AN ẤN ĐỘ: CHUYẾN ĐI CỦA NHỮNG PHƯỚC LÀNH
[Chuyến AN trên đất Ấn 2023]
Giữa những ngày Sài Gòn cũng như cả nước đều nóng như trong cái chảo rang khổng lồ, lòng lại nhớ sáu ngày mát rượi trong suốt hành trình AN trên đất Ấn vừa rồi da diết.
Có thể nói, chuyến AN trên đất Ấn, rong ruổi sáu ngày qua các cung đường tại Mumbai, Aurangabad, Abhaneri, Agra, New Delhi của xứ Ấn đã tạo cho chúng mình một sự biết ơn đặc biệt. Cảm nhận thật rõ trong từng bước chân, từng hơi thở, từng vùng đất, rằng chúng mình đang được ‘che chở đặc biệt’ để hoàn thành trọn vẹn, thậm chí, hoàn thành xuất sắc chuyến đi này! Để rồi, về lại đây, nhìn lại, đó là sự tổng hòa ba yếu tố căn bản để làm nên một thành tựu: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
PHƯỚC ‘THIÊN THỜI’:
Còn nhớ khi quyết định lịch mở chuyến An trên đất Ấn sẽ vào dịp lễ 30/4, khá nhiều khách nhà MayQ bày tỏ quan ngại, rằng mùa này đất Ấn nắng nóng đổ lửa, không chịu nổi đâu, nên quyết chí… không chịu đi. Thậm chí, có một chị khách thiệt là thân thuộc với MayQ, đã đăng ký thanh toán hoàn chỉnh, sau một đoạn thời gian, nghe bạn bè bàn ra bàn vào, cũng muốn thối tâm, muốn yêu cầu huỷ tour, làm tụi mình phải thuyết phục rằng chuyện đi đến một vùng đất linh không phải việc nói đi là đi muốn huỷ là huỷ, mà cần kiên định với quyết định của mình, vì chắc chắn không phải tự nhiên mà ta được thôi thúc đến với chuyến đi đó, đến với vùng đất đó. Cũng may, chị hành khách ấy đã nghe lời thuyết phục mà cũng quảy giỏ lên đường cùng chúng mình.
Buổi họp đoàn qua Zoom vào đầu tuần trước khi lên đường, mình còn chia sẻ với mọi người bản chụp màn hình dự báo thời tiết trong sáu ngày chúng mình sẽ tới. Nhiệt độ trung bình tầm 36 – 38 độ, cao dần lên từ Mumbai đến Aurangabad, rồi New Delhi và đỉnh điểm là Agra, nơi có đền Taj Mahal, dự kiến lên đến 41 độ C. Tụi mình tự động viên nhau, đem theo áo thật thoáng khí, áo khoác che nắng, mũ rộng vành, quạt mini…
Ngày đầu tiên đến Mumbai, trong sự hơi ngạc nhiên của chúng mình, Mumbai cũng bình thường, có phần mát hơn Sài Gòn một chút. Buổi sáng hôm sau đi thăm viếng khu hang động Kanheri, nắng nhẹ, trời mát mẻ dễ chịu với một cơn mưa Welcome Rain lất phất thiệt dễ thương. Ai cũng kêu, chà, sao không thấy nóng như lời đồn? Anh đối tác bảo, nơi này gần biển, dù sao cũng có gió biển. Cho nên có thể hôm nay như thế, mấy ngày tới bay tới Aurangabad, nằm sâu trong đất liền, có thể nóng rất nhiều. Bạn TL (tour leader – tức trưởng xe) phía Ấn còn dặn mọi người nhớ đem theo đôi dép đi trong phòng được phát ở khách sạn, để chiều hôm sau vào viếng thăm khu hang động Ajanta, chân bước trên đá phơi ngoài nắng nóng có thể gây bỏng chân.
Ngày hôm sau, bay tới Aurangabad. Một bạn trong đoàn cười nói, ngồi cạnh bạn trên máy bay là một người Ấn bản xứ. Khi biết tụi mình sắp sửa viếng động Ajanta, anh bày tỏ ái ngại, bảo mùa này nơi đó nóng khủng khiếp lắm, các bạn chuẩn bị bảo hộ kỹ, coi chừng sốc nhiệt nha.
Bước ra khỏi sân bay trong một cảm giác e dè… Ủa sao vẫn mát mẻ vậy? Anh lái xe địa phương bảo, à, nơi này sáng nay tự nhiên đổ mưa! Làm nhiệt độ giảm xuống, đỡ quá trời!
Tụi mình hơi nhẹ lo rồi nha! Leo lên xe, đi ba tiếng đường bộ nữa, vừa đọc kinh xong rồi nghỉ ngơi, vừa đáp vào nhà hàng gần khu thạch động Ajanta để ăn trưa thì trời đổ một cơn mưa to! Mưa đâu tầm chục phút, mọi người ngồi trong nhà ăn vừa ăn vừa ngắm mãi những dòng nước to đổ xiết bên ngoài. Mùa này, ở Ấn làm sao có được cơn mưa ngon lành vậy? Không biết! Chỉ biết rằng, khi chúng mình xong bữa trưa, mưa cũng đã tạnh rồi.
Cơn mưa làm cho không gian xung quanh dịu mát. Tụi mình từng người nối đuôi nhau đi dọc theo con đường dài dẫn lễn khu thạch động, thấy lòng biết ơn sâu sắc trong từng tế bào. Khu hang động Ajanta chính là nơi mình quan ngại nhất, sợ sẽ quá nóng, khách đoàn chúng mình có người chịu không nổi… Vậy mà sao thời tiết lại đẹp đến như thế, hỡi người?
Để rồi, trọn vẹn nguyên buổi chiều hôm ấy, buổi thăm viếng thạch khu Ajanta Caves trở nên đẹp như mơ!
Các cơn mưa trái mùa diễn ra ngày hôm ấy cũng làm cho dòng thác từ đỉnh núi đổ xuống ven đường lên thạch khu Ajanta trở nên rào rạt. Rất nhiều dòng nước nhỏ cũng róc rách rải rác ven đường chúng mình leo bộ dọc lên khu thạch động. Nước làm cho cây cối xung quanh xanh mát và tươi tỉnh hơn, hẻm núi uốn cong hình móng ngựa xuất hiện trong con mắt tụi mình hoàn toàn thi vị, nên thơ và đẹp mắt với dòng thác đổ, dòng suối xuôi róc rách, cỏ cây hoa lá đan chen nhiều vệt màu sắc, thảm sinh vật hoà cùng hơi thở tự nhiên của quần thể đá, kết hợp với dòng năng lượng dạt dào từ quần thể ‘chùa hang’ độc đáo… Tất thảy như đưa chúng mình về đúng y chang như trong những dòng mô tả đầy chất thi văn của cô Tôn Thư Vân từ cuốn Muôn dặm không mây, cuốn sách đầu tiên gợi duyên cho mình muốn tìm đến khu Ajanta. Hoặc giả, đây hoàn toàn có thể từng là khung cảnh mà ngài Tam Tạng Pháp Sư Trần Huyền Trang đã chiêm ngưỡng được, ngày ngài lặn lội tìm đến đây, vào cuối thế kỷ thứ sáu!
Những gì cần làm, chúng mình đều đã làm được trọn vẹn, đầy cảm xúc với lòng chân thành và kính ngưỡng, tại các hang quan trọng nhất ở thạch khu Ajanta. Để rồi, nghĩ rằng đã hoàn tất rồi, chúng mình bước ra ngoài chiếc hang động cuối cùng, cũng là hang quan trọng nhất, hang số 26, nơi có tượng Phật nhập Niết Bàn to chạy dài một bên cánh trái hang, nơi có khắc hoạ ngài A Nan dưới chân Phật mà chúng mình đã nhận ra và xiết bao cảm kích từ lần đến trước đây khảo sát. Đây cũng chính là hang động được cô Tôn Thư Vân mô tả dạt dào cảm xúc nhất trong quyển sách Muôn dặm không mây của cô, và cũng chính là nơi Ngài Huyền Trang từng đến viếng như hành trình cuối cùng của ngài tại đất Phật. Chúng mình đang đứng ghi hình phần phỏng vấn một vài thành viên về cảm tưởng sau buổi chiều tại đây, thì một lần nữa, mưa lại trút xuốt một cách đột ngột!
Cơn mưa thứ hai này làm cho tất cả chúng mình phải dội ngược trở vào hang động 26. Và ngồi bên nhau trong hang chờ mưa tạnh, chúng mình đã rủ nhau trì một thời Chú Lăng Nghiêm. Tiếng cùng nhau trì Lăng Nghiêm Chú từ 30 con người nhất tâm đồng lòng vang vang trong nội gian chánh điện hang động số 26. Nhìn qua, chúng mình vừa hay đang tập trung ngay dưới chân phù điêu khắc hoạ ngài A Nan! Và ngay lập tức, mình ‘bắt’ được dự kết nối vi diệu giữa ngài A Nan và Chú Lăng Nghiêm, khi ngày xa xưa, ngài A Nan từng được Đức Phật dùng chú này cứu khỏi nạn phạm giới từ người nữ Ma Đăng Già, và sâu xa hơn, Đức Phật đã từng lấy ngài A Nan để làm đối tượng dạy dỗ chính qua bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Phút giây ấy, mình xúc động vô cùng.
Đọc xong bài Chú Lăng Nghiêm thì trận mưa ban nãy cũng đã vừa hay tạnh ráo, nắng lại ửng lên vàng ươm trong chiều muộn. Mọi người ồ lên, nói thật vi diệu! Phải chăng cơn mưa thứ hai này đổ xuống vừa vặn làm một ‘cú ép’ khiến cả đoàn phải dội ngược vào trong hang động số 26, để chúng mình phải đọc cho được một thời Chú Lăng Nghiêm tại đây; mà đồng thời, cơn mưa cũng là một duyên lành, khiến chúng mình có cơ hội, nhờ trú mưa mới được an trú trong chánh điện hang động quan trọng bậc nhất tại toàn thể thạch khu Ajanta này mà đọc kinh trì chú, vì theo lệ thường, với hang động quan trọng nhiều người lũ lượt ra vào viếng thăm như hang 26, mọi hoạt động tập trung ngồi lâu sẽ không được cho phép!
Phải chăng, tất cả đều đang được an bài bởi Ơn Trên một cách tỉ mỉ, vi tế, để nhằm làm cho mọi khâu mọi bước trong chuyến đi được tuần tự diễn ra một cách đẹp đẽ, trọn vẹn như thế? Cả đoàn đều cảm nhận thật rõ, lực gia hộ của Ơn Trên với đoàn chúng mình qua chuyến đi này, thật rõ nét!
Ngày hôm sau nữa, đoàn đến thăm khu hang động Ellora. Tại đây, trời tiếp tục mát lành. Anh hướng dẫn viên địa phương bảo, mùa này thường đã rất nóng. Tuy vậy, nhờ vào những cơn mưa hai ngày nay, mà thời tiết đã dịu đi rất nhiều. Nắng không quá gay gắt buổi đầu ngày, vẫn đủ rực rỡ tỏa một lượng năng lượng thanh mát vào bên trong hang động mở lớn nhất thế giới được đẽo khắc từ một khối đá duy nhất, động Kailash, cũng là hang động linh thiêng nhất trong tâm thức của tín đồ Hindu giáo. Chúng mình đã đủ may mắn ngồi đó, tĩnh tâm thiền dưỡng sinh và Ho’Oponopono trong không gian đầy ắp năng lượng thanh lành đó, để xả trược và tích đầy năng lượng cho bản thân, và cho cả đoàn!
Ngày hôm sau nữa, đoàn lên xe, đi rong ruổi sáu tiếng nữa để đến Abhaneri, thăm viếng chiếc giếng bậc thang hình vuông nổi tiếng Chand Baori. Trời ngả chiều, lẽ ra rất nóng. Thế nhưng trong lúc chúng mình ngồi thiền dọc theo một cạnh giếng, gió vẫn thổi thoang thoảng, làm ai nấy đều cảm nhận được sự mát lành. Để rồi, sau khi bước qua ngọn đồi nhỏ cạnh bên, trời chiều tà, mặt trời đang lặn mặt trăng vừa lên, gió thổi mát lồng lộng. Không gian giản dị mà đơn sơ, hòa trong cái mát mẻ trời chiều, nó gợi lên cảm giác thanh bình của một thời thơ ấu không có tiện nghi thành phố, mà rất nhiều người trong chúng mình đã từng trải qua, và trân quý. Trong cái mát mẻ đầy mộc mạc của buổi chiều thôn quê xa xôi ấy, chúng mình tìm lại được sự bình an của một thời rất xa. Nhiều người cười nói như trẻ con, không ai muốn về!
Buổi sáng cuối cùng, đoàn viếng đền Taj Mahal. Nơi này, trong mô tả của dự báo thời tiết đầu tuần sẽ là 41 độ C, vậy mà ngạc nhiên chưa, buổi sáng chúng mình đến, trời râm mát, kèm gió nhẹ! Trời dịu đến nỗi những chiếc nón bỗng trở nên thừa thãi suốt gần như trọn vẹn chuyến tham quan, còn những chiếc khăn choàng bỗng chỉ còn chức năng tô điểm làm điệu cho các nàng chụp ảnh! Mọi người vừa dạo bước trong khuôn viên Taj Mahal vừa tấm tắc, như vầy mà sao mọi người đến đây thăm trước tụi mình cứ bảo là nóng lắm, nhỉ!
Để rồi, ngạc nhiên cuối cùng nằm chốn viếng thăm cuối cùng, đền Akshardam. Đây là một ngôi đền thờ nổi tiếng trang nghiêm và thiêng liêng của một nhánh lớn của Hindu giáo, lần trước được vào thăm, chúng mình đã vô cùng có ấn tượng và nhất định đưa địa điểm này vào lịch trình chính thức của chuyến An lần này. Thì vừa chuẩn bị đến nơi, trời đổ cơn mưa nhẹ. Mưa tuy không quá lớn, nhưng nhất định dai dẳng, nha! Tụi mình không sờn lòng, đội mũ hoặc trùm khăn…, đi dưới cơn mưa để hoàn thành phần thăm viếng. Ai nấy đều không ngớt trầm trồ trước những kiến trúc tinh xảo của gian đền thờ chính, có điều cũng ý thức về sự sâm nghiêm, không được đem theo bất kỳ điện thoại hay máy chụp ảnh vào, nên không ghi lại được tấm ảnh nào để chia sẻ lại cho các bạn đọc xa gần. Đi ra, lên lại xe an toàn và không ai bị quá ướt. Tụi mình chợt nhận ra, cơn mưa cuối cùng ấy đã đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi ‘những cơn mưa lộc’ đã đổ xuống cùng đoàn trong suốt sáu ngày của hành trình.
_ Ngày thăm viếng đầu tiên tại thạch khu Kanheri, đó là cơn Welcome Rain với những hạt lắc rắc nhẹ nhẹ như để chào đón, thể hiện thiện ý với chúng mình.
_ Ngày thứ hai, hai cơn mưa đắt giá đổ xuống đúng thời điểm, làm cho trời đất Ajanta mát dịu, thắm xanh, và làm cho những hoạt động tâm linh ý nghĩa nhất của đoàn được đủ duyên diễn ra, tại nơi linh thiêng nhất toàn khu thạch động Ajanta.
_ Những ngày tiếp nối, mưa thi thoảng dìu dặt, đủ để làm mát lạnh dọc đường. Đến nỗi, các buổi tối xuống xe về khách sạn, trời mát lạnh còn tầm 21- 23 độ, đầu giờ sáng bước lên xe, trời chỉ tầm 19 độ C. Cái mát lạnh dễ chịu y như ở Đà Lạt, khiến chúng mình nói vui, này nào phải chuyến An Ấn Độ đâu, mà là một chuyến Đại cộng hưởng ở Đà Lạt nè!
_ Ngày cuối cùng, cơn mưa đổ xuống xuyên suốt thời gian đoàn đi vào thăm viếng ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của Hindu giáo. Mưa đủ thấm ướt vừa phải mỗi thành viên, mang hàm ý xả xuống toàn bộ năng lượng trược, xấu còn tồn đọng trên mỗi người, và qua đó, mưa cũng tưới tắm thêm cho chúng mình lộc phúc và lộc tài, bởi ngôi đền Akshardam được tín đồ của một nhánh Hindu giáo nổi tiếng sung túc và khá giả.
Chúng mình nói với nhau, đó, thấy không, một khi đã quyết tâm đi, đến với vùng đất thiêng và không sợ khó không sợ khổ, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi thử thách khó khăn về thời tiết xảy ra, thì rốt cục chúng ta cũng đã được Ơn Trên đãi ngộ cho đầy đặn như thế đó! Thật là biết ơn sâu sắc mà!
PHƯỚC ‘ĐỊA LỢI’:
Mùa lễ 30/4-1/5, người Việt mình đổ đi chơi khắp nơi, khiến nhiều nơi quá tải. Nhưng không mấy người Việt chọn đổ đến những vùng này của Ấn Độ, mà những du khách các nơi khác cũng ngại đến, do ngán cái nóng. Vì thế, suốt những ngày chúng mình đi, các nơi thắng cảnh đều rất thư thái, có thể ung dung thưởng thức gần như trọn vẹn những điểm đặc sắc nhất, những khoảnh khắc xuất sắc nhất của mỗi hành trình.
Cũng do không phải mùa cao điểm, nên chúng mình chọn được những khách sạn năm sao đẹp và độc đáo nhất, mỗi ngày đi xa mệt mỏi, về, niềm vui của chúng mình là được ngắm xem hôm nay khách sạn độc đáo kiểu gì. Mỗi giấc ngủ đều thật êm ái ngon lành dễ chịu, để rồi, các chị ngạc nhiên kêu: vì sao ngày nào cũng đi thật nhiều làm thật nhiều hoạt động, tối về nhiều khi thấm mệt, ngủ cũng thật ít, có ngày cũng chỉ ngủ vài ba tiếng. Vậy mà sao cứ mỗi sáng thức dậy gặp nhau trên xe, trông ai cũng rạng ngời ngời, năng lượng như lại được rót đầy? Tụi mình cười, đó chính là thế mạnh ‘khó tả bằng lời’ của việc đi đến những vùng đất giàu năng lượng, mà không chỉ dừng lại ở việc chụp hình check in, mà còn để ý đến các hoạt động tích năng lượng!
Một điều khó thể không nhận ra nữa, là dường như mọi cái có một sự sắp xếp thật vi tế, để rồi bất ý ở chỗ này hoàn toàn có thể trở thành duyên mở lối cho một điều thật hoan hỉ lợi lạc tiếp sau đó. Trong lịch trình của ngày thăm viếng đầu tiên, tụi mình dự kiến thăm đền Iskcon – một nhánh khác thờ Thần Krishna của Hindu giáo tại Mumbai. Hôm đó ở Mumbai kẹt xe khủng khiếp, thế là trôi mãi gần bốn tiếng trên đường, đã đến giờ đền đóng cửa mà tụi mình vẫn chưa chạm được đến đền. Thế là đành quay xe về.
Tưởng chừng đã hủy luôn điểm đó rồi, nhưng anh đối tác người Ấn đã cố gắng sắp xếp để ngày thăm viếng thứ tư, tụi mình có cơ hội đến thăm một chi nhánh khác của đền Iskcon ngay tại New Delhi. Lần đến thăm này diễn ra vào đầu giờ sáng. Chúng mình đến, được đền cử một cô gái thật trong sáng dễ thương, ra chia sẻ và thuyết cho chúng mình về tầm quan trọng của việc nhận biết ‘Con người thật của chính ta’, chính là thể linh hồn đi qua nhiều đời kiếp sống, để rồi con người ta không nên chỉ biết ngụp lặn trong ăn, ngủ, yêu đương và đấu đá lẫn nhau – vốn là những thứ thường diễn ra trong đời sống của một con người ‘điển hình’, để biết vươn lên, khơi dậy được con người tâm linh sâu thẳm trong bản thân mỗi người. Bởi vì, “Cho dù ở đời này bạn có học lên được tới thạc sĩ tiến sĩ, thì quay trở lại ở đời sau, với thân người vật lý mới, bạn vẫn phải học lại từ ABC. Trong khi nếu đời này bạn khởi được con người tâm linh của bạn lên, ví dụ như trong thang tiến hóa có tổng cộng 10 cấp bậc, và đời này bạn chạm được cấp độ 5, thì đời sau quay lại, bạn sẽ có thể tiếp tục đi lên từ cấp độ 5 này, để phát triển tiếp lên nữa!”
Thông điệp này hoàn toàn trùng khớp với thông điệp mà nhà MayQ chúng mình luôn nhấn mạnh trong các bài giảng từ những buổi đầu tiên, các lớp quản trị cuộc sống với Nhân số học. Cho nên, đối với hai phần ba các thành viên quen thuộc của đoàn, vốn là những học viên gắn bó lâu năm với các khóa học của nhà MayQ, được nghe nhắc lại thông điệp ấy từ một người phát ngôn của một tôn giáo khác, đó thực sự là một điểm trùng nhau thú vị. Và đối với một số những thành viên mới tham gia với nhà MayQ lần đầu, đây thực sự là những thông điệp mang tính chất ‘đánh thức’, ‘khai thị’ cho họ đầy sức mạnh! Bởi trong số đó, có không ít người là những người rất thành đạt về đường đời, có người còn mang hàm phó giáo sư, tiến sĩ…, nhưng trước giờ lại mang chướng duyên, nên mãi vẫn đứng ngoài cửa con đường tâm linh lẽ ra họ phải bước vào, và bước dài sâu từ lâu.
Ngày hôm đó, được nghe những lời ‘đánh thức’ ấy, rồi bước vào trong, được đắm mình vào bầu không khí sống động, dễ thương và đầy thuần thành của các tín đồ Hindu giáo, chúng mình thật sự cảm nhận sâu sắc, thế nào là sự tương đồng và dị biệt ở mỗi tôn giáo, tín ngưỡng, thế nào là chuẩn bị cho mình tâm thế trân trọng mọi sự tương đồng và tôn trọng mọi sự khác biệt, không dị ứng, không chê trách, và từ đó, dẫn đến một tâm thế “hòa đồng chứ không hòa tan”. Khá nhiều thành viên trong đoàn hào hứng tham gia các bước nhảy đầy sôi nổi trong nghi thức đầu ngày của họ, chúng mình cũng hoan hỉ nhận lấy những mẩu kẹo ‘blessings’ (được chúc phúc qua) và ăn để cảm nhận mùi vị đa dạng của các loại bánh trái dâng cúng dường của các tôn giáo… Tụi mình cũng học thêm được ở họ cách thực hiện các nghi thức trang trọng mà vẫn vô cùng sôi nổi, thú vị, âm nhạc thì rộn rã, như trong một cuộc event với sự thu hút rõ ràng. Chúng mình nói với nhau, thế nhé, đi một ngày đàng học một sàng khôn, rõ ràng sau cuộc đến thăm ngày hôm nay, chúng mình đã mở mang được thêm sự hiểu biết ít nhiều rồi đó! Nếu buổi tối hôm ấy đến được ngôi đền cùng tên ở Mumbai, có lẽ cũng chỉ được vào viếng, đảnh lễ rồi về thôi, nào được hưởng thêm nhiều sự lợi lạc như thế về tinh thần!
PHƯỚC ‘NHÂN HÒA’
Đây cũng là một phước vô cùng lớn mà tụi mình đều trân quý và biết ơn mỗi ngày.
Từ khi đi khảo sát nhánh hang động tâm linh vô cùng linh thiêng Ajanta – Ellora – Kanheri về, trong lòng chúng mình đã dâng lên một quyết tâm, bằng mọi giá phải mở cho được tuyến đường mới này, và hơn thế nữa, phải làm cho tuyến đường này trở thành một tuyến đường được nhiều người hữu duyên với nhà MayQ biết đến, và chọn lựa tham gia. Thế nhưng, có lẽ cũng do thử thách bước đầu, chúng mình về, viết những bài ký sự hành trình kiểu ‘rút ruột rút gan’ cũng đã viết, dựng lại bài đăng trên kênh Youtube của mình cũng đã đăng, rồi đi vào mỗi chuyến đi, mỗi khóa học, mỗi hoạt động lớn…, chúng mình đều kể những nơi này linh thiêng thế nào, đặc biệt ra sao… Vậy mà vẫn rất lác đác người đăng ký. Tụi mình bàn qua với phía đối tác Ấn, quyết tâm, bao nhiêu người đi cũng vẫn mở, và đã mở, thì sẽ phải lo cho chuyến đi trọn lành, đẹp nhất khả năng có thể!
Để rồi, trong số ‘lác đác, lai rai’ những vị khách đầu tiên đăng ký tham gia đó, mình nhìn… toàn thấy những cái tên vô cùng quen thuộc, toàn là những gương mặt đã từng gắn bó sâu đậm với MayQ, nếu không phải là những khóa học, thì là những chuyến đi. Có nhiều bạn học lên tới cấp độ 5, cấp độ 6 các khóa Nhân số học. Có nhiều chị gắn bó với hầu như 90-95% các chuyến đi xa gần với nhà MayQ tụi mình… Tụi mình hiểu, họ chưa hoàn toàn hiểu chuyến đi này thú vị bao nhiêu, lợi lạc thế nào đâu, vấn đề lớn nhất, là họ Thương và Tin tưởng tụi mình! Và một khi tụi mình thiết tha rủ đi, thì họ đi với tụi mình, vậy thôi!
Để rồi, những ngày diễn ra chuyến đi, chính nhờ sự hiểu và thương sâu sắc này giữa các phía, mà chúng mình đã hầu như không mất nhiều thời gian để làm quen lại từ đầu. Họ vốn đã thương, đã tin sẵn, nay cảm nhận được sự vi diệu trải dài qua những sự ‘thiên thời – địa lợi’ được an bài dọc dài chuyến đi, càng củng cố thêm tình thương và niềm tin hơn nữa. Và chính họ, chứ không phải chúng mình, đã là những người thuyết phục những gương mặt mới, những người mới tham gia với nhà MayQ lần đầu tiên, để rồi như một sự tự nhiên, những người mới này đã tự động được hòa nhập vào ‘cộng đồng Bồ đề quyến thuộc’ nhà MayQ, cùng vui, cùng cười, cùng đọc kinh, cùng thiền, cùng lạy sám hối, cùng nắm tay, cùng ôm ôm nhau… Năng lượng của cả đoàn, trong suốt những ngày đi, đều là năng lượng tuyệt đối, mà nói một cách dân dã, là… không có ai bị ‘sọc dưa’, dẫn đến những sự cố đáng tiếc cho chuyến đi cả! Thương lắm!
Với đất Ấn, chúng mình còn có phước có đối tác thực sự hiểu chuyện, và nhất tâm hòa cùng chúng mình theo đúng tinh thần ‘One Team Spirit’. Các anh lăn xả, cùng chúng mình lo cho đoàn trong từng chi tiết nhỏ nhất, không so đo tính toán, không màng vất vả ngày đêm…, dẫu cho đoàn chỉ vỏn vẹn 27 khách, cái sự lo lắng chăm sóc vẫn không khác gì chúng mình từng chung tay chăm sóc cho đoàn Đại cộng hưởng Ấn Độ hai máy bay charter 350 khách vào tháng 10 năm ngoái! Và cũng hiểu, do các anh cũng là những tín đồ Hindu thuần thành, nên khi nói về những việc tâm linh, các anh thậm thấu hiểu, và đều lo hết sức chu toàn cho mọi hoạt động của đoàn đều diễn ra hoàn hảo. Tụi mình biết ơn sâu sắc cái phước này. Thương lắm!
Chúng mình cũng có phước khi đi đâu cũng gặp người dễ thương, từ các bạn nhân viên hỗ trợ tại các khách sạn, đến các bác lái xe, anh phụ lái, đến các cô gái ngẫu nhiên gặp tại đền Taj Mahal, sẵn sàng nhiệt tình chủ động đề nghị giúp các cô gái vận saree của đoàn mình quấn lại saree cho đúng thuật của người bản xứ. Thương lắm.
PHƯỚC ‘THIÊN THỜI – ĐỊA LỢI – NHÂN HÒA’ => MỘT CHUYẾN ĐI MỸ MÃN!
Để rồi, trên nền tảng của thế kiềng ba chân: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, một chuyến đi đẹp mỹ mãn đã hoàn tất! Mỗi ngày là một ngày vui. Mỗi ngày đều để lại vô cùng nhiều những trải nghiệm vi diệu và sự gắn kết, thấu hiểu, cảm thông và thương quý nhau không tiền bạc nào mua được.
Chúng mình sẽ lâu lắm mới phai đi những trận cười ngất ngư trên xe, mỗi khi có một chia sẻ dễ thương hay một ‘chất khùng tự nhiên’ của một ai đó được tự nhiên bày tỏ.
Chúng mình sẽ lâu lắm mới phai đi những sự gắn kết vô bờ, khi những thành viên cũ đã không ngại ngần dùng những trải nghiệm của mình để động viên, khích lệ những thành viên mới, vốn tham gia chuyến đi này như một sự chữa lành, không chỉ là tâm bệnh, mà còn là thân bệnh. Có bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, ngày đầu lên xe còn nằm rũ rượi, có khi muốn bỏ cuộc không đi nữa, vậy mà nhờ sự chia sẻ, vạch đường theo các đỉnh cao trong Nhân số học, để bạn nhìn ra bạn không phải ‘hết đường’ mà đây chỉ là cú hích để bạn quay về tu tập, khơi lại được con người tâm linh sâu mầu vốn có sẵn trong bạn, thì bạn thoắt cái, trở thành con người khác hẳn: rạng rỡ hơn, tươi tắn hơn, hoạt bát hơn. Tụi mình nói vui, cô ấy đã… bỏ lại con người bệnh tật cũ tại các hang động ở Ajanta rồi!
Chúng mình cũng sẽ lâu lắm mới mờ đi cái ấm áp của những ánh mắt, những nụ cười, sự thân thiết, những cái nắm tay, ôm ôm… đầy tình thương, giữa các thành viên với nhau.
Tụi mình hiểu, cũng không phải ngẫu nhiên mà tụi mình có được cái phước này. Vì thế, cũng đã không phụ lòng gia hộ của chư Ơn Trên, chúng mình cũng đã dành sáu ngày này làm được khá nhiều điều để tinh tấn hơn cho mỗi thành viên trong đoàn:
_ Mỗi ngày đều đảm bảo một thời trì Khấn nguyện trợ duyên.
_ Thiền tĩnh tâm, Ho’Oponopono mỗi khi có thể.
_ Gieo duyên cùng nhau đi qua ba quyển Thượng, Trung, Hạ cuốn Kinh Địa Tạng, tranh thủ đọc trên xe.
_ Gieo duyên đọc lời sám hối với chư vị oan gia trái chủ gây tật bệnh trên thân, trì rất nhiều thời niệm Phật, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, Chú Vãn Sanh…
_ Lạy Sám hối được một thời trong hang động ở Ellora.
_ Trì Chú Lăng Nghiêm trước tượng ngài Anan trong hang động ở Ajanta.
_ Trải nghiệm một thời thiền quán hơi thở (Anapana) theo hướng dẫn của các chuyên gia ở Trung tâm thiền Vipassana lớn thứ hai thế giới tại Mumbai.
_ Cùng nhiều sự mở mang trải nghiệm các nhánh khác nhau của Phật giáo, Hindu giáo, Hồi giáo…
Sau sáu ngày, ai nấy quyến luyến chia tay. Những dòng nhớ nhung vương vấn vẫn rộn ràng nhóm trao đổi nội bộ. Tụi mình biết, những ngày qua ít nhiều đã tập được cho các thành viên trong đoàn thói quen hành trì kinh kệ, tu tập mỗi ngày, vì thế, AN không chỉ là một chuyến An, mà còn là một bước khởi đầu cho một thói quen sống mới hướng về sự an lạc dài lâu và ổn định.
Hơn thế nữa, chúng mình đều hiểu, với chuyến đi mở đầu, tuy ít người nhưng đầy mỹ mãn này, đây đã chính thức mở ra một lịch trình mới, đủ đảm bảo tính hấp dẫn về mặt du lịch ngoạn cảnh, và đầy tính lợi lạc cho việc kết nối bản thân với một môi trường tu tập đầy lợi lạc, ở một vùng đất linh thiêng và đầy năng lượng, là đất Ấn Độ. Sau chuyến đi mở đầu này, nhà MayQ sẽ mở chuyến đi tiếp theo trong hành trình AN – Ajanta, Ellora, Kanheri, Abhaneri, Taj Mahal này vào đầu xuân năm sau, tiếp sau chuyến AN đến đất Chiang Mai – Chiang Rai vốn cũng ghi dấu trong lòng không ít du khách nhà MayQ. Vì thế, những ai đọc qua những gì tụi mình ghi nhận được qua các bài viết ký sự hành trình lần này, ngắm nhìn những hình ảnh sinh động và chân thật đi kèm, mà thấy tâm mình rung động, bạn hãy thu xếp nhé, chúng ta cùng có mặt trong hành trình AN trên đất Ấn, tháng 2/2024, nha! (Bạn nào có nhu cầu nhận được thông tin, vui lòng liên lạc page MayQ Go và để lại thông tin cá nhân, khi nào chúng mình chính thức mở lại tour này, sẽ nhắn cho các bạn trước nhất, nhé!)
Gửi niệm lành cho tất cả.
Thương lắm!
(6.5.2023 – QH & MayQ Team)
Không có bình luận