TỊNH NEPAL – BÀI 3: MOUNT SHIVA, ĐỈNH ĐỒI THỜ THẦN SHIVA LINH THIÊNG Ở POKHARA

>
>
TỊNH NEPAL – BÀI 3: MOUNT SHIVA, ĐỈNH ĐỒI THỜ THẦN SHIVA LINH THIÊNG Ở POKHARA
TỊNH NEPAL – BÀI 3: MOUNT SHIVA, ĐỈNH ĐỒI THỜ THẦN SHIVA LINH THIÊNG Ở POKHARA

Ngày đi khảo sát ở World Peace Stupa tên ngọn núi ở Pokhara, khi phóng tầm mắt 360 độ xung quanh, mắt chúng mình dừng ở một ngọn đồi cao cách đó không quá xa. Non xanh mây trắng hữu tình, và ở trên đó, sừng sững một pho tượng rất lớn. Mình hỏi anh đối tác đưa chúng mình đi khảo sát, rằng đó là tượng của vị nào thế. Anh nói, là tượng Thần Shiva, một trong ba vị thần vĩ đại nhất của chủ nghĩa thờ đa thần của đạo Hindu.

Trong lịch trình, dĩ nhiên đâu có phần đi khảo sát thêm ngọn đồi bên đó. Nhưng phong cảnh hữu tình cùng với đại tượng Ngài Shiva sừng sững giữa trời ấn tượng đến nỗi, thật lòng mình muốn được đi sang bên đó lắm. Như mình từng chia sẻ trong một số bài viết trước đây, với mình, tôn giáo nào cũng chỉ là những cánh cổng khác nhau, con đường khác nhau để đưa con người ta trở về với một đỉnh núi duy nhất, là tình yêu thương không phân biệt và lòng tử tế vô hạn lượng. Vì thế, như một nhân duyên lớn, Phật giáo trở thành ngôi nhà chính của chúng mình, là nơi nương dựa thiết tha nhất của chúng mình, tuy nhiên, chúng mình cũng vẫn rất kính quý các tôn giáo thiện lành khác mà chúng mình hữu duyên được tiếp xúc, như Thiên Chúa giáo, Hindu giáo… Huống hồ, dòng Yoga mà mình vẫn chăm chỉ tập luyện và nhờ đó mình có được sức khỏe và trở nên minh mẫn hơn, cũng là từ Ấn Độ, những ngôi đền Ấn giáo trên đất Việt Nam, một thời mình đã thường xuyên lui tới đảnh lễ và cảm nhận các Ngài cũng vô cùng yêu thương và chở che chúng mình. Vì thế, mỗi khi đi đến đâu có những ngôi đền thờ Hindu giáo, nhất định mình đều dành cho những nơi ấy sự quan tâm và kính trọng đặc biệt.

Các bạn trong đoàn ngăn chúng mình tiến bước sang ngọn đồi bên kia, vì không còn đủ thời gian nữa. Đành vậy. Chúng mình bấm bụng mà về lại trung tâm Pokhara để đi tiếp sang viếng thăm một tu viện của người Tây Tạng tại Nepal. Ở đó, chúng mình được tham gia một buổi lễ tụng kinh chiều của quý sư thầy, rồi một thời thiền tĩnh tâm ngắn. Trời đã ngả sang chiều. Thời thiền giữa gian chánh điện tu viện Mật Tông cũng trở nên sánh và cô đặc lạ thường. Mình trả cái đầu mình về số 0, chỉ quan tâm tập trung vào hơi thở. Hít vào, thở ra một hồi…, mình lại càng thôi thúc một cảm giác khác thường. Mở bừng mắt ra, nhìn sang bên phải để kiếm đồng minh, thì vừa hay, em Phong Windie cũng vừa mở bừng mắt từ thời tĩnh tâm của em ấy và nhìn sang mình. Hai chị em, không phát ra một lời nào, bỗng dưng trong khoảnh khắc ấy bỗng trở nên được kết nối nhạy và tốt một cách lạ thường. Có thể, đây chính là cái gọi là ‘tâm ứng tâm’ mà các thầy hay mô tả chăng? Chỉ biết, hai chị em mình nhìn nhau qua một thoáng, cùng gật đầu với nhau một cái, là tìm cách đứng dậy, xin đi ra ngoài. Và, một khi đã ra được khu vực có thể trao đổi tự do, câu đầu tiên cả hai chị em mình bật ra, chính là “Quay trở lại đỉnh núi có Thần Shiva!”

Nói như vậy, để bạn có thể cảm được rằng, quyết tâm trèo ngược lên đỉnh núi có tượng thần Shiva gần như là một thôi thúc được dẫn dắt, được truyền đến với cả hai chị em mình cùng lúc. Lúc đó trời đã ngả chiều rất đậm đà. Anh đối tác hướng dẫn cho chúng mình, cũng phần nào quen với cái tính khá tự do và đầy cảm tính của chúng mình, cũng ngần ngại bảo rằng, bây giờ chúng ta sẽ cố gắng hết sức, vì đường đi ngược lên trên đó cũng phải mất gần một tiếng, trong khi các ngôi đền thờ ở Ấn hay Nepal luôn đóng cửa cùng với giờ mặt trời đi ngủ. Nghĩa là, khả năng chúng ta đi lên đến nơi và… không vô được bên trong đền là rất cao. Nhưng chúng mình vẫn mặc. Vì hôm ấy đã là ngày cuối cùng chúng mình lưu lại Pokhara, ngày hôm sau đã phải đi về rồi. Và hơn nữa, tự nhiên chúng mình có một niềm tin tương đối mãnh liệt, là nếu đã là duyên đưa chúng mình quay lại, thì kiểu gì chúng mình cũng sẽ được cho lọt qua cánh cổng rào mà đi được vào bên trong đền mà thôi!

Và quả thật, vượt đường xá xa xôi, lúc chúng mình đến dưới chân đồi, từng đoàn người đông nghịt đang dần đi xuống, nghĩa là, đền đã đến giờ đóng cửa rồi. Anh hướng dẫn hỏi lại lần nữa, các bạn chắc vẫn muốn trèo lên đó chứ, nhắc lại, là vì đường xá hơi dốc và lởm chởm, hơi khá khó leo đó nha! Tụi mình gật đầu, chắc như đinh đóng cột: Đi!

Và bắt đầu một hành trình leo ngược dốc đồi, haha, thật sự là trekking ngoài ý muốn. Chiều càng sẫm dần. Lúc này đây, em Phong hầu như phải nắm cánh tay mình mà kéo lên, phần vì phải đi lên trong thời gian ngắn nhất, một phần vì trời nhá nhem tối, đôi mắt cận thị của mình nào có phân biệt gì rõ ràng. Nhưng vẫn cắm đầu leo lên, leo ngược dòng người đang lũ lượt kéo nhau đi xuống, chắc họ thấy ba người chúng mình đi cũng lấy làm lạ lắm. Tuy vậy, có một điều làm động lực cho chúng mình kinh khủng, là từ trên cao ấy, cùng với cự ly mỗi lúc một gần lại, đại tượng của Thần Shiva càng trở nên sừng sững, và sống động vô cùng!

Hào hển leo lên được đến nơi thì đúng là… cửa rào bao quanh đền đã đóng lại từ lâu, và chỉ còn bóng đêm, cùng với ba đứa chúng mình. Tụi mình đứng thở một hồi, mới nhìn thấy một người đàn ông có lẽ là bảo vệ ngôi đền đến gần, giải thích bằng tiếng địa phương về việc đã đóng cửa. Bạn đối tác của chúng mình thiết tha giãi bày một thôi một hồi, sao đó mà một lúc sau, anh kia gật đầu, hé một cái thanh cửa hẹp, cho chúng mình len vào. Phải, sự thật đúng là như vậy, chúng mình rốt cục đã lách được qua tấm chắn và len vào được bên trong không gian ngôi đền! Mình cảm động quá độ, hỏi bạn đối tác, hồi nãy bạn nói cái gì với anh ấy mà ảnh rốt cục đổi ý, chịu cho chúng mình lách vô vậy. Anh bạn cười, nói tui nói lời thiệt thôi mà, nói mấy bạn này đường sá xa xôi, tuốt từ Việt Nam bên Đông Nam Á lặn lội sang đây, còn có lòng leo ngược giờ chiều tối lên đây để được vào kính đảnh lễ Ngài, lẽ nào anh không mở lòng thương cho họ một cơ hội sao…

Ái chà, mình nhìn lại anh bạn đối tác thêm một lần nữa, mắt lấp lánh yêu thương.

Được vào bên trong rồi, chúng mình quỳ gối, đảnh lễ Ngài. Cũng thưa y như vậy, rằng chúng con đường sá xa xôi, một lòng được thôi thúc lên đây kính đảnh lễ Ngài, hy vọng rằng sau này, biết đâu sẽ đủ duyên đưa được những người hữu duyên đến đây, kính đảnh lễ Ngài và hưởng được trường năng lượng thanh lành nơi đây, giống như chúng con hôm nay. Tự nói rồi tự cảm động luôn rồi, mắt có chút rưng rưng. Nghĩ lại một quãng đường dốc ơi là dốc lặn lội trèo lên, trong bụng nghĩ nếu Ngài có linh thiêng, hẳn cũng đã chứng kiến được cảnh mấy chị em mình trèo đồi lội núi vất vả cỡ nào. Nhưng mà trải nghiệm được đảnh lễ rồi đi kinh hành một vòng dưới chân Ngài ở đó thật là quý giá. Nó…, lại thêm một lần nữa, không tả được thành lời!

Em Phong kéo mình lách qua một số hàng rào kẽm gai mà những người thợ xây đã dựng nên để cản trở đám đông hành hương của ban ngày tiến vào khu vực họ vẫn còn đang xử lý mấy khâu cuối cùng. Mình lại thêm một lần cảm thấy xúc động dạt dào. Thật sự, cũng như một món quà âm thầm của Ơn Trên an bài, lúc chúng mình đến, đám đông khách hành hương đã rút xuống hết rồi, chỉ chừa lại mỗi mấy người chúng mình cùng với một khoảng không bao la vô tận. Trời đêm sẫm tím, và trên nền ấy, là bóng tượng Ngài Shiva uy nghi thần dũng. Và trên lòng bàn tay Ngài, ôi, chính là chữ OM theo lối ký tự mềm mại mà chính các bạn team OM Malas nhà mình đã chọn đưa vào logo các bạn đấy thôi!

Nói tới đây thì chắc cần giải thích thêm một chút. Chữ OM vốn là mẫu âm của vũ trụ, nên không phải chỉ có ở Phật giáo (Mật tông), mà một số tôn giáo khác vùng dọc theo Himalaya như Hindu giáo cũng rất trọng mẫu âm này. Hindu giáo và Phật giáo có không ít nét tương đồng khác nữa, và có lẽ đó cũng là lý do vì sao, tụi mình luôn cảm thấy thân thương với những nét tương đồng này, ở cả hai tôn giáo.

Bước xuống khỏi bệ Đại tượng, anh đối tác của chúng mình dắt tụi mình đến một tượng chú Bò thần Nadine cũng rõ to, và dạy chúng mình thủ thỉ (whisper) những lời ước nguyện vào tai chú. Anh nói, trong tín ngưỡng của Hindu giáo của các anh, Bò thần rất biết lắng nghe và chuyển tải những ước nguyện thiện lành của chúng ta. Tụi mình, đang mang tâm hoan hỉ, bèn đến thủ thỉ vào tai Bò thần, ước nguyện sớm đưa được đoàn nhà MayQ đến thăm lại nơi này.

Đường đi xuống đồi tính ra cũng… vất vả không kém gì lúc đi lên, vì trời đã tối hẳn, và chúng mình phải mở đèn pin trên điện thoại để dò từng bước chân. Tuy vậy, trải nghiệm có một không hai này vẫn cho tụi mình một cảm tưởng khó quên: cả một thành phố Pokhara triệu ngọn đèn lung linh, giờ đây đang bày ra trước mắt chúng mình như một bữa tiệc ánh sáng long lanh tinh tế. Thốt nhiên nhớ lại, trong một tiểu thuyết ngày xưa mình đọc được của nữ sĩ Quỳnh Dao, Ánh đèn đêm qua, trong đó có cảnh nhân vật nam chính đưa người phụ nữ anh yêu lên một ngọn đồi mà ngắm thành phố về đêm. Anh nói, dưới mỗi ngọn đèn là một gia đình, và mỗi một gia đình đều có những niềm vui nỗi buồn của họ, nào ai thấu hết đâu… Tự nhiên mình có chút cảm thán. Triệu ngọn đèn li ti chúng mình ngắm được thành phố Pokhara đêm ấy, liệu cũng có những câu chuyện vui buồn, mà người ngoài không thể thấu? Ngẩng đầu lên, trăng lưỡi liềm vằng vặc trên bầu trời đầy sao. Tượng Thần Shiva thêm một lần ánh lên dưới trăng, đẹp khó tả.

Sau này về rồi, tụi mình lên mạng lục tìm thông tin thêm, thì mới biết, Pundit Kot là một trạm đồi gần Pokhara ở huyện Kaski của tỉnh Gandaki. Nơi này có điểm ngắm cảnh ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, và sừng sững tọa lạc trên đỉnh núi, là ngôi đền thờ đạo Hindu với đại tượng thần Shiva cao thứ hai ở Nepal, với tổng chiều cao 33m tính cả tượng và đế tháp stupa bệ bên dưới, được khắc họa bằng lòng tôn kính và tất cả sự tinh xảo của những người thợ thủ công sùng đạo.

Như đã nhắc ở một bài viết trước, đi khảo sát từ tận cuối 2022, mãi đến nay, tháng 4/2024, chúng mình mới đủ duyên mở được chuyến đi đến đây, và hơn nữa, là một chuyến đi mở đầu cho một dòng tour tương đối đặc thù hơn những dòng chúng mình đang mở trước đây. Dòng tour TỊNH sẽ dành cho những ai ý thức mình đang đi trong một chuyến đi mà ở đó chúng ta mở tầng sâu nhận thức của chúng ta để tiếp nhận, thẩm thấu, mở rộng cảm quan của chúng ta nhiều hơn là đi để chụp hình checkin và vui đùa đơn thuần. Và vì thế, khi đưa Nepal vào mở đầu cho dòng tour TỊNH, chuyến TỊNH Nepal dịp 30/4 này sẽ không thể nào thiếu được địa điểm Đỉnh núi Thần Shiva – Pundit Kot này. Và mặc dù trải nghiệm leo đồi chiều sẫm ra về lúc tối nó đặc biệt thật, nhưng cũng quá mạo hiểm với một đoàn nhiều người, mà cũng… bất khả thi với lịch đóng cửa buổi chiều của đền Thần Shiva trên đó. (Cho đến bây giờ, chúng mình vẫn nghĩ rằng ngày đó, chúng mình được trèo lên nơi đó, giờ đó là theo một sự dẫn dắt nào đó, và chỉ được diễn ra duy nhất một lần đó mà thôi). Thay vào đó, chúng ta sẽ đường đường chính chính mà leo đồi vào buổi sáng, lúc năng lượng mặt trời còn chan hòa khắp đó đây. Và khi lên đến đỉnh đồi, chúng ta kính đảnh lễ Thần Shiva tại đây. Sau đó, tự do tham quan, kinh hành, thiền tĩnh tâm…, hoặc ung dung tự tại phóng tầm mắt nhìn về nơi xa, bởi từ góc nhìn trên đỉnh đồi này, ta có thể nhìn thấy thung lũng Pokhara, hồ Phewa, dãy Himalaya và World Peace Stupa – Chùa Hòa bình Thế giới, vốn nằm trên ngọn núi thấp lân cận. Và cũng vừa hay, gần một năm nay chúng mình được tiếp cận thêm với bộ môn Yoga Thở – Thiền Mantra của Ấn Độ cổ, biết đâu, chúng ta lại sẽ có thể thưởng thức một bài thiền động trên nền một bài Mantra thật dễ thương, thật chạm ở đó thì sao.

Xuống đồi, dùng cơm trưa tại nhà hàng địa phương. Sau đó tiếp tục di chuyển lên ngọn đồi kế cận, đồi Anadu, nơi có Đại Bảo tháp World Peace Stupa – Chùa Hòa bình Thế giới mà chúng mình đã nhắc đến ở bài viết đầu tiên của chuỗi bài này. Và ở đó, sẽ chính thức có thời cộng hưởng cuối cùng. Đọc kinh Bổn Môn Pháp Hoa, niệm đề kinh Pháp Hoa, cầu nguyện cho hòa bình thế giới, lễ Phật, kinh hành… Chúng ta sẽ dành năng lượng thanh lành nhất để trải qua thời thiền đón hoàng hôn tại đó. Đây cũng là một dấu chấm thật đẹp đẽ để khép lại hành trình TỊNH Nepal đầu tiên của nhà MayQ Go chúng mình!

Nghĩ được đến đó, thấy trái tim mình nở hoa. Một dòng cảm xúc ấm áp chảy len lỏi trong huyết quản. Có ai đó nói rằng, hạnh phúc là tìm được những điều mình vô cùng yêu thích trong mỗi công việc mình làm. Với nhà MayQ chúng mình, hạnh phúc len lỏi trong mỗi phút giây như vậy, trong mỗi chuyến đi, trong mỗi hành trình. Thương lắm!

Gửi niệm lành cho tất cả những ai đủ duyên cùng có mặt cùng chúng mình trong chuyến đi đầu tiên, mở đầu cho dòng TỊNH Nepal của chúng mình, dịp 30/4 năm nay.

(31.3.2024 – QH & MayQ Team)

#TỊNH
#Canada
#MayQGo

Chia sẻ bài viết

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart