AN NHẬT BẢN – TUYẾN 2 – BÀI 2: KAMAKURA – ĐẤT THIÊNG VỚI NHIỀU DUYÊN LÀNH
[Ký sự hành trình chuyến khảo sát AN trên đất Nhật Bản – Tuyến 2: Tokyo – Fuji – Kamakura – Yamataka]
Bài 2: KAMAKURA – ĐẤT THIÊNG VỚI NHIỀU DUYÊN LÀNH
Chào cả nhà, hôm trước tụi mình vừa kể với nhà mình về hành trình mấy chị em tụi mình tìm đến đất Nhật Bản, khảo sát cho chuyến hành trình AN trên đất Nhật, tuyến thứ hai. Ngày đầu tiên đến nơi, chúng mình đã được đến viếng ngôi chùa Bổn Môn Tự – Honmonji, là nơi thờ phụng chính thức Ngài Nhật Liên Thánh Nhân – vị Tổ Sư lập tông phái Nhật Liên chuyên hoằng hóa Kinh Diệu Pháp Liên Hoa vì tình thương và hòa bình thế giới. Đó là một trải nghiệm thật là xúc động.
Ngày hôm sau nữa, chúng mình lên đường về Kamakura. Thời điểm đó, cụm từ ‘Kamakura’ trong lòng mình thú thật chỉ là một cái tên, không mang bất cứ ấn tượng nào từ trước. Do đi khảo sát nhiều nơi, chúng mình chọn di chuyển từ nơi này sang nơi khác bằng tàu điện ngầm. Bước ra khỏi nhà ga, đã thấy hơi… hay hay vì không khí ở nơi này sao nó dễ thương quá vậy, vừa có vẻ rất đặc trưng của một thị trấn du lịch, vừa tràn ngập vẻ dung dị, thiên nhiên mà trung tâm Tokyo mà chúng mình vừa đến viếng trước đó không có. Hoa cỏ xinh xinh ngập tràn đường đi nước bước. Hoa xinh xinh vắt vẻo trong những chiếc xe đạp người ta đặt ngay ngã tư chỉ để làm cảnh, hoa be bé, rộn ràng nứt lên từ những kẽ đá, khe tường… Khách du lịch cũng nhiều, bên cạnh dân địa phương, còn rất đông khách du lịch người châu Âu tới. Đường đi bộ từ nhà ga đến nơi mà anh hướng dẫn bảo là pho Cổ tượng Phật bằng đồng cao thứ hai Nhật Bản rất nhiều hàng quán bán đồ lưu niệm tinh xảo, lại cũng rất nhiều quán kem nhìn bắt mắt. (Hihi ở đây máu Kim Ngưu thích ăn ngon của mình bật đèn xanh rồi nè. Nhưng con Kim Ngưu này cũng rất biết kiềm chế, kem đường phố tại Nhật ngon có tiếng, giá cả lại phải chăng, mình để đó, để đó, xong hết các phần khảo sát, ra, mình sẽ ngắm lại các bạn í nha!)
ĐẠI TƯỢNG PHẬT KAMAKURA DAIBUTSU, BIỂU TƯỢNG CỦA KAMAKURA:
Nằm giữa đất trời thiên nhiên, bức tượng Đức A Di Đà Phật bằng đồng cao 11,3 mét và nặng 121 tấn. Đây là bức tượng Phật A Di Đà bằng đồng cao thứ hai ở Nhật, chỉ sau tượng Đại Phật của chùa Todaiji ở Nara. Và cũng giống như bức tượng ở Nara, tượng Daibutsu (nghĩa là Đại Phật) ban đầu được đặt bên trong một ngôi chùa sau khi được đúc vào thế kỷ thứ 13. Tuy nhiên, trong suốt hai thế kỷ thứ 14 và 15, các cơn bão, sóng thần và động đất đã phá hủy phần điện thờ của chùa. Vì vậy, vào năm 1498, những người chăm sóc tượng A Di Đà đành phải chấp nhận để cho đại tượng Phật A Di Đà này nằm giữa đất trời thiên nhiên.
Kể từ đó, bức tượng vẫn uy nghi vững vàng, và là biểu tượng thiêng liêng của Kamakura.
Buổi sáng, ngôi chùa được xem như cổ nhất tại khu vực này lúc chúng mình đến cũng đã khá đông người tới viếng. Tuy vậy, phần lớn vẫn là khách du lịch, và ở Nhật, người ta không siết nặng về trang phục đi vào chùa, nên trước tượng Đại Phật, mình thấy vẫn có khá nhiều em gái trẻ trẻ ăn mặc vô cùng sexy, đến với nhiều ống kính smartphone, chụp ảnh selfie để check-in là chính. Mình và em Phong cúi đảnh lễ Đức Phật, lại đi nhiễu 13 vòng xung quanh Ngài, vừa đi vừa niệm câu “Nam mô A Di Đà Phật”. Câu này được khắc trên các bia đá đặt cạnh tượng bằng chữ Hán, mà hỡi ôi, nhiều chị vẫn rất vui vẻ đến đó, làm dáng chụp ảnh thôi chứ không biết đảnh lễ gì nhiều.
Nói thật lòng, tới đây là mình hơi buồn trong bụng rồi nha. Nói gì thì nói, bản thân một nơi chốn có linh thiêng hay không, bên cạnh năng lượng tự thân của pho tượng hay địa khí ở đó, còn cộng hưởng rất nhiều với năng lượng của những người đến viếng nữa. Nếu một trăm người đến với tâm cung kính, tâm trang nghiêm, nơi ấy sẽ ngày càng trang nghiêm thanh tịnh. Nhưng nếu nơi ấy một trăm người đến viếng đều mang tâm thưởng ngoạn, du lịch, check in, chụp ảnh là chính, nơi ấy linh khí cỡ nào cũng phải dần phai… Đó là lý do vì sao trong mỗi chuyến đi của nhà MayQ, tụi mình luôn đều phải căn dặn và chuẩn bị tâm thế cho mỗi thành viên trong đoàn chúng mình rất kỹ, trước khi bước vào một hành trình hành hương, một nơi chốn linh thiêng… Em Phong quay qua nói nhỏ với mình, “Có phải chăng vì lý do này mà trông gương mặt Ngài có vẻ buồn lặng thế?” Mình khẽ cười, nói không phải đâu, gương mặt của Ngài ưu tư để độ mọi nhân thế còn chìm đắm trong vô minh phải ngộ ra, phát khởi tín – hạnh – nguyện vãng sanh Tịnh Độ, thì Ngài mới đưa tay ra mà dắt đi cho được… Và tụi mình quyết tâm với nhau, nếu khi nào mở được chuyến đi đến đây, sẽ dặn đoàn của chúng mình thức dậy thật sớm, di chuyển thật sớm. Làm sao để khi chúng mình đến nơi này, chúng mình sẽ phải là những người đầu tiên đặt chân vào vùng đất lành này trong ngày. Cả đoàn mấy chục con người sẽ cùng nhau đứng vây quanh dưới chân Ngài, nghiêm túc thành kính đảnh lễ, nghiêm túc dâng lên Ngài năng lượng của sự thanh tịnh trang nghiêm, rồi sẽ cùng nhau đi nhiễu (kinh hành) 13 vòng quanh Ngài, vừa đi vừa niệm Hồng danh Ngài. Như vậy cái đã, xong rồi mới viếng cái gì khác thì viếng, như vậy cái đã, để rồi sau đó những du khách tới đó có chỉ mải mê chụp ảnh check in đi nữa, thì năng lượng đầu ngày của đoàn chúng mình, hy vọng cũng đủ làm đầy cho trường khí thành tâm của nơi ấy cho cả một ngày đó rồi…
Tượng Đại Phật Kamakura Daibutsu nằm trong khuôn viên chùa Kotokuin, một ngôi chùa thuộc phái Tịnh độ của Phật giáo. Tụi mình được khuyến khích làm một chuyến thám hiểm đi vào bên trong tượng Đại Phật, trước là để quan sát và hiểu được, vì sao một pho tượng đồng to lớn đến vậy có thể trụ vững cùng bao nhiêu là động đất, sóng thần, qua bao nhiêu thế kỷ. Còn nói một cách triết lý hơn, là đứng lặng bên trong tượng Đại Phật mà lắng nghe thế gian diễn ra bên ngoài. Muốn đi vào bên trong phải đóng góp thêm một số tiền nho nhỏ. Một đặc điểm rõ nét của các chùa ở Nhật là không có chuyện cúng dường. Thay vào đó, họ thu phí trong hầu hết mỗi nơi, mỗi điểm, và dùng số tiền đó tiếp tục quay vòng, trùng tu và phục vụ cho đại chúng. Cũng hay.
Bên phải tượng Đại Phật có treo một đôi dép rơm Warazori dài đến 1,8 mét. Đôi dép này ban đầu do trẻ em trong vùng góp tay bện nên vào năm 1951 với ước mong rằng Đức Phật sẽ dùng đôi dép này để đi khắp Nhật Bản. Cứ sau mỗi ba năm, đôi dép được trẻ em từ cùng một câu lạc bộ tu sửa lại. Chùa còn có cổng Niomon – lối vào rực rỡ sắc màu có đặt hai bức tượng Thiên Vương đứng canh giữ ngôi chùa. Đằng sau tượng Phật là Điện thờ Kangetsudo, ban đầu là một phần của cung điện hoàng gia ở Seoul thế kỷ 15 trước khi được chuyển đến Tokyo, rồi đến Kamakura. Điện thờ có hình của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát từ thời Edo (1603–1867).
PHIẾN BIA ĐÁ KHẮC KINH CỔ KÍNH VÀ KHOẢNH KHẮC ‘KẾT NỐI’ KHÓ TẢ
Mình đi hết một vòng ngôi chùa đàng sau, chú ý đến một số những ngôi tịnh thất thật giản dị mà tỏa ra năng lượng an yên ở phía sau ngôi chùa. Nơi đó được cho là nơi tĩnh tu của một số vị ni nữ qua nhiều thời kỳ. Được một cái, khách du lịch thì đông, nhưng rất ít ai chịu bỏ công đi xuống tới khu vực này. Mình chọn một chỗ thưa vắng mát mẻ, ngồi xuống thiền tĩnh tâm vài chục phút. Năng lượng tĩnh lặng của nơi này hoàn toàn tràn ngập bên trong mình, khiến vài chục phút đi qua rất nhanh. Mở mắt ra, thấy anh hướng dẫn và em Phong đang nhắc, ta thu xếp đi tiếp qua khu cạnh bên nhé, nơi đó có rừng cây lâu năm, đủ tĩnh lặng, hy vọng đủ rộng cho đoàn chúng ta ngồi làm một thời cộng hưởng, đọc kinh và thiền tĩnh tâm cùng nhau.
Mình đi theo chân các anh đi ngang qua một lối nhỏ bên phải tượng Phật từ trong nhìn ra, để đi qua đến khu vực vườn cây già mà anh hướng dẫn đã chỉ. Đột nhiên mắt để ý thấy một phiến đá lớn, cổ kính rêu phong, trên khắc rất nhiều chữ cổ. Với vốn tiếng Hán ‘công phu mèo quào’ của mình, tiếng Hán cổ nằm vượt tầm tay. Vì thế, bèn hỏi anh hướng dẫn, vốn là một chuyên gia Hán ngữ: Bia này khắc gì vậy anh. Anh bảo, đây khắc Kinh Bát Nhã.
Không dưng bắt xúc động ngang. Là vì, một năm nay, đi qua những vùng điểm trũng tự nhiên của năm cá nhân số 4 và ‘năm tuổi’, một trong những thứ mình có duyên đối diện và ngẫm ngộ nhiều và mạnh nhất chính là sự vô thường, và tính không của vạn vật. “Không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không tăng không giảm.” Để rồi, ngộ ra mọi cái đều không có tự tánh riêng biệt đó, Ngài Quán Tự Tại Bồ tát đã triệt để không còn vướng mắc hay sợ hãi gì nữa: “Tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố, vô hữu kh.ủ.ng b.ố. Viễn ly đ.i.ên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn”. Và từ chính khoảnh khắc không còn cảm thấy vướng mắc hay sợ hãi nào đối với bất cứ chuyện gì xảy ra nữa, Ngài “xa lìa tất cả điên đảo mộng tưởng, rốt ráo đắc ngộ”. Và hơn như thế nữa, ba đời chư Phật mười phương cũng chính nương theo sự quán chiếu đầy trí tuệ bát nhã ba la mật như thế mà chứng đắc, thành Phật.
Bản kinh này, chắc mình đọc cũng cả ngàn lần. Tuy vậy, chỉ khi nào thực sự đi vào những mối hiểm nguy của những tín hiệu về bệnh tật đe dọa, thậm chí, thấy trước sự ra đi của những người thân yêu nhất, thậm chí, bắt đầu cảm nhận rõ, để mà chuẩn bị tinh thần rốt ráo cho bản thân, và cả những người hữu duyên quanh mình nữa. Mình nói với anh hướng dẫn, cho em dừng lại đây vài phút được không, em muốn tĩnh tâm một chút trước bia đá này. Anh hướng dẫn, chắc cũng quen với lối hành xử ‘ít bình thường’ của mình trước những địa điểm dừng chân đặc thù, nên cũng không lấy gì làm lạ. Anh tìm chỗ dịch sang một bên, chừa cho mình một mình một khoảng không gian tĩnh lặng, của chùa cổ, của bia thiêng, của mọi cái đang hợp về một mối…
Mình chắp tay, nhắm mắt nguyện cầu. Rằng con từ xa đến đây, đủ duyên cúi đầu đảnh lễ Chư Ơn Trên tại đây, xin cúng dường bằng một bản Bát Nhã Tâm Kinh. Rồi mình nhiếp tâm mà trì bản Tâm Kinh Bát Nhã. Từng câu, từng chữ vang lên trên môi mình, miệng đọc, tai nghe giọng mình đang trì từng câu kinh, thật rõ ràng.
Thế rồi, tự nhiên, trong một khoảnh khắc, mình nghe nơi mi tâm giữa trán mình nhói lên. Vùng giữa chân mày, nơi cánh cổng kết nối với những giá trị và vùng năng lượng thiêng liêng, đột nhiên như đang lay động. Mình càng nhiếp tâm đọc, vùng mi tâm càng nhói lên ‘bưng bưng’ nhè nhẹ, như thể đang có một dạng cảm ứng nhất định. Mình lại càng nhiếp tâm đọc, cảm giác ấy lại càng rõ, càng sâu, càng dài. Nước mắt lại trào ra rồi.
Lần đầu tiên trên đất Kamakura này, mình cảm nhận thật rõ nét, dòng năng lượng thiêng liêng rõ ràng bằng cảm nhận trên thân này, chứ không phải thuần bằng trực giác hay niềm tin. Lần đầu tiên mình cảm nhận, đất Kamakura này hẳn rất ‘có duyên’ với chúng mình rồi, và bằng một loại giao cảm không cần diễn tả bằng lời, ngay giây phút ấy, mình biết rõ, mình đang được ‘lắng nghe’, và được lắng nghe bằng tất cả sự hiểu và thương. Mình để dòng nước mắt tự nhiên chảy, âm thầm trì thêm 108 lần câu thần chú quan trọng trong Bát Nhã Tâm Kinh: “Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhi Svaha” – “Vượt qua, Vượt qua, Vượt qua nữa, Vượt qua thêm chút nữa – Về Nhà!” Xong rồi, mình khẽ chạm trán vào phiến bia đá mát lạnh, lòng bàn tay cảm nhận thêm một lần nữa, chất đá qua năm tháng, đang ủ dòng năng lượng thanh tao và nhẹ nhàng, đi qua lòng bàn tay mình, đi qua vầng trán đang nóng bừng lên của mình, đi vào trong con người mình, như một sự ủi an, như một dòng thông cảm và động viên đặc biệt. Nấn ná mãi rồi cũng phải có lúc ngẩng lên chứ. Mình nói với em Phong, lúc đó đang loay hoay ‘tác nghiệp’ bắt chụp lại những khoảnh khắc khó tả ấy của mình. Rằng bản thân em cũng hãy đến đây đi. Chạm tay và chạm trán vào phiến bia đá ấy, trì thần chú Bát Nhã Tâm Kinh, để cảm nhận dòng năng lượng len lỏi mà chảy vào tâm hồn…
Ngay từ giây phút ấy, mình đã chốt luôn rồi. Chắc chắn Phải mở được chuyến đi tới nơi này. Và vị trí đặc biệt nhất, khoảnh khắc không thể bỏ qua mà chắc ít có du khách nào biết, chính là bên trước phiến đá cổ kính rêu phong nhìn có vẻ lặng thầm ít ai để ý đến đó. Ở đó, chắc chắn chúng mình sẽ cho toàn bộ thành viên đoàn chúng mình tập hợp, khấn nguyện, trì một thời Bát Nhã Tâm Kinh, lại trì 108 biến thần chú Bát Nhã. Nghĩ đến đó thôi, mà lòng đã muốn nở hoa rồi!
CHÙA KAMAKURA HASEDERA VÀ BỨC TƯỢNG QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT VỚI SỐ PHẬN LY KỲ:
Mang tâm trạng ‘nở hoa trong lòng’ đó, tụi mình đi bộ tầm vài trăm mét thì đến chùa Hasedera. Có hai chùa Hasedera ở nước Nhật, một ở cựu ‘kinh đô Phật giáo Nhật Bản’ là Nara, chùa thứ hai nằm ở Kamakura này. Kamakura Hasedera có tên Hán tự là Trường Cốc Tự. Là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Kamakura, được cho là được thành lập vào thế kỷ thứ 8, Trường Cốc Tự thoạt đầu là một ngôi chùa theo phái Tịnh Độ, thờ Đức Phật A Di Đà. Do vậy nơi đây hiện vẫn còn một điện thờ Đức A Di Đà Phật (Amida-do) trang nghiêm và rất đẹp.
Tuy nhiên, với đại đa số khách thập phương biết đến Hasedera là vì nơi đây có bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm cổ khổng lồ đầy linh thiêng. Lịch sử Phật giáo Nhật Bản còn ghi lại, vào năm 721, nhà sư Tokudo Shonin đã cho làm hai bức tượng Quan Âm Thập Nhất Diện, tức Đức Quán Thế Âm trong hình tướng có 11 khuôn mặt, từ cùng một cây gỗ long não. Một bức tượng này được thờ tại chùa Hasedera ở Nara trong thời kỳ Phật giáo vừa được hình thành tại Nhật Bản, và bức tượng còn lại được thành kính thả xuống biển như lễ vật dâng tặng Ơn Trên. Mười lăm năm sau, bức tượng này dạt vào bờ biển không xa xứ Kamakura, và người dân cho đưa vào Trường Cốc Tự, đặt tên chùa là Hasedera để nhìn nhận, bức tượng này là ‘chị em’ với bức tượng ở Hasedera Nara. Bức tượng được mạ vàng, cao 9,18 mét, được coi là một trong những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ lớn nhất ở Nhật Bản và có thể được chiêm ngưỡng tại tòa nhà chính của ngôi chùa, Điện Quan Âm (Kannon-do).
Bước vào không gian Điện Quan Âm của chùa Hasedera, mình thật sự bị choáng ngợp bởi từ trường linh thiêng và sâm nghiêm tỏa ra từ pho tượng cổ với số phận quá sức ly kỳ. Không gian đủ tối cho lòng người tĩnh lặng, những ngọn nến được khách thập phương thắp lên phía trước đài thờ Đức Quan Âm Thập Nhất Diện khiến cho không gian càng lung linh huyền ảo. Nơi đây tuyệt đối cấm chụp ảnh quay phim để không bị ảnh hưởng, làm hư hoại thánh tượng cổ, nên mọi người càng trở nên tập trung năng lượng cho sự cầu nguyện. Mình khẽ quỳ xuống, trì một biến Chú Đại Bi và niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát’, lòng nhớ rõ năm nay mình và không ít người thân ở nhà, các anh chị em ở nhà MayQ đang đi qua những vùng trũng năng lượng của năm cá nhân số 4 hay số 7, các đỉnh cao số 7. Nên lòng khởi lời khấn nguyện, xin dùng hết tấm lòng thành này kính dâng lên Ngài, xin Ngài che chở bảo hộ cho con và những người thân người thương của con đủ duyên đi qua những vùng trũng này một cách an lành. Nhắm mắt, tập trung hoàn toàn vào những lời thỉnh cầu từ chính mình, tự nhiên thấy tâm an làm sao… Phải chăng, đây chính là hiệu lực từ sự hết lòng đặt vào lời cầu nguyện, như lời Sư ông Thích Nhật Hạnh từng khẳng định?
Nấn ná mãi ở khu này cũng phải đứng lên nhường cho những vi khách khác tiến lên dâng nến và cầu nguyện, vì không gian điện Quan Âm khá bé nhỏ, mình đi qua không gian phía sau, nơi có để sẵn một số những hòn đá cuội nho nhỏ, kèm bản kinh Bát Nhã Tâm Kinh bằng chữ Hán, kèm một cây bút lông đen. Nếu bạn muốn, bạn có thể cúng dường tầm 100 Yên để thỉnh một hòn đá cuội nhỏ này, rồi nhìn vào mẫu câu Hán tự của Bát Nhã Tâm Kinh và vẽ lên hòn đá một chữ trong kinh ấy. (Rất thông minh là người ta đã khơi sẵn cho mình, tên bạn bắt đầu bằng chữ cái gì, bạn có thể chọn đồ chữ sau đây…, đỡ bối rối chọn chữ). Sau khi vẽ xong, sẽ đặt ở khay để cuối một ngày, quý sư ở đây sẽ đưa vào trong bảo tháp và thờ cùng với các hòn đá cuội khác mà khách thập phương đã nắn nót vẽ trước đây. Lại nhớ, chép kinh (tả kinh) là một hoạt động rất được coi trọng tại Nhật Bản, hầu như chùa nào cũng có gian dành riêng cho hoạt động chép kinh. Mình cũng nắn nót chép một dòng lên viên đá cuội, lại thành kính đem đặt vào khay. Đây thực sự là một trong những hoạt động mình thích nhất khi đi đến những ngôi chùa tại Nhật. Nó giống việc ở chùa Katsuo-ji ở tuyến 1 có phát hành những vị Daruma, tức những hình chú lật đật mang dáng dấp của Ngài Bồ Đề Đạt Ma, để mình thỉnh rồi ghi vào lời nguyện cầu của mình, rồi khấn nguyện tại đó vậy. Nó vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa mang ý nghĩa hoạt động văn hóa rất sâu sắc.
Tại gian phát hành các phẩm vật lưu niệm bên hông Điện Quan Âm, bên cạnh cơ man nào là các miếng charm bảo hộ sức khỏe, bình an…, mình còn ngắm thấy một phiên bản tượng Đức Quán Âm Nhất Diện bản thu nhỏ theo tỉ lệ 1/10.000. Bức tượng được đẽo khắc sống động và tinh xảo đến nỗi mình được thôi thúc phải thỉnh một vị về nhà để thờ. Về nhà rồi, mở ra thấy một lá thư bằng tiếng Nhật, cám ơn những ai đủ duyên thỉnh một phiên bản rất giới hạn này, vì nhân kỷ niệm 1.300 năm ra đời của Thánh tượng Quán Âm Bồ tát Thập Nhất Diện Hasedera, nên nhà chùa chỉ đúc có 1.300 phiên bản mini của thánh tượng này mà thôi. Mình đọc (qua phần giúp đỡ của Google Dịch), ta nói sững sờ, không tưởng tượng nổi mình có thể may mắn trở thành một trong 1.300 người ít ỏi trong số hàng vạn khách du lịch và hành hương đến viếng thăm chùa, thỉnh được một phiên bản giới hạn của Ngài về! Và trong thư cũng ghi rõ: Nguyện cho tất cả những ai đủ duyên thỉnh Ngài về thờ sẽ nhận được sự bảo vệ an lành từ Ngài… Tự nhiên khởi lên một câu hỏi, liệu khi mình đưa đoàn tới được vào tháng 4 năm sau, sẽ còn lại pho tượng nào cho khách hữu duyên đoàn mình thỉnh hay không? ^^ Thôi, tùy duyên đi vậy.
Mình đi sang viếng Điện A Di Đà, lại ngồi đây niệm Hồng danh Phật 108 biến. Cảm thấy cả cõi lòng tràn ngập an lạc. Chuyến đi khảo sát ngày hôm nay, như vậy là đã thu hoạch được quá nhiều rồi! Không dám mơ gì hơn nữa, mình đi ra ngoài vuông sân phía trước các gian điện thờ này, người ta đặt sẵn những bộ bàn ghế giản dị bằng gỗ cho khách thập phương nghỉ chân, có người ngồi tắm nắng, có người ngồi tĩnh tâm. Bên phải từ các gian điện nhìn ra, là khu vực để ngắm toàn cảnh thành phố từ trên cao. Chùa Hasedera được xây dựng dọc theo sườn đồi có nhiều cây cối rậm rạp. Đây là thành phố biển Kamakura, nên cảm giác phóng mắt nhìn ra bờ biển dọc dài hút tầm mắt, cũng là một loại thư giãn.
…VÀ HÀNG NGÀN BỨC TƯỢNG NGÀI ĐỊA TẠNG ‘MINI’
Ban nãy vì trong mạch nhắc đến tên Hasedera nên mình kể thẳng luôn đến đoạn vào viếng điện Quan Âm và điện A Di Đà trước. Xong rồi, đến đây thì mình phải làm một cú ‘flash-back’ để kể cho nhà mình nghe ngược lại, từ khi mới bước chân vô chùa nha.
Trường Cốc Tự là một ngôi chùa thênh thang, chia làm nhiều tầng nhiều lớp, đẹp đến khó tả. Vừa bước vào cổng, tụi mình được anh hướng dẫn dẫn rẽ sang hướng phải, dọc theo cầu thang dẫn lên dốc là Điện Địa Tạng Bồ tát. Như đã nhắc qua không ít lần trong những bài viết về nước Nhật, Nhật Bản cực kỳ yêu kính Bồ tát Địa Tạng, với mức độ phổ thông và ‘quốc dân’ của Ngài tương tự với Mẹ Quan Thế Âm bên mình vậy. Vì thế, mình không ngạc nhiên, khi tại Trường Cốc Tự này dành hẳn riêng một không gian cực kỳ ấm áp với một gian điện thờ nho nhỏ, thờ Ngài Địa Tạng. Và không gian bên phải này thờ Địa Tạng Bồ tát trợ trẻ em và thai nhi sản nạn. Trong gian thờ chính có một số món đồ chơi trẻ em, có lẽ khách viếng thăm mang đến cúng rồi để lại. Xung quanh không gian này ngập tràn với hàng ngàn bức tượng mini của Bồ tát Địa tạng, người giúp đỡ linh hồn của những đứa trẻ đã khuất đến thiên đường. Mình có mang theo một bản Kinh Địa Tạng, bèn ngồi xuống đó, đọc một đoạn trong lời Khai kinh: “Địa là dày chắc, Tạng chứa đủ. Cõi nước phương Nam nổi mây thơm. Rưới hương, rưới hoa, hoa vần vũ, Mây xinh, mưa báu số không lường, Lành tốt, trang nghiêm cảnh dị thường, Người, Trời bạch Phật: Nhân gì thế? Phật rằng: Địa Tạng đến Thiên đường!”
Đây cũng là đoạn mình thích nhất trong quyển kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Ngồi lẩm nhẩm đọc trong không gian sâm nghiêm của chốn này, tự nhiên thấy xúc động mãnh liệt!
Mình quá tập trung với việc đọc kinh và ngắm các Ngài Địa Tạng Bồ tát ‘mini’ nên không để ý, sau mới nghe em đối tác dẫn mình đi nói rằng, ở đây cũng có một số những thẻ gỗ để các ba mẹ từng mất em bé có thể ghi tên em bé vào, và để lại đó, để năng lực trùng trùng của Ngài Địa Tạng Bồ tát sẽ trợ thêm cho em trong hành trình giải thoát. Cũng hay và nhân văn quá!
Anh hướng dẫn viên nói, đi lên đây, theo anh đi theo con dốc lắt léo vòng tuốt lên cao, phủ đầy hai bên là cây bụi thấp xanh mướt. Anh nói thật ra với khách ham thích check-in, đây còn gọi là Chùa Cẩm Tú Cầu, bởi hàng năm cứ vào tháng Năm tháng Sáu, thì con đường này sẽ rợp hàng ngàn cây hoa cẩm tú cầu, đẹp lắm! Mình cười, nói hoa cẩm tú cầu đẹp thật đó, nhưng em sẽ không dự định quảng bá chùa này là Chùa Cẩm tú cầu đâu, bởi với em và có lẽ với cả tệp khách du lịch của nhà MayQ nữa, tự thân ngôi chùa này đã quá có giá trị để đến viếng thăm một lần, không cần ‘giá trị cộng thêm’ là cẩm tú cầu đâu, hihi.
Xuống khỏi con đường cẩm tú cầu ấy, vòng sang bên trái là một không gian nhỏ nữa, lại xuất hiện tượng Ngài Địa Tạng Bồ tát. Trước đôi mắt “Ủa?” của mình, anh hướng dẫn cười: À, bên này là Ngài Địa Tạng Bồ tát Se duyên. Ai chưa có gia đình muốn tìm được một người cùng tâm ý, có thể đến đây lễ Ngài bên này. Ôi, mình cùng em Phong cười quá chừng. Ngài Địa Tạng Bồ tát, qua đến đất Nhật, đúng là trở thành một vị Bồ tát quốc dân thiệt rồi! Anh hướng dẫn bồi thêm: chưa đâu, còn có Ngài Địa Tạng Bồ tát đặt ở các ngã tư đường, gọi là Địa Tạng Giao Thông, để trợ cho xe cộ chạy an lành, Địa Tạng Giáo Dục, trợ cho sinh viên học sinh học hành thi cử thuận buồm xuôi gió nữa. Ôi….!!!
Đường đi ra, chúng mình đi ngang một khu vườn xinh đẹp với những ao nước rải rác hoa thủy tiên tím sẫm. Thương chỗ này quá, nguyện đưa được đoàn san đây và ở lại thật lâu, ngắm và thưởng thức mới thỏa nè. Chúng mình không kịp thời gian nên đã không kịp viếng một không gian cũng khá đặc trưng của ngôi chùa này, đó là vườn thờ Benten (còn được gọi là Benzaiten), vị nữ thần của vẻ đẹp nữ tính và sự giàu có. Tác phẩm điêu khắc thần Benten và các vị thần khác có thể được tìm thấy trong một hang động nhỏ (Benten-kutsu) bên cạnh hội trường. Lần sau, nếu đủ thời gian, chúng ta vào viếng nhé.
Khép lại thời khảo sát đầy lợi lạc ở Kamakura, tụi mình bước trở ra ngoài phố, và chọn đi bộ dọc dài để về lại với ga tàu điệm ngầm. Đời sống của thành phố nhỏ này bỗng trở nên sinh động và ý nghĩa bội phần, khi hầu hết các phố xá, hàng quán nơi đây đều be bé, xinh xinh và cực kỳ cute! Anh hướng dẫn cho biết, sau khi phát triển cực thịnh thời Heian (thời kỳ Bình An) ở kinh đô Kyoto, Nhật Bản chuyển sang thời kỳ Kiếm Thương – với chế độ Mạc phủ và các võ sĩ lên ngôi. Và Kamakura chính là một trung tâm của Phật giáo thời kỳ đó. Ôi, lại thêm một lần cảm xúc dâng tràn!
Đi vào không gian nhỏ bé yên bình này, có cảm giác đang lội ngược dòng lịch sử mà tìm về những giá trị vô cùng thiêng liêng và không phải khách du lịch nào cũng đủ để tâm mà dò ra và cảm nhận cho đến nơi đến chốn. Gõ ra những dòng hồi ức này, có cảm giác như mọi chuyện mới diễn ra ngày hôm qua. Mình nhớ đến cuốn Guidebook dành cho khách tuyến AN ở bên Tuyến 1 được khách chúng mình cực kỳ yêu thích vì nó liệt kê ra rõ ràng theo sơ đồ mindmap về các thời kỳ phát triển và những điểm nổi bật…, tự nhiên nghĩ rằng, quý vị khách nào đã đủ duyên tham gia Tuyến đầu tiên, giờ nếu đủ duyên đi nốt tuyến này, tự thân mình sẽ tiếp tục gỡ những cái sticker logo MayQ Go, tỉ mẩn gắn lên từng địa điểm ở khu Kamakura này, hẳn sẽ thú vị lắm. Còn quý vị nào mới gắn bó với tuyến AN Nhật lần đầu? Chúng mình sẽ thật hào hứng kể cho quý vị nghe, hành trình hình thành và phát triển của Phật giáo Nhật Bản từ hành trình tuyến bên kia, để làm sao đi xong tuyến 2 này về, tự thân quý vị sẽ cảm thấy thôi thúc sẽ thu xếp dần đi tiếp Tuyến 1 bên kia vậy!
Hai tuyến thật đẹp của hành trình AN trên đất Nhật Bản cứ như thế mà vương ra song song, ai đi trước tuyến nào cũng thật là tuyệt. Và với ý nghĩ đó, tụi mình quay lại sân ga tàu điện ngầm để đi tiếp về Núi Phú Sĩ, không quên tự thưởng cho mình một que kem ốc quế đường phố Nhật siêu ngon, như đã nhắc ở đầu bài, ahihi. Hẹn gặp lại nhà mình ở bài viết ký sự hành trình tiếp theo, tụi mình sẽ kể lại những gì đã trải nghiệm ở khu vực Núi Phú Sĩ, nha!
(8.11.2023 – QH & MayQ Team)
Không có bình luận