ẤN ĐỘ: NGẨN NGƠ KHU THẠCH ĐỘNG ELLORA

>
>
ẤN ĐỘ: NGẨN NGƠ KHU THẠCH ĐỘNG ELLORA
MC Quỳnh Hương đến thăm hang Kailash tại khu thạch động Ellora trong chuyến khảo sát cho hành trình mới trên đất Ấn Độ

[Ký sự hành trình khảo sát An trên Đất Ấn]

Bài 3: NGẨN NGƠ KHU THẠCH ĐỘNG ELLORA

Như đã nhắc qua, trong đầu mình trước đó vốn chỉ có thạch khu Ajanta, còn được gọi là ‘chùa hang Ajanta’, vốn là một trung tâm Phật giáo quan trọng cho tới thế kỷ thứ 10, từng được ngài Tam Tạng Pháp sư Trần Huyền Trang, phiên bản gốc tạo nên cảm hứng để tác giả huyễn hoặc hóa thành nhân vật Đường Tăng trong bộ truyện lừng danh Tây Du Ký, đến viếng thăm trong hành trình ‘đến Tây Trúc thỉnh kinh’ của ngài vào cuối thế kỷ thứ 6. Vì thế, mình chọn để một trái tim hoàn toàn tươi mới khi tiếp cận khu thạch động Ellora, vốn được xem như một phiên bản song song với khu Ajanta, cách nhau tầm ba tiếng lái xe đường bộ.

Khu thạch động Ellora cách trung tâm thành phố Aurangabad chỉ tầm chưa đến một giờ xe, nên vẫn còn trong buổi sáng tinh mơ, chúng mình đã chạm đến khu vực này. Anh đối tác biết chúng mình luôn quan trọng nhất những thời thiền bình minh cộng hưởng cùng nhau, nên anh đặc biệt xin phép cho chúng mình được vào ngay trước khi khu vực được chính thức mở cửa. Chúng mình chậm rãi bước vào một khu vực mênh mông những động đá, trong đầu khởi lên một cái tên hang động khá quen thuộc mà chúng mình được ngắm trong một group về cảnh quan đặc sắc của Ấn Độ trên FB: hang Kailash.

Kailash là tên một ngọn núi linh thiêng vào bậc nhất thế giới, nằm trên dãy Himalaya, mà cách đây bốn năm, cũng mình và em Phong từng tìm đến được để có hành trình kora (đi nhiễu) xung quanh mỏm núi. Kailash không phải là đỉnh núi cao nhất dãy Himalaya, tuy nhiên, mình vẫn nhớ như in ý mà Lạt ma Ganagarinka Govinda từng viết trong quyển Đường mây qua xứ tuyết, ý đại để nếu như đỉnh núi ‘đương kim cao nhất thế giới’ là Everest thấp đi vài chục mét, nó sẽ lẫn vào trong hàng ngàn mỏm núi khác nhấp nhô dập dìu trong rặng Himalaya. Trong khi, Kailash tuy không sánh được Everest bằng độ cao, nhưng đỉnh Kailash vẫn mang một lực từ trường vô cùng đặc biệt và mãnh liệt, khiến ‘ngài’ (người ta vẫn hay gọi các đỉnh núi thiêng là ‘ngài’) mang một vị thế đặc biệt linh thiêng trong tâm tưởng của người hành hương. Và vì thế, không phải ngẫu nhiên, khi Kailash là trung tâm hành hương của tận bốn tôn giáo: Phật giáo, Hindu giáo, Bôn giáo (một tôn giáo địa phương của Tây Tạng), Kỳ Na (Jania) giáo (một tôn giáo ở Ấn Độ). Trong đó, theo Hindu giáo, Đỉnh Kailash được xem như một hiện thân của Thần Shiva.

Không biết có một sự tương đồng nào không, Trong số 34 hang động của toàn khu thạch động Ellora có 12 hang động kiến trúc Phật giáo (hang động từ 1-12), 17 kiến trúc Ấn Độ giáo (hang động 13-29) và 5 là Jaina giáo (hang động 30-34). Khi được nghe giải thích về điều này, tự nhiên mình thấy vui vui trong bụng. Sự hiện diện của nhiều tôn giáo khác nhau song song tồn tại trong cùng một thạch khu mang đậm hồn thời gian đã chứng tỏ sự hòa hợp giữa các tôn giáo phổ biến trong giai đoạn này của lịch sử Ấn Độ. Mình ngỏ ý muốn đi thăm hang Kailash đầu tiên, anh bạn đối tác ngần ngại bảo, nhưng hang Kailash không phải là hang động của các tín đồ Phật giáo, mà là Hindu giáo, bạn đi vào thăm có ngại không? Mình cười, nói ủa, có gì đâu mà ngại. Mình nói riêng và nhà MayQ tụi mình nói chung vốn chủ trương tất cả tôn giáo thiện lành đều là một thể, chỉ khác biệt nhau ở hình thức thể hiện, để phục vụ hay dẫn dắt những con người trong nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều môi trường văn hóa, xã hội khác nhau. Hơn nữa, cá nhân mình xem ra cũng khá có duyên với đạo Hindu nè. Tượng Bà Chúa Xứ An Giang, có nhiều nghiên cứu cho rằng chính là một phiên bản tượng thần Vishnu từ một vùng đất Hindu trôi dạt về núi Sam Châu Đốc. Hay mình từng đi đến ‘chùa Bà Đen’ ở Sài Gòn mà đảnh lễ hay ngắm nhìn ảnh vị thần Hindu trong bộ dạng trẻ thơ để mong sinh ra con trai mình được kháu khỉnh giống như vậy… Mình cảm thấy, tuy rằng không phải hoàn toàn ‘thuộc về’ như với đạo Phật, tuy nhiên, cảm tình của mình với Hindu giáo là vô cùng lớn.

Bây giờ đến phiên anh đối tác cười ngạc nhiên, ủa vậy hả! Chắc nào giờ ảnh toàn đưa chúng mình đi trong các hành trình Tứ Động Tâm với các thánh tích Phật giáo, nhìn thấy tụi mình trang nghiêm thành kính trong những thời cộng hưởng trì kinh hay đảnh lễ, lạy Phật, ảnh tưởng tụi mình chỉ bó gọn trong khuôn khổ Phật giáo mà thôi. ‘Đả thông’ được tư tưởng cho anh ấy rồi, thế là, hang động đá đầu tiên tụi mình đi vào thăm viếng, chiêm bái trong buổi sớm hôm ấy, chính là hang Kailash.

Mình gõ ra đây với những dòng cảm xúc còn khá bồi hồi, như thể cảm giác ấy chỉ mới vừa xảy ra đây thôi. Hang Kailash không hổ danh là một đại danh động, bước vào như đi lạc vào trong một thế giới với những câu chuyện cổ xưa được khắc tạc bằng đá. Cả một khối núi khổng lồ, người xưa đã bằng cách thức tài tình gì, bằng nỗ lực tâm huyết đến thế nào, chỉ bằng những công cụ thô sơ của cách đây gần 20 thế kỷ, để có thể đục đẽo từ trên mỏm núi đá đi xuống, từng vệt cắt, vết khắc, chạm, trổ… tinh xảo và đầy nghệ thuật, đến hàng trăm ngàn chi tiết, dày đặc, đa dạng, phong phú trong khắp từng góc từng ngóc ngách của hang! Sừng sững vươn lên trời cao giữa bốn bề bộng đá là hai thạch trụ to lớn, cũng được chạm khắc tỉ mỉ. Tự dưng mình có một thôi thúc mãnh liệt muốn đến chạm đầu mình vào một thạch trụ ấy. Bèn bảo các anh đối tác, khoan hãy làm việc giới thiệu hướng dẫn gì, hãy cho mình làm cái việc mình ước ao, ngay trong phút giây này đã. Và mình đã làm thật. Chỉ đơn giản đến, cúi đầu, áp vầng trán mình vào trụ đá kia, cảm nhận bằng trực giác, trụ đá ấy, chính là một cái ‘cột thu năng lượng’ mà cổ nhân đã khéo léo tạc nên.

Và trực giác mình đã không lầm. Cái khoảnh khắc trán mình chạm vào nền thạch đá mát lạnh, một cảm giác dễ chịu không nói thành lời nhẹ nhàng lan tỏa, chậm và sâu…, sâu mãi, dịu dàng ôm trọn lấy cả thân mình. Nó khiến mình cứ muốn lưu lại khoảnh khắc đó mãi, thật lâu…, lưu luyến không muốn rời. Sau này kể lại khoảnh khắc này cho các bạn học viên lớp cấp độ 6 Quản trị cuộc sống tại Pù Luông, tự nhiên mình trào cả nước mắt.

Người ta có bao nhiêu lần trong đời được chạm vào những cảm giác thiêng liêng, dễ chịu, khoan khoái…, và cả bao nhiêu cảm xúc tinh tế khác, hòa lẫn cả làm một trong một thời khắc nhất định? Với anh xã mình, đó là khi anh ấy được đặt môi hôn phiến đá ngôi sao đánh dấu Hang Bê-lem tại Jerusalem nơi Đức Chúa Jesus ra đời, đến nỗi khi về, anh ấy nhất định khuyến khích hai mẹ con tụi mình cũng phải một lần đến Hang Bê-lem ấy, cúi đầu hôn lên vầng đá ngôi sao ấy. Mình cũng đã đến, đã thực hiện qua, cũng thấy thương cái nơi chốn ấy, tuy nhiên, cảm giác khoan khoái dễ chịu khó tả như anh xã mình đã mô tả, nó không xảy đến với mình. Trong khi đó, mình lại được hữu duyên trải qua vài ba khoảnh khắc khó tả tương tự, thì chắc cũng là duyên, nó nằm ở những vùng đất có liên quan đến Phật giáo – như khoảnh khắc trên đỉnh núi Linh Thứu lần đầu tiên đặc biệt khó quên ấy, dẫn dắt mình đi dài lâu trong hành trình ngày càng gắn bó hơn với những chuyến đi về với đất Phật. Và lần này, là khoảnh khắc chạm trán vào cột trụ đá trong hang Kailash của đạo Hindu, tại khu thạch động Ellora.

Lưu luyến mãi cũng phải có lúc rời trán ra khỏi thạch trụ, mình gọi em Phong cũng cùng đến, thực hành việc áp trán nhận năng lượng từ trụ đá như vậy. Và mình nói với hai anh bạn đối tác đi cùng: “Các anh cũng là những tín đồ Hindu thuần thành phải không? Đã bao giờ các anh đưa gia đình mình đến viếng đây chưa?” Sau khi nghe các anh nói, các anh cũng không nhiều lần được đến đây viếng đâu, mà những lần này cũng đều là đi công tác, nên gia đình chưa bao giờ được tháp tùng cùng, mình nghiêm túc nói, các anh nên một lần đưa gia đình mình đến đây nha. Và khi đến, nhớ, hãy đến, áp trán vào thạch trụ, thả lỏng tâm, đón nhận dòng năng lượng thanh lành từ thạch trụ này, nhớ nha! Hai anh có vẻ cảm động trước sự nhiệt tình của mình, từng anh cũng đến, lần lượt thành kính áp trán vào thạch trụ. Và sau việc này, tự nhiên như có một dòng cảm thông sâu sắc kết nối giữa các tôn giáo giữa phía chúng mình và phía các anh. Chúng mình chia sẻ với nhau thoải mái hơn về tín ngưỡng của hai bên, cũng đưa chúng mình đến nhiều ngôi đền Hindu mà các anh cảm nhận được trường năng lượng đặc biệt về phía các anh; và ngược lại, cũng vô cùng nghiêm túc quỳ xuống, đảnh lễ tôn tượng chư Phật và Bồ tát trong các hang động Phật giáo, như một động thái thể hiện thiện chí cùng hòa đồng tôn giáo mà các anh đã cảm nhận được, từ phía chúng mình.

Chúng mình đã có một khoảng thời gian không ngắn thong thả dạo quanh hang động to lớn này, mắt ngắm nhìn hàng trăm ngàn pho tượng lớn nhỏ với hàng trăm bộ dáng, tư thế khác nhau. Hindu thờ đa thần, với hàng trăm ngàn vị thần lớn nhỏ, và vì thế, hang Kailash như một mô hình thu nhỏ khắc họa lại rất nhiều những đời sống tâm linh của các vị thần này. Điều làm mình đặc biệt yêu thích, là mặc cho muôn hình vạn trạng các pho tượng to lớn vĩ đại có mà nhỏ xíu tinh xảo cũng có, đó là từng biểu cảm trên mỗi gương mặt tượng đều vô cùng sinh động, đặc biệt là những tượng đá khắc họa cảnh sinh hoạt. Mình đứng mỉm cười, ngắm mãi một gương mặt đến là láu lỉnh, sinh động, dễ thương của một bé gái trong khi vui chơi trong không khí gia đình. Nét cười ẩn trong ánh mắt và khóe môi, sinh động đến mức nó như đi xuyên qua thời gian, chuyên chở vẹn nguyên năng lượng tích cực, lạc quan và nguyên sơ từ bao nhiêu thế kỷ, chảy trọn vẹn đến cho người ngắm, là mình. Mình tự hỏi, bao nhiêu đây chi tiết chạm khắc tỉ mỉ, lại là dạng chạm khắc thẳng vào đá núi, nó đòi hỏi biết bao nhiêu sức lực và cả tâm huyết từ bao nhiêu bàn tay người thợ, mà chỉ có một lòng kính ngưỡng tha thiết cùng tâm thành cúng dường mới có thể hoàn thành ngần ấy công trình lớn nhỏ, trong vòng hàng mấy trăm năm mới xong được một động đá này. Để thấy, cũng là kiến trúc khắc chạm đá tinh xảo, ở những ngôi thạch động dành cho thờ phượng, tín ngưỡng như hang Kailash, năng lượng công phu từ bao nghệ nhân vẫn còn như phả hồn vào đây, xuyên chiều dài không gian hàng ngàn năm. Các nhà lịch sử cho rằng ngôi đền này được tạc qua mười thế hệ và phải mất 200 năm mới hoàn thành.

Đang thơ thẩn đi dạo từng bước một với biết bao trân quý, thì khoảnh khắc tĩnh yên bên trong hang bị phá vỡ. Rất nhiều du khách, chủ yếu là người Ấn, kéo vào đảnh lễ, rồi cười nói lao xao, rồi chụp ảnh… Mình có chút hụt hẫng. Rõ ràng, một nơi năng lượng thiêng lành đến như thế này, một khi lẫn tạp sự ồn náo từ con người, vẫn rụng rơi ít nhiều. Mình nhìn lượng du khách từng đoàn đổ vào lòng hang mỗi lúc một nhiều hơn, quay sang hỏi anh đối tác, xem anh có cách nào đảm bảo đưa được đoàn chúng mình đến đây thật sớm, sớm trước cả khi mở cửa chính thức, để chúng mình sẽ được là những người đầu tiên được đặt chân vào hang động này, một mình đoàn chúng mình sẽ được thưởng thức dòng năng lượng uyên nguyên vào đầu ngày mới nơi đây, để rồi, cả đoàn chúng mình sẽ ngồi lại ở khu đất bao quanh trụ đá, ngồi thiền tĩnh tâm, và đi dạo, cảm nghiệm, chiêm ngưỡng các phù điêu, cảnh vật…chạm khắc trên đá trong tĩnh lặng? Anh làm việc với ban quản lý địa phương một lúc, xong quay sang chúng mình, sung sướng gật đầu. Chúng mình nhẹ cả lòng! Đây chắc chắn sẽ tiếp tục là một thời khắc cộng hưởng đặc biệt, đáng nhớ với tất cả những ai hữu duyên có mặt trong chuyến hành trình An trên đất Ấn chính thức của chúng mình, vào dịp lễ 30/4 tới đây. Thương lắm!

Cảm giác ấy vẫn còn đọng dài lâu trong lòng chúng mình khi rời hang Kailash, chúng mình được đưa sang viếng cụm hang động của những tín đồ Phật giáo. Có một sự khác biệt khá rõ ràng trong chi tiết bài bố, trang trí…bên trong các hang động Phật giáo so với Hindu giáo ở đây. Hầu như tất cả hang động Phật giáo trong thạch khu này đều khá giản dị, với những nét đục, khắc… đá thẳng, đơn giản. Cũng cùng lối phân hai thể loại hang động dành phục vụ hai hướng sử dụng khác nhau tương tự như ở khu Kanheri, các Viharas trống với những hốc đá vuông vức, có lẽ là nơi sinh sống của các tăng nhân. Những khoảng động vuông rộng lớn và dài dành cho các thời cộng thiền. Các Chaityas với cấu trúc mái vòm cao vút tương tự mái vòm châu u đã thấy ở Kanheri, ở nơi đây lại vẫn được giữ nguyên những chạm khắc cầu kỳ, và đặc biệt, nhiều pho tượng Phật vẫn còn giữ nguyên đường nét.

Cho dù có đơn giản hơn trong cấu trúc cắt gọt đá, năng lượng từ các hang động nhóm Phật giáo vẫn tạo cho chúng mình một cảm giác nhẹ nhõm, an yên đến kỳ lạ. Chúng mình đi thêm vào một số các hang động ‘ít nổi tiếng hơn’, tức những hang động không được chọn lựa làm điển hình để giới thiệu mô hình đến khách thập phương viếng thăm. Nơi đây tràn ngập sự yên tĩnh và thanh lành, có lẽ vẫn còn đọng lại thần khí tu tập của biết bao đời tăng nhân trải qua, gắn liền với các hang động này, mà từng nếp đá nơi đây vẫn còn lưu giữ được. Một nguyên nhân cũng quan trọng không kém, là nhờ không được chọn đưa vào làm hang động điển hình để vạn du khách đến thăm, các hang động này ít bị làm phiền bởi dòng năng lượng hỗn tạp từ ta bà, tĩnh tĩnh lặng lặng mà tồn tại. Chúng mình quyết định, sẽ có một thời cộng hưởng trì kinh kệ tại đây. Sự trang nghiêm thành kính của tất cả thành viên trong đoàn cộng hưởng với năng lượng an lạc tĩnh tại chan trải khắp tại nơi này, chắc hẳn sẽ âm thầm bồi thêm dòng năng lượng cho mỗi thành viên trong đoàn nhiều lắm.

Ở đây tụi mình lại được gặp một đoàn các tăng ni và phật tử từ Gia Lai, Bình Thuận cũng đến viếng cụm đền và hang đá này giống tụi mình. Thật hữu duyên và lòng trần ngập nở hoa khi gặp được những đồng hương của mình trên đất Phật, nhất là ở những thánh tích đặc biệt tương đối khó đi như các cụm hang động được khắc trên đá này. Thiết nghĩ, việc xây dựng từ một nền đất nền đá đã khó, tới giờ mình vẫn chưa thể mường tượng được làm sao người ta có thể khắc từ trên đầu núi bổ đá dần bằng tay và các công cụ thô sơ để làm nền đền, đài, cột đá, tượng bên trong, và các cột đều ngay hàng thẳng lối và đều tăm tắp như vậy, các nét tượng Phật lại sống động đầy năng nượng như vậy.

Được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 10, quần thể khu thạch động Ellora của Ấn Độ không hổ danh đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1983. Mình lại thấy mình đắm mình vào không gian này, chậm rãi viếng thăm từng hang động, trèo lên từng bậc thang, cảm nhận từng khoảnh khắc. Lại thêm một lần nữa, câu nói quen thuộc được thốt ra: “Chúng ta dự sẽ dành thời gian trọn vẹn một ngày để cảm nhận không gian năng lượng tại nơi đây, các anh ghi nhận lại nha!” Và, cũng lại là ánh mắt thương cảm đầy thấu hiểu của anh bạn đối tác, cũng lại là kiểu, như tội nghiệp đứa con nít được cho tiếp một viên kẹo nữa mà đang sung sướng ngất ngây rồi, anh bạn đối tác lại tiếp tục mỉm cười: “Bạn khoan hãy lập lịch trình chi tiết nè. Đợi chiều nay, chúng ta tiếp tục đến viếng khu Ajanta Caves, khu bạn mơ ước tới đó, rồi hãy nói chuyện nha!”

Haha, cái cách anh bạn nhìn và nói chuyện với mình, mình cũng quen rồi nha. Ukie, I am fine! 🙂

(Bài tới: Thiêng liêng thạch khu Ajanta Caves)

(08.02.2023 – QH & MayQ Team)

Hiện tại lịch trình của chuyến đi đã hoàn thiện. Bạn có thể nhắn tin cho MayQ Go để được tư vấn và đăng ký tham gia cùng chúng mình nhen.

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart