ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ (11.2023): NGÀY 7 – NHỮNG XÚC ĐỘNG ĐẸP ĐẼ, NHỮNG TRẢI NGHIỆM KHÓ PHAI TRÊN ĐẤT PHẬT

>
>
ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ (11.2023): NGÀY 7 – NHỮNG XÚC ĐỘNG ĐẸP ĐẼ, NHỮNG TRẢI NGHIỆM KHÓ PHAI TRÊN ĐẤT PHẬT
ĐẠI CỘNG HƯỞNG ẤN ĐỘ (11.2023): NGÀY 7 - NHỮNG XÚC ĐỘNG ĐẸP ĐẼ, NHỮNG TRẢI NGHIỆM KHÓ PHAI

[Đại cộng hưởng Ấn Độ Nepal 28.11 – 03.12.2023]

Bài 7: NHỮNG XÚC ĐỘNG ĐẸP ĐẼ, NHỮNG TRẢI NGHIỆM KHÓ PHAI, SẼ ĐƯỢC LƯU GIỮ THẬT ĐẬM SÂU TRONG KÝ ỨC

Khi viết những dòng này, chúng mình đã trở về sau hành trình Đại cộng hưởng Ấn Độ – Nepal 28.11 – 03.12.2023 được hai ngày. Trở về đất Phật lần thứ 9 cùng MayQ Go, cũng là một chuyến đi mang đậm tính chất của con số 9, vừa nhẹ nhàng dễ thương, vừa đan xen cài cắm những chướng ngại, vừa có những khoảnh khắc rực rỡ, cũng có những lúc chùng lòng mệt mỏi,… nhưng sau cùng, tất cả cũng chỉ là những ‘bài thử’ để mỗi thành viên được khơi gợi những điều đẹp đẽ bên trong của mình, để từng bước được khơi gợi phần tâm thức, tâm linh sâu thẳm bên trong của mỗi người.

Cũng chẳng biết từ bao giờ, Ấn Độ lại trở nên quá thương quen với chúng mình. Từng nơi chốn đi qua, từng cung đường, từng khách sạn, từng bữa ăn,… giờ đây, mỗi lần đến, là bao nhiêu niềm thương cứ tăng dần. Là chốn cũ nhưng hành trình luôn luôn mới, vì mỗi lần đến, nơi đây đều dành tặng chúng mình những ‘món quà’ và những ‘bài thi’ khác nhau, để xem lòng chúng mình có bị tác động bởi ngoại cảnh hay không, có bị chùng lòng thoái lui hay không? Và thật biết ơn, vì sau tất cả, những trải nghiệm đã có cùng nhau suốt sáu ngày dọc dài chuyến hành trình, trở thành những khoảnh khắc vô giá, đẹp đẽ và khó phai, lưu giữ thật đậm sâu trong ký ức của mỗi người khi trở về…

SÁU NGÀY NHƯ MỘT GIẤC MƠ…

Một lần được đặt chân đến Ấn Độ, được viếng thăm bốn thánh tích thiêng liêng gắn liền với cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là ước mơ của nhiều người, để rồi, trong hành trình này, đã có thật nhiều ước mơ thành hiện thực. Có người tự thực hiện hóa ước mơ của mình, có người được con cháu chắp cánh nối dài ước mơ,… đến thời điểm này, hội đủ duyên lành, chúng mình được cùng nhau đồng hành cùng nhau trong một chuyến hành trình.

Sáu ngày như một giấc mơ vừa nhanh vừa chậm, vừa ăm ắp những cảm xúc, và mình tin, khi trở về, dần dần ký ức trong mọi người sẽ được khơi lại, những nhớ thương về một vùng đất sẽ càng thêm đậm sâu, và nỗi nhớ sẽ vương lại thật nhiều.

Những giây phút bên nhau trong thời cộng hưởng cuối cùng bên Tháp Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng, mình đã cho mọi người nhắm mắt và cùng nghĩ lại sáu ngày đã có cùng nhau. Khoảnh khắc ấy, như một thước phim tua chậm, đầy đủ những ký ức vui buồn, khiến ai cũng xúc động đến rưng rưng…

Tụi mình cùng nhau nhớ lại ngày đầu tiên gặp nhau ở sân bay Tân Sơn Nhất để nhận những giấy tờ đầu tiên, cột từng chiếc thẻ, sợi dây ruban vào hành lý trong những bỡ ngỡ ban đầu, đến khi lên cùng một chuyến bay, bắt đầu hành trình ‘Trở về Nhà’. Hôm ấy tiết trời ở sân bay Varanasi không tốt, sương mù dày đặc, dẫu cho lịch bay đã được dời trễ sang ba giờ đồng hồ nhưng khi máy bay chuẩn bị đáp, chúng mình lại được nhận thông báo sương vẫn còn dày, và chúng mình sẽ có thêm thời gian trên máy bay cùng nhau một giờ nữa. Lúc đó, nếu hỏi tụi mình có sốt ruột không? Tụi mình có chứ, vì việc thay đổi thời gian như thế này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều lịch trình phía sau đó của chúng mình. Nhưng cũng sâu sắc hiểu được bài học mà chúng mình học được trong Quẻ Dịch ngay khuya trước chuyến đi: Quẻ đầu tiên mình nhận được là Quẻ Mông: mênh mông vô định, nhưng đi tới hào động để ra được Quẻ Thuần Khảm, khuyên tụi mình hãy cứ hồn nhiên như những đứa trẻ đón nhận mọi điều xảy đến, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua, vì như bản chất của quẻ Khảm, đầy những nguy cơ, nhưng quẻ Khảm cũng dạy ta cách lảy những cơ hội từ những nguy cơ này. Thế là, tận dụng một giờ đồng hồ phát sinh bất đắc dĩ đó, chúng mình đã cùng nhau đọc một thời Khấn nguyện trợ duyên trên máy bay, giữa lòng mây trời, cùng nguyện cầu cho thời tiết đẹp hơn, để chúng mình có thể đáp chuyến bay. Thật vi diệu, thời kinh vừa xong, thời Ho’Oponopono vừa khép lại, chúng mình nhận được tin máy bay sẽ hạ cánh vài phút nữa, trong niềm hân hoan của tất cả mọi người. Vậy, trong ‘nguy’ chúng mình đã biến thành ‘cơ’, và đã cùng tạo nên một cột mốc khoảnh khắc mới trong chuyến đi của MayQ. Thương lắm!

Đáp chuyến bay, chúng mình đã ghé Chùa Đại Lộc – ngôi chùa Việt Nam tại Varanasi, và đã được Sư Tường Quang, trụ trì của chùa tặng cho một thời nghi lễ cầu an, chúc phúc. Sau đó về ăn bữa trưa muộn, rồi di chuyển sang Vườn Nai. Những tưởng mọi lịch trình đã vừa vặn về thời gian, nhưng có ngờ đâu, nạn kẹt xe ở Ấn Độ làm cho hành trình của chúng mình bị kéo dài ra. Thay vì 4:00 chiều có mặt tại Vườn Nai theo dự kiến, thì đã trở thành 5:00. Vỏn vẹn 15 phút trong Vườn Nai – nơi Đức Phật chuyển pháp luân và từng có bài giảng đầu tiên về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo cho năm anh em Kiều Trần Như, tụi mình đã tận dụng tối đa 15 phút quý giá ấy. Cùng nhau đọc những lời Kinh Chuyển Pháp Luân trong tiết trời đang sập tối. Xung quanh là những tiếng còi báo hiệu từ các anh quản lý tại đó và của khách vãng lai trở về. Ngoại cảnh khá xôn xao, nhưng ai cũng cố gắng nhiếp tâm, đọc cho xong thời kinh và tay trong tay, chúng mình đã có một thời Ho’Oponopono khép lại thời cộng hưởng tại đó. Dẫu ngắn ngủi, nhưng ai nấy cũng đều hoan hỷ, và thấy biết ơn vì đã có cơ hội được cùng nhau trong khoảnh khắc ngắn nhưng vô giá ấy.

Sau đó chúng mình viếng thăm chùa Sri Lanka và trở về khách sạn, nghỉ ngơi kết thúc Ngày 1 với những háo hức mong chờ, về một thời thiền bình minh trên sông Hằng vào sáng hôm sau.

Tờ mờ sáng hôm sau, chúng mình đã khởi hành đến sông Hằng. Mình vẫn luôn yêu thích cảm giác trong động có tĩnh, trong tĩnh có động tại khung cảnh sông Hằng vào những sớm ban mai như thế này. Bởi khi vừa mới hòa trong không khí xôn xao ở bến bờ bên này với những sinh hoạt cuộc sống thường nhật của người dân, chỉ cần leo lên thuyền, sang đến bến bờ bên kia bờ sông mênh mông cát trắng, mọi thứ như trở về sự tĩnh lặng, nguyên sơ. Năng lượng 3:30 – 6:30 sáng là một nguồn năng lượng rất tuyệt vời, và càng tuyệt vời hơn, trong giây phút ấy, chúng mình được cùng cả đoàn đọc 108 lần hồng danh Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật và 108 lần danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật để hồi hướng cho các chư sinh linh hữu hình và vô hình có mặt tại cuộc đất này, cũng như tự mình sám hối cho các oan gia trái chủ trên thân của mỗi người. Hôm ấy, cũng là lần đầu tiên, cả đoàn được dành tặng cho ‘đặc sản’ mặt trời nơi đây. Những tưởng tiết trời dày đặc sương, thật khó để ngắm nhìn mặt trời đẹp đẽ vào thời thiền ban mai này, nhưng thật xúc động, khi thời thiền vừa xong, với đôi mắt mở, mặt trời từ từ nhú lên trong niềm hân hoan, vui sướng của tất cả mọi người.

Kéo nhau xuống thuyền để đi ngược về lại bờ bên này, hải âu sông từng đàn bay xa về gần, sà xuống là đà vây quanh các con thuyền của đoàn chúng mình, theo từng mẩu bánh vụn mà các thành viên trong các chiếc thuyền thả xuống. Hình ảnh hải âu sông rập rờn trong nắng sáng vàng ruộm mặt sông, cùng với tâm trạng thơ thới và hoan hỉ của tất cả các thành viên trong đoàn càng làm cho chúng mình càng thêm yêu mến và trân trọng buổi sáng đặc biệt ngày hôm nay.

Chia tay sông Hằng, cả đoàn vượt đường xa về lại Nepal. Bao chuyến trôi qua, khoảng thời gian xuất – nhập cảnh tại Ấn Độ – Nepal vẫn luôn là một nỗi lo đau đáu trong chúng mình. Bởi các khâu thủ tục ở đây khá nhiều, và các anh hải quan tại đó làm việc một cách đầy thong dong, chầm chậm đúng chất của người Ấn, nên khoảng thời gian chúng mình phải đợi ở đây có khi lên đến ba, bốn tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Tụi mình đã quen với những điều này rồi, nhưng với các thành viên lần đầu đến, tụi mình sợ rằng mọi người bị sốt ruột, thậm chí không tránh khỏi, mọi người trở nên khó tính hơn, quạu quọ hơn, khi vừa nắng vừa đói. Lường trước được điều này, nên những chuyến hành trình sau này, tụi mình đã sinh hoạt thật kỹ để cho mọi người nắm được tình hình chung, chính vì vậy mà thiệt thương, dù phải chờ đợi nhưng không ai cảm thấy sốt ruột. Trên xe mọi người tranh thủ đọc Khấn nguyện trợ duyên cùng nhau, cùng nhau chuyện trò sinh hoạt, có xe còn tự vẽ biểu đồ Nhân số học rồi tự cộng trừ các con số cùng nhau,… Nhờ có nhau, nên khoảng thời gian dài đó không còn là chướng ngại của cả đoàn, mà mọi người cũng rất thích thú với sự chờ đợi đó bởi vì… lần đầu tiên trong đời, họ mới được hành chữ Nhẫn một cách rốt ráo và triệt để như vậy. Và hơn hết, mọi người biết, đằng sau sự chờ đợi này, là một ‘món quà’ tuyệt diệu dành cho họ, khi được đến với thánh tích Lâm Tỳ Ni – nơi Đức Phật Đản Sanh.

Vượt khỏi biên giới trong cảm xúc mừng mừng tủi tủi, mọi người cũng bắt đầu thấm mệt về phần thân. Về lại khách sạn, ăn tối nghỉ ngơi. Tờ mờ sớm hôm sau, chúng mình lại tiếp tục khởi hành đến Vườn Lâm Tỳ Ni.

Như là một điểm nhấn quan trọng của hành trình Tứ Động Tâm của nhà MayQ Go, chúng mình đã có thời thiền ban mai quanh hồ nước thiêng, nơi hoàng hậu Maya đã đản sinh thái tử Tất Đạt Đa; sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trời còn sẩm tối, trăng 18 còn chênh chếch trên đỉnh đầu, đoàn nhà MayQ Go đã tiến vào khu Đền thờ Hoàng hậu Maya – Maha Maya Devi. Buổi sớm nên không gian còn tĩnh mặc, ngoại trừ một đoàn khách nhỏ đến từ một đất nước Đông Nam Á khác, toàn không gian thênh thang rộng lớn, chỉ có mỗi chúng mình.

Không biết tự khi nào, đã thành gần như một truyền thống, hễ ngồi quanh hồ thiêng, chúng mình luôn sẽ có một thời thiền buông xả. Chuyến đi Đại cộng hưởng Tứ Động Tâm lần thứ 9 này của nhà May Go gặp thêm một số đối tượng có vấn đề về sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần. Trong vài mươi phút ngắn ngủi của thời thiền quán buông xả quanh bờ hồ thiêng Lâm Tì Ni, sáng nay ghi nhận thêm một số hiện tượng cảm động. Một chú chó hoang sống lang thang trong khu vực này, khi đoàn chúng mình ngồi thiền, chú cũng ung dung bước vào, ‘xí’ lấy một suất chỗ ngồi, và mọi người xung quanh im lìm nhắm mắt tĩnh tâm thế nào, chú… cũng y chang như vậy. Cũng nhắm mắt tĩnh tâm đầy ung dung, đôi tai vểnh lên lắng nghe lời dẫn thiền buông xả… Một chú cá rất to trồi lên từ dưới hồ nước, chú to đến nửa thước, mình vương rong rêu năm tháng, ắt là một ‘cư dân’ rất lâu năm của hồ thiêng. Chưa kể, một chú chuột be bé cùng ‘ngồi’ cạnh em Phong Windie ở một góc hồ trong suốt thời cộng hưởng… Mọi người nói, vạn vật đều có tánh linh. Các loài thú hữu duyên tồn tại tại các vùng đất linh lại càng có tánh linh rõ ràng hơn nữa. Vậy, trong thời thiền quán buông xả sáng nay bên hồ thiêng Lâm Tì Ni, hẳn, một phần căn thức sâu thẳm bên trong không ít ‘chúng hữu tình’ hữu hình hay vô hình cùng cộng duyên với chúng mình tại Vườn Lâm Tì Ni ắt cũng đã được cùng được đánh thức, khiến chư vị ấy cùng hội lại, cùng thiền quán với chúng mình. Tự nhiên đã cảm động, lại càng cảm động nhiều hơn nữa. Nguyện cho tất cả chư vị an lạc sống trọn vẹn đời này, đủ duyên được nghe pháp, tu tập hàng ngày, một khi xả bỏ tấm thân đời này, sẽ có cơ hội thoát khỏi thân súc sinh, sinh lại những cảnh giới tốt đẹp, hoặc vãng sanh cực lạc.

Sau hoạt động cộng hưởng ở khu vực Hồ nước thiêng Lâm Tì Ni và khu vực tượng Phật Đản Sanh, chúng mình đưa đoàn đến viếng Chùa World Peace tại Lâm Tì Ni, cũng chính là ngôi Đại bảo tháp World Peace Stupa với mô hình giống y hệt World Peace Stupa tại Pokhara – Bắc Nepal. Cả đoàn choáng ngợp trước sự uy nghi của Đại bảo tháp tại đây. Tập hợp đoàn lại một bên trước Đại bảo tháp, mình kể lại cho mọi người nghe về cái duyên được dẫn dắt đến Kinh Pháp Hoa, đến với Ngài Nhật Liên Thánh Nhân và câu niệm đầy uy lực “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh” – “Namo Myoho Renge Kyo”. Và cùng nhau, chúng mình đã cùng nhau, nhiếp trọn vẹn tâm mình vào trong lời niệm, kéo dài suốt hơn năm phút. Giây phút ấy sao mà thiêng liêng, sao mà xúc động. Mình nhớ đến khoảnh khắc chúng mình cũng từng được hòa cùng cả trăm thành viên khác trì niệm câu “Namu Myoho Renge Kyo” này tại Chùa Diệu Pháp ở Kyoto trong chuyến AN Nhật Bản – tuyến 1 cũng mới diễn ra cách đây gần hai tháng, cũng đầy xúc động, như thế này!

Khép lại một buổi sáng đong đầy và viên mãn, đoàn chúng mình lại hết sức kiên nhẫn, vui vẻ vượt qua ‘bài khảo đặc trưng’ là… xếp hàng chờ đợi mấy tiếng đồng hồ để được lần lượt xuất cảnh Nepal rồi nhập cảnh vào lại Ấn Độ để tiếp tục hành trình còn lại. Rời Nepal, xe lắc lư một đoạn đường thiệt dài để về đến Kushinagar, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Những phút giây cuối cùng bên nhau trong ngày, chúng mình lại được ngồi lại bên nhau trong không gian ấm cúng của vuông sân nhà Ngài Bà la môn Drona, nơi phân chia xá lợi Đức Phật cho tám quốc gia thời bấy giờ, nghe kể chuyện thêm về Đức Phật. Khép lại ngày hai thật đong đầy!

Tờ mờ sáng ngày thứ 3, chúng mình tiếp tục có một thời cộng hưởng tại Tháp Trà Tì, nơi hoả táng kim thân của Đức Phật. Lần nào trở lại đây, cảm xúc trong chúng mình vẫn luôn thật xúc động, khi được cùng hơn một trăm thành viên đọc những lời dạy cuối cùng của Đức Thế Tôn trong bản Kinh Di Giáo, để tự nhắc mình, tự soi mình trong từng lời dạy, quán chiếu bản thân một cách rốt ráo và triệt để, nguyện sửa mình trong những phiên bản tốt hơn. Trong những sự xúc động sau khi đọc xong bản Kinh Di Giáo ấy, mọi người đã cùng nhau lạy 54 lạy sám hối đầu tiên trong chuỗi 108 lạy Sám hối và Khai tâm. Mỗi ngày trong suốt chuyến hành trình Tứ Động Tâm, chúng mình đều sẽ luôn cố gắng duy trì một thời lạy ngắn với 54 lạy, như một sự gieo duyên nhẹ để cho mọi người bắt đầu bén duyên với pháp môn tu tập lạy Phật, và cũng để mỗi người tự soi chiếu mình vào từng lời dạy trong bản Sám hối và Khai tâm.

Sau đó, tụi mình di chuyển sang Tháp Đại Niết Bàn và có một buổi dâng y Đức Phật Nhập Niết Bàn đầy xúc động tại đây. Năm xe, chúng mình chia thành hai đợt, lần lượt nối đuôi nhau, thành kính dâng y đi một vòng từ ngoài cổng Tháp Đại Niết Bàn, tiến vào bên trong, nơi tôn tượng Đức Phật Niết Bàn đang nằm ung dung tự tại, hoàn mãn một kiếp sống ở cõi tạm thế gian.

Những lời hát “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” vang lên, đều đặn, đầy thành kính. Chậm rãi từng bước chân, từng lời niệm Phật, cả đoàn dâng y từ từ vào bên trong, lần lượt đắp lên Người một tấm y với đầy sự biết ơn, trân trọng, như một lời tiễn biệt từ tận trái tim mình. Đã có thật nhiều nước mắt rơi, đã có thật nhiều sự xúc động. Khoảnh khắc ấy, chúng mình tựa như những đứa con xa quê, nay có dịp cùng trở về Nhà, cúi đầu đưa tiễn Cha mình lần cuối.

Khép lại hai thời cộng hưởng đầy xúc động tại vùng đất Kushinagar, nơi Đức Phật nhập Niết bàn, đoàn chúng mình lên xe, di chuyển hơn ba tiếng đồng hồ để đến với chùa Kiều Đàm Di xứ Vaisali. Món quà thiệt lớn cho cả đoàn chính là những tô bún riêu ngon lành, nóng hổi, được các Sư cô ở Chùa nấu bằng tất cả tình yêu thương, đậm vị Việt Nam tại đất Ấn Độ. Sau giờ ăn trưa, cả đoàn ngồi quây quần với nhau dưới chân Bảo tháp tại Chùa, nơi đang thờ tôn tượng của Bà Kiều Đàm Di cùng các Nữ Ni thời kỳ đầu tiên. Bà Kiều Đàm Di là Dưỡng Mẫu của Thái tử Tất Đạt Đa, và sau này khi Ngài thành Phật, bà đã ba lần kính đệ lên Đức Thế Tôn nguyện vọng được xuất gia. Lần cuối cùng, với sự kiên tâm và kham nhẫn của bà và 500 nữ quyến dòng họ Thích Ca, Đức Thế Tôn đã đồng ý cho nữ giới xuất gia. Mình đã có những chia sẻ cho mọi người hiểu tại sao ngôi chùa này có tên là Chùa Kiều Đàm Di, cũng như kể lại câu chuyện thành lập Chốn Tổ Ni đoàn tại vùng đất Vaisali này.

Tạm biệt chùa Kiều Đàm Di, chúng mình ghé Chốn Tổ Ni Đoàn khi trời dần ngả sang chiều tà. Mùa này thời tiết Ấn Độ không nắng, nên chiều càng sập xuống nhanh. Ngồi cạnh bên Tháp A Nan, để cùng nhau chia sẻ về cơn đại dịch năm ấy, Đức Phật đã về thành phố này và giúp nơi đây thoát khỏi đại dịch. Cả đoàn chúng mình đã cùng nhau đọc một thời Kệ diệt trừ dịch bệnh và Sám cầu mưa thuận gió hoà, và cùng đọc Sám hối cho oan gia trái chủ trên thân.

Khép lại một ngày dài, chúng mình di chuyển về thành Vương Xá, để sáng sớm hôm sau sẽ cùng nhau đến đỉnh Núi Linh Thứu và có một thời cộng hưởng đặc biệt tại đây.

Một trong những điểm đến mà tụi mình luôn thật thương và mong chờ trong hành trình đến với Ấn Độ – Nepal, chính là đưa mọi người đến với đỉnh núi thiêng Linh Thứu. Bao lần đến, vẫn nơi chốn thương quen thân thuộc nhưng tụi mình luôn háo hức mong chờ, để xem, ngày hôm ấy những điều gì đặc biệt đang chào đón chúng mình…

Ngày hôm ấy, tất cả chúng mình hội đủ duyên lành có mặt tại ngọn núi Linh Thứu – nơi sử sách ghi lại, cách đây hơn 2.600 năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng trải qua 6-8 năm đầu tiên củng cố tăng đoàn, chỉnh y lại hệ thống Giới – Luật – Luận, và thiết lập thế hệ đại đệ tử đầu tiên. Và cũng tại nơi này, theo hệ thống Phật giáo Đại thừa, cũng chính là nơi Ngài đã dành thời gian quan trọng phần cuối cùng của cuộc đời hoằng pháp của Ngài để giảng dạy những bộ kinh quan trọng nhất, trong đó có bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Và như một phần thiêng liêng cúng dường lên Chư Phật, sau thời quán chiếu, tất cả đã cùng nhau đọc vang những lời kinh trong cuốn Bổn môn Pháp Hoa (Biên soạn HT.Thích Trí Quảng) ngay tại đỉnh Núi Linh Thứu.

Xuống núi, chúng mình viếng thăm Trúc Lâm Tinh Xá, Đại học Nalanda và di chuyển về Bồ Đề Đạo Tràng, viếng thăm chùa Đại Phật và có một thời cộng hưởng được các Sư Thầy chúc phúc tại chùa Tây Tạng.

Về nghỉ ngơi, ăn tối và di chuyển vào Bồ Đề Đạo Tràng để có thời cảm niệm Phật Thành Đạo tại đây. Đêm cuối cùng chúng mình có mặt tại Đất Phật Ấn Độ cho chuyến hành trình Đại cộng hưởng Ấn Độ – Nepal lần thứ 9. Đặc biệt hơn, đêm ấy, chúng mình đang có mặt tại khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng, nơi mà cách đây hơn 2.600 năm, tôn giả Cồ Đàm – tức thái tử Tất Đạt Đa một thuở, đã tĩnh tâm thiền định miên mật dưới cội cây pipala, để rồi, trong đêm trăng đặc biệt ấy, Ngài đã đắc ngộ triệt để. Trải qua rất nhiều nghịch cảnh, tưởng chừng như chúng mình chẳng thể vào được nơi đây ngày hôm ấy, vậy mà như một phép màu, tụi mình đã hoàn mãn một thời cộng hưởng thật xúc động, thiêng liêng tại nơi này. Biết ơn tất cả mọi duyên lành đã cho đoàn chúng mình đủ duyên để có được thời cộng hưởng ấy. Và mình tin, chắc chắn mỗi người sẽ có những sự xúc động và cảm nhận theo những cách khác nhau. Và đây sẽ là một khoảnh khắc vô giá và đẹp đẽ, trong hành trình trở Về Nhà của mỗi người.

Sáng ngày cuối cùng, chúng mình quay lại Bồ Đề Đạo Tràng và có thời cộng hưởng cuối tại đó. Cho mọi người nhắm mắt để cùng nhớ lại những điều đã trải qua cùng nhau trong suốt sáu ngày đã qua, mà lòng thật đong đầy và trọn vẹn biết bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu sự biết ơn. Gặp nhau đã là duyên, nhưng gặp nhau và đồng hành cùng nhau trên đất Ấn Độ lại càng duyên hơn. Mình thật nguyện mong, khi trở về, những gì đã trải qua cùng nhau sẽ là một vùng ký ức đẹp đẽ, là nguồn động lực vô giá trong hành trình phía trước của mỗi người trong việc hướng về một cuộc sống an vui hơn, tốt đẹp hơn.

CUỘC ‘HỘI NGỘ’ BẤT NGỜ TRÊN CHUYẾN BAY VỀ

Khép lại chuyến đi bằng việc xuất cảnh kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, vừa lên đến máy bay, gặp lại em tiếp viên trưởng – người đã đồng hành cùng chúng mình trong chuyến bay đến Varanasi cách đây sáu ngày. Trong niềm vui tay bắt mặt mừng của sự hội ngộ ấy, từ phía buồng lái, bạn phi công bước ra chào mình và bảo: “Em rất vui mừng, vì phải sau gần năm năm em mới lại được chở đoàn mình từ đất Phật về”. Mình ngạc nhiên hỏi, vậy chuyến đầu tiên em chở tụi mình là khi nào? Em bảo: “Dạ, là chuyến vào tháng ngày 11.12..2018”. Nghe đến ngày tháng năm cụ thể đó, mình bật cười, lẫn chút bồi hồi. Bởi chuyến đi đó quá đặc biệt với chúng mình, khi trên máy bay chỉ được lấp đầy phân nửa số ghế và chúng mình đã phải ‘bù lỗ’ một khoảng tiền khá lớn. Nhưng không bỏ cuộc, tụi mình vẫn duy trì chuyến đi và làm bằng tất cả tình thương, để rồi đến nay, đã là chuyến thứ 9, sau năm năm. Nhìn lại một hành trình, đúng là thời gian không chỉ được đo bằng năm tháng, mà bằng rất nhiều sự trưởng thành trong cả sự vận hành, nội dung, và đội ngũ team MayQ chúng mình. Gặp lại em, gặp lại mối duyên cách đây năm năm, để chúng mình có được một khoảnh khắc thoáng qua nhìn lại một hành trình của mình. Thấy biết ơn lắm!

Gõ những dòng này, mình vẫn nhớ như in giây phút đứng trên đầu máy bay, để chào từng thành viên trước khi mỗi người rời đi, và bắt đầu trở về lại với cuộc sống thường nhật của mỗi người. Rồi đây, mỗi người sẽ có cho mình những cuộc sống riêng, những hành trình riêng, mình mong rằng, sau chuyến đi này, tận sâu bên trong mỗi người đều phát khởi những hạt mầm tốt đẹp. Ai cũng sẽ khỏe vui hơn, vững vàng hơn, sống tốt hơn. Biết ơn duyên lành, đã cho tất cả chúng mình được gặp và giao nhau, trên hành trình Về Nhà của mỗi người.

Mình rời khỏi máy bay cuối cùng, lòng đong đầy sự biết ơn. Biết ơn vì chúng mình đã có một chuyến hành trình đi đến nơi về đến chốn, trọn vẹn viên mãn trong từng sự kết nối.

Hẹn gặp cả nhà trong những dòng Ký sự của chuyến đi tiếp theo của nhà MayQ nơi đất Phật từ ngày 21-26/02/2024. Chuyến đi này chúng mình chỉ còn 20 suất nữa là sẽ đóng đăng ký nên nếu ai đang thật mong muốn cùng đồng hành và trải nghiệm cùng chúng mình, thì sắp xếp thời gian để đăng ký tham gia nhen.

Gửi niệm lành cho tất cả,

(5.12.2023, QH & MayQ Team)

#Kýsựhànhtrình
#MayQ

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart