi khắc, giờ vẫn còn nằm in ở đó, lặng lẽ khẳng định với thế giới, Đức Phật Thích Ca là một con người có thật trong lịch sử. Chúng mình từng người nối đuôi nhau tiến đến trước phiến đá lịch sử, kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, gửi lời nguyện cầu, rồi lặng lẽ bước ra sau đền. Nơi đó, hồ nước thiêng nơi Hoàng hậu đã tắm trước khi đản sinh Thái tử, hơn mấy ngàn năm qua vẫn nằm tĩnh mặc tại đấy. Bóng đêm làm cho thân cội bồ đề bên kia hồ thiêng, được chiếu sáng đèn, hắt bóng xuống mặt nước, đẹp đến nao lòng. Chúng mình đến thắp hương trước cội bồ đề, rồi ngồi xuống quanh hồ. Thời thiền buông xả bắt đầu như vậy.

Không biết tự khi nào, đã thành gần như một truyền thống, hễ ngồi quanh hồ thiêng, chúng mình luôn sẽ có một thời thiền buông xả. Có lẽ, duyên đã đưa từ ngay lần đầu tiên mình đưa được đoàn khách đầu tiên đến nơi này, gặp sự cố ngoài ý muốn, để rồi đêm ấy, mình phải dùng nỗ lực bản năng mà dẫn dắt mọi người đi qua một thời thiền tĩnh tâm, nương nhờ năng lượng của hồ, mà sau đó mọi người ai nấy đều cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng… Để rồi, cũng chính từ đó, thiền tĩnh tâm, quán chiếu để buông xả mà bình an đã từ từ len lỏi đi vào trong tất cả các chuyến đi, các lớp học, các hoạt động của nhà MayQ rồi.

Chuyến thứ hai, chuyến thứ ba… Mỗi một chuyến đi ghi dấu những dạng đối tượng khác nhau. Có chuyến hội tụ rất nhiều những người mẹ, nặng lòng vì ngày xưa từng lỡ bỏ đi những bào thai trong bụng. Có chuyến ngẫu nhiên cùng gặp nhiều người đau lòng cảnh mất người thân. Có chuyến lại gặp rất nhiều những tổn thương sâu sắc về tình thương. Có chuyến lại nhìn thấy nhiều người tự trách bản thân mình…. Tất cả những nỗi niềm đau khổ ấy, chúng mình chọn nơi hồ nước thiêng ở Vườn Lâm Tì Ni để làm nơi quán chiếu lại bản thân, nhìn sâu vào những nỗi buồn, nỗi khổ tâm ấy, để rồi cùng nhau, nương nhờ lực từ bi của Mẹ Maya, mà xin gửi lại tất cả xuống hồ, để Mẹ Maya tiếp nhận và dùng lòng bao dung, yêu thương vô điều kiện của mình mà xoay chuyển…

Phải chăng, những điều này mang ba phần liệu pháp tâm lý, bốn phần liệu pháp tâm linh, gặp nơi “Thiên thời địa lợi” hợp cùng cảnh “nhân hoà”, mà cứ sau mỗi chuyến đi về, lại có rất nhiều người cảm nhận sự nhẹ nhõm, bình an trong tâm hồn, để rồi từ đó, tâm đạo của họ với Phật pháp càng thêm son sắt.

Chuyến đi Đại cộng hưởng Tứ Động Tâm lần thứ 9 này của nhà May Go gặp thêm một số đối tượng có vấn đề về sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần. Một số anh chị trong đoàn mang theo di ảnh ba hay mẹ để coi như ‘đưa’ ba/mẹ đi cùng, vì uớc nguyện được một lần đến đất Phật lúc còn tại thế của ba mẹ chưa được trọn vẹn. Thế là thời thiền buông xả buổi sáng nay trở thành một phần quán niệm chung đầy xúc động.

Trong vài mươi phút ngắn ngủi của thời thiền quán buông xả quanh bờ hồ thiêng Lâm Tì Ni, sáng nay ghi nhận thêm một số hiện tượng cảm động. Một chú chó hoang sống lang thang trong khu vực này, khi đoàn chúng mình ngồi thiền, chú cũng ung dung bước vào, ‘xí’ lấy một suất chỗ ngồi, và mọi người xung quanh im lìm nhắm mắt tĩnh tâm thế nào, chú… cũng y chang như vậy. Cũng nhắm mắt tĩnh tâm đầy ung dung, đôi tai vểnh lên lắng nghe lời dẫn thiền buông xả… Một chú cá rất to trồi lên từ dưới hồ nước, chú to đến nửa thước, mình vương rong rêu năm tháng, ắt là một ‘cư dân’ rất lâu năm của hồ thiêng. Vậy mà vì sao mình đến tới lui hồ này có đến 11 lần, hôm nay mới được ‘diện kiến’ chú lần đầu tiên? Điều làm cho nhiều thành viên trong đoàn lưu ý đến chú, là vì chú trồi lên mặt nước và nằm im lìm ở đó suốt thời thiền và thời kinh của chúng mình, chỉ khi giọt nhạc cuối cùng cùng với phần dẫn thiền quán vừa phai đi, chú mới quẫy đuôi chìm sâu xuống nước. Chưa kể, một chú chuột be bé cùng ‘ngồi’ cạnh em Phong Windie ở một góc hồ trong suốt thời cộng hưởng… Mọi người nói, vạn vật đều có tánh linh. Các loài thú hữu duyên tồn tại tại các vùng đất linh lại càng có tánh linh rõ ràng hơn nữa. Vậy, trong thời thiền quán buông xả sáng nay bên hồ thiêng Lâm Tì Ni, hẳn, một phần căn thức sâu thẳm bên trong không ít ‘chúng hữu tình’ hữu hình hay vô hình cùng cộng duyên với chúng mình tại Vườn Lâm Tì Ni ắt cũng đã được cùng được đánh thức, khiến chư vị ấy cùng hội lại, cùng thiền quán với chúng mình. Tự nhiên đã cảm động, lại càng cảm động nhiều hơn nữa. Nguyện cho tất cả chư vị an lạc sống trọn vẹn đời này, đủ duyên được nghe pháp, tu tập hàng ngày, một khi xả bỏ tấm thân đời này, sẽ có cơ hội thoát khỏi thân súc sinh, sinh lại những cảnh giới tốt đẹp, hoặc vãng sanh cực lạc. Thương lắm!

ĐẠI BẢO THÁP WORLD PEACE STUPA:

Chúng mình lần đầu tiên được diện kiến một Đại bảo tháp mang tên World Peace là ở phía Bắc Nepal, vùng Pokhara. Lần đó đi khảo sát cho chuyến AN Nepal, một hành trình khác ngoài chuyến Tứ Động Tâm hiện tại, chúng mình được đưa tới World Peace Pagoda – Chùa Hoà Bình Thế Giới, nằm trên một ngọn núi cao, sau lưng là dãy núi Himalaya hùng vĩ. Bước vào, chúng mình choáng ngợp bởi độ hoành tráng mà vẫn vô cùng giản dị của ngôi chùa này. Và đặc biệt, chiếc bia đá khắc chạm dòng chữ Hán ngữ thật đặc trưng, mà trong hơn hai năm qua chúng mình đã trở nên vô cùng quen thuộc: “Namu Myoho Renge Kyo” – “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”! Câu niệm này, chúng mình đã học được từ những bài pháp giảng của Thầy Thích Trí Quảng mỗi khi nhắc đến Nhật Liên Tông, pháp môn được khởi lên từ Ngài Nhật Liên Thánh Nhân đất Nhật Bản. Pháp môn này hướng đến tình yêu thương và hoà bình cho thế giới, và đó cũng chính là động lực để chúng mình tìm đến đất Nhật Bản, dò tìm theo dấu chân Ngài Nhật Liên Thánh Nhân, sau này bài viết ký sự hành trình mở chuyến AN trên đất Nhật, tuyến 2: Tokyo – Kamakura – Fuiji – Tanayaka, mình đã có kể rồi.

Những trải nghiệm tuyệt vời tại Chùa World Peace tại Pokhara vùng Bắc Nepal ngày ấy đã khiến chúng mình cân nhắc thêm, quyết định dành thêm thời gian vốn rất eo hẹp trên hành trình Tứ Động Tâm chuyến này để làm thêm được một điều mà các chuyến trước đây chưa làm được. Đó là sau hoạt động cộng hưởng ở khu vực Hồ nước thiêng Lâm Tì Ni và khu vực tượng Phật Đản Sanh, chúng mình đưa đoàn đến viếng Chùa World Peace tại Lâm Tì Ni, cũng chính là ngôi Đại bảo tháp World Peace Stupa với mô hình giống y hệt World Peace Stupa tại Pokhara.

Cả đoàn choáng ngợp trước sự uy nghi của Đại bảo tháp tại đây, giống y như cảm giác của chúng mình ngày trước, lần đầu đặt chân đến World Peace Stupa tại Pokhara. Tập hợp đoàn lại một bên trước Đại bảo tháp, mình kể lại cho mọi người nghe về cái duyên được dẫn dắt đến Kinh Pháp Hoa, đến với Ngài Nhật Liên Thánh Nhân và câu niệm đầy uy lực “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” – “Namo Myoho Renge Kyo”. Và cùng nhau, chúng mình đã cùng nhau, nhiếp trọn vẹn tâm mình vào trong lời niệm, kéo dài suốt hơn năm phút. Giây phút ấy sao mà thiêng liêng, sao mà xúc động. Mình nhớ đến khoảnh khắc chúng mình cũng từng được hoà cùng cả trăm thành viên khác trì niệm câu “Namu Myoho Renge Kyo” này tại Chùa Diệu Pháp ở Kyoto, cũng đầy xúc động, như thế này!

Sau thời niệm kinh, mình mời mọi người nhiếp tâm quán chiếu và rải tình thương đến hoà bình thế giới, đến muôn người, muôn loài. Mình cũng nhắc mọi người gửi niệm lành đến tất cả những em thanh thiếu niên đang gặp vấn đề về sức khoẻ tinh thần đang có mặt trong đoàn, nương nhờ sức mạnh từ bi và trí tuệ vô biên của cả Vũ trụ hợp cùng tấm lòng thành của cả đoàn trong thời khắc thiêng liêng này, sớm sẽ có sự xoay chuyển.

Buổi sáng hôm nay trời nhiều sương mù và mây mờ, nên mặt trời không ló dạng. Vậy mà sau chỉ hơn năm phút nhiếp tâm niệm “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” trước Đại bảo tháp Hoà Bình Thế Giới, chúng mình hướng mọi người quán ánh sáng hồng cam rực rỡ qua đôi mắt nhắm, rồi màu xanh biếc của thái dương lam thuỷ khi áp đôi bàn tay ấm nóng ngập tràn năng lượng vào mắt… Mọi người vỡ oà. Quá kỳ diệu và đẹp đẽ! Đặc biệt hơn nữa khi trong đoàn đi lần này có một chị nữ hành khách chịu chứng nhược thị, đôi mắt chị mở ra hoàn toàn trông như bình thường, nhưng thị giác của chị qua đôi mắt hầu như đã không còn nữa. Chúng mình hướng dẫn chị cũng tập trung cảm nhận màu sắc rực rỡ qua vùng giữa trán, và sáng nay, khoảnh khắc mọi người nhắm đôi mắt trần để ‘nhìn’ các màu sắc bằng Ý thấy, thông qua vùng giữa trán, mình có một niềm tin, rằng chị hành khách ấy cũng đã có dịp được ‘thấy’ những sắc màu đẹp đẽ của ánh mặt trời, điều mà có lẽ rất lâu rồi chị mới có thể cảm nhận được. Thấy thương gì đâu mà!

Mọi người được tự do đảnh lễ tại khu vực Đại bảo tháp. Người người rảo chân đi nhiễu (đi kinh hành) 13 vòng quanh tháp, tay chắp hình búp liên hoa, miệng niệm “Namo Myoho Renge Kyo” – “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”. Kẻ lúi húi thắp nến tưởng niệm tại hướng chánh diện… Cả một không gian xung quanh Đại bảo tháp phút chốc tràn ngập màu áo trắng của đoàn nhà MayQ Go, một hình ảnh vừa thân quen, vừa xúc động. Một đoàn trẻ em được nhà trường đi vào để tham quan, các em ngồi xếp hàng trên các bậc thang, những đôi mắt to đẹp đẽ mang đậm tính hồn nhiên của một thế hệ tương lai yêu hoà bình và yêu thương muôn loài. Mình ngỏ ý xin được ngồi hoà cùng các em, các em vui vẻ cho phép. Thật là một năng lượng ngập tràn niềm tin yêu và hy vọng!

Khép lại một buổi sáng đong đầy và viên mãn, đoàn chúng mình lại hết sức kiên nhẫn, vui vẻ vượt qua ‘bài khảo đặc trưng’ là… xếp hàng chờ đợi mấy tiếng đồng hồ để được lần lượt xuất cảnh Nepal rồi nhập cảnh vào lại Ấn Độ để tiếp tục hành trình còn lại. Mình có ý thầm quan sát phản ứng của các thành viên trước bài khảo rất… hiệu quả tính dễ nổi nóng, dễ bực dọc này tại biên giới Nepal – Ấn, thì kỳ lạ thay, chờ đợi nhiều giờ như vậy, mà hầu như chẳng thấy ai bực bội hay cáu giận gì. Thật là biết ơn quá đi mà!

Gõ những dòng này khi chúng mình vừa trên xe lắc lư để về đến Kushinagar, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Những phút giây cuối cùng bên nhau trong ngày, chúng mình lại được ngồi lại bên nhau trong không gian ấm cúng của vuông sân nhà Ngài Bà la môn Drona, nơi phân chia xá lợi Đức Phật cho tám quốc gia thời bấy giờ, nghe kể chuyện thêm về Đức Phật. Thật là một ngày đong đầy. Biết ơn lắm!

(30.11.2023 – QH & MayQ Team)

#MayQGo
#Kýsựhànhtrình

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart