VIẾT BÊN CHA, NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG…

>
>
VIẾT BÊN CHA, NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG…
MC Quỳnh Hương chia sẻ nỗi lòng những ngày cuối cùng bên cha

Ký ức vốn mỏng manh hơn chúng ta tưởng. Vì thế, trong khi tất cả những điều này vẫn còn rất tươi mới, mình muốn ghi chép lại những ngày này, để sau này ký ức chồng ký ức, đọc lại, có thể nhớ lại những ngày này, rõ nét như thể nó mới vừa diễn ra, ngày hôm qua.

Ngày 24/2/2023, nhằm ngày mồng 5/2 năm Quý Mão, Cha thương của chúng mình ra đi, ở tuổi 86.

Cha tụi mình đã trải qua một năm không dễ dàng. Một con Cọp sinh ngày 7/7/1938, đã trải qua bảy lần bước qua ‘năm tuổi’ của mình. Thì đến vòng năm tuổi lần thứ bảy, Nhâm Dần 2022, ở tuổi 84, ông trở bệnh nặng. 12 căn bệnh nền cùng sự suy yếu tự nhiên của tuổi già khiến ông mỗi ngày một phai đi. Từ một lão ông ngày ngày thích đi bộ công viên trước nhà, vô cùng hứng thú với sự đọc, thích được con cái kể chuyện chúng cho ông nghe và làm quân sư cho chúng, ông dần trở nên quanh quẩn trong gian phòng của ông ở lầu ba nhà mình, con cái có kể gì nhiều, ông cũng không thể nghe được nữa.

Rồi ông khó thể tự lo cho bản thân. Chúng mình tìm một dạng người chăm sóc đặc biệt cho ông. Trải qua một vài người gắn bó được kha khá thời gian nhưng họ rồi cũng ra đi, số lượng người đến rồi đi ngày càng nhiều hơn. Đến mức, đã có lúc chị em chúng mình suýt rơi vào khủng hoảng vì áp lực đi tìm người chăm sóc ông. Ông trở nên khó tính, khó chiều, có những yêu cầu khá kỳ quái, hoặc không giữ lời hứa với chính con cái. Đó là những ngày trước và sau Tết năm nay.

Tụi mình tự hỏi, điều gì đang xảy ra vậy? Chẳng lẽ, Vũ trụ biết tụi mình thương Cha mình đến độ nào, nên đang làm cho ông trở tính… khó thương, để tình thương trong lòng chúng mình vơi đi, để Cha được ra đi mà không bị con cái vướng víu hay sao? Chắc không đâu. Lẽ nào…! Hoặc giả, nếu mọi cái đều là những tín hiệu, vậy, sự biến chuyển rất kỳ lạ trong tính tình của ông, nó đang báo những tín hiệu gì?

Và trên hết những điều này, tụi mình cảm thấy khá khổ sở. Đã hơn một năm qua, mình trở nên thấm thía kỳ lạ với Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh, đã bắt đầu ngấm giá trị của cái sự “Tâm không vướng mắc thì không có sợ hãi”, nên dẫu cũng đi qua một ‘năm tuổi’ (mình cũng là một con Cọp ẩn tuổi Cha, là Giáp Dần), nên bản thân dẫu cũng gặp vài lần bị doạ những tín hiệu của một vài căn bệnh nan y, mình đều quán tưởng “Tất cả đều là cảnh mộng, tâm không được sợ hãi”, rồi chúng cũng qua, và sau đó, các xét nghiệm đều cho thấy tình hình vẫn ở mức an lành. Tuy nhiên, mình vẫn đã không lường trước được hết, có những thứ thử thách, ta hoàn toàn có thể đối mặt với chúng một cách bình thản và kiên định nếu nó diễn ra chính cho ta, trên thân ta. Nhưng vẫn còn đó những ‘vùng lỗ hổng’, đại để như ‘cái gót chân Asin’ của mỗi người, là chỗ yếu, khiến chuyện xảy ra ngay vùng ‘lỗ hổng’ đó, là ta khó thể có được sức mạnh đối phó được mạnh như vậy.

Cha mẹ có lẽ là một dạng ‘cái gót chân Asin’ của chúng mình như vậy. Khi cha tụi mình có những biến chuyển kỳ lạ trên tính tình, gây khó khăn rất nhiều cho bản thân những người thân trong gia đình, và vô cùng khó khăn để tìm được một người chăm sóc chịu ở lại cùng ông được lâu hơn…, mình nhớ lại, có lần một em học viên lớp cấp độ 2 của tụi mình từng đặt câu hỏi, Vì sao những người già họ lại đổi tính hả cô? Em ấy là người chăm sóc người già tại một viện dưỡng lão ở Mỹ, và em quan sát, đại đa số người già ở đó tánh tình rất kỳ quái, khó chịu khó chiều, và sinh ra một số những tính xấu mà em không thể lý giải nổi. Thời đó, bản thân cha mẹ tụi mình vẫn còn khá khoẻ mạnh và sinh hoạt bình thường, nên mình không cảm thấu hết cái khổ trong câu hỏi của em. Và khi đích thân cha tụi mình trở tính, mới hiểu…

Hiểu nỗi khổ trong câu hỏi của em ấy, nhưng không tìm được câu trả lời. Và, trong buổi chia sẻ về nguyên lý ‘Trở về Nhà qua Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh’ ở lớp cấp độ 6 tại Pù Luông, mình có chia sẻ trải nghiệm của chính bản thân mình. Rằng có những thứ cảm thì đã cảm, hiểu nguyên lý đã hiểu, nhưng đối diện với những việc xảy ra cụ thể, đặc biệt là những vùng ‘điểm yếu’ như với cha mẹ, thì chúng mình cũng chưa thể áp được nguyên lý ‘quán chiếu tất cả đều là giả tạm, để tâm không vướng mắc, dẫn đến không có sợ hãi’. Mình thú thật với các bạn học viên của chúng mình, rằng mình quan sát tâm mình, thấy mình vẫn đang thấy rất khổ sở vì trường hợp của cha tụi mình thời điểm hiện tại.

Thì tại buổi học đó, có đến gần chục người học viên chia sẻ câu chuyện gia đình họ với chúng mình. Mới phát hiện ra, việc trở tính ở người già hoàn toàn là phổ biến trong rất nhiều gia đình, là một dạng ‘nỗi khổ khó nói thành lời’ của hầu hết mọi người, mà không ai dám nói ra, vì sợ bị cho rằng “đem lộn áo trái cho người xem lưng”, hoặc tệ hơn, là ‘bất hiếu’… Rồi có một cô bé học viên trong số này nói, cô ơi xin các cô đừng buồn hay giận ông, những gì cô đang kể cho thấy rất có thể ông đang chịu tác động của chứng bệnh Alzheimer, một chứng bệnh ‘khủng khiếp’ đối với người già.

Và mình mới ngỡ ngàng nhận ra, bệnh Alzheimer, trước giờ mình cứ tưởng nó chỉ làm cho người cao tuổi suy giảm trí nhớ, không ngờ lại có thêm rất nhiều khả năng có những triệu chứng khác, trong đó, do thần kinh não bộ bị suy giảm từng vùng, các vùng chức năng hoạt động trong cơ thể có thể trở nên bị tê liệt, dẫn đến người bệnh này không còn làm chủ hành vi hay hoạt động của họ được nữa. Cho nên, những ai không hiểu sự khủng khiếp ẩn tàng của căn bệnh này sẽ tưởng người già nhà mình trở tính trở nết, gây sự ức chế hay bức xúc nơi con cháu, và quan trọng hơn, căn bệnh này không có thuốc chữa, chỉ có thể dùng hiểu để thương và thông cảm mà thôi…

Phát hiện này thực sự là một bước ngoặt lớn đối với nhận thức của chúng mình. Trở về nhà sau khoá giảng dạy ở Pù Luông, chúng mình đã kể lại nhận thức mới này cho cả nhà chúng mình biết; và sau đó, cả nhà bắt đầu nhìn cha bằng một cách nhìn chấp nhận, hiểu hơn, và thương hơn… Thì thật là kỳ lạ, một khi con cái đã nhìn được bản chất vấn đề ở cha, thì cha tụi mình lại đột ngột trở khác, hoàn toàn chẳng còn gì một vết tích của một thời trở tính trước đây nữa, như thể phiên bản ấy chưa từng tồn tại, chỉ là một giấc mộng mà thôi.

Vừa mới chưa kịp mừng, thì ông đột ngột sa sút sức khoẻ một nấc nữa. Đến giai đoạn này, chúng mình bắt đầu chuyển sang một bài thi mới: bài thi cùng ông chiến đấu dài ngày trong phòng Chăm sóc đặc biệt (ICU) trong bệnh viện.

Tới thời điểm này, mình bắt đầu lờ mờ nhận ra, có lẽ chúng mình đang đi vào một bài thi dài, mà ở đó, Ơn Trên đã sắp sẵn một lộ trình mà, khi ta dần ngộ ra từng bước, giải quyết được vấn đề cho chính trường hợp của ta, ta sẽ có thể lan toả những giá trị này cho cộng đồng, cho những ai hữu duyên.

Những ngày quan sát cha chống chọi với sự phát tác của 12 căn bệnh nền đã đến thời kỳ ‘tổng nổi dậy’, mình thấy rõ, cho dẫu đội ngũ y bác sĩ vô cùng tận tâm và đầy trách nhiệm, bây giờ đã không còn là việc viển vông ‘muốn trị bệnh’ cho ông nữa. Ở tuổi 85 như của ông, với một lịch sử bệnh dày như vậy, điều duy nhất chúng mình muốn làm, là tìm ra một phương thức để ông có thể duy trì sự sống trong sự an lạc và ít đau đớn dày vò thể xác. Tấm thân của ông có lẽ đã không còn đủ sức để chịu tác động mạnh và trực diện từ thuốc Tây y như trước giờ. Mình nghĩ tới khả năng chuyển ông sang cầm cự bằng Đông y, miễn sao ông không còn cảm thấy đau đớn là được, còn lại, tuổi 85 cũng đã coi như rất thọ đẹp đẽ rồi, ông có thể phai đi ngày nào, tụi mình quyết hoan hỉ chấp nhận ngày đó.

Tìm liên lạc với một vị bác sĩ đầu ngành trong Đông y tại TP.HCM, mình thực sự bất ngờ lần nữa khi nghe anh cho biết, sẽ không có loại thuốc nào lý tưởng làm được điều chúng mình mong mỏi đó, ở chặng giai đoạn này của sức khoẻ cha mình. Thay vào đó, anh kể chúng mình nghe một câu chuyện từ chính gia đình anh, để chúng mình suy ngẫm thêm.

Anh bảo, vừa trước Tết, gia đình anh vừa tiễn biệt người mẹ vợ. Bà cũng đã 94 tuổi rồi, và là một người Phật tử kinh qua tu tập lâu năm, trước cơn bệnh nặng, bà ‘ra chỉ thị’, cấm không cho con cái đưa bà vào bệnh viện, không được cho bà thở ôxy, gắn ống, hay vô ICU… gì hết. Bà nói, nếu con cháu thực sự có hiếu và muốn bày tỏ lòng hiếu thảo với bà, hãy về tề tựu quanh bà, lúc bà mệt nặng, chỉ cần đọc kinh và niệm Phật hộ niệm cho bà mà thôi. Bản thân bà cũng tự niệm Phật hộ niệm cho mình, nhưng bà biết, lúc bà yếu đi rồi, bà sẽ cần tiếng hộ niệm từ con cháu như vậy. Và anh bác sĩ bảo, anh đã trải nghiệm một sự ra đi đẹp vi diệu em ơi. Đến nỗi, anh bảo các con anh, sau này ba già hơn, ba cũng sẽ muốn được làm như vậy, coi như ba đã ra ước nguyện trước, sau này các con cũng nhớ làm theo như vậy nhé.

Nhưng anh cũng bảo thêm với mình, nó đẹp như vậy là phải do ‘chính chủ’ ra chỉ thị, thì con cháu mới dám làm theo ý nguyện của bà. Chứ đại đa số con cháu của những người già, nỡ lòng nào mà thấy cha mẹ mình khó thở, sa sút sức khoẻ, mà đành lòng không đưa vào bệnh viện cấp cứu? Mà đã vào cấp cứu, tình hình trở nặng, làm sao nỡ không đưa vào phòng ICU, dẫu biết rằng vào đó, thực sự là một hành trình thống khổ và đau đớn kéo dài, với hàng loạt ống dẫn cắm vào mũi, vào miệng, hàng chục ống kim tiêm truyền khắp tứ chi, nhiều người còn được chích thuốc an thần dài hạn để giảm thiểu đau đớn và dễ hơn cho việc điều trị… Và nghiêm trọng hơn, một khi tình hình nằm ICU đã kéo rất dài và biết chắc rằng không có khả năng phục hồi, liệu con cháu nào đủ dũng khí tuyên bố ngắt máy trợ thở, rút ống dẫn khí, vì biết rằng như thế cha mẹ mình sẽ ra đi?

Mình hỏi, vậy chẳng lẽ mình đành lòng cam chịu thúc thủ tình hình như vậy sao anh? Anh bác sĩ trầm ngâm rồi đáp: em là người có học Phật, hiểu đạo, chắc chắn em sẽ tìm ra được một cách thức gì đó để cha em có thể hoặc khoẻ lại, hoặc ra đi một cách nhẹ nhàng…,. Em thử nghĩ đi.

Câu chuyện với người bác sĩ Đông y này làm mình trầm ngâm suy nghĩ một đêm. Rồi sực nhớ, vừa trước Tết, trong một cuộc chuyện trò thăm hỏi cuối năm với một người chị từng có duyên dẫn dắt tâm linh cho mình thời kỳ đầu, tự nhiên chị kể đến việc trì Kinh Địa Tạng. Và, cũng tự nhiên, chị nói, em nhớ nhen, nếu muốn cầu nguyện cho sức khoẻ ba mẹ mình mà có đọc Kinh Địa Tạng, thì đừng hồi hướng cho ba mẹ, mà phải hồi hướng cho nghiệp, tức các oan gia trái chủ của ba mẹ mình, mới đúng nha. Và chị kể, trước Tết chị có đến viếng thăm một cụ già cũng 94 tuổi, nằm liệt giường đã lâu, nhưng duy trì mãi tình trạng sức khoẻ rất kém đó mà tiến không được lùi cũng không được. Khi chị nhìn xuống chân giường nơi cụ bà đang nằm, thì trong một sát na, chị lại như nhìn thấy như có rất nhiều chư vị oan gia trái chủ của cụ bà đó. Chị bèn nói với người con gái cụ, cũng là người chăm sóc bà, rằng có thể cụ bà bị oan gia trái chủ kéo lại chưa cho ra đi yên thân đấy. Và chị bày người con gái cụ trì Kinh Địa Tạng hồi hướng cho chư vị oan gia trái chủ ấy, từ 4 đến 7 biến thì cụ sẽ ra đi được yên lành. Người con gái cụ làm theo, và quả thật, đọc được đến lần thứ 7 toàn bộ cuốn Kinh Địa Tạng thì cụ bà nhẹ nhàng nhắm mắt.

Có một cái gì đó, như loé sáng trong mình. Cha mình vốn sống và sinh hoạt cũng bình thường như bao người, không hiểu vì sao chịu rất nhiều vấn đề về sức khoẻ, mắc rất nhiều bệnh nền thuộc loại trầm kha từ khi còn tuổi trẻ. Tới khi biết được Nhân số học, nghiền ngẫm nhiều triết lý sâu xa trong nó, mới dần hiểu ra rằng, một người mang con số 7 ít nhiều chịu tổn thất – nhìn theo một lăng kính nào đó, chính là thời điểm nghiệp cũ từ vô lượng kiếp tạo tác đủ duyên tụ lại, mà một người có duyên tu tập sẽ tận dụng khoảng thời gian này để rốt ráo sám hối chuyển hoá nghiệp thức. Mình đã từng rất thắc mắc, một người bệnh nặng, vì sao không đi đi cho khoẻ, mà vẫn nấn ná ở lại thế gian chịu khổ? Và mình tìm được câu trả lời, rằng dù có bệnh họ vẫn ráng nán lại thế gian để được tu tập sám hối được càng sạch nghiệp cũ càng tốt, thì giờ phút nào họ đủ duyên ra đi, ít ra không cải thiện được tấm thân nhiều bệnh tật do nghiệp cũ còn vương mang, nhưng đời sau có tái sinh lại làm người, ít ra tấm thân đời sau cũng sẽ khoẻ mạnh hơn. Và mình quan sát, chẳng hạn như Cha tụi mình, hồi trước cũng được tụi mình hướng về đọc kinh niệm Phật, thì những ngày tháng sau này, tự nhiên ông bị cản trở gì, mà tin Phật thì vẫn rất tin, nhưng mỗi lần mình lên đọc cho ông nghe kinh, thì ông chỉ nghe được một chút rồi kêu ngưng, có mở kinh hay pháp âm ông cũng không nghe nổi. Vậy, rõ ràng, dạo sau này ông bị bệnh tật quấn thân càng trở nặng, bản thân ông không thể tự tu giải nghiệp, mà ông có đang ráng nán nán lưu lại đời sống này trong tình trạng ngày càng đau đớn khổ sở, là vì lý do gì?

Mình nêu câu hỏi đó xong, tự nhiên sáng ra một điều: Những người không thể tự tu được, việc họ bị lưu lại đời sống trong tình trạng sống không được chết cũng không xong, có khả năng họ đang bị các ‘oan gia trái chủ’ níu kéo chân lại, để tiếp tục chịu khổ và trả nghiệp cho họ. Thế là mình thành tâm phát nguyện, sẽ đọc từ 4 đến 7 biến Kinh Địa Tạng để hồi hướng cho chư vị oan gia trái chủ của Cha, hồi hướng công đức tu tập của mình để nguyện cầu cho chư vị ấy sớm được vãn sanh cực lạc. Chỉ với một ước nguyện: Cha tụi mình nếu còn duyên mạng thì quay trở lại thật khoẻ mạnh an vui cùng con cháu; còn nếu mạng đã đến thời tận rồi, thì xin hãy đủ duyên được ra đi một cách nhẹ nhàng nhất có thể, và đặc biệt, xin hãy ra đi lúc đủ bốn đứa con gái của Cha còn có mặt tại Việt Nam, và quây quần được quanh ông trong những giây phút cuối đời của ông. Mình phải đặc biệt xin ý này vì thật sự, lịch công tác nước ngoài của mình trong thời gian tới này rất dày, xác suất con bé Quỳnh cưng của ông không có mặt được cùng ông phút cuối là rất cao.

Đó cũng là lúc mình chuẩn bị bước vào chuyến hành trình Tứ Động Tâm thứ 8, đưa gần 180 người sang tu tập tại Ấn Độ trong vòng sáu ngày. Lúc này, tình hình Cha mình trở nặng, nói thật là có thể ra đi bất cứ lúc nào. Chị Diễm Hương và em Yến Hương mình đã phải hy sinh ở lại nhà để túc trực canh sẵn bên cạnh ông để có gì kịp ‘trở tay’. Mình, với trọng trách của người dẫn đầu đoàn, không thể không đi được. Và vì thế, suốt sáu ngày trên đất Phật, bên cạnh những thời khoá tu tập cùng cả đoàn, cứ sểnh ra được chút thời gian trống là mình lại mở quyển Kinh Địa Tạng ra mà đọc dần dần. Vậy mà trong sáu ngày đó, mình ‘tu mót’ được ba biến Kinh Địa Tạng. Tin tức từ nhà vẫn được cập nhật đều đặn: Cha vẫn còn ở lại đó như trụ chờ ngày mình về, thật biết ơn về điều đó.

Nhưng sau khi về lại tới Việt Nam, bắt đầu phải đối mặt những thử thách trở ngại với bệnh tình ông ngày càng trở nên phức tạp. Lục phủ ngũ tạng trong cơ thể ông đã trở nên xuống cấp đồng loạt, mà thuốc đặc trị bệnh này sẽ kèm tác dụng phụ là làm trầm trọng hơn một bệnh song song tồn tại, cứ thế mà xoay mòng… Đến nước này thì ngay cả một người chị trước giờ thuộc vào loại ‘chướng duyên trở ngại’ nhất trong tu tập của tụi mình là người chị đầu, cũng phải quá đau lòng cho tình hình hiện tại. Tuị mình phân tích cho chị nghe, để tất cả nhìn rõ sự thật là, tình thế này, cũng không còn cách nào khả thi hơn, ngoài cách mỗi người đều cố gắng đọc kinh hồi hướng về ông.

Chị Hai mình, một người có những chỉ số tâm linh rất cao trong các biểu đồ và dữ liệu các thể loại Nhân số học, trước giờ lại luôn gặp chướng duyên trong việc miên mật tu tập. Đã gần ba năm nay, từ ngày phát hiện ra ‘chân nhân bất lộ’ này, mình ngưng chọn cách hối thúc chị trực diện tu tập, chỉ thật tỉnh táo quan sát thời thế, rồi lúc nào ‘thuận nước đẩy thuyền’ từng chút một. Năm nay chị rơi vào điểm trũng năm cá nhân số 4 của đỉnh cao ‘đương nhiệm’ là đỉnh số 7, ám chỉ nhiều nguy cơ tổn thất đau thương. Chị lại có vẻ là người có kết nối với Cha rõ ràng nhất. Cha nằm phòng chăm sóc đặc biệt, làm sao có thể được cầm điện thoại. Vậy mà cái ngày bác sĩ báo sẽ phải ngưng chạy thận sau vài ngày điều trị để tìm ra phương án khác hữu hiệu hơn, tầm khuya sang sáng, tai chị nghe rõ ràng giọng Cha gọi chị, giọng của một người đang từ trong bệnh viện và vừa được rút ống thở. Điều này làm một con người trước giờ cái gì ‘chỉ thấy mới tin’ (đặc trưng điển hình của những con người có mũi tên 147) đã làm chị rúng động. Chị quyết định, đích thân phải làm nhiều hơn một cái gì đó, cho phần linh hồn của Cha. Thế là, chị cũng bắt tay vào đọc Kinh Địa Tạng.

Cũng theo lời dạy từ Kinh Địa Tạng, chúng mình cũng thay Cha, trích hẳn một số tiền trong khoản tích cóp yêu thích của ông từ tiền biếu của con cháu hàng tháng, gửi xuống nhờ vị sư cô chị họ của chúng mình xây một cây cầu ở vùng nông thôn sâu để đứng tên ông, bồi thêm phước cho ông.

Cái gì cần làm cho ông cũng đã làm rồi. Mình nhìn lại, chỉ còn một nhân vật nữa trong gia đình mình, là người dì ruột duy nhất của tụi mình, đang sống cùng mình, cũng được tính như người bà trẻ của Tin con trai tụi mình. Người này mang một cuộc sống với rất nhiều thăng trầm lạ lùng, mà chỉ khi mình nhìn vào được các biểu đồ Nhân số học của bà, mới tá hoả nhận ra, bà là một hàng ‘căn cơ thứ dữ’ về mặt tâm linh, mà có lẽ vì một chướng duyên sâu dày nào đó, mấy chục năm nay mãi vẫn chưa đủ duyên biết quay về tu tập miên mật để nhận ra nội lực chân thật của mình. Và mình cũng nhận ra, có lẽ không phải vô tình mà Ơn Trên đã sắp xếp cho bà và mình ở cùng nhau trong một gia đình ruột thịt, trong đó bà và mình có hai biểu đồ giống nhau đến 90%, chỉ là, bà có thêm hai số 7, một ở tháng sinh, một ở nhà ‘hậu vận’ cuối đời, mang ý cả cuộc đời bà có khả năng chồng chất tổn thất đau khổ, mục đích chính là để đánh thức con người tâm linh bên trong bà dậy, mà nếu bà vẫn không nhận ra hay đủ duyên làm được điều này, phần cuối đời của bà cũng sẽ có khả năng vẫn chìm trong đau khổ. Nhận ra được điều này, mình và Tin quyết tâm dùng tình thương và sự kiên nhẫn hết sức có thể để từ từ khéo léo dẫn bà từng chút một về với con đường tu tập. Từng chút từng chút một, bà xoay chuyển dần dần…, và cho đến cái ngày tình hình Cha tụi mình trở nặng, dì cũng đã quyết định tự mình đọc Kinh A Di Đà để hồi hướng cho ông.

Đêm hôm đó, mình soạn xong đồ đạc, kéo vali ra xe tập kết sẵn, chuẩn bị mươi phút nữa sẽ lên đường ra Đà Lạt để bước vào lớp dạy Offline cấp độ 3 Quản trị cuộc sống với Nhân số học, thì em Yến Hương mình liên lạc, báo bệnh tình cha đã trở rất nặng, bác sĩ đã gọi em ấy vào bàn khả năng xấu nhất. Mình nói, việc quan trọng nhất, là cố gắng xin được xuất viện càng sớm càng tốt, và cấp tốc đưa ông về kịp lại Long An, nơi có căn nhà gắn bó với ông mấy chục năm qua, mà ông vẫn hằng mong ước được trở về.

Lần đầu tiên trong đời, mình nếm trải được cái cảm giác ‘nhận tin dữ trên đường công tác’ là như thế nào. Mình để lại chuyến xe với đầy ắp học viên cho các đồng đội trong team chăm sóc, ngoắc một chiếc xe taxi, lặng lẽ về lại nhà. Cùng lấy ra hết những bộ quần áo, tư trang… của Cha, cũng soạn lại một vali toàn đồ trắng cho mình, rồi cùng với các chị khác và anh xã mình, lên xe chạy theo xe cứu thương chở Cha mình hồi cố hương.

Trên xe trên đường về nhà, mình có thời gian quán chiếu lại tất cả những gì đã diễn ra suốt hơn một năm qua, rất nhiều những thử thách, chướng ngại về tâm lý và sức khoẻ của Cha, cứ như cột gút rồi lại thắt thêm nút… Cho đến giờ phút này, tự nhiên tất cả như ráp lại với nhau thành một chuỗi sự việc kết nối liền mạch vô cùng khớp nhau. Liền ngộ được một điều: tất cả chúng mình đều đang trên con đường thi những bài thi vô cùng lớn lao, mà Cha chúng mình được chọn lựa trở thành cái đề thi, cũng đồng thời như một liều thuốc giải cho tất cả những ai có duyên can dự vào cái đề thi này. Và với cá nhân mình, cái đề thi được cộng thêm một hạn mục lớn lao: học trải nghiệm ‘đối diện những vấn đề khắc nghiệt về ‘lão, bệnh, tử’ ở người thân lớn tuổi trong nhà, để một mai nếu có vượt qua được thành công, sẽ có đủ cơ duyên để chia sẻ và lan toả những thông điệp và giá trị này rộng trong cộng đồng.

Mình cũng ngộ ra một vai trò đẹp đẽ của Cha mình trong vai trò ‘đồng thí sinh’ trong bài thi đời cuối cùng của ông: độ cho đám người thân, con cháu trong nhà, những kẻ trước giờ tuy có kẻ chậm người nhanh, tất cả đều đã từ ông, vì ông mà dần được xoay chuyển, tự nguyện quay vào đúng lộ trình tu tập tâm linh cần thiết cho mỗi con người trong hành trình tiến hoá của họ.

Riêng với mình, ông còn đặc biệt tặng cho một sự thôi thúc nữa. Đã hơn một năm nay, càng ngày mình càng cảm nhận sự cần thiết phải chuyển sang ăn trường chay, vì nó rất cần cả về sức khoẻ thể chất lẫn phần tâm linh cho một người làm công tác dẫn chúng như mình. Nhưng có lẽ túc nghiệp vẫn còn, nên dẫu đã bớt đi rất nhiều phần lệ thuộc đồ ăn mặn, mình vẫn chưa dám dấn qua con đường ăn chay dài hơi hơn, sợ mình chưa kham được. Khi ông đổ bệnh, chị em chúng mình đủ quyết tâm phát nguyện ăn chay cho ông, và giờ đây, mình bỗng cảm thấy, sau ngày ông về với Phật, mình nên ăn chay thêm một năm nữa để hồi hướng cho ông vững bền tu học trên cõi Cực Lạc, không còn đáo tới lui trong cõi sinh tử luân hồi. Một năm ấy, nếu đó đã là một lời phát nguyện nghiêm túc, cho một ý nghĩa vô cùng lớn lao hướng đến Cha, mình tin rằng mình sẽ đủ quyết tâm theo được.

Tự nhiên mình nghẹn ngào muốn khóc. Cảm giác này không phải là những giọt nước mắt đau khổ hay hoang mang, mà là cảm giác kính thương Cha vô hạn. Cha, một con người chịu nhiều trắc trở trong sự nghiệp cùng nhiều tổn thất về sức khoẻ, cuối đời vẫn chịu ‘đóng vai’ tiếp tục chịu nhiều đau khổ bệnh tật, như những phương tiện hết sức tinh tế để lái tất cả những người thân của ông đi vào đúng đường, đúng lối, theo những cách thức họ tự nguyện chứ không hề ép buộc khô khắc. Và bằng cách đó, tự nhiên mình như nhìn thấy, Cha mình thực ra đâu thực sự chịu khổ. Ông chỉ đang được Ơn Trên giao ‘vô vai khổ’, để, bằng những hình ảnh giống-hệt-như chịu khổ kéo dài đó, ông làm động tâm đạo của những người có liên quan!

Để rồi hôm nay, tất cả những kẻ cần độ đều đã được độ xong, nhiệm vụ của ông ở thế gian thế là cũng đã hoàn thành viên mãn, là lúc ông đã sẵn sàng buông tay thanh thản rời khỏi thế gian này.

Ngẫm ra được đến đó rồi, bỗng dưng thấy, tất cả những chặng đường khổ khó đã qua, đi cùng Cha hơn một năm qua, bỗng trở nên hoá thinh không. Bỗng dưng có trực giác, cái ‘đề thi liên hoàn’ tụi mình vẫn đang miệt mài cùng giải với Cha suốt hơn một năm qua, giờ đây, lời giải cuối cùng nằm ở chính những giây phút cuối cùng sắp tới này. Tất cả những gì chúng mình đã cố gắng để hiểu, để chạm, để xoay chuyển, có được hay không, tất cả nằm trong những khoảnh khắc sắp tới đây.

Để rồi, như một giấc mơ, Cha tụi mình rốt cục cũng thực sự đã kịp chạm đến được ngôi nhà thân thương của ông ở Long An. Ông đã được nằm bình yên giữa gần như đầy đủ con cháu và người thân bao bọc xung quanh, đôi mắt khi về đến nhà bỗng dưng mở hé. Mà còn hơn cả một giấc mơ, ông đã còn ở lại thêm với con cháu được thêm ba tiếng đồng hồ cuối cùng quý giá.

Trong ba tiếng đồng hồ quý báu cuối cùng ấy, đám con cháu và những người thân chúng mình, người thì cất tiếng hộ niệm Phật cho ông, người bóp khẽ nhẹ nhàng những hồi bóng trợ oxy cho ông, kẻ nắm tay, kẻ vuốt ve gương mặt ông với tất cả niềm thương và lòng biết ơn… Mình được vị sư cô chị họ giao nhiệm vụ quan trọng, là luôn ở sát bên ông những giây phút cuối cùng, bởi sư cô dặn kỹ, lúc này thần thức ông đã mong manh lắm, rất cần mình trợ năng lượng và trấn an, dẫn dắt cho ông liên tục. Và chao ơi, mình biết ơn ba tiếng đồng hồ ấy, mình đã kịp nói với ông rất nhiều thứ, động viên cho ông an tâm, dặn dò ông những điều cần thiết để chuẩn bị hành trang làm một bước đi quan trọng. Và, mình có cảm giác, có lẽ tất cả những bài dẫn chúng trước đây của mình đã vô hình trung là những phần ‘thực tập’ tuyệt vời để mình dồn cả hồn mình vào phút giây cuối cùng ấy, cho Cha. Mình cũng có cảm giác, toàn bộ công phu tu tập của mình bao nhiêu năm nay chắc cũng là để dành cho những phút giây đặc biệt ấy. Mình cười nhẹ, mình vỗ về ông, mình xoa xua đi những cơn đau có thể vẫn còn đang làm ông khó chịu, và mình trấn an ông, rằng thân xác đau đớn già nua này hay những cảm giác đau đớn này đều không có thực, và Cha đang sắp bước vào một cơ hội lớn, là được thức dậy, và nhận ra cuộc đời với những thăng trầm đã qua bất quá chỉ là một giấc mộng, và Cha sẽ được bước ra khỏi giấc mộng dài 86 năm trần thế, để chạm đến cái thực tế, chính là sự đẹp đẽ uyên nguyên của sự không sinh không diệt! Hoặc giả, đó cũng chính là cái đẹp đẽ không thể nghĩ bàn của Thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Mình còn đưa được cả giá trị cốt lõi của Bát Nhã Tâm Kinh cho Cha nghe, và tự nhiên, thêm một lần thấy biết ơn Bát Nhã Tâm Kinh quá!

Chúng mình quan sát gương mặt ông dần giãn ra, nét mặt thanh thản không vương một chút âu lo nào sót lại. Và vào 11 giờ sáng, ông dần chính thức ra đi trong sự ấm áp ấy. Chúng mình vẫn giữ tiếng hộ niệm Phật, không một chút ngưng nghỉ, và đã được dặn kỹ, là giây phút đặc biệt ấy nhất định không được khóc, vì như thế linh hồn ông sẽ vô cùng hoang mang. Đứa nào nhịn không nổi cũng chỉ âm thầm chảy nước mắt, không một tiếng gào khóc níu giữ. Cái giây phút ấy, sao mà mình trân quý đến vậy, sao mà thương đến vậy! Mình khẽ vuốt đôi mắt ông nhắm lại hoàn toàn. Và, sau khi chúng mình cùng nhau lau người ông lần cuối cùng, cùng ngắm lại gương mặt ông lần nữa, bất ngờ đến ngỡ ngàng, khi thấy trên gương mặt bình thản an nhiên của ông sao như thấp thoáng nét cười!

Chúng mình được dặn rằng, thần thức của người vừa mới mất đi, trong vòng tám tiếng đầu tiên vẫn vô cùng mong manh, vì thế không được ngưng hộ niệm. Và thế là, suốt tám tiếng sau đó, đám con cháu chúng mình đã chia ca nhau, thay phiên ngồi bên cạnh ông, hát niệm Phật cho ông nương theo. Trước giờ đôi khi vẫn nghe nhắc về ‘ban hộ niệm’ thường có mặt tại những nơi có người sắp mất, nhưng nói thật lòng, chỉ đúng đến ngày hôm đó, mình mới thực sự biết rằng, chỉ nội trong đám con cháu chúng mình thôi, toàn dân ‘cây nhà lá vườn’, chúng mình đã hoàn toàn bên ông như ‘ban hộ niệm’ gần gũi thân thương với ông nhất, kéo dài một thời gian mà thật không tưởng tượng nổi là chúng mình đã có thể đi qua được ngần ấy: ba tiếng trước khi ông mất cùng tám tiếng sau đó cho đến khi ông được tẩn liệm, là tổng cộng mười một tiếng đồng hồ!

Bài viết đặc biệt này, mình đã viết ròng rã suốt bốn ngày hôm nay, kể từ ngày ông chính thức ra đi, mỗi ngày một chút, lách ra giữa những thời gian bận bịu đón khách và cám ơn những người bà con họ hàng hay bằng hữu… đến viếng Cha. Có một khoảng thời gian mình đặc biệt yêu thích được nối tiếp những dòng hồi tưởng về những phút giây cuối cùng bên Cha, là vào buổi khuya sớm, giờ thức giấc tự nhiên của mình hàng ngày để trì công phu sáng. Những ngày này, vào giờ này tất cả các em cùng mình trực quanh linh cữu Cha đều đã đi ngủ, chỉ còn lại mình lách cách với tiếng gõ của máy tính, trong làn khói hương trầm thoảng nhẹ vòng quanh. Chúng mình hiểu rõ, tất cả đều là sự vô thường, và như Sư ông Thích Nhất Hạnh từng nói, cha mẹ ông bà chúng ta không hề chết, mà hình ảnh của họ vẫn luôn sẽ được tiếp nối trên chính hơi thở, nếp sống của chúng ta hay của con cháu chúng ta. Chúng ta là những sự tiếp nối đầy yêu thương, và, nếu chúng ta ý thức đầy đủ về điều này, mỗi hơi thở sự sống của chúng ta đều chuyên chở những giá trị miên viễn của nhiều thế hệ. Bằng cách này, Cha tụi mình đã không chết đi. Ông đã chỉ đi về với Phật, hoà nhập lại vào cõi không sinh diệt, để lại trong mỗi đời sống của chúng mình và con cháu chúng mình từ đây về sau một ý thức về sự cố gắng. Cố gắng sống yêu thương và từ bi vô ngã vị tha, như cách ông đã dùng sự hy sinh của bản thân mà xoay chuyển cháu con vào con đường đạo. Cố gắng ướp chính mình vào những môi trường thanh lành, như những nụ hoa luôn được tưới tắm dưới năng lượng lành và ánh sáng trong veo của mặt trời, để rồi, chắc chắn, đủ nắng đủ gió, hoa sẽ nở.

Những ngày này, tại gia đình chúng mình không có tiếng khóc, chỉ có những nụ cười ấm áp. Chúng mình thực sự hạnh phúc lắm khi đủ duyên cùng Cha đi qua những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất của một đời người, và chúng mình sẽ tiếp tục lưu giữ cảm giác hạnh phúc này dài lâu về sau, như một sự gắn kết vô giá giữa các thành viên trong nhà. Chúng mình sẽ đang và sẽ tiếp tục sống không phải chỉ cho bản thân chúng mình, mà còn cho cả như sự tiếp nối của Cha chúng mình nữa.

Thương lắm, Cha biết không! Cha yên lòng ở cùng Phật nhé!

(Buổi tối cuối cùng bên linh cữu Cha, 27.2.2023, tức M8/2 Quý Mão – QH & Gia đình Lê Đỗ)

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart