ẤN ĐỘ: NHỮNG QUẦN THỂ HANG ĐỘNG ĐÁ LINH THIÊNG

>
>
ẤN ĐỘ: NHỮNG QUẦN THỂ HANG ĐỘNG ĐÁ LINH THIÊNG
MC Quỳnh Hương theo dấu chân ngài Huyền Trang đến thăm những hang đá linh thiêng tại Ấn Độ

[Ký sự hành trình khảo sát An trên Đất Ấn:]

Bài 2: NHỮNG QUẦN THỂ HANG ĐỘNG ĐÁ LINH THIÊNG TẠI KANHERI, ELLORA & AJANTA (Phần 1)

Thật ra, mình đã từng được gợi tò mò, dẫn đến cảm giác ‘muốn tìm tới viếng’ những nơi này đã từ mấy năm nay rồi, kể từ ngày mình đọc quyển Muôn dặm không mây của Tôn Thư Vân, trong đó, cô Tôn tả hành trình cô men theo dấu chân của ngài Tam Tạng Đường Tăng Trần Huyền Trang đi qua rất nhiều nước để tìm đến ‘Tây Trúc’ thỉnh kinh. Ngài Đường Tăng Tam Tạng được mô phỏng trong Tây Du Ký có vẻ yếu đuối và phải nương nhờ nhiều vào ba vị đại đệ tử trên đường thỉnh kinh. Trái lại, nhân vật chính có thật ngoài đời, ngài Trần Huyền Trang, lại là một con người vô cùng dũng cảm và đầy chí khí. Con đường ngài đi thế nào, để lại những dấu ấn gì…, Tôn Thư Vân đã kể lại vô cùng khéo léo và sinh động trong Muôn dặm không mây, một quyển sách cực kỳ hay, bạn nào quan tâm có thể tìm về đọc qua.

Nước ‘Tây Trúc’ mà ngài Huyền Trang phải khổ công bôn ba mất hàng chục năm lênh đênh trên đường để quyết tâm đến được để thỉnh kinh, nào có xa lạ gì, chính là đất nước Ấn Độ. Những ai quen biết nhà MayQ chúng mình cũng đã từng rất quen với đất nước Ấn Độ qua chuỗi hành trình Tứ Động Tâm – theo dấu chân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà chúng mình đã đưa được đến nay gần chục chuyến hành hương sang viếng. ‘Tây Trúc’ chỉ khu vườn thượng uyển mà ngày xưa vua Tần Bà Sa La đã hiến tặng cho Đức Phật để xây dựng nên nơi tập trung tăng đoàn đầu tiên – hay còn gọi là ‘ngôi chùa Phật giáo đầu tiên’ đó. Tuy nhiên, trong hành trình đến viếng ‘Tây Trúc’ – Ấn Độ, dấu chân của ngài Huyền Trang không chỉ lưu dấu tại khu vực tứ Đại Thánh Tích được đề cập. Ngài còn dong ruổi khắp nơi, tìm đến thêm nhiều nơi khác vốn từng là nơi tu tập và thờ phụng của chúng tăng Phật giáo…Ngài Huyền Trang đi đến đâu, nhắc đến điểm nào trong ghi chép Đại Đường Tây Vực Ký của ngài, cô Tôn Thư Vân hầu như tìm đến hết. Cho đến ngày cô đến được quần thể động đá ở Ajanta, nơi cô Tôn mô tả “viên minh châu của nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ”. “… Đến đây, tôi như lạc vào cảnh đào nguyên: sườn núi hình móng ngựa xanh tươi, dưới chân núi là dòng suối nhỏ uốn lượn, giống như đai ngọc, sát vách núi là vạch đai thạch khu với những ngôi tự viện, bích họa, tượng điêu khắc. Chư tăng thường chọn những nơi có phong cảnh đẹp để xây chùa, tạo động […] Thế nhưng Ajanta cá biệt có động thiên.”

Những dòng mô tả sinh động của cô Tôn càng làm mạnh mẽ hơn sự hứng khởi của mình: “Tôi đi theo một hành lang tiến vào động thứ 26. Chữ khắc trong động chứng minh sự ghi chép của ngài Huyền Trang: “Tăng nhân Ajanta do cảm kích mà tạo động này”. Thạch khu cao mười mấy mét, sâu hơn 30m, ngoài cùng là Phật tháp cao tận đỉnh, những cây cột đá giả gỗ to lớn. Không chỉ vậy, những thạch nhũ điêu khắc trong động lưu lại ấn tượng sâu sắc cho ngài Huyền Trang, tôi kinh ngạc nhất là tượng Phật dài hơn 20m mà ngài Huyền Trang có đề cập, nhưng là tượng Phật nhập Niết Bàn. Ánh nắng xuyên vào động khiến tượng đá sinh động như người thật. Nghe nói động này phải mất hơn 20 năm mới hoàn thành. Nào đục, nào búa! Dường như những người thợ đá đã hòa quyện chính mình vào cái lạnh của đá khiến cho chúng có linh hồn; họ biến cái vô thường thành cái vĩnh hằng, biểu thị lòng thành của mình. Tôi không dám nói mình đã ngộ hoàn toàn, nhưng đứng trước thạch tượng truyền tải tinh thần và lịch sử này tôi cảm nhận chúng vô cùng vi diệu…”

Từ ngày đọc được những đoạn này, trong đầu mình âm thầm gắn thêm cụm từ: “Ajanta Caves” trong danh sách Những nơi chốn nhất định trong đời một lần phải đến thăm.

Tuy ước ao là vậy, nhưng thật sự muốn biết ước mơ thành hiện thực cũng vô cùng khó khăn. Tất cả những lần mình được dịp sang Ấn Độ đều gắn liền với hành trình Tứ Động Tâm. Đất nước Ấn Độ lại vô cùng rộng lớn. Đại d.ịch lại còn ngăn trở chúng mình trong suốt hơn hai năm…Vì thế, không cần phải diễn tả sự háo hức của mình, khi một ngày, trong một lúc ngồi nhàn đàm cùng nhau trong hành trình Tứ Động Tâm, anh đối tác phía Ấn Độ với chúng mình bảo, hôm nào các bạn sắp xếp thời gian đi, chúng tôi muốn đưa các bạn đi thăm thêm nhiều nơi đặc biệt nữa ở đất Ấn, thì tụi mình ‘Ừ’ liền. Và, trong ‘danh sách đặt hàng’ anh phải đưa tụi mình đến, dòng chữ đầu tiên, chính là ‘Ajanta Caves’.

Anh đối tác giải thích, để tới được cụm Ajanta Caves trong mong ước của mình, chúng mình cần đáp máy bay đến Mumbai – thành phố nghe tên ‘lạ mà thiệt ra là rất quen’ do nó chính vốn là thành phố Bombay nổi tiếng với những bộ phim Bollywood ‘rất Ấn’ đó. Rồi từ Mumbai, tụi mình sẽ có thêm vài khu thạch động cũng liên quan đến Phật giáo nữa cũng nên đến khảo sát, vì nếu cất công đến Mumbai mà chỉ đến viếng Ajanta Caves không sẽ rất uổng. Tụi mình nói, tùy anh sắp xếp nha, bởi vì lại một lần nữa, khi thả mình vào các chuyến khảo sát, mình luôn muốn thả mình về trạng thái ‘rỗng’ nhất, chấp nhận mọi cái tùy duyên nhất, để lắng nghe cảm giác của mình. Cái gì làm mình rung động, chắc chắn cũng sẽ làm những khách hàng đi cùng nhà MayQ Go của chúng mình rung động, đơn giản là vậy.

Chúng mình đón chuyến bay đến Mumbai đã vào đêm, ngủ một giấc đã tới thời sáng để viếng cụm thạch khu đầu tiên được anh đối tác đưa tới, vốn gần trung tâm Mumbai nhất. Như để chuẩn bị tinh thần cho chúng mình đi từ những cảm xúc đầu tiên đến những khoảnh khắc trọn vẹn với những động đá chuyên chở hồn thời gian, chúng mình được viếng thăm đầu tiên khu thạch động Kanheri. Thạch khu Kenhari nằm sâu trong lòng khu bảo tồn thiên nhiên Công viên quốc gia Sanjay Gandhi, trên hòn đảo Salsette cũ ở ngoại ô phía tây Mumbai. Là một cụm gồm 109 hang động được cắt thành từ nguyên khối đá bazan khổng lồ, chia thành nhiều tầng, lô xô theo triền núi. Những cái hang cổ nhất tương đối đơn giản, ít có họa tiết trang trí, trái ngược với một số các hang động có lẽ được đẽo gọt sau này trong cùng khu vực. Các chuyên gia khảo cổ cho rằng, nơi này xa xưa từng là một khu định cư Phật giáo quan trọng trên bờ biển Konkan từ thế kỷ thứ 3 sau công nguyên.

Chúng mình lần lượt đi qua các hang động có lẽ từng là các Viharas Phật giáo, có nghĩa là nơi để chư tăng ni sống, học tập và thiền định. Sau đó, đập vào mắt chúng mình là một hang động lớn, nền và toàn bộ bốn bên tường đều được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc Phật giáo chạm khắc phức tạp, bên cạnh rất nhiều phù điêu, cột trụ và bảo tháp bằng đá. Mái vòm tròn và khum lên cao, gợi một chút gì cảm giác mái vòm ở châu Âu. Anh hướng dẫn viên bảo, đây là một Chaityas, một dạng hội trường để thờ cúng hội chúng. Chúng mình ngắm mãi những hình ảnh Phật và Bồ tát được khắc vào đá. Và thật cảm động, khi thấy rằng ngay trên đất Ấn Độ, từ tận thế kỷ thứ 3, đã có hình tượng Avalokiteshvara – Đức Bồ tát Quan Thế Âm vô cùng thương thiết trong tâm thức tín đồ Phật giáo theo phái Đại thừa. Có điều, ngay trên đất Ấn Độ, Ngài được khắc họa trong hình tướng mang đậm nét con người xứ sở này, chứ không phải hình dạng người Mẹ hiền đậm chất Á Đông như chúng ta vẫn hay được ngắm nhìn trong đại đa số chùa chiền nước mình. Nét để xác định Ngài là Đức Quán Thế Âm theo mắt nhìn của các nhà khảo cổ và tôn giáo học, đó chính là trên tay Ngài thường có đóa hoa sen, tượng trưng cho tính ẩn dụ ‘Từ bùn sen nở’.

Mình nói với anh đối tác dẫn đường, chúng mình muốn ngồi yên, tĩnh tâm tại nơi này một chút. Hang động vừa tĩnh lặng vừa mờ tối, chúng mình chìm đắm trong không gian ấy một lát, có cảm giác mình từ từ, chậm rãi hòa tan vào hư không, tất cả đều vừa tồn tại cùng một lúc, vừa như không có gì tồn tại…

Giữa lúc đó, tai mình nghe vang lên những câu kinh của Bát Nhã Ba La Mật Đa. Những câu kinh được xướng lên bằng tiếng Việt, nghe vang vang trong không gian thanh vắng ở một chốn hẻo lánh tận hang cùng hẻm núi của Ấn Độ, tự nhiên có một tác động thật kỳ lạ. “Quán Tự Tại Bồ tát, khi hành sâu xa vào trong Bát Nhã Ba La Mật Đa, Ngài soi chiếu thấy năm uẩn đều không có tự tánh, lập tức vượt thoát khỏi mọi khổ ách.

Này Xá Lợi Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như vậy. Này Xá Lợi Tử…”

Trong bất giác, mình mấp máy môi, nhẩm đọc theo những lời kinh này. Lòng thầm biết ơn, trong suốt một năm nay mình đã tự nhiên được chiêu cảm mãnh liệt bởi những câu kinh ngắn gọn mà không dễ hiểu này, để rồi ngày ngày gắng đọc, rồi thuộc lòng rồi, để bây giờ, mắt nhắm, tâm vẫn tịnh, mà miệng vẫn hòa theo được những hồi kinh. Tới chừng hồi kinh vắn kết, mình chậm rãi mở mắt ra…, và khó tin khi nhìn thấy, âm thanh tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa đã được trì kia, chính là từ một nhóm đâu khoảng một chục quý sư thầy, sư cô cũng đang có mặt trong hang vòm với chúng mình! Giây phút ấy, không dưng mình xiết bao cảm động. Cái gì kêu bằng ‘tất cả ào về cùng một lúc’, nó trào về trong mình, chính ngay trong một sát na ấy!

Cái gì làm cho tự nhiên, ở một nơi không tính là quá nổi tiếng để thu hút khách thập phương tứ phương trên thế giới, vào một ngày bình thường trong tuần vắng lặng, chúng mình lại gặp được một đoàn quý sư thầy cô người Việt, từ Việt Nam sang, cùng vô đảnh lễ gian hội đường thờ đầy năng lượng thiêng liêng ấy, gần như cùng một thời điểm? Cái gì làm cho mình, tự nhiên trong suốt một năm qua, lại vô cùng gắn bó với Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, được kéo về với bản kinh này một cách đặc biệt, đã dành thời gian và tâm sức cho nó một cách đặc biệt, để rồi trong một giây phút thiêng liêng như thế, không hề sắp đặt hay toan tính trước, lại được ‘nhắc nhở’ bằng đúng một thời Bát Nhã Tâm Kinh như thế? Và trong số muôn vàn bài kinh, câu chú, điều gì đã làm cho nhóm quý các thầy, cô chọn đọc đúng bài Bát Nhã Tâm Kinh, chứ không phải bất cứ một bài nào khác?

Mình bỗng dưng có một loại xúc động muốn khóc. Một loại cảm giác như đứa con đi học xa, lâu lâu lắm được Cha Mẹ trỏ xuống một cử chỉ yêu thương, như cái xoa đầu, như nhắc nhỏ, cũng như cái mỉm cười nhẹ nhàng, nói “Con đang đi đúng đường rồi đó…” Mình và em Phong mới vừa cúi đầu, đảnh lễ chào quý thầy cô, thì trong đoàn có một vị sư đột nhiên hỏi, “A, đây có phải là cô Quỳnh Hương không…?”

Mình lại bất ngờ thêm một lần nữa.

Phải thành thật thừa nhận rằng, cái cô ‘Quỳnh Hương nổi tiếng’ của thời là nhân vật MC truyền hình kia, cổ đã lìa xa mình từ rất lâu rồi. Mấy năm trở lại đây, mình sống bình thường, những ai dõi theo trang mình, nguyện cùng chúng mình học Phật, hành pháp theo những gì chúng mình mò mẫm, ngẫm ngộ được và chia sẻ, họ cũng chỉ vừa vừa in ít, ở phạm vi trong nước thôi. Thế sao ở một nơi xa xôi thế này, lại có một người – lại trong giới tu hành, nhận ra mình?

Mình chưa hết ngạc nhiên, thì vị thầy ấy xoay sang các vị đi cùng, mỉm cười giải thích: “Cô Quỳnh Hương này thường viết những bài rất hay về Phật pháp và các phương tiện cô ấy dùng để hướng mọi người trong cuộc sống bình thường quay về tu tập. Các cháu tôi ở gia đình rất thích theo dõi trang cô Quỳnh Hương này.” Có lẽ nhận được lời giới thiệu khá tích cực từ vị thầy này, các quý thầy cô khác trong đoàn nhìn chúng mình với con mắt khá thiện cảm. Chúng mình xin phép hỏi thăm mới biết, hóa ra quý thầy cô là chư tăng ni đến từ một số tu viện, thiền viện khá nổi tiếng ở Việt Nam, đặc biệt là, khá nhiều thiền viện trong số đó là những nơi mà, thời gian đầu chúng mình mới bắt đầu nhánh Đại cộng hưởng, có từng đến xin phép đưa đoàn vào có thời sinh hoạt nhưng chưa được chấp nhận, do nội quy khá nghiêm ngặt của các tu viện này. Quý thầy cô có chia sẻ cho chúng mình một số cách thức để liên lạc với các vị phụ trách, đồng thời cũng bày tỏ niệm lành cho chúng mình sớm được chấp nhận có thời sinh hoạt đại cộng hưởng tại tu viện của quý thầy cô. Mình và em Phong nhìn nhau mỉm cười. Phải chăng, đây tiếp tục là một tín hiệu đẹp nữa ngay trên vùng đất thiêng liêng này, như để Ơn Trên ngỏ rằng, ta cho các con tiếp tục đi tới.

Quá nhiều những tín hiệu lành xảy đến ngay tại khu hang động Kanheri vắng vẻ xa xôi ấy, khiến cho chúng mình dâng lên một cảm giác quyết tâm, rằng vùng đất này thật hữu duyên với chúng mình. Và một quyết định đầu tiên được đưa ra: chuyến An – Ấn Độ sẽ được mở ra, và Kanheri chính là một nơi đầu tiên chúng mình sẽ đưa những quý khách hữu duyên thân thương của nhà MayQ tới!

Say mê quanh quẩn trong những động đá Kanheri, mình tuyên bố, sẽ dành trọn vẹn cả ngày cho khách chúng mình tận hưởng tại đây. Anh đối tác chỉ nhìn mình cười cười không phản bác gì, chỉ nói, này, bạn khoan quyết định vội, chiều nay chúng ta đi Aurangabad đã. Ngày mai, còn là cả hai khu hang động đá vi diệu được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới đó. Tới đó ngắm cho trọn vẹn đi, rồi hãy tính lịch hành trình chi tiết nha!

Cái cách anh chàng ngó mình như thể mình là đứa bé ngây thơ mới được mẹ cho có mỗi một viên kẹo đã ngất ngây vui sướng làm mình buồn cười. Nhưng mình cũng không lấy đó làm ức. Ukie, I am fine :)))

(hết Phần 1. Đón theo dõi Phần 2: Ngẩn ngơ khu thạch động Ellora – Ajanta)

(17.2.2023 – QH & MayQ Team)

Hiện tại lịch trình của chuyến đi đã hoàn thiện. Bạn có thể nhắn tin cho MayQ Go để được tư vấn và đăng ký tham gia cùng chúng mình nhen.

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart